Saturday 11 July 2015

TỊ NẠN (Nguyễn Đạt Thịnh - Vien Dong Daily)





Nguyễn Đạt Thịnh
VienDongDaily.Com - 08/07/2015

Cô Hasinah Izhar 33 tuổi, 2 đời chồng, 4 đứa con -đứa lớn, thằng Jubair, 13, thằng em Junaid, 11- là con của đời chồng trước; anh này chết vì bạo bệnh; cô trở thành góa phụ năm 22 tuổi, vất vả làm việc để nuôi thân, nuôi con.

Vài năm sau cô tái giá, có thêm một đứa con trai nữa -thằng Sufaid; đứa út là gái, con Parmin. Vợ chồng đang sinh sống trong làng Thayet Oak, thì chồng cô -anh Dil Muhammad Rahman- bỏ làng trốn sang Mã Lai trong lúc cô mang thai đứa con gái út.

Làng Thayet Oak nằm trên ven biển tỉnh bang Rakhine; tỉnh bang có khoảng 2 triệu dân, trong số đó 1.3 triệu là người Rohingyas.

Dư luận truyền thông quốc tế liệt dân Rohingyas vào hạng người thiểu số bị hành hạ nhất thế giới; họ lưu lạc vào lãnh thổ Rakhine (còn được gọi là tỉnh Arakan), Miến Điện, từ thế kỷ thứ 16, nhưng vẫn giữ đạo Hồi, và vẫn nói tiếng Rohingyas -ngôn ngữ của họ.

Năm 1982, chính phủ của tướng Ne Win ban hành luật “Quốc Tịch Miến Điện”, phủ nhận quốc tịch của dân thiểu số Rohingyas, khiến sắc tộc này càng bị ngược đãi hơn. Ngoài 2 khác biệt ngôn ngữ và chủng tộc, người Rohingyas còn bị kỳ thị vì khác biệt tôn giáo. Họ theo đạo Hồi trong lúc quốc giáo của Miến Điện là đạo Phật.

Chuyện tị nạn của tín đồ Hồi Giáo Rohingyas, vừa được anh phóng viên Chris Buckley viết trên tờ The New York Times số phát hành ngày mùng 5 tháng Bẩy 2015; chuyện cũng buồn thảm như chuyện tị nạn của người Việt Nam 40 năm trước, mặc dù không cấp bách, không ồ ạt, không đồng loạt và vĩ đại như cuộc chạy giặc của người Việt.

Dân Rohingyas triền miên sống trong khiếp sợ, vì người Miến Điện thường kéo vào vùng trú ngụ của họ lùng bắt, đánh đập những người đàn ông trẻ; do đó thổ dân Rohingyas tìm cách trốn sang Mã Lai và Nam Dương, hai lân quốc của Miến Điện theo đạo Hồi.

Chồng cô Izhar, cũng bỏ nhà đi tị nạn như vậy; anh bảo vợ đừng đi theo vì đường đi rất nguy hiểm và giá của một chuyến đi cũng mắc đến 2,000 mỹ kim. Nhưng Izhar không nghe lời chồng; cô không tin là có chuyến hải hành tị nạn nào lại nguy hiểm hơn cuộc sống cô đang sống tại Miến Điện; gần như hàng ngày tín đồ quá khích của Phật Giáo, được quân đội và cảnh sát yểm trợ, cũng kéo vào làng, hoành hành, đánh đập, bắt và giết người Rohingyas vô tội vạ.

Chỉ cần một tin đồn vô căn cứ, nói là thanh niên Hồi Giáo hiếp dâm một thiếu phụ Miến Điện cũng đủ để bọn quá khích kéo vào làng Thayet Oak, bắt giết vài chục thanh niên. Anh Dil Muhammad Rahman chạy trốn nhiều lần, lần chót anh đi luôn sang Mã Lai; sống yên ổn nhiều tháng tại đó rồi anh mới liên lạc về cho vợ biết, nhưng vẫn bảo cô Izhar đừng đi theo anh, vì cuộc sống của chính anh cũng không ổn định.

Izhar cứ đi; cô tin tưởng là chồng cô không giận mà sẽ vui mừng khi gặp lại cô và các con. Cô đeo bé Parmin sau lưng, ẵm thằng Sufaid, và dắt thằng Junaid, 11 tuổi xuống bờ biển. Cô cắn chặt môi để không òa khóc, vì cô đang nghĩ đến thằng Jubair, đứa con đầu lòng mới 13 tuổi. Bọn đưa người tị nạn sang Mã Lai đòi cô phải đóng cho chúng 2,000 mỹ kim, giá chuyên chở 4 mẹ con; chúng đòi thêm $2,000 nữa mới cho thằng Jubair cùng đi. Izhar chỉ có $500 -tiền bán căn nhà 5 mẹ con cô đang ở. Cô hứa vợ chồng cô sẽ làm lụng tại Mã Lai lấy tiền trả góp món nợ tị nạn. Bọn buôn người chỉ đồng ý cho Izhar đem theo 3 đứa con nhỏ. Thằng Jubair bị bỏ lại.

