Sunday 19 July 2015

Hội Nhà Văn Việt Nam: Không còn cảm hứng (The Economist)





Nguyễn Công Huân chuyển ngữ
18/07/2015

Sự chia rẽ giữa hai khối nhà văn cho thấy sự hạn chế của tự do ngôn luận

Những chân dung nhà văn treo trong một bảo tàng văn học mới ở Hà Nội, thủ đô Việt Nam. Đảng CS Việt Nam đang cầm quyền coi họ là những cây bút Việt Nam giỏi nhất trong thiên niên kỷ vừa qua. Những cây viết hay cận đại đều thuộc Hội Nhà Văn Việt Nam (NVVN), thành lập năm 1957 theo cung cách các tổ chức văn hóa của khối Xô Viết. Một nguyên tắc bất thành văn của nó là những nhà văn dám thách thức quyền lực độc tôn của Đảng CSVN trong đời sống chính trị sẽ bị trừng phạt và tẩy chay.

Tại hội nghị 5-năm của Hội NVVN, kết thúc vào 11 tháng Bảy, khách mời danh dự là ông Đinh Thế Huynh, trưởng ban tuyên giáo của Đảng. Ông Huy nói rằng sự phát triển của Hội phải tuân thủ theo quan điểm của Đảng về văn hóa, tức là đi theo đường lối của Đảng. Thế nhưng sự bất đồng chính kiến đang dâng cao trong hàng ngũ của Hội. Vào tháng Năm có 20 thành viên đã từ bỏ Hội, và đây là một trong những cuộc khởi nghĩa lớn nhất của nền văn học Việt Nam trong nhiều năm nay. #danluan

Mười lăm thành viên từ bỏ Hội bây giờ là thành viên của một tổ chức thay thế, Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam. Phạm Toàn, một thành viên, nói ông "dị ứng" với Hội NVVN, và các tổ chức đoàn thể thuộc chính quyền khác, và bổ sung thêm rằng, sau nhiều năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, "khái niệm 'tài năng' đã không còn". Văn Đoàn với trên dưới 80 thành viên được thành lập năm 2014, có xu hướng ít đối đầu với chính quyền hơn các nhà hoạt động dân chủ và bất đồng chính kiến. Thế nhưng nếu so với các thành viên chính thức của Hội NVVN, thì thành viên Văn Đoàn có xu hướng ít ủng hộ hệ thống lý luận của Đảng CSVN và nghiêng nhiều hơn về xuất bản trực tuyến hoặc qua các nhà in tư nhân, ông Bùi Chát – một thành viên Văn Đoàn – cho biết.

Các nhà chức trách không hề hài lòng với chuyện này. Bùi Chát cho biết gián điệp đã nghe lén các cuộc họp 2 tháng một lần của Văn Đoàn tại thành phố Hồ Chí Minh. Phó chủ tịch Hội NVVN, ông Nguyễn Quang Thiều, tuyên bố hôm 3 tháng Bảy rằng nhà văn Việt Nam không được phép tham gia hai hội nhà văn cùng một lúc. Chỉ thị này nghe có vẻ vô lý, nhưng nó có một hiệu ứng làm người ta lo ngại: Hội NVVN kiểm soát tất cả các nhà xuất bản chính trong nước, và vì thế kiểm soát khoản thu nhập (không đáng kể) của hàng ngàn nhà văn Việt. Một nhà thơ, nhà văn bị rơi vào vòng kiểm soát của bộ máy quản lý văn học do nhà nước quản lý ở Việt Nam sẽ ít có khả năng được xuất bản.

Nhưng chiến thuật này đã lỗi thời. Việt Nam ngày nay trở thành một xã hội nối mạng mạnh mẽ nhất Đông Nam Á. Sự gia tăng các bình luận chính trị trên Facebook tiếng Việt làm cho an ninh ngày càng vất vả trong việc giữ cho các nhà văn (cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên) trong khuôn phép. Đảng CSVN, trong lúc đang phải vật lộn với chủ nghĩa dân tộc hung hăng của Trung Quốc, đang mong muốn thúc đẩy quan hệ thương mại và ngoại giao sâu hơn với Hoa Kỳ; tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp Barack Obama tại Washington ngày 7/7. Tăng cường đàn áp trong nước không phải là cách hay để thuyết phục Obama rằng Việt Nam tôn trọng tự do ngôn luận.

Thế nhưng, thói quen cũ rất khó bỏ. Vào tháng 12 ông Nguyễn Quang Lập, một nhà văn và nhà viết kịch dòng chính được nhiều giải thưởng, đã bị bắt giữ ở thành phố Hồ Chí Minh theo một điều khoản an ninh quốc gia mơ hồ thường được dùng để hình sự hóa các nhà bất đồng chính kiến, bởi ông này rõ ràng đã viết một số bài viết chỉ trích Đảng CSVN trên blog, nơi đã nhận được 100 triệu lượt xem. Ông được thả ra vào tháng Hai, bị giam tại gia, và nhưng vẫn có một lượng fan khổng lồ. Hội NVVN lần này sẽ phải quyết định xem có nên loại bỏ tên tuổi của ông ra khỏi bảo tàng văn học, vì lý do chính trị hay không.









No comments:

Post a Comment

View My Stats