Sunday 12 July 2015

Mấu chốt của giải pháp vấn đề nhân quyền ở Việt Nam là gì? (Hoài Vũ - Dân Luận)





Hoài Vũ, cộng tác viên Dân Luận
Tác giả gửi tới Dân Luận
12/07/2015

Ngay trong ngày cuối cùng của chuyến thăm và làm việc của ông Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam tại Mỹ, thì trên đất nước Việt Nam xảy ra nhiều vụ việc thu hút sự chú ý lớn của dư luận. Đặc biệt là vụ việc một người phụ nữ nông dân trong lúc bảo vệ đất canh tác đã bị một chiếc xe máy xúc chèn bánh xích ngang người nằm cạnh mấy cây cờ đỏ sao vàng trơ cán. Hình ảnh này, vừa gây xúc động mạnh mẽ trong dân chúng, vừa là một cách vô cùng quyết liệt của thực tế cuộc sống phản biện lại phát biểu của ông Trọng, góp một phần tiếng nói để trả lời cho giới quan sát trong nước và quốc tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Chuyến thăm của ông Trọng thu hút sự chú ý của nhiều báo chí truyền thông quốc tế, và tất nhiên, là chủ đề nổi bật trên khắp các báo giấy, báo hình, báo mạng ở Việt Nam. Sự kiện này đặc biệt không chỉ bởi tính lịch sử của nó, khi mà lần đầu tiên một vị quan chức lãnh đạo đảng, không có chức vụ chính quyền, nhà nước gì được tổng thống Mỹ tiếp đón tại nhà trắng để bàn bạc về công việc; mà còn bởi vì giới truyền thông trong ngoài nước muốn quan sát thật kỹ lưỡng các biểu hiện của ông trong chuyến thăm này, ngõ hầu phân tích, dự đoán một xu hướng vận động trong quan hệ Việt-Mỹ cũng như xu hướng phát triển của Việt Nam nói riêng. Những nhà phê bình quốc tế cũng chú ý quan sát, chờ đợi xem ông Trọng sẽ trả lời, phản ứng ra sao nếu được chất vấn về tình hình nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam, là chủ đề nóng mà đảng của ông thường bị chỉ trích. Và người ta đã có cơ hội được nghe câu trả lời của ông, trong những phút cuối cùng của cuộc thảo luận tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, diễn ra vào lúc 3:00-4:00 giờ chiều ngày 10 tháng 7 theo giờ địa phương tại Mỹ tức là lúc nửa đêm về sáng ở Việt Nam. [1]

Khi được hỏi về vấn đề nhân quyền, cụ thể là về vấn đề tự do ngôn luận và liệu có xu hướng tiếp tục giảm những vụ bắt bớ người hoạt động thể hiện chính kiến một cách ôn hoà trong thời gian tới, ông Trọng đã có một câu trả lời mà theo cá nhân tác giả, là ổn. Câu trả lời của ông, về đại để có mấy ý. 1 - Việt Nam cũng rất coi trọng vấn đề nhân quyền. Ông trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam và đề cập đến hiến pháp 2013 có một chương riêng về nhân quyền để chứng minh cho quan điểm của Việt Nam về vấn đề này. 2 – Ông cho rằng quyền của mỗi cá nhân cần đặt trong mối quan hệ với quyền của tập thể cộng đồng. Do đó để quản lý xã hội, giải quyết mâu thuẫn phát sinh thì cần dùng pháp luật. Và ông cho rằng những người bị bắt là vì họ vi phạm pháp luật, chứ không phải vì họ có chính kiến khác biệt, hay vì họ thực hiện quyền tự do ngôn luận, biểu hiện ôn hoà hay khác biệt tôn giáo. Đây là cách trả lời mà chính quyền Việt Nam thường dùng để đối phó với chất vấn từ các tổ chức bảo vệ nhân quyền và các nước tiến bộ. Câu trả lời không có gì mới, nhưng những người quan sát, phê bình có lẽ vì mải chỉ trích sự sáo rỗng cũng như tính phi thực tế của câu trả lời mang tính ngoại giao này mà quên chú ý đến những biến đổi có tính chất căn bản trong cư xử của chính quyền Việt Nam thời gian gần đây, để nhìn nhận về xu hướng phát triển và những mấu chốt của giải pháp cần làm để thúc đẩy sự tiến bộ ở Việt Nam trong thời gian tới.

