Tuesday, 21 July 2015

Go Set a Watchman: Giá của Tỉnh Ngộ (Phùng Nguyễn)





21.07.2015

14 tháng 7 năm 2015 là ngày nhà xuất bản Harper Collins chính thức phát hành Go Set a Watchman của Harper Lee. Đây là một sự kiện văn học hiếm hoi, diễn ra song song với một sự kiện lịch sử khác có liên hệ mật thiết đến nội dung của cuốn sách được nhiều người trông đợi này, và nhất là có khả năng gây sốc cho độc giả Hoa Kỳ trong những ngày tháng tới. Hiếm hoi bởi vì đây là cuốn sách thứ hai và chắc chắn là cuối cùng của Harper Lee được đến với độc giả hơn nửa thế kỷ sau khi cuốn tiểu thuyết nổi tiếng khắp thế giới của cùng tác giả, To Kill a Mockingbird, chào đời vào năm 1960.

Go Set a Watchman, cũng như To Kill a Mockingbird trước đó, đào sâu vấn đề kỳ thị màu da ở một thành phố nhỏ thuộc bang Alabama vào những năm 30 và 50 của thế kỷ trước. Tình cờ, sự ra đời của Go Set a Watchman lại trùng hợp với việc lá cờ của Liên minh miền Nam trong cuộc chiến tranh Nam Bắc Hoa Kỳ, được xem như là một nhắc nhở không đáng hoan nghênh của chế độ phân biệt chủng tộc, được lấy xuống khỏi tòa nhà quốc hội bang South Carolina chỉ vài hôm trước đó. Sự kiện mang tính lịch sử này xảy đến như là hậu quả của một vụ thảm sát với động cơ kỳ thị chủng tộc làm thiệt mạng chín người da đen trong một nhà thờ ở thành phố Charleston, South Carolina. Nhưng chính là những khám phá mới về con người của Atticus Finch, “người hùng” của To Kill a Mockingbird, đã khiến người đọc sửng sốt và hoang mang.

Sự thay đổi bất ngờ của luật sư Atticus Finch trong Go Set a Watchman được bình phẩm sôi nổi trong hầu hết các bài điểm sách trên các nhật báo và tuần báo tiếng tăm của Mỹ. Michiko Kakutani, trong “Harper Lee’s ‘Go Set a Watchman’ Gives Atticus Finch a Dark Side” trên The New York Times chỉ ra những tương phản sâu sắc về tính chất của Finch, một người thông thái, tử tế, một luật sư giàu tình nhân ái đã dùng tài năng của mình để bào chữa cho một người da đen bị vu cáo đã hãm hiếp một phụ nữ da trắng ở Maycomb, một thị trấn tưởng tượng đầy dẫy tệ nạn kỳ thị thuộc bang Alabama vào những năm 30 thế kỷ trước. Nói tóm lại, Atticus là một tấm gương đạo đức rạng rỡ.

Trong Go Set a Watchman, đặt trong khung thời gian những năm 50, cũng ở Maycomb, Atticus Finch, già lão và bị tê thấp, được mô tả như là một người hoàn toàn trái ngược với cái hình ảnh vừa nêu. Người hùng “cấp tiến” Atticus Finch, người bị thị dân Maycomb đào thải bởi vì đã từng “yêu đám mọi đen,” được diễn tả, ngay ở chương sách đầu tiên, trong sự sửng sốt, bàng hoàng của người đọc, như là một người có đầu óc kỳ thị, đã từng tham dự họp hành của đảng Ku Klux Klan, và tuyên bố chống lại những nỗ lực chống phân biệt chủng tộc của chính phủ liên bang và phong trào đòi quyền công dân của người da đen.

To Kill a Mockingbird đã từ lâu được xem là một hiện tượng văn học hiếm hoi không chỉ của Hoa Kỳ mà còn của thế giới. Cuốn sách này đã nhanh chóng mang đến cho tác giả giải thưởng Pulitzer cho bộ môn sáng tác vào năm 1961, một năm sau ngày phát hành, bán được hơn 40 triệu cuốn, và được dịch ra nhiều thứ tiếng (bản dịch Việt ngữ Giết con chim nhại của Huỳnh Kim Oanh và Phạm Viêm Phương do nhà xuất bản Nhã Nam phát hành năm 2008). Cuốn phim cùng tên thực hiện vào năm 1962, với diễn viên Gregory Peck trong vai luật sư Atticus Finch, là một thành công lớn với ba giải Oscar, và được xem là một trong những tác phẩm điện ảnh vĩ đại nhất của Hoa Kỳ. Những thành công về văn học và điện ảnh của To Kill a Mockingbird cùng với việc tác phẩm này được đưa vào giảng dạy trong chương trình tiểu học và trung học của Hoa Kỳ đã khiến những nhân vật của truyện, đặc biệt nhân vật chính diện Atticus Finch, trở thành bất tử trong lòng nhiều thế hệ độc giả. Đối với họ, Atticus là một biểu tượng văn hóa, là lương tri của nước Mỹ trong cuộc tranh đấu gay go và dai dẳng chống nạn kỳ thị và xác lập quyền công dân của người da đen. Go Set a Watchman, chỉ với chương đầu tiên (được tung ra sớm cho người đọc có cơ hội xem thử), đã làm sụp đổ hình ảnh cao đẹp của Atticus Finch trong một sớm một chiều. Và điều này nhất định sẽ mang đến những tranh cãi nóng bỏng không chỉ trong văn học mà còn trong nhiều lãnh vực khác của xã hội Hoa Kỳ.

