Friday, 10 July 2015

Thượng đỉnh BRICS : Thách thức chính trị của Putin? (RFI)





Đăng ngày 10-07-2015

Nga tiếp thượng đỉnh khối BRICS lần 7 (2015) tại Ufa, Bachkortostan, ngày 08/07/2015.  REUTERS/BRICS Photohost/RIA Novosti

Thượng đỉnh khối BRICS lần 7 mở ra hôm thứ Tư 08/07 tại Ufa, thủ đô của Bachkortostan, thuộc Nga. Khối BRICS, đó là câu lạc bộ của những quốc gia mới trỗi dậy bao gồm các quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Lúc khởi đầu, đó chỉ là một nhóm nước có cùng mức tăng trưởng kinh tế đáng kể. Nhưng dần dần, khối BRICS được sắp xếp lại để có một tiếng nói chính trị. Trong mọi trường hợp, Nga – nước hiện là Chủ tịch luân phiên khối BRICS - mong muốn tạo ra một trọng lượng chính trị cho câu lạc bộ không chính thức này, nhất là từ khi nước này bị loại ra khỏi khối G8.

Ý đồ gì của Nga đối với khối BRICS?

Thông tín viên Muriel Pomponne tại Matxcơva cho biết ý đồ chính trị của Nga trong khối BRICS:
"Từ lâu Nga là quốc gia duy nhất vừa là thành viên của khối G8, vừa của BRICS - nói cách khác là thành viên của câu lạc bộ các cường quốc lẫn thành viên của câu lạc bộ các quốc gia mới trỗi dậy có sức tăng trưởng mạnh. Nhưng kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraina, Nga đã bị loại khỏi G8.
Do đó, Matxcơva có ý đồ lớn hơn biến khối BRICS thành một "đối trọng với G8". Điện Kremlin xem BRICS như là biểu tượng nhưng cũng là một phương tiện để đạt được mục tiêu hình thành một thế giới đa cực. Việc củng cố khối BRICS cũng là một yếu tố chủ đạo trong chính sách Nga. Vấn đề là phải thúc đẩy diễn đàn đối thoại này hướng tới một cơ cấu hợp tác chính trị và kinh tế.
Matxcơva mong muốn phát triển các dự án lợi ích chung, như là Ngân hàng phát triển sắp được hình thành nhân kỳ thượng đỉnh lần này. Tuy nhiên, Brazil, Ấn Độ hay Nam Phi không có chút nhu cầu đối nghịch với các nước phương Tây. Về phần Trung Quốc, nước này luôn bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình. Do đó, Matxcơva chẳng nên trông mong tìm được đồng minh trong khối BRICS cho chính sách đối ngoại của mình."

Các thách thức kinh tế

Thượng đỉnh lần này cũng phải khởi động cho việc tung ra một ngân hàng phát triển mới, dự định đi vào hoạt động từ đây đến cuối năm. Khối BRICS có đến 40% dân số thế giới và chiếm 1/5 tỷ trọng Tổng thu nhập của cả hành tinh. Khối này đã quyết định ngay từ năm 2013 tự mở cho mình một ngân hàng để tài trợ cho những công trình hạ tầng lớn. Đối với những quốc gia này vốn có sức tăng trưởng lớn, họ cần phải tự giải thoát ra khỏi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), chừng nào mà các quốc gia phương Tây vẫn tiếp tục từ chối cải tổ các định chế này để trao thêm nhiều quyền bỏ phiếu hơn cho các nước mới trỗi dậy.

Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đã phê chuẩn thỏa thuận thành lập ngân hàng này. Vốn khởi điểm là 50 tỷ đô la với một mục tiêu phải đạt nâng mức vốn này lên tới 100 tỷ đô la. Ấn Độ sẽ làm Chủ tịch Ngân hàng này với nhiệm kỳ 5 năm. Nam Phi giữ ghế Phó chủ tịch, nhưng trụ sở chính của ngân hàng lại không ở nước này như Pretoria mong muốn. Thượng Hải, Trung Quốc sẽ là nơi có trụ sở của ngân hàng này.

Hiện tại, vẫn chưa thể bỏ sử dụng đồng đô la cho ngân hàng phát triển mới, dù rằng Nga và Trung Quốc không loại trừ sử dụng các đồng ngoại tệ khác trong một số giao dịch. Khối BRICS còn có ý định thành lập cơ quan thẩm định tài chính riêng của mình. Nhưng vấn đề này chỉ mới trong giai đoạn mò mẫm.

Để hiểu rõ những ý định của Nga đối với khối BRICS, RFI đã phỏng vấn ông Fiodor Loukianov, Tổng biên tập tạp chí Russia in global Affairs.

