Wednesday 8 July 2015

Sao Bộ Giáo dục chẳng dám ‘hi sinh’? (Cao Huy Huân)





09.07.2015

Cả tuần qua, báo chí tốn không biết bao nhiêu giấy mực để theo sát kỳ thi Trung học phổ thông cấp quốc gia, một kỳ thi “2 trong 1”, vừa cho các thí sinh thi “tú tài”, vừa lấy đó là quy chuẩn để xét chuẩn đầu vào đại học cho các em. Nghe qua có vẻ chúng ta đang thực hiện một giải pháp rất “ưu việt”, nhưng xét về thực tế thì hình thức thi hiện nay dường như mắc phải tình trạng “nửa nạc nửa mỡ”, chưa có nhiều cơ sở chứng minh được hiệu quả trong dài hạn. Bản thân tôi không phải là một chuyên gia hay một người làm việc trong ngành giáo dục, càng không biết nhiều về các nghiên cứu định tính hay định lượng về giáo dục, đặc biệt là các kỳ thi.

Tuy nhiên, bằng vào những quan sát thực tế tại một số quốc gia và những gì thu nhặt được thông qua những bài báo tại các nước, tôi tin rằng ít nơi nào mà vấn đề thi cử lại “ồn ào” và gây nhiều tranh cãi như tại Việt Nam, dù chúng ta liên tục thay đổi và cải cách.

Hạn chế đầu tiên mà rất nhiều người phản ánh là việc ra quyết định tổ chức kỳ thi “2 trong 1” rất nhanh, khiến cận ngày thi mà nhiều thí sinh vẫn hoang mang bất chấp Bộ Giáo dục tạo điều kiện cho các em thi thử với bộ đề thi minh họa. Tuy nhiên, đề án đưa ra và quyết định thi hành tương đối nhanh nên các em chưa có điều kiện cọ sát và thích nghi. Lẽ ra bộ nên tổ chức thí điểm tại một khu vực nhất định trước khi áp dụng một cách đại trà cho hàng triệu sĩ tử từ khắp mọi miền đất nước. Nếu kỳ thi có bất kỳ trục trặc gì ngoài dự tính thì có lẽ người hứng chịu nhiều thua thiệt nhất là thế hệ “chuột bạch” – các em thí sinh và cha mẹ các em.

 Hạn chế thứ hai chính là việc chúng ta (dường như) vẫn quá tham lam, và Bộ Giáo dục vẫn đang ôm đồm quá nhiều việc, trong khi những công việc lẽ ra đáng phải siết chặt thì bộ lại để trống. Tôi lấy ví dụ, công tác ban hành chính sách quy chuẩn đào tạo giảng viên – nhân tố then chốt của mọi nền giáo dục – lẽ ra phải được bộ thực hiện một cách sát sao. Quan trọng hơn, Bộ Giáo dục phải ý thức được vấn đề đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học là quan trọng nhất, nhưng tại Việt Nam thì đây lại là những khâu hạn chế nhất. Những câu chuyện về cách đánh giá học sinh tiểu học hay các vụ bê bối giáo viên mầm non hành hung trẻ em chỉ là những minh chứng bề nổi cho nhận định trên. Những “trang giấy trắng” – các em học sinh mầm non và tiểu học – trong nền giáo dục nhồi nhét kiến thức và tồn tại bạo lực học đường như hiện nay sẽ chỉ trở thành những cổ máy giải toán để rồi mang về cho quốc gia những danh hiệu ở tuổi 15. Để rồi sau đó, các em bắt đầu đi vào lối mòn bởi thiếu tính sáng tạo và khả năng tự học, tự nghiên cứu. Điều đó khiến thứ hạng giáo dục PISA (toán học và khoa học) của Việt Nam luôn được thế giới ngưỡng mộ, nhưng từ khi ngày lập quốc đến nay chúng ta chẳng có một ai được đề cử giải Nobel toán học hay bất kỳ ngành khoa học nào.

Khi các em đến tuổi đại học, cơ quan quản lý giáo dục tiếp tục nhập nhằng, chưa dám từ bỏ kỳ thi đại học, cũng không bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Áp lực từ dư luận vì các em học sinh phải học quá nhiều, vác trên vai chiếc cặp quá nặng và trải qua những kỳ thi căng não đã đẩy bộ đến quyết định “gộp” hai kỳ thi, vốn có tính chất khác nhau và mục đích khác nhau, thành một kỳ thi chung tầm cỡ quốc gia. Thi tốt nghiệp, hay tú tài, là để xác định trình độ kiến thức cơ bản tương ứng với một số định hướng học tập (nghiên cứu hoặc học nghề hoặc làm một số ngành nghề tương ứng với trình độ); trong khi tuyển sinh đại học cần chọn ra những em học sinh có đam mê học cao hơn với năng lực phù hợp (chứ không phải chỉ các em giỏi toán, lý, hóa hay một môn nào nhất định).

