Thursday, 23 July 2015

Trung Quốc giật dây vấn đề biên giới Campuchia–Việt Nam (Nam Nguyên - RFA | TS Trần Công Trục)





Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015-07-23

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Samdech Hunsen tại lễ khánh thành cột mốc 314 ngày 24/06/2012.  RFA

Tranh chấp biên giới giữa Việt Nam và Campuchia gần đây rất căng thẳng và dễ trở thành xung đột. Liên Hiệp Quốc đã đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen cung cấp một phần thông tin về bản đồ phân định biên giới với Việt Nam. Nguyên do nào khiến Phnompenh khuấy động vấn đề biên giới, mặc dù hai bên đã có các Hiệp định phân định biên giới năm 1983, năm 1985 và Hiệp ước bổ sung 2005. Nam Nguyên phỏng vấn Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ hiện sống và làm việc ở Hà Nội về vấn đề này.

Nam Nguyên: Thưa TS Việt Nam và Campuchia đã phân định đương biên giới theo hiệp định 1985 và trên cơ sở bản đồ Bonne do chính Quốc vương Norodom Sihanouk bảo lưu tại LHQ. Khúc mắc chính trong vấn đề biên giới giữa hai nước hiện nay là gì?
TS Trần Công Trục: Như các bạn đã biết Việt nam và Campuchia đã trải qua một quá trình giải quyết biên giới và lãnh thổ của hai nước, bắt đầu khi chế độ diệt chủng Pôn Pốt bị lật đổ, chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia được thành lập. Vấn đề đầu tiên hai bên thỏa thuận được một hiệp ước về nguyên tắc, là dùng đường biên giới thể hiện trên 26 mảnh bản đồ Bonne của sở Địa dư Đông Dương xuất bản trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 làm cơ sở pháp lý, để hai bên dựa vào đó mà giải quyết vấn đề hoạch định biên giới và sau đó là vấn đề phân định biên giới cắm mốc, để giải quyết các tồn đọng về vấn đề biên giới giữa hai nước.
Vấn đề ở đây tại sao hiện nay có một số người Campuchia, một số chính khách cũng như dư luận Campuchia nói rằng là, nếu dựa vào bản đồ đó thì vấn đề phân giới cắm mốc và các thỏa thuận của hai bên có những sự không đúng. Nó có câu chuyện thế này, khi mà xem xét 26 bản đồ gốc đó thì có một số của hai bên đưa ra không phải là bản gốc. Thứ hai là có một số dường như bị cạo sửa, điều này cần lưu ý. Về nguyên tắc đã thông qua bản đồ thì không ai có thể chối bỏ được, nói như vậy vì chính Campuchia chính vua Sihanouk đã gởi lên Liên Hiệp Quốc để xin đăng ký lưu chiểu 26 tấm bản đồ phân định đường biên giới với Việt Nam. Vấn đề quan trọng khi xem xét nó là xem xét các tấm bản đồ đó có bị thay đổi cạo sửa hay không.
Tôi cho rằng phía Campuchia hiện nay đã có sự nhìn nhận về chuyện đưa ra các bản đồ mà dường như đã bị cạo sửa, mà hai bên đã phát hiện ra. Họ dùng chuyện đó để nói rằng vấn đề giải quyết đường biên giới giữa hai bên có sự bất công, không công bằng giữa Việt Nam và Campuchia. Tôi muốn nói thêm về xử lý các bản đồ là như vậy.

Ngày 19 tháng 7 vừa qua, hàng ngàn người Campuchia do Đảng Cứu Quốc dẫn đầu đã đến khu vực biên giới giữa Campuchia và Việt Nam ở cột mốc 203 đòi kiểm tra việc phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia. RFA

Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ, Thủ tướng Hun Sen mượn các bản đồ bảo lưu tại LHQ thì điều này có gây quan ngại cho VN hay không, ngoài bản đồ Bonne còn các bản đồ nào khác từ thời pháp thuộc hay các triều đình VN mà khác với bản đồ Bonne hay không và họ có thể dựa trên các bản đồ khác hay không.
TS Trần Công Trục: Các bạn nên nhớ rằng phía Việt Nam và Campuchia đồng thuận đường biên giới thể hiện trên 26 mảnh bản đồ gốc do Pháp xuất bản chứ ngoài ra không có thứ bàn đồ nào khác. Khi đã thống nhất lựa chọn 26 tấm bản đồ gốc không có cạo sửa, thì các chuyên gia kỹ thuật bản đồ của hai bên phải chuyển đổi đường biên giới trên bản đồ Bonne đó sang một loại bản đồ địa hình, mà hai bên thống nhất và dùng làm bản đồ kèm theo hiệp ước hoạch định, là bản đồ UTM của Mỹ sản xuất. Đây là cả một vấn đề kỹ thuật. Các chuyên gia kỹ thuật bản đồ từ hệ qui chiếu bản đồ Bonne khác với hệ qui chiếu UTM của Mỹ, bây gờ chuyển sang toàn bộ được mô tả theo bản đồ UTM của Mỹ và kèm theo hiệp ước hoạch định biên giới mà hai bên ký kết vào năm 1985.
Trên cơ sở hiệp định ký kết theo đúng thủ tục pháp lý, đường biên giới được mô tả trên hiệp ước đó cũng như bản đồ UTM của Mỹ được chuyển đổi từ bản đồ Bonne của Pháp sang. Đó là cơ sở pháp lý duy nhất để hai bên triển khai công tác phân giới cắm mốc và nếu như xem xét đối chiếu người ta phải dùng bản đồ UTM của Mỹ đã được chuyển từ bản đồ Bonne sang đấy để mà xem các vị trí các bên cắm mốc đúng hay sai, chứ không thể dùng bản đồ Bonne để tính toán được nữa. Tôi xin nói về mặt kỹ thuật nếu mà không nhất quán thì sẽ tạo ra ngộ nhận, đây hoàn toàn là vấn đề kỹ thuật.

Nam Nguyên: Thưa, trên báo chí Việt Nam mấy ngày hôm nay Có những ý kiến về khả năng có bên thứ ba kích động vấn đề tranh chấp biên giới Việt Nam-Campuchia, đặc biệt báo chí hôm nay đưa tin Campuchia thắt chặt liên minh quân sự với Trung Quốc. Tiến sĩ nhận định gì?
TS Trần Công Trục: Rõ ràng đây là một thông tin mà tôi cho là hoàn toàn chuẩn xác, bởi vì câu chuyện ở Campuchia đang dựa vào thực tế những vấn đề biên giới, vấn đề dân tộc để hạ uy tín đảng cầm quyền hiện nay của Campuchia, trong việc tranh giành ghế cho mình tại Quốc hội trong kỳ bầu cử sắp tới. Một trong những lý do để có thể tranh thủ lá phiếu của người dân Campuchia chính là vấn đề biên giới. Họ đưa ra những thông tin mập mờ người dân bình thường không biết, không hiểu rõ các vấn đề như vậy thì họ có thể bị kích động, để nói rằng trong vấn đề đàm phán bây giờ chính phủ Campuchia có nhu nhược hay là làm không đúng làm sai. Nếu các bạn theo dõi những phát biểu của Thủ tướng Hun Sen hoặc phát biểu của những người đàm phán biên giới người ta đã nói rất rõ rồi.
Tất nhiên đàng sau tất cả những cái đó, tôi nghĩ rằng và tôi hoàn toàn chia sẻ với nhiều ý kiến và thông tin đã nói, là đã có người chống lưng cho các chính khách của các đảng phái đối lập về mặt chính trị, để dùng vấn đề biên giới kích động gây ra mất uy tín cho đảng cầm quyền chính phủ Campuchia và đồng thời chia rẽ mối quan hệ láng giềng giữa Việt Nam và Campuchia, đó chính là Trung Quốc.
Trung Quốc là bên đã có những hoạt động ráo riết trong việc giúp đỡ cho các chính khách các đảng đối lập như là Sam Rainsy. Các bạn nhớ rằng, Sam Rainsy đã từng tuyên bố Trung Quốc là tương lai của nhân loại, là người mà Campuchia có thể hoàn toàn tin tưởng. Bây giờ họ làm rất nhiều việc chúng ta đã biết rồi, không phải dấu diếm nữa người ta đã hỗ trợ về mặt ngoại giao, về mặt quốc phòng, kinh tế.
Họ làm mọi cách để dùng Campuchia gây ra những bất ổn trong khu vực, cả vấn đề biển Đông mọi người đã biết rồi. Cho nên là qua lịch sử phải biết chuyện Pôn Pốt đã gây ra cuộc chiến tranh biên giới tàn sát nhân dân năm 1979, chính là có bàn tay của một số người trong đảng cầm quyền của Trung Quốc. Rõ ràng chúng ta biết cả và hiện nay tôi nghĩ rằng người chống lưng cho các lực lượng đó chính là Trung Quốc.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Trần Công Trục đã trả lời phỏng vấn.

-----------------------------











No comments:

Post a Comment

View My Stats