Tuesday, 7 July 2015

Tổng thống Mỹ tiếp lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam tại Nhà Trắng (Tú Anh - RFI)





Tú Anh  -  RFI
Đăng ngày 07-07-2015 

Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam (T) tại Nhà Trắng, Washington, 07/07/2015REUTERS

Hôm nay 07/07/ 2015, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hội kiến Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng. Nghi lễ tiếp đón mang ý nghĩa biểu tượng và trọng thị, cho dù khách mời không phải là nguyên thủ quốc gia.

Theo thông cáo của phủ Tổng thống Mỹ, sáng nay, vào lúc 11 giờ 10 , Tổng thống Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng.
Trước đó, thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong cuộc gặp gỡ này, Tổng thống Obama thảo luận với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng những phương thức thắt chặt quan hệ toàn diện với Việt Nam, 20 năm sau khi bình thường hóa bang giao với Hà Nội. Phía Hoa Kỳ xem đây là dịp để thảo luận các hồ sơ khác từ Hiệp định Tự do Thương mại xuyên Thái Bình dương TPP, nhân quyền tại Việt Nam và hợp tác an ninh quốc phòng.
Theo Washington Post, chính quyền Obama cho biết Hà Nội bài tỏ nguyện vọng tăng cường quan hệ kinh tế và quân sự với Hoa Kỳ và Tổng thống Obama đã đáp ứng lại mong đợi này.
Sự kiện bất thường gây chú ý là ông Nguyễn Phú Trọng được đón tiếp trong Phòng Bầu dục, một vinh dự hiếm khi dành cho khách mời không phải là nguyên thủ quốc gia.
Giới bảo vệ nhân quyền và nhiều dân biểu Mỹ chỉ trích Tổng thống Mỹ tiếp ông Nguyễn Phú Trọng một cách trọng thị, trong khi tại Việt Nam còn hơn 100 tù nhân chính trị.
Theo dân biểu Zoe Lofgren, bang California, nhân chuyến viếng thăm Việt Nam hồi tháng 3, bà đã trao cho ông Nguyễn Phú Trọng danh sách các tù nhân chính trị và đòi Hà Nội phải trả tự do cho những tù nhân này.

*
*

Tú Anh  -  RFI
Đăng ngày 07-07-2015 

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam được tổng thống Mỹ đón tiếp một cách vinh dự trong Phòng Bầu dục. Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa lãnh đạo một siêu cường tự do và lãnh đạo một chế độ độc tài, không được chính giới và công luận Mỹ đồng tình. Nhưng tình hình địa chính trị tại châu Á Thái Bình dương buộc Washington và Hà Nội phải gạt qua những dị biệt để đương đầu với nguy hiểm chung.