Chưa gì đã có người thẳng thừng từ chối ghé mắt vào Go Set a Watchman bởi vì không muốn phải đối diện với hình ảnh của một Atticus Finch xấu xa, đầy khuyết điểm, hoàn toàn trái ngược với những gì họ đã gìn giữ trong tâm khảm bao nhiêu năm qua. Cũng có độc giả từ chối đọc cuốn sách này vì những lý do khác, như Jane Shilling trong “Why I won’t be reading Go Set a Watchman” trên The Telegraph, người cho rằng dấu ấn không thể lầm lẫn của một đại tác phẩm là cảm giác tin cậy tuyệt đối nó gợi lên trong lòng người đọc, và To Kill a Mockingbird đã cho họ niềm tin này ngay ở những dòng cuối của trang sách đầu tiên. Rõ ràng là Jane Shilling đã không tìm thấy dấu ấn này trong Go Set a Watchman.

Một số người khác, quan tâm nhiều hơn đến cái gọi là “sự thật văn học,” đã đưa ra vấn nạn có nên viết lại các luận án văn chương liên quan đến nhân vật Atticus Finch để phản ánh những thay đổi về mặt phẩm tính của nhân vật này hay không. Cũng có người ôn hòa (nhưng không nhất thiết lạc quan) hơn, cho rằng Go Set a Watchman có thể là một cơ hội để mở ra một cuộc đối thoại thú vị về khả năng nhào nặn nhân vật từ chính ước muốn của người đọc. “Đây là cái hình ảnh mà chúng ta (người Mỹ) muốn có/trở thành như là một đất nước, nhưng Atticus không phải là hình ảnh đó,” Karla FC Holloway, giáo sư Anh văn và luật ở Duke University phát biểu. Trong cùng một chiều hướng, nhưng u ám hơn, Sam Sanks cảnh báo người đọc trên nhật báo The Wall Street Journal: “Go Set a Watchman là một cuốn sách gây phiền muộn, tung ra một phản bác [khiến chúng ta phải] giật mình cho cái lý tưởng sáng ngời của To Kill a Mockingbird, và chủ đề chính của nó là sự tỉnh ngộ.”

Hành trình của Atticus Finch từ To Kill a Mockingbird đến Go Set a Watchman minh họa sự thoái hóa về phẩm chất của nhân vật này, và hành động cho ra đời cuốn sách Go Set a Watchman có thể được xem là một phản bội dũng cảm và tối hậu của Harper Lee đối với các thế hệ độc giả trung thành của mình để cảnh báo họ về sự mong manh, bất trắc của lòng người. Cũng có thể Harper Lee hoàn toàn không có ý định đó. Khá lâu trước khi Go Set a Watchman được tung ra, có một số nguồn tin cho rằng chính Tonja Carter, luật sư và là người cộng sự tín cẩn của gia đình tác giả mới là người đứng sau các hoạt động liên quan đến việc xuất bản và phát hành Go Set a Watchman. Harper Lee, 88 tuổi, gần như mù và điếc, giam mình trong khu nhà dưỡng lão gần Monroeville, Alabama, sinh quán của bà, sau khi trải qua nạn tai biến mạch máu não vào năm 2007. Không ít người cho rằng với điều kiện sức khỏe như thế, Harper Lee không đủ sáng suốt để quyết định có nên xuất bản cuốn sách thứ hai (nhưng thật ra là đầu tay) của mình hay không.

Dù sự thật như thế nào đi nữa thì Go Set a Watchman cũng là một việc đã rồi, những cú sốc do nó gây ra đã lan tỏa khắp nơi, không còn ngăn chặn được nữa. Sự quay ngược 180 độ của nhân vật Atticus Finch trong cách tiếp cận với các vấn đề của phân biệt màu da và phong trào đòi quyền công dân của người da đen nhất định sẽ làm không ít độc giả thương tâm. Đây là cái giá phải trả cho việc chứng kiến sự sụp đổ của thần tượng. Để tự an ủi, người ta có thể nhắc nhở nhau rằng cho dù có thân thiết, gần gũi với đời sống bao nhiêu đi nữa, Atticus Finch, và tác phẩm To Kill a Mockingbird, chỉ là sản phẩm của hư cấu.

14.000 km về phía Tây của Monroeville, Alabama, là Hà Nội, thủ đô của nước CHXHCN Việt Nam. Ở đất nước này, mỗi buổi sáng đều có người thức giấc với một nhận thức mới về một “sự thực lịch sử” không giống như những điều mà họ và các thế hệ trước và sau họ, trong nhiều thập niên, được nhồi nhét vào đầu trong các trường lớp từ thời cấp I, cấp II, bởi những chiếc loa phường không ngưng nghỉ, bởi hệ thống tuyên truyền cài đặt trong lòng báo chí lề phải. Cái giá phải trả cho sự tỉnh ngộ, những điều người ta phải chịu đựng khi khám phá ra một phần quan trọng của đời sống của mình đã từng bị nhận chìm trong dối trá, nhất định phải lớn hơn nỗi hoang mang, cay đắng của những độc giả trung thành của To Kill a Mockingbird.

Bởi vì không giống như Go Set a Watchman, đây không hề là điều hư cấu.

* Blog của nhà văn Phùng Nguyễn là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.





No comments:

Post a Comment

View My Stats