Tuesday, 14 July 2015

Nhân vụ án Bình Phước: NGHĨ VỀ NGUYÊN NHÂN CỦA CÁI ÁC VÀ VAI TRÒ CỦA BÁO CHÍ (Hồng Vân - Nhịp Cầu Thế Giới)





Hồng Vân  -  Nhịp Cầu Thế Giới 
Chủ nhật - 12/07/2015 17:22

(NCTG) “Liên quan đến vụ án Bình Phước, điều tôi mong đợi báo chí nhắc đến trong các bài viết là quyền “suy đoán vô tội” của nghi phạm, vì nó thể hiện rõ nhất sự tôn trọng quyền con người mà nhà nước Việt Nam vẫn luôn khẳng định. Ngay cả khi đã bị khởi tố và bị đưa ra tòa, bị can vẫn phải được giả định là vô tội, và mọi chứng cứ, lập luận được sử dụng để buộc tội đều phải được chất vấn công khai với sự hỗ trợ của luật sư để chứng minh tính thuyết phục của bản án”.

Cơ quan điều tra đã nhanh chóng tuyên bố phá án thành công vụ thảm sát Bình Phước, nhưng vai trò của báo chí trong sự kiện này vẫn là điều khiến công luận phải lưu tâm - Ảnh: motthegioi.vn

Vụ thảm sát cả gia đình sáu người ở Bình Phước đang là một điểm nóng thu hút mối quan tâm của toàn xã hội. Đã có hàng trăm bài báo khai thác đề tài này dưới nhiều khía cạnh khác nhau, từ các tình tiết li kỳ của vụ án, sự hung ác của kẻ sát thủ, sự thương tâm của tấm thảm kịch kinh hoàng, sự đau đớn của người thân hai thanh niên vừa bị khởi tố, đến các vấn đề rộng hơn như sự quan trọng của giáo dục gia đình, sự phức tạp của tâm lý tội phạm, hoặc căn nguyên của cái ác trong xã hội Việt Nam hiện nay... Tưởng chừng mọi khía cạnh của vụ thảm sát trên đã được khai thác gần cạn hết; bài học cho từng đối tượng khác nhau đã và đang được rút ra, để hy vọng tránh được những thảm kịch tương tự về sau.

Nhưng có một khía cạnh khác của vụ án này chưa thấy bất kỳ tờ báo nào nhắc đến, trong khi theo tôi điều này là vô cùng quan trọng trong thời điểm Việt Nam đang có những cam kết với thế giới về cải thiện quyền con người, và trong bối cảnh nền tư pháp của Việt Nam có những oan sai chấn động đã được thừa nhận và sửa sai như vụ án Nguyễn Thanh Chấn, hoặc đang bị vướng mắc chưa biết giải quyết ra sao như vụ án của Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng. Tôi muốn nói đến quyền của những người bị nghi là có tội, đã được ghi rõ trong Hiến pháp 2013, tại Điều 31, Khoản 1: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Quyền con người, trong đó có các quyền về tư pháp, lần đầu tiên đã được Hiến pháp 2013 thừa nhận như một quyền độc lập tách ra khỏi quyền công dân. Điều này thường được nhà nước Việt Nam nêu ra như là một trong những điểm sáng trong Hiến pháp 2013 mà tôi vừa nhắc đến ở trên. Vì vậy, liên quan đến vụ án Bình Phước, điều tôi mong đợi báo chí nhắc đến trong các bài viết là quyền “suy đoán vô tội” của nghi phạm, vì nó thể hiện rõ nhất sự tôn trọng quyền con người mà nhà nước Việt Nam vẫn luôn khẳng định. Với quyền này, ngay cả khi đã bị khởi tố và bị đưa ra tòa, bị can vẫn phải được giả định là vô tội, và mọi chứng cứ, lập luận được sử dụng để buộc tội đều phải được chất vấn công khai với sự hỗ trợ của luật sư - những người am tường luật pháp - để chứng minh tính thuyết phục của bản án.

Với những bước tiến quan trọng như vậy trong việc thừa nhận các quyền của con người tại Việt Nam, chắc chắn không ai có thể tin rằng các phóng viên chuyên nghiệp của các tờ báo lớn lại không phân biệt được ý nghĩa của hai từ “nghi phạm” (kẻ bị nghi là phạm pháp) và “hung thủ” (kẻ gây ra tội ác). Và càng không ai dám nghĩ họ không biết rằng việc quyết định một người có tội hay không là việc của tòa án chứ không phải là việc của công an, càng không phải là việc của báo chí.

Vậy mà không hiểu vô tình hay cố ý, công an chỉ vừa đưa ra thông tin về tên tuổi của hai nghi phạm của vụ án là ngay lập tức các tờ báo chính thống đã lao vào khai thác các chi tiết về nhân thân của nghi phạm (kể cả khai thác hình ảnh riêng tư trên Facebook của các nghi phạm), tất cả đều chỉ theo một chiều hướng gây bất lợi cho các nghi phạm. Sự tranh luận, thắc mắc, nghi vấn liên quan đến quá trình điều tra và tính logic của diễn biến sự việc - những việc làm cần thiết để hỗ trợ việc đảm bảo nguyên tắc “suy đoán vô tội” - không hề thấy tồn tại trên các tờ báo chính thống, mà chỉ có thể thấy trên các mạng xã hội.

