Friday, 17 July 2015

Hạn chế của Trung Quốc: quyền lực mềm (Nguyễn Hưng Quốc)





16.07.2015

Để trở thành một siêu cường, hay chỉ để có thế giá trên trường quốc tế, một quốc gia cần phải có song song hai thứ quyền lực: quyền lực cứng (hard power) và quyền lực mềm (soft power).

Quyền lực cứng chủ yếu dựa trên kinh tế và quân sự, quyền lực mềm chủ yếu dựa trên văn hoá và ngoại giao. Quyền lực cứng nhắm đến việc chinh phục người khác bằng sức mạnh, sự cưỡng bức và trừng phạt; quyền lực mềm chinh phục người khác bằng sự thuyết phục và cảm hoá. Quyền lực cứng đánh vào bao tử và sinh mệnh của người khác nhằm tạo nên những thuộc hạ hoặc chư hầu; quyền lực mềm đánh vào tâm lý nhằm tạo nên những đồng minh và những người bạn. Quyền lực cứng làm cho người khác khiếp sợ; quyền lực mềm làm cho người khác cảm mến và quy phục.

Không ai có thể hoài nghi, trong mấy thập niên vừa qua, Trung Quốc đã tạo nên được một thứ quyền lực cứng rất ngoạn mục. Kinh tế họ phát triển rất nhanh, hiện nay đã là một nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, và theo sự tiên đoán của một số học giả, trong vài thập niên tới, có thể qua mặt Mỹ để trở thành một nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cũng trong mấy thập niên vừa qua, Trung Quốc đổ rất nhiều tiền cho quốc phòng. Hiện nay, họ có một đội quân đông nhất trên thế giới với những vũ khí và thiết bị quân sự tuy chất lượng chưa thật cao nhưng số lượng thì thật lớn có thể thách thức bất cứ một quốc gia nào khác, trừ Mỹ. Về cả quân sự lẫn kinh tế, Trung Quốc hiện đang là một cường quốc trong khu vực có lẽ hơn hẳn Nhật Bản và Ấn Độ.

Sở hữu một thứ quyền lực cứng lớn lao như vậy, Trung Quốc dần dần ngắm nghía đến việc tạo dựng quyền lực mềm. Từ năm 2007, dưới thời Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc bắt đầu nói đến quyền lực mềm. Nhưng người cổ vũ cho quyền lực mềm mạnh mẽ nhất là Tập Cận Bình. Năm 2011, khi chuẩn bị lên cầm quyền, Tập Cận Bình tuyên bố một trong những mục tiêu lớn nhất của Trung Quốc là trở thành một “siêu cường quốc văn hoá xã hội chủ nghĩa” (socialist cultural superpower); năm 2014, ông nhấn mạnh lại rõ ràng hơn:
“Chúng ta phải gia tăng quyền lực mềm của Trung Quốc, đưa ra một tự sự thật đẹp về Trung Quốc và gửi những thông điệp hay hơn về Trung Quốc cho cả thế giới”. Theo sự ước tính của nhiều học giả, số tiền Trung Quốc bỏ ra cho việc tuyên truyền đối ngoại là khoảng 10 tỉ Mỹ kim mỗi năm, gấp mấy chục lần ngân sách của Mỹ (khoảng 666 triệu Mỹ kim/năm).

Hai trong những trung tâm của chiến lược xây dựng quyền lực mềm của Trung Quốc là gia tăng viện trợ cho các nước và phát triển các Viện Khổng Tử trên khắp thế giới. Viện trợ Trung Quốc đổ ra nhiều nhất là cho các quốc gia châu Phi và châu Mỹ La Tinh. Còn Viện Khổng Tử thì được dựng khắp nơi, hiện nay cứ khoảng bốn ngày thì có một Viện mới ra đời. Người ta dự tính sẽ có khoảng 1000 Viện Khổng Tử vào năm 2020, tức trong năm năm tới.
Nhưng các việc viện trợ và phát triển các Viện Khổng Tử ấy có tác dụng thế nào trong việc củng cố quyền lực mềm của Trung Quốc? Hầu hết các học giả đều cho các thành quả mà Trung Quốc gặt hái được không nhiều. Có. Nhưng không nhiều. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận được thực hiện ở Bắc Mỹ, Âu châu, Ấn Độ và Nhật Bản đều cho thấy cách dân chúng nhìn Trung Quốc vẫn đầy tiêu cực. Chỉ ở châu Mỹ La Tinh và châu Phi là dân chúng còn tương đối có thiện cảm với Trung Quốc. Tuy nhiên, ở đây lại có hai yếu tố cần lưu ý: Một là chỉ tương đối thôi; hai là các quốc gia ấy đều nghèo yếu, và đặc biệt, xa xôi quá, đứng về phương diện quân sự, họ không có ảnh hưởng gì trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc. CácViện Khổng Tử mới được mọc lên rất nhanh, nhưng gần đây số lượng những Viện Khổng Tử bị đóng cửa hoặc bị phê phán cũng tăng nhanh không kém. Số còn lại đều bị dân chúng cũng như chính quyền địa phương nhìn một cách đầy nghi ngờ và e ngại.

