Wednesday, 1 July 2015

Phỏng vấn Kỹ sư Đỗ Nam Hải (Đài VAN Tivi)





Đài VAN Tivi

Đài VAN Tivi phỏng vấn
Kỹ sư Đỗ Nam Hải (84-1297-284-939)
(10g00 – 10g45 tối thứ sáu [giờ VN], 19-06-2015)

Kính thưa Quý khán thính giả,

Đây là Đài VAN tivi được phát hình trên băng tần 55.2. Tiếp theo đây là chương trình “Việt Nam Hôm Nay”, do Nguyễn Chính Kết phụ trách. Xin trân trọng kính chào Quý khán, thính giả.

Trong chương trình “Việt Nam Hôm Nay”, chúng tôi rất hân hạnh mời kỹ sư Đỗ Nam Hải tham gia cuộc hội luận.

Kỹ sư Đỗ Nam Hải là một nhà đấu tranh cho tự do dân chủ thuộc Ban Điều hành Khối 8406, hiện đang sinh sống tại Sàigòn. Anh là một trong những người đồng sáng lập Khối 8406 và cùng với Linh mục Nguyễn Văn Lý soạn thảo bản Tuyên ngôn 8406 rất giá trị và nổi tiếng.
Trước hết, chúng tôi xin thân ái chào kỹ sư Đỗ Nam Hải, đồng thời xin anh ngỏ lời chào đến với Quý khan, thính giả của Đài VAN tivi 55.2 đang theo dõi câu chuyện của chúng ta.

- Vâng, xin kính chào anh Nguyễn Chính Kết và xin kính chào Quý khán, thính giả của Đài VAN tivi 55.2, chương trình “Việt Nam Hôm Nay”. Tôi là Đỗ Nam Hải đang phát biểu từ thành phố Sài Gòn – Việt Nam.

1) Thưa anh Đỗ Nam Hải, tình trạng sức khỏe cũng như vấn đề an ninh của anh hiện nay ra sao? Việc sinh sống của anh thế nào?
–        Kỹ sư Đỗ Nam Hải:
Xin thưa với anh và mọi người rằng tình trạng sức khỏe của tôi hiện nay là tốt. Còn về vấn đề an ninh thì cũng có thay đổi một chút, cụ thể là khoảng hơn nửa năm trở lại đây, từ ngày 18/12/2014 thì nhóm công an vẫn chốt trước cửa nhà tôi đã rút. Vì vậy mà tôi được đi lại tự do hơn trước. Sự việc này đã tạm thời chấm dứt tình trạng hơn 10 năm qua, kể từ tháng 8/2004 thì đối diện nhà tôi ở luôn có một nhóm công an 3 người, họ thường đi 2 xe gắn máy đóng chốt. Mỗi khi tôi đi đâu thì họ bám sát theo như hình với bóng kể cả những ngày Lễ, Tết, tốn kém hàng tỷ đồng tiền thuế của nhân dân mỗi năm. Nay thì họ chỉ thỉnh thoảng đảo qua, ngó nghiêng nắm thông tin rồi đi; mỗi khi có sự kiện gì thì mới tới chốt thôi. Còn việc họ có quay trở lại đóng chốt như trước nữa hay không thì chỉ có họ mới biết và tôi cũng không quan tâm.
Về cuộc mưu sinh thì bao năm qua, tôi cũng luôn tạo cho mình sự độc lập tự chủ, không để phụ thuộc vào bất cứ ai hay tổ chức nào. Có như vậy thì tiếng nói của mình mới thực sự khách quan. Khi dấn thân vào cuộc đấu tranh này, tôi đã tự hứa với lòng mình rằng: Vì sự nghiệp dân chủ hóa đất nước thì dù có khó khăn, gian khổ đến đâu cũng phải vượt qua; quyết không được nản chí, sờn lòng.