Rồi khi công an khẳng định đã tìm được đối tượng gây án, có thể chấm dứt điều tra để khởi tố, thì cũng các tờ báo chính thống lớn nhất như tờ “Tuổi Trẻ”, hoặc có chuyên môn nhất như tờ “Pháp luật TP. HCM” đã nhanh nhẩu gọi đích danh, đăng hình ảnh và giật tít lớn trên trang nhất của các tờ báo, và dành luôn cả quyền phán xét của tòa án khi gọi các đối tượng bị tình nghi và đưa ra khởi tố là “hung thủ”, trong khi chính cơ quan điều tra vẫn chỉ gọi họ là “nghi can” theo đúng Luật Tố tụng Hình sự.

Không chỉ có vậy. Như một cuốn phim hình sự truyền hình nhiều tập, các nhà báo sau khi đã khai thác cạn những tình tiết li kỳ liên quan đến các nạn nhân và thủ phạm (hiện vẫn còn chờ đang chờ tòa xét xử), thì bắt đầu quay sang tấn công, khai thác sự đau đớn, tủi nhục của những người thân hai kẻ tình nghi. Như những điều tra viên đang làm nhiệm vụ, họ bâu vào tra hỏi cha mẹ của hai thanh niên này về thói quen đi lại, ăn ở, tính nết, biểu hiện bất thường vv của hai cậu con trai mà giờ đây đã quá nổi tiếng trên cả nước. Nhưng không phải là để làm rõ những điểm còn mơ hồ hoặc còn nghi vấn, mà dường như chỉ nhằm tìm thêm các chi tiết thú vị, độc đáo để viết nốt một kịch bản có sẵn, theo đó ai là thủ phạm thì đã được tác giả xác định sẵn từ trước rồi, không thể có điều gì bất ngờ nữa cả. Như một vị tướng công an đã lên tiếng sáng nay: “Chỉ có hai đối tượng gây án, đề nghị không suy diễn”.

Bản án tử hình dành cho hai “đối tượng” này dường như đã được tuyên ngay từ trước khi tòa án thụ lý hồ sơ vụ án. Không chỉ cho các nghi can, mà còn cho cả gia đình, người thân của họ nữa. Và, điều mà một số người lo sợ - trong đó có tôi - đã xảy ra: Sức ép nặng nề của dư luận và sự bàng hoàng, đau đớn và tủi nhục khi nghe tin con mình phạm tội tày đình mà không hề có một cơ hội để được nghe con mình thổ lộ tâm sự, cha hoặc mẹ của cả hai “đối tượng” này đều đã nghĩ đến và có hành động quyên sinh, dù chưa ai phải bỏ mạng.

Có một bài báo trên tờ “Pháp luật TP. HCM” hôm nay được nhiều người chia sẻ vì những suy nghĩ được cho là khá sâu sắc. Bài viết ấy có tựa đề là “Đêm trước tội ác”, trong đó nêu câu hỏi tại sao các hung thủ của vụ án lại tàn ác đến như vậy, khi trước đó họ là những người hiền lành vô tội. Trong phần trả lời, tác giả trách mỗi người chúng ta là đã có lỗi khi quá hiếu kỳ chạy theo tìm và chia sẻ trên trang cá nhân các tình tiết ly kỳ của vụ án, và cả các nhà báo cũng có lỗi khi chỉ biết khai thác cạn kiệt các thông tin để phục vụ cho sự hiếu kỳ này của độc giả. Chính sự hiếu kỳ, bàng quan và vô trách nhiệm của mỗi người chúng ta khiến những thanh niên hiền lành lương thiện hôm trước qua một đêm bỗng trở thành sát thủ.

Một bài viết hay, và đúng, nếu nó không được mở đầu bằng lời khẳng định như đinh đóng cột mà không cần đưa ra căn cứ, rằng: “Hai đối tượng giết chết sáu người đã bị bắt. Thời gian ngắn nhưng các lực lượng đã làm rất chặt chẽ để đảm bảo không thể có oan sai”. Dựa trên sự khẳng định không thể có sai sót ấy, toàn bộ bài viết của tác giả về cái ác đều được xây dựng trên hình ảnh của hai nghi phạm mà giờ đây thêm một lần nữa lại được xem như đương nhiên là thủ phạm.

Còn tôi, thì nghĩ: nguyên nhân của thái độ hiếu kỳ, bàng quan và vô trách nhiệm mà tác giả đã nêu ở trên có một lý do sâu xa hơn, đó là cả xã hội đã mất niềm tin vào pháp luật. Vâng, ai có thể tin vào pháp luật khi tồn tại các vụ án oan sai đầy rẫy nhưng dường như không có cách gì để ngăn chặn, khi vai trò phản biện của báo chí - tai mắt và tiếng nói của người dân, giúp người dân giám sát những người thi hành nhiệm vụ - đã hoàn toàn bị chối bỏ.

Làm sao người dân không bàng quan, vô trách nhiệm khi chính báo chí với vai trò quyền lực thứ tư đã tự nguyện biến mình thành một nền báo chí “vào hùa”, chỉ biết “phụ họa” cho kết luận cơ quan điều tra - và tất nhiên, khai thác các thông tin giật gân để bán báo mua vui?

Hồng Vân, từ TP. HCM





No comments:

Post a Comment

View My Stats