RFI: Nga tìm kiếm gì trong khối BRICS?
Fiodor Loukianov: Nga tìm thấy lợi ích của mình trong việc tăng cường một giải pháp thay thế cho cách tiếp cận của phương Tây. Biến đổi khối BRICS thành một lực lượng chống phương Tây là điều không thể, bởi vì trong số các nước tham gia, Nga là quốc gia duy nhất có xung đột với Tây phương. Tất cả những nước khác không có xung khắc và cũng không mong muốn có xung khắc.

Nhưng có một khía cạnh khác: người ta nhận thấy phương Tây ngày càng ít có khả năng giải quyết các vấn đề của thế giới. Điều này có liên quan đến các định chế tài chính, kinh tế, chính trị của thế giới Tây phương, cũng như là cách điều hành của các quốc gia đó. Bởi vì người ta cũng thấy là Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ mỗi bên đều có cuộc khủng hoảng nội bộ riêng. Thứ nhất, các nước này cũng không còn là những quốc gia điển hình cho nhiều nước khác. Và điều thứ hai, họ ít chú ý đến những gì đang diễn ra trên thế giới.

Do đó, trong bối cảnh khả năng của các nước phương Tây ngày càng giảm dần, nhu cầu cần những định chế khác, nguồn tài chính khác, sự hợp tác chính trị, quân sự và kinh tế cũng ngày càng tăng. Và trong tình hình này, vai trò của khối BRICS cũng sẽ được phát triển.

RFI: Phải chăng Nga không còn tìm cách biến câu lạc bộ này thành một công cụ chống G8 (giờ đã trở thành G7)?
Fiodor Loukianov: Có thể đó là ý đồ của Nga, nhưng nước này sẽ không đạt được điều đó. Bởi vì G7, với mọi sự bất đồng nội bộ, vẫn là một khối quốc gia được hợp nhất ít nhiều gì cũng bằng những giá trị tư tưởng chung. Ý định tham gia của Nga vào G8 đã bị thất bại, bởi vì Nga không chia sẻ những giá trị đó. Khối BRICS cũng không thể có những giá trị chung, đơn giản bởi vì khái niệm giá trị chung, là một khái niệm duy nhất và thuần phương Tây.

RFI: Như vậy đối với Nga, khối BRICS mang lại lợi ích kinh tế hay là chính trị?
Fiodor Loukianov: Đầu tiên hết là chính trị, nhưng lợi ích kinh tế xuất hiện dần dần theo sự tiến triển của khối BRICS. Việc thành lập một ngân hàng phát triển cho khối là một bước tiến theo hướng này. Đó không phải là những quỹ tài chính quan trọng nhưng đó là bước đi đầu tiên hướng đến việc thành lập một định chế phát triển quốc tế không bị phương Tây thao túng.

Đối với Nga, mọi khả năng trao đổi với phương Tây coi như đã bị hạn chế và tôi không nghĩ rằng điều này sẽ thay đổi một sớm một chiều. Việc thay thế phương Tây bằng khối BRICS cũng không thể do bởi tiềm năng của phương Tây thì rất lớn. Nhưng nếu thay thế một phần thì rất có thể. Nếu không thể có một sự hòa giải nào đó với phương Tây thì tầm quan trọng của BRICS sẽ tăng lên đối với Nga. Tôi tin rằng với những gì đang xảy ra trên thế giới và nhất là tại Châu Âu, tầm quan trọng của Ngân hàng này và nhìn chung hơn nữa của khối BRICS như là một cơ cấu thay thế rất có thể gia tăng thậm chí nhanh hơn là chúng ta nghĩ.
Chẳng hạn, nếu như tình hình Hy Lạp đang xuống dốc một cách thảm hại, nếu như Hy Lạp bị nằm ngoài khối đồng euro, Athens sẽ cầu viện đến ai, nếu như Hy Lạp gây bất hòa với mọi chủ nợ ? Tôi không tin là Trung Quốc hay Nga muốn đưa tiền cho Hy Lạp. Ví dụ, nếu như có một quốc gia nào đó, có thể là yếu, có thể tham nhũng, không quan trọng, nhưng hoàn toàn giận dỗi với các đối tác và chủ phương Tây của mình, vậy thì nước này sẽ đi đâu ? Giờ đây, về lý thuyết, nước đó có thể trông ngóng vào BRICS.

RFI: Phải chăng Nga có thể bị cám dỗ bởi ý đồ sử dụng các nước này cho các tham vọng chính trị và ngoại giao?
Fiodor Loukianov: Đương nhiên rồi, Nga rất muốn dựa vào những nước quan trọng như thế. Nhưng tôi nghĩ rằng khả năng này rất hạn chế. Khối BRICS sẽ không ủng hộ gây áp lực lên Nga. Chúng tôi đã nhận thấy điều đó ở nhiều dịp khác nhau. Nhưng họ cũng không ủng hộ lập trường của Nga, nhất là trong hồ sơ Ukraina hiện nay. Họ muốn giữ thái độ trung lập, điều đó trong tình hình hiện nay lại rất có lợi cho Nga.





No comments:

Post a Comment

View My Stats