2) Hiện nay, người Việt trong cũng như ngoài nước rất vui mừng khi thấy cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền ở trong nước, so với 4-5 năm trước đây đã có những bước tiến rất tốt về nhiều mặt, cả về số lượng cũng như về kỹ thuật đấu tranh; đã sử dụng rất hữu hiệu những phương tiện hiện đại như loại điện thoại thông minh, các phương tiện Internet để phổ biến nhanh chóng khắp thế giới những thông tin vốn bị NCQ CSVN từ xưa đến nay cố gắng bưng bít. Và một điều hết sức phấn khởi, đó là có sự tham gia ngày càng đông của giới trẻ, đặc biệt giới phụ nữ, của những người cộng sản phản tỉnh vào công cuộc đấu tranh hiện nay. Anh có thể trình bày rõ hơn về tình hình này.
- Kỹ sư Đỗ Nam Hải:
Vâng, đúng như anh nói thì phong trào đấu tranh giành tự do dân chủ ở Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây đã có những thay đổi rất tích cực, theo hướng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng; tăng cả về hình thức và phương tiện đấu tranh, v.v… Tình hình này đã buộc NCQ CSVN phải thay đổi cách đối phó. Nếu là 10 năm trước, khi mà số người đấu tranh cho tự do dân chủ ở trong nước còn ít thì bộ máy công an Việt Nam có thể thẳng tay đàn áp với từng người đấu tranh một. Những người đấu tranh trong giai đoạn ấy và trước đó đã phải trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Nhưng nay thì tình hình đã khác, khi mà NCQ CSVN đã phải căng ra đối phó ở nhiều mặt trận, với nhiều người đấu tranh đã nhập cuộc. Họ thuộc mọi tầng lớp trong xã hội và trải dài khắp từ Bắc chí Nam, từ các vùng đô thị tới các vùng thôn quê hẻo lánh, từ những người ở ngoài hệ thống đến cả những người nằm ngay trong hệ thống cầm quyền, v.v…
Tức là thế trận lòng dân đã được giăng ra, buộc NCQ CSVN từ chỗ chủ động đàn áp phong trào như trước kia thì nay phải chuyển sang thế lúng túng, bị động. Tuy mặt trận này không có tiếng súng nhưng lại là điều mà NCQ CSVN rất sợ. Họ sợ một sự thay đổi sâu rộng về mặt nhận thức ngay trong lòng xã hội mà ở đó, người dân không phải là một “đàn cừu ngoan ngoan” theo ý họ nữa. Họ sợ một sự đoàn kết của toàn dân nhất tề đứng lên chống lại họ, trong khi họ muốn nhân dân luôn bị chia rẽ để họ dễ trị muôn đời. Họ sợ một cuộc “diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch” thì nay nó đang diễn ra hàng ngày hàng giờ, ngay trước mắt họ.
Chẳng những là sự thay đổi trong nhận thức mà còn thay đổi cả trong hành động. Nhiều cuộc xuống đường của công nhân, nông dân và nhiều tầng lớp khác, có khi lên tới hàng chục ngàn người để đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Một trong những biểu hiện gây xúc động của sự đoàn kết dân tộc là có những người là cựu chiến binh của QĐNDVN đã đến vườn hoa Lý Thái Tổ ở Hà Nội để công khai tưởng nhớ và ghi ơn 74 chiến sỹ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng chiến đấu và hy sinh tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, vào ngày 19/1/1974. Mặc dù, trong cuộc chiến tranh Nam – Bắc (1954 – 1975), họ ở hai bên chiến tuyến, từng đánh nhau một mất, một còn.
Để đạt được kết quả rất đáng mừng và rất tự hào trên, một mặt chúng ta trân trọng, ghi nhớ công lao và sự hy sinh của biết bao thế hệ đấu tranh dân chủ đi trước. Chính họ đã đặt nền móng vững chắc cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta hôm nay. Mặt khác, nó càng củng cố cho chúng ta niềm tin, rằng: cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ cho dân tộc Việt Nam đã đi đúng hướng và sự tất thắng cuối cùng của nó!