Tất cả những điều này có thể được thấy rất rõ từ kinh nghiệm của Việt Nam: Mặc dù được sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam qua những khẩu hiệu “4 tốt” và “16 chữ vàng”, dân chúng Việt Nam nói chung vẫn rất ghét Trung Quốc. Cảm giác thù ghét ấy trầm trọng đến độ Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ quốc phòng, phải lấy làm “lo lắng”.

Có thể nói, so với số tiền khổng lồ họ bỏ ra, Trung Quốc đã thất bại trong việc củng cố quyền lực mềm của họ.

Tại sao?

Trong bài “The Limits of Chinese Soft Power”, giáo sư Joseph S. Nye, cha đẻ của thuật ngữ “quyền lực mềm”, cho có hai lý do chính làm hạn chế các nỗ lực tuyên truyền của Trung Quốc.

Thứ nhất là do chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc. Giới cầm quyền Trung Quốc hay nói đến việc xây dựng “giấc mơ Trung Quốc”, nhưng với các quốc gia láng giềng của Trung Quốc, nội dung chính của giấc mơ ấy là bành trướng, là xâm lược. Điều này được thấy rõ nhất ở các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải với Trung Quốc như Nhật Bản, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam. Ngay cả những quốc gia trước vốn ít nhiều thân thiện với Trung Quốc như Indonesia, Singapore, Miến Điện và Thái Lan cũng dần dần đâm ra lo sợ và e dè trước Trung Quốc. Nam Triều Tiên và Nhật Bản thì nhìn Trung Quốc một cách đầy cảnh giác. Có thể nói Trung Quốc đang mua bạn ở xa (tận châu Phi và châu Mỹ La Tinh) nhưng lại mất gần hết các láng giềng gần.

Hạn chế thứ hai của Trung Quốc là bản thân họ là một quốc gia độc tài. Theo Joseph S. Nye, quyền lực mềm được xây dựng từ ba nguồn chính: văn hoá, các giá trị chính trị và chính sách ngoại giao. Văn hoá Trung Quốc vốn rất lâu đời và rất rực rỡ, cách ngoại giao của họ cũng khá khéo léo, nhưng những giá trị chính trị của họ thì quá tồi tệ, có tác dụng ngược với văn hoá cổ truyền mà họ muốn biểu dương. Hơn nữa, một quyền lực mềm chỉ được phát triển một cách hiệu quả dựa trên các cá nhân, các tổ chức phi chính phủ và các xã hội dân sự. Ở Trung Quốc thì khác. Tất cả đều qua tay của nhà nước. Mà bàn tay của nhà nước Trung Quốc lại đầy máu và nước mắt của nhân dân nước họ. Guồng máy tuyên truyền của Trung Quốc dù được tài trợ nhiều tiền đến mấy cũng không che giấu được các sự thật ấy. Thực tế độc tài và chà đạp nhân quyền của Trung Quốc khiến các cuộc vận động tuyên truyền của họ tan thành mây khói. Hình ảnh Olympic ở Bắc Kinh năm 2008 cũng như hình ảnh Thượng Hải Expo năm 2009 bị lu mờ ngay tức khắc trước việc chính phủ bắt giam nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba và sau đó, Ngải Vị Vị. Trên thế giới ngày nay, nhắc đến Trung Quốc, người ta nhớ ngay đến vụ đàn áp thanh niên sinh viên ở Thiên An Môn cũng như cuộc xâm lược và sau đó, trấn áp người dân Tây Tạng..

Với sự thất bại trong việc xây dựng quyền lực mềm, Trung Quốc hiện nay là một cường quốc không có đồng minh, hoặc nếu có, cũng rất đỗi hoạ hoằn. Riêng ở châu Á, ngoài Bắc Triều Tiên, hầu như họ chỉ mới mua chuộc được Campuchia.

Một cường quốc như thế không thể nói được là mạnh.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.





No comments:

Post a Comment

View My Stats