Đêm cô bồng bế 3 đứa em nó xuống biển, Jubair đi ngủ tại nhà một người quen; cô Izhar nghĩ là nó biết cô ra đi, biết cô bán nhà, và biết cô không đem nó theo. Izhar cắn răng để không òa khóc, nhưng mắt cô vẫn lòa đi vì nước mắt.

Izhar đã phân vân suốt nhiều tháng dài; không đành lòng bỏ con, nhưng cô biết cô không thể ở lại Thayet Oak. Đêm đêm, Jubair vẫn phải gia nhập những toán gác làng gồm bọn trẻ mới lớn như nó và những bô lão chưa bỏ làng ra đi; tổ chức lão niên và thiếu niên gác để bảo vệ cho phụ nữ và trẻ con ngủ yên; những toán gác sẽ gõ thùng báo động nếu bọn quá khích kéo đến.

Thương con, nhưng vì thiếu tiền trả cho bọn buôn người, Izhar vẫn đành bỏ nó lại, đem 3 đứa em nó xuống thuyền, để được chuyển sang tầu lớn chờ sẵn ngoài hải phận quốc tế. Cô và khoảng trên chục phụ nữ khác được ngồi trên boong tầu, cùng với đám con của họ, đàn ông bị lùa hết xuống khoang.

Izhar gục nằm xuống sàn tầu, vừa mệt, vừa đói, bé Parmin nằm trong lòng mẹ, thằng Sufaid nằm một bên, thằng Junaid ngồi ngơ ngác nhìn thủy thủ đoàn bận rộn chạy trên boong tầu.

Tổng số người tị nạn trong khoang khoảng 250 người, tuyệt đại đa số là người Rohingyas, tầu bắt đầu di chuyển, thủy thủ đoàn cũng bắt đầu phát cho người tị nạn bữa ăn đầu tiên gồm cơm nguội ăn với đường thốt nốt.

Cũng như người tị nạn Việt Nam 40 năm trước, xuống tầu, và tầu ra khơi mới là chấm dứt một cơn ác mộng, để bắt đầu bước vào cơn ác mộng khác: cuộc hải hành. Izhar kể lại với phóng viên The New York Times là phụ nữ không bị thủy thủ đoàn hành hung, nhưng đàn ông thường bị đánh nếu không tuân hành kỷ luật trên tầu.

Cô thấy một ông lớn tuổi bị trói cả tay lẫn chân để ném xuống biển, thủy thủ đoàn nói là ông ta đã chết; nhưng lúc bị khiêng lên để ném qua thành tầu, ông vùng vẫy, la hét là ông vẫn còn sống; thủy thủ cổi trói cho ông, nhưng cũng đánh ông một trận nhừ tử.

Sau một tuần lênh đênh trên biển, đoàn người tị nạn được chuyển qua một chiếc tầu lớn hơn, thả neo ngoài khơi Thái Lan; nhân viên trên chiếc tầu lớn này bảo mọi người đưa số điện thoại của thân nhân đứng trả tiền vượt biển cho họ.

Izhar đưa ra số điện thoại của chồng cô; một tay buôn người gọi và bảo anh Dil Muhammad Rahman là vợ con anh đã đến Thái Lan, nhưng anh phải đóng 2,100 mỹ kim tiền hải hành phí, họ mới thả vợ con anh vào bờ đoàn tụ với anh.

Rahman yêu cầu cho anh nói chuyện với vợ; câu đầu tiên anh hỏi Izhar là tại sao lại chỉ có 3 chứ không 4 đứa con; được vợ cho biết thảm cảnh thiếu tiền, anh la thét vợ vì đã bỏ thằng Jubair ở lại không nơi nương dựa.

Hai vợ chồng đối diện với vấn đề tiền; Rahman nói với vợ là anh cũng không có tiền để chuộc mẹ con cô ra.

Mẹ con cô Izhar bị giữ lại trên tầu, mỗi ngày được phát 2 bữa ăn gồm cơm nguội, khô mục, và Izhar chịu một trận đòn; sau khi bị đánh, cô được liên lạc với chồng để kể cho Rahman nghe thảm cảnh của mẹ con cô.

Một tay buôn người chen vào bảo Rahman là nếu anh không chuộc vợ con ra, chúng sẽ ném cả 4 người xuống biển.

Cuối cùng, Rahman cũng vay mượn được $1,700 để chuộc vợ, chuộc con. Qua người thông dịch, cô Izhar bảo anh phóng viên Chris Buckley, “Không ai hạnh phúc hơn tôi; cực khổ, khó khăn, rồi cũng thoát nạn,” nhưng ngay sau câu nói mừng vui, cô lại mếu máo, “chỉ khổ cho thằng Jubair, con tôi.”

Sau 40 năm, vết thương tị nạn của đa số người Việt Nam cũng đã lành miệng, nhưng một số khác vẫn còn khóc thầm với vết tâm thương “thằng Jubair, con tôi.”

(nđt)

Các tin khác
• Ba tương đồng (07-07-2015)
• Y Dược Trên Chợ Tầu (24-06-2015)
• Trở ngại căn bản (20-06-2015)
• Xã hội bao dung (15-06-2015)
• Sai lầm bắt đầu (13-06-2015)




No comments:

Post a Comment

View My Stats