3) Nhưng để đấu tranh hữu hiệu và có thể đi đến thành công, vấn đề rất quan trọng hiện nay là đấu tranh phải có sách lược, phải có tổ chức, nhất là phải có sự liên kết chặt chẽ để tạo sức mạnh giữa các nhà đấu tranh dân chủ với nhau. Trước hết nói về vấn đề sách lược, anh nhận định thế nào về vấn đề này? Có ai nghiên cứu hay đề ra một sách lược đấu tranh nào để các nhà đấu tranh trong nước cùng theo không?
- Kỹ sư Đỗ Nam Hải:
Theo tôi, chẳng những phong trào cần phải có những sách lược đấu tranh cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử cụ thể mà hơn thế nữa, nó phải có một đường lối đấu tranh đúng đắn dẫn đường. Nếu không, nó sẽ không có sức mạnh và sẽ mất dần phương hướng. Xuất phát từ thực tiễn, phong trào dân chủ đã chỉ ra được 3 mâu thuẫn lớn trong xã hội Việt Nam hôm nay. Từ đó đã vạch ra một đường lối đúng đắn, nêu rõ được đầy đủ mục tiêu, nhiệm vụ, phương pháp, động lực và lực lượng của cuộc đấu tranh. Nó cũng đã chỉ ra nhiệm vụ căn bản, mang tích chiến lược là: Thay thế triệt để chế độ chính trị, từ độc đảng toàn trị sang đa đảng pháp trị! Nó dứt khoát không phải là những thay đổi nửa vời, với những điều chỉnh vặt vãnh mà NCQ CSVN đã và đang loay hoay đối phó. Dỹ nhiên chúng ta cũng hiểu rằng: Đa đảng không phải là điều kiện cần và đủ để đưa đất nước tiến lên, nhưng nó là điều kiện cần mà thiếu nó sẽ thiếu tất cả; đất nước sẽ mãi mãi tụt hậu và thậm chí là nguy cơ mất nước!
Những năm qua, chúng ta đã chứng kiến các cuộc đấu tranh của nhân dân đòi NCQ CSVN không được để cho Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên; đòi không được cho Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn, với kỳ hạn dài 50-70 năm; đòi khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa; đòi xóa bỏ các Điều 78, 79, 88, 258 của Bộ Luật Hình Sự Nước CHXHCNVN, vì chúng vi phạm trắng trợn những quyền con người, v.v…
Tất cả đã tạo nên một thế trận đấu tranh sâu rộng của các lực lượng dân tộc và dân chủ Việt Nam. Phong trào đã ngày càng đoàn kết và có tổ chức chặt chẽ chứ không còn phân tán như trước nữa. Chính trong thực tiễn đấu tranh ấy đã xuất hiện những sự liên kết và phân công nhiệm vụ; xuất hiện những sách lược đấu tranh rất hiệu quả, phù hợp với từng giai đoạn mà không một ai hay tổ chức, đảng phái nào có thể tự nghĩ ra hoàn chỉnh ngay từ đầu được. Song theo tôi, tất cả đều phục vụ cho việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến lược đã trình bày ở trên.

4) Đề nghị anh nói rõ hơn về 3 mâu thuẫn lớn trong xã hội Việt Nam hôm nay và sự phát triển của nó.
– Kỹ sư Đỗ Nam Hải:
Ba mâu thuẫn đó là:
+ Mâu thuẫn giữa đại bộ phận dân tộc, tức giai cấp bị trị với một thiểu số đang cầm quyền, tức giai cấp thống trị.
+ Mâu thuẫn trong nội bộ giai cấp thống trị.
+ Mâu thuẫn giữa thế giới dân chủ tiến bộ với chế độ phản dân chủ và phản dân tộc ở Việt Nam.
Cả 3 mâu thuẫn này đang phát triển ngày càng sâu sắc và toàn diện. Nó biểu hiện trong tất cả các mặt của đời sống kinh tế, chính trị, giáo dục, pháp luật, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, v.v… của đất nước. NCQ CSVN cũng biết rõ đây chính là những sợi dây thòng lọng đang hàng ngày hàng giờ siết vào cổ mình. Tuy nhiên, để giữ vững đặc quyền đặc lợi, bất chấp quyền lợi dân tộc, họ không hề có thực tâm và cũng không có khả năng giải quyết được tận gốc những mâu thuẫn đó. Điều này có nguyên nhân sâu sa, xuất phát từ bản chất phản dân chủ và phản dân tộc của chế độ độc đảng toàn trị. Vì vậy, đối sách của họ là: dùng súng đạn, nhà tù và sự lừa mỵ để đối phó với nhân dân Việt Nam và thế giới tiến bộ hôm nay.
Ý đồ của họ thì là như vậy nhưng thực hiện được hay không lại là chuyện hoàn toàn khác. Theo tôi, khi những mâu thuẫn trên phát triển lên tới đỉnh điểm, mà ở đó:
+ Nhân dân quyết không chịu bị cai trị thêm nữa.
+ Giai cấp cầm quyền cũng không thể cai trị dân như trước được nữa.
+ Các thành phần trung gian trong xã hội cùng quyết tâm vào trận.
thì đó chính là thời cơ của một cuộc cách mạng dân chủ và đây là quy luật mang tính phổ quát. Hiện nay thì các thành phần trung gian ở Việt Nam vẫn có nhiều người còn đang suy tính lưỡng lự, và đó là chỉ dấu cho thấy là thời cơ dân chủ chưa đến. Theo tôi, cuộc đấu tranh nào cũng phải có quá trình. Những biểu hiện của tư tưởng thụ động chờ thời hay chủ quan nóng vội, muốn đốt cháy giai đoạn đều dễ dẫn tới sai lầm. Những người đấu tranh dân chủ Việt Nam vừa tích cực cùng dân tộc tạo ra thời cơ, vừa nhạy bén nắm bắt thời cơ khi nó xuất hiện để tiến lên giành lấy tự do dân chủ về cho dân tộc!