Những năm trước, đề thi tốt nghiệp dễ thở, học sinh trung bình vẫn có thể đậu tốt nghiệp. Trong khi đề thi đại học lại mang tính chọn lọc cao hơn hẳn. Năm nay gộp cả hai, thí sinh làm bài ra với kết quả tốt hay chưa tốt đều lo. Như buổi sáng thi xong toán, ai nếu đều gật gù đề dễ, các em lo lắng “đề thế này chắc chủ yếu cho các em đậu tốt nghiệp, sắp tới điểm chuẩn đại học chắc sẽ trên trời, nên không biết nên nộp vào trường nào cho an toàn, vì ai nấy điều phải biết điểm mới nộp chọn trường đại học”. Còn buổi chiều, các em làm đề tiếng Anh lại than đề dài lại khó, nhiều em lắc đầu “đề này chắc rớt tốt nghiệp, đừng nói gì tới việc nộp vào trường đại học”. Rõ ràng tính chất hai kỳ thi quá khác nhau, nên không thể ra đề dễ như đề tốt nghiệp phổ thông các năm, càng không thể ra khó như những năm thi tuyển sinh đại học. Các bậc phụ huynh ngồi chờ con giữa nắng trời gay gắt và khổ sở, nhưng cũng chỉ biết động viên con “ba mẹ luôn bên cạnh con”, chứ nhìn vào cách tuyển sinh năm nay quả thật vô cùng ngán ngẫm và xót xa cho một thế hệ “chuột bạch”.

Tôi nhấn mạnh chữ “ôm đồm” của các vị ở Bộ Giáo dục chính là vì thế. Lẽ ra kỳ thi tốt nghiệp có thể giữ, nhưng việc tổ chức thi tuyển sinh đại học, các vị phải mạnh dạn bỏ đi. Ngoại trừ một số ngành đặc thù như y dược, luật sư hay giáo viên, đa phần các ngành còn lại bộ đừng quan tâm đến cách tuyển chọn đầu vào mà hãy để cho các trường tự lập như những năm trước kỳ thi chung của bộ đề ra. Triết lý rất đơn giản “ai cũng muốn chọn thí sinh phù hợp nhất để dễ đào tạo và đạt hiệu quả cao, tạo uy tín và lợi nhuận cho trường”. Cái cốt yếu mà bộ cần ra sức quản lý là số lượng các trường đại học, cao đẳng và chất lượng của các trường. Vì đây mới là nhân tố quyết định đầu ra cho nguồn lao động sau đào tạo – và cũng là cái đích quan trọng của ngành giáo dục.

Đơn giản thôi, bộ sẽ phải thắt chặt tiêu chuẩn của các trường đại học và cao đẳng, bao gồm: số lượng và chất lượng giảng viên; số lượng và chất lượng cơ sở hạ tầng, thiết bị cung cấp hỗ trợ việc đào tạo; chương trình đào tạo; cam kết chuẩn đầu ra và có những phương tiện đo lường cụ thể... Từ đó bộ quy định trường được đào tạo tương ứng bao nhiêu sinh viên để đảm bảo chất lượng, nếu trường nào không đạt cam kết thì xử lý, thậm chí dừng tuyển sinh hoặc giảm chỉ tiêu tuyển sinh... Cơ chế sàn lọc này sẽ chỉ để các trường thật sự có trách nhiệm, năng lực có thể tồn tại và phát triển, và bộ sẽ càng nhẹ gánh hơn rất nhiều vì chỉ cần siết tiêu chuẩn chất lượng của trường đầu vào và siết chặt kiểm soát chuẩn đầu ra của các sinh viên theo cam kết.

Chức năng đánh giá chuẩn đầu ra không hề đơn giản, mà hiện nay Việt Nam thiếu hẳn cơ chế này. Xin thưa, hàng ngàn cử nhân cầm bằng rồi thất nghiệp chính là tác hại của việc Bộ Giáo dục ôm đồm các kỳ thi đầu vào, bỏ hẳn khâu đánh giá chuẩn đầu ra; họa chăng là có đánh giá theo bộ tiêu chuẩn trên giấy, còn thực tế bộ không đủ sức đánh giá hàng trăm ngành nghề khác nhau. Việc đánh giá phải do hiệp hội nhà nghề, gồm những người “biết làm việc và đánh giá được năng lực sinh viên mới ra trường, tương lai em trong ngắn và dài hạn”. Bộ Giáo dục nhà mình chẳng “quan tâm” đến đối tượng này, nên chẳng ai cung cấp cho bộ chỉ tiêu nhân công mà xã hội cần, chất lượng tương ứng, quy chuẩn về đào tạo... Thế nên, giáo dục đại học lâu nay vẫn cứ “giỏi” đầu vào nhưng chột đầu ra, chẳng trách tấm bằng học suốt bốn năm rẻ như... tấm giấy.

Mô hình tôi vừa nêu vốn đã được nhiều quốc gia nghiên cứu và thực hiện, nhưng Việt Nam vẫn mãi chỉ ôm đồm các kỳ thi. Phải chăng tiêu cực trong ngành giáo dục, đặc biệt trong tuyển sinh đại học, đã khiến những người làm chính sách bị ám ảnh đến nỗi chẳng dám để các trường tự chủ tuyển đầu vào? Hay đơn thuần Bộ Giáo dục không muốn “hi sinh” những công việc thi cử vốn đã quen tay quen chân với những người làm giáo dục?

* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.






No comments:

Post a Comment

View My Stats