Trong vòng mấy năm trở lại đây, xu hướng thả tù chính trị (bao gồm cả thả trước thời hạn, thả do đã mãn hạn tù và thả đồng thời trục xuất đi tị nạn) là vượt trội so với bắt bớ và kết án. Chính quyền chuyển sang sách nhiễu, làm phiền các hoạt động vì dân chủ, bảo vệ nhân quyền bằng các biện pháp kĩ thuật khác như can thiệp, gây khó khăn cho cuộc sống, công việc, chỗ ở và các sinh hoạt của người hoạt động. Thậm chí, đã có nhiều trường hợp chính quyền sử dụng lực lượng xã hội đen, hoặc lực lượng giấu mặt để khủng bố, đánh đập các nhà hoạt động (vụ đánh anh Nguyễn Chí Tuyến, Đinh Quang Tuyến, Trịnh Bá Tư,…) và những người dân có hành động bất tuân dân sự trong khi bảo vệ quyền lợi, đất đai của họ như các vụ ở Văn Giang, Hưng Yên; Đông Triều, Quảng Ninh và vụ gần đây nhất ở Cẩm Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương. Như vậy là chính quyền từ chỗ ngang nhiên công khai kết án người dân, đã tự nhận thức được sự sai trái, tính thiếu chính danh trong các hoạt động của họ. Vì vậy họ chuyển sang sử dụng các biện pháp giấu mặt như trên.

Giải pháp cho sự biến tướng này là gì? Đâu là mấu chốt vấn đề mà các nhà hoạt động, các nhà quan sát, bình luận quốc tế cũng như các tổ chức quốc tế, các chính phủ nước bạn mong muốn có sự tiến bộ nhân quyền ở Việt Nam cần quan tâm để thúc đẩy?

Đối với bất cứ hoạt động chính trị nào, cái khó nhất luôn là tìm ra điểm chung của các xu hướng chính trị để từ mẫu số chung đó đưa ra được những đồng thuận trong quan điểm, xu hướng, hành động. Hiện giờ, khi giới lãnh đạo, cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam đã đồng ý ở điểm cần dùng luật pháp để điều hành xã hội thì các lực lượng tiến bộ cần nhân dịp này để thúc đẩy một xã hội pháp quyền ở Việt Nam. Xã hội Việt Nam hiện tại chưa phải là xã hội pháp quyền. Sẽ không thể có xã hội pháp quyền khi mà toà án không độc lập, và không có cơ chế bảo vệ hiến pháp. Luật sư Ngô Bá Thành đã từng nói “Ở Việt Nam có cả một rừng luật, nhưng người ta lại chỉ xử sự theo luật rừng.”

Người bảo vệ pháp luật, đảm bảo sự công bằng của pháp luật chính là quan toà, thẩm phán và luật sư trong hệ thống tư pháp. Khi quyền lực của tư pháp không đủ mạnh do toà án thiếu tính độc lập và hoàn toàn chịu sự kiểm soát chặt chẽ từ đảng; do sức mạnh quyền lực của tư pháp quá chênh lệch so với hành pháp và lập pháp. Trong trường hợp bản thân luật pháp không đúng đắn mà mâu thuẫn với hiến pháp, do cách làm việc sai sót của lập pháp thì cần có cơ chế bảo hiến. Chính vì tư duy để cho quốc hội tự sửa sai theo phong cách vừa đá bóng vừa thổi còi nên mới có chuyện chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố “Quốc hội là dân, dân quyết sai thì dân chịu.”

Ai sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân trước bánh xe đè nghiến của chính quyền? Ai sẽ lôi những kẻ đánh đập, khủng bố người dân ra ánh sáng? Làm sao để đảm bảo những nội dung tốt đẹp trong câu chữ ở hiến pháp đi được vào thực tế cuộc sống? Câu trả lời cho tất cả những câu hỏi trên, là một hệ thống tư pháp mạnh, độc lập và có quyền lực ngang hàng với lập pháp, hành pháp.

Hoài Vũ

[1] Video buổi nói chuyện của ông Trọng tại CSIS: The Banyan Tree Leadership Forum with Nguyen Phu Trong.
Ngay sau câu trả lời này, đoàn tuỳ tùng của ông Trọng đã giải nguy cho ông, vì sợ câu chuyện tiến triển với nhiều câu hỏi tiếp theo, bằng cách ra dấu dừng buổi thảo luận để ông tiếp tục lịch trình.






No comments:

Post a Comment

View My Stats