5) Có nhiều người băn khoăn vì thấy cuộc đấu tranh lâu dài quá mà vẫn chưa đi tới đích. Anh nghĩ sao về việc này?
- Kỹ sư Đỗ Nam Hải:
Vâng, đấy là tâm lý có thật trong lòng nhiều người Việt Nam và cả bạn bè quốc tế đang thiết tha với sự nghiệp dân chủ hóa đất nước hôm nay. Chúng ta đã và đang phải đấu tranh trong điều kiện mà giai cấp thống trị ở Việt Nam rất nham hiểm và tàn bạo. Hơn ai hết, họ thừa biết là đa số nhân dân và thế giới tiến bộ không đứng về phía họ. Vì vậy để tồn tại, một mặt họ tiếp tục đàn áp phong trào đấu tranh với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Mặt khác, họ tìm mọi cách để xoa dịu những mâu thuẫn trên, hòng kìm hãm không cho chúng phát triển lên tới đỉnh điểm, thông qua những chính sách đối nội và đối ngoại lừa mỵ của họ.
Ví dụ về mặt đối nội: họ tìm cách mua chuộc một bộ phận dân tộc với cơ man các loại huân, huy chương, danh hiệu và những quyền lợi đi kèm được ban phát, với hy vọng lực lượng này sẽ là chỗ dựa cho chế độ của họ. May thay, có những người đã không màng tới những danh lợi ấy và cũng không ngại hiểm nguy để vạch trần thủ đoạn này. Điển hình là diễn viên điện ảnh Kim Chi, khi bà viết thư cho Hội Điện ảnh từ chối làm hồ sơ đề nghị Thủ tướng Việt Nam khen thưởng: “… Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác mình bị xúc phạm. Được các đồng nghiệp có tâm, có tài khen ngợi mới thật là điều vinh dự…”.
Về chính sách đối ngoại thì tình hình cũng là tương tự: Khi buộc phải đối phó với những đòi hỏi tôn trọng những giá trị về dân chủ, nhân quyền của thế giới tiến bộ thì họ cũng sẵn sàng ký kết đủ các loại văn kiện, nhưng ký xong một đàng rồi họ làm một nẻo. Hoặc khi phải đối phó với những hành động thực dân tham tàn của Nhà cầm quyền  Trung Quốc thì họ cũng hô hào “đa dạng hóa, đa phương hóa”, và cũng để làm mình làm mẩy với “Thiên triều”. Nhưng thực tế đã chứng minh hùng hồn rằng: Mối quan hệ “4 tốt và 16 chữ vàng” mới là “chính sách đối ngoại cốt lõi” của họ!
Chúng ta cũng đang phải đấu tranh với một đối tượng mà đi dây chính trị là “nghề của chàng” trong suốt gần 70 năm qua, tính từ ngày 2/9/1945 đến nay. Họ cứ xưng xưng đại diện cho đất nước để làm hại đất nước! Họ nhân danh dân tộc để phản bội lại dân tộc! Vì vậy, việc xác định rõ những khó khăn trên là rất cần thiết. Điều đó sẽ giúp chúng ta nhận thức rõ đối tượng đấu tranh, từ đó sẽ có những đối sách đấu tranh thích hợp và điều quan trọng là không nản chí. Mục đích cuối cùng là: cả dân tộc cùng thống nhất hành động, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến lược đã nói ở trên.