Theo phân tích của AFP từ Washington, 40 năm sau ngày « Sài-gòn thất thủ » và 20 năm sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Tổng thống Mỹ sẽ nhân cuộc gặp gỡ với lãnh đạo đảng Cộng sản Việt nam để thông báo chuyến công du sắp tới tại Việt Nam. Năm 2000, tổng thống Bill Clinton, sau khi thiết lập bang giao với Hà Nội, đã đến Việt Nam trong động thái hòa giải lịch sử và tổng thống Obama sẽ tiếp nối chiến lược này.
Chính quyền Obama xem châu Á Thái Bình dương là mục tiêu chiến lược trong chính sách đối ngoại, không che giấu quyết tâm cải thiện và tăng cường quan hệ với Việt Nam. Hà Nội cũng muốn phát triển hợp tác kinh tế lẫn quân sự với Mỹ trong bối cảnh các nước Đông Nam Á đứng trước tham vọng biển đảo càng ngày càng lộ rõ và thái độ hung hăng lộ liễu của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, bản chất độc tài của Hà Nội đã gây phản ứng không thuận lợi trong công luận Mỹ. Trong một bức thư ngõ gửi tổng thống Obama, khoảng một chục đại biểu của Lưỡng viện Quốc hội Mỹ chỉ trích tổng thống mời ông Nguyễn Phú Trọng vào Nhà Trắng, trong khi ông không phải là nguyên thủ quốc gia, cũng không phải là đại diện một chính phủ do dân bầu. Các nhà dân cử Mỹ lên án « chế độ độc đảng là cội nguồn gây thảm họa cho nhân quyền tại Việt Nam » và họ kêu gọi tổng thống « yêu cầu Hà Nội trả tự do cho các tù nhân chính trị, chỉ vì phát biểu ôn hòa mà đã bị tù giam ».
Phía hành pháp Mỹ cũng công nhận là nghi thức đón tiếp ông Nguyễn Phú Trọng không theo thủ tục « truyền thống ». Tuy nhiên, một viên chức cao cấp, được AFP trích dẫn, lưu ý : lãnh đạo đảng Cộng sản là người nắm thực quyền tại Việt Nam. Cuộc gặp gỡ này là cơ hội để hai bên thắt chặc quan hệ.
Quan điểm của hành pháp không được giới bảo vệ nhân quyền chia sẻ. Ông John Sifton, thuộc Tổ chức Human Rights Watch, nhận định là Hà Nội không có tiến bộ nhiều « để có thể được tưởng thưởng đón tiếp trong Phòng Bầu dục ». Human Rights Watch nhìn nhận tổng thống Obama đã nhiều lần lên tiếng bênh vực cho các nhà tranh đấu tại Việt Nam, nhưng các thông điệp này ít được Hà Nội đáp ứng.
Theo AFP, trong quan hệ Mỹ-Việt, có hai hồ sơ quan trong sẽ được lãnh đạo Mỹ và Việt Nam bàn thảo: cấm vận vũ khí và hiệp định thương mại xuyên Thái bình dương TPP.
Cả hai hồ sơ này đều gắn liền với tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Tháng 10 năm 2014, Hoa Kỳ đã bãi bỏ một phần cấm vận vũ khí và đã cho phép bán cho Việt Nam trang thiết bị phòng thủ biến đảo như tàu tuần tra có võ trang. Tuy nhiên, một viên chức của bộ Ngoại giao cảnh báo: mọi biện pháp cung cấp vũ khí cho chế độ cộng sản Việt Nam cho đến bây giờ vẫn còn bị cấm và Hoa kỳ đã lưu ý Hà Nội là mọi quyết định mới tùy thuộc vào tình trạng nhân quyền.
Kế hoạch thiết lập vùng trao đổi mậu dịch tự do xuyên Thái Bình dương TPP đang thương thuyết cũng có điều kiện tôn trọng quyền tự do thành lập công đoàn độc lập mà Hà Nội rất e ngại.
Trong 6 năm qua, tổng thống Obama đã không ngừng tiến hành một chính sách ngoại giao mới, bắt tay hòa giải với kẻ thù cũ, chứng tỏ siêu cường số một thay đổi để các chính quyền độc tài tin cậy và noi gương. Ông đã chứng minh, lời nói đi đôi với việc làm, qua chính sách Miến Điện và Cuba, được công luận quốc tế, dân chúng và chính quyền hai quốc gia này hoan nghênh.
Liệu Việt Nam sẽ nắm lấy bàn tay thân thiện của Mỹ hay tự cho mình là một trường hợp ngoại lệ ?
Nhật báo Washington Post nhận định thẳng thừng : Barack Obama nỗ lực lôi kéo Việt Nam làm đồng minh chống Trung Quốc. Một viên chức Mỹ xin ẩn danh phân tích : Ông Nguyễn Phú Trọng là đại diện của phe bảo thủ, nhưng tổng thống Mỹ có « bùa ». Cuộc gặp gỡ này là tín hiệu « chốt chận cứng cõi cuối cùng » bên trong ban lãnh đạo Việt Nam đã được bứng đi

*
*

Phạm Trần  -  RFI
Đăng ngày 07-07-2015 

Việc Tông thống Barack Obama tiếp Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng ngày 07/07/2015 đã bị một số dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ chỉ trích do chế độ Hà Nội còn vi phạm nhân quyền trầm trọng, trong khi các dân biểu khác thì đồng tình, vì cho rằng Mỹ cần phải tính đến những lợi ích chiến lược trong việc thắt chặt quan hệ với Viẹt Nam.

Từ Washington, nhà báo Phạm Trần trả lời RFI Việt ngữ.

NGHE  : Nhà báo Phạm Trần, Washington.07/07/2015







No comments:

Post a Comment

View My Stats