6) Chế độ cộng sản Việt Nam chắc chắn không chóng thì chầy sẽ phải sụp đổ. Nhưng theo nhận định của anh thì nó sụp đổ là do ai? Lực lượng nào có khả năng làm nó sụp đổ nhất?
–        Kỹ sư Đỗ Nam Hải:
Tôi hoàn toàn đồng ý với anh là chế độ ấy dứt khoát phải sụp đổ để mở đường cho dân tộc tiến lên, còn hiện nay thì nó đang ngáng đường dân tộc muốn đi. Để làm được điều đó phải là lực lượng của cả dân tộc, chứ không thể là của một cá nhân hay tổ chức nào. Nhưng để góp phần bảo vệ những người đấu tranh trong nước, chúng ta cũng không nên cụ thể hóa việc xác định xem lực lượng nào, tổ chức nào là chính hay phụ trong cuộc đấu tranh này.
Để dễ hình dung cho giai đoạn đấu tranh sắp tới, chúng ta có thể lấy hình ảnh sau đây: Trên con đường Quốc lộ có một đống rác to ngáng đường đoàn người đang đi. Lúc đầu, mọi người vì ngại đống rác ấy quá to và bẩn nên đa số tìm cách tránh né, đi đường vòng. Tuy nhiên, có một số ít người không ngại và quyết định dừng lại để xúc những xẻng rác đầu tiên. Lúc đầu họ còn bị chê là “dại”. Thế nhưng, cùng với sự bền chí và quyết tâm sắt đá của họ thì đám đông quần chúng đã dần thay đổi nhận thức. Mọi người quyết định ủng hộ, trước tiên là về mặt tinh thần và sau đó là cùng hợp sức hành động – Quy luật lượng đổi dẫn tới chất đổi đã diễn ra. Cuối cùng là đống rác kia được dọn sạch nhanh đến không ngờ, trả lại sự quang đãng vốn có cho con đường!

7) Anh mong đợi gì nơi người Việt hải ngoại? Nói khác đi, người Việt hải ngoại nên làm những gì để yểm trợ hữu hiệu cho cuộc đấu tranh bên nhà?
- Kỹ sư Đỗ Nam Hải:
Theo tôi, lực lượng đấu tranh dân chủ Việt Nam hiện nay bao gồm cả lực lượng trong và ngoài nước. Trực tiếp đấu tranh với bộ máy công an trị trong nước là lực lượng trong nước, nhưng trực tiếp đấu tranh trên các diễn đàn quốc tế thì bao gồm cả hai lực lượng trong và ngoài nước. Để đấu tranh với các đại diện của NCQ CSVN, khi họ xuất hiện ở các diễn đàn quốc tế thì chính lực lượng đồng bào ta ở ngoài nước lại có điều kiện thuận lợi hơn.
Ví dụ những năm qua có nhiều đoàn đại diện của NCQ CSVN tại các diễn đàn quốc tế đã trình bày những hồ sơ rất đẹp về “thành tích” dân chủ và nhân quyền của họ. Đồng bào ta ở bên ngoài đã nhận ra và đã đến tận trận địa để trực tiếp đấu tranh vạch trần sự bịp bợm đó, không để cho họ cứ “múa gậy vườn hoang” như trước nữa! Mặt khác, hiện nay cũng đã có nhiều người nhưng sắp tới, khi thời cơ dân chủ đến, tôi tin là có hàng triệu đồng bào ta ở ngoài nước sẽ về sát cánh cùng với đồng bào trong nước, quyết đấu tranh cho tới ngày dân chủ toàn thắng!
Cuối cùng, xin cảm ơn Đài Van tivi, chương trình “Việt Nam hôm nay” đã cho tôi cơ hội được nói chuyện hôm nay. Xin trân trọng kính chào Quý khán, thính giả.

Tháng 6/2015.






No comments:

Post a Comment

View My Stats