Friday, 24 July 2015

Cựu tù nhân Điếu Cày kể chuyện (Ocregister.com)





Ocregister.com      
Nguyễn-Khoa Thái Anh chuyển ngữ
03:19:pm 23/07/15

Nguyễn văn Hải đã ngồi tù trước đây.

Ông cho biết đã bị giam nhiều ngày, tra khảo và đánh đập – và bắt phải khai tên của những người tổ chức chống Trung Quốc, những người vận động các cuộc biểu tình chống Trung quốc và nhà nước Việt Nam.

Nhưng lần này thì khác. Một nhà blogger chính trị, còn được gọi là Điếu Cày, phải đối mặt với một phiên toà xử kín tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10 Tháng Chín 2008.
Tội danh của ông là trốn thuế.
Tuy nhiên, thời điểm ông bị bắt thật đáng ngờ. Điếu Cày bị bắt vào tháng Tư, nhiều ngày trước khi cuộc rước đuốc Olympic đã đi qua Việt-Nam trên đường đến Bắc Kinh.
Tội trốn thuế, theo tổ chức phi chính phủ Human Rights Watch, là một “cái cớ” để giam ông Nguyễn văn Hải không cho ông biểu tình chống Trung Quốc.
“Tôi chẳng sợ,” Nguyễn nói qua một người thông ngôn. “Tôi biết trước những rủi ro.”
Tuyên án: có tội.
Ông bị kết án 21 năm rưỡi tù. Ông cho biết ông đã ở tù sáu năm.

• • •

Sáng thứ Bảy, ông Nguyễn văn Hải, 63 tuổi, ngồi ở một băng ghế trong Công viên Tự Do Sid Goldstein (Freedom Park) ở Westminster.
Nguyễn nói một cách mạch lạc gần như thầm thì về cuộc sống của mình tại Việt Nam – về chuyện chiến đấu cho miền Bắc, về việc mở một cửa hàng điện tử vào năm 1990, và về chuyện chuyển trọng tâm của mình về việc tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam.

Đã lâu Human Rights Watch lên án Việt Nam là một trong các quốc gia có thành tích tồi tệ nhất thế giới, nói rằng chính phủ “triệt tiêu hầu như tất cả các hình thức bất đồng chính kiến.”
Họ cứ bắt tôi phải nhận tội và họ sẽ đối xử nương tay với tôi”, Nguyễn nói về nhiều vụ giam giữ ông. “Nhưng tôi không làm được. Tôi đã chẳng có làm gì sai. “

• • •

Nguyễn văn Hải sinh ra tại Hải Phòng, miền Bắc Việt Nam, vào năm 1952, hai năm trước khi quân đội cộng sản lấn chiếm, khởi sự cuộc nội chiến 20 năm.
Ông đã phải chịu đựng hai mươi năm tuyên truyền: về nỗi kinh hoàng của chủ nghĩa tư bản và về những người được coi là những người láng giềng kém cỏi ở phương Nam của mình.
“Tất cả mọi thứ bị cấm tiệt,” ông nói. “Không có radio, không có TV, không có giáo dục. Giáo dục của họ chỉ là để loại bỏ chủ nghĩa tư bản.”
Ông cũng phải theo một quy luật mà tất cả các các nam giới đến tuổi phải đi quân dịch.
Từ khi ông18 tuổi cho đến khi Sàigòn sụp đổ vào ngày 30 tháng tư năm 1975, ông tiến quân về phía Nam với các đồng chí của mình.
“Tất cả những gì tôi biết là do họ nói với tôi,” ông kể.
Ngày mà Sài Gòn thất trận, ông Nguyễn bắt đầu nghỉ hai tuần ở Vũng Tàu, một thị trấn khoảng 60 dặm về phía Nam Sàigòn.
“Tôi thấy miền Nam đẹp như thế nào,” ông nói. “Mắt tôi bắt đầu mở ra. Người miền Nam đã có một cuộc sống tốt hơn. “

Một hôm, đi lang thang qua chợ ông bỗng nhìn thấy một người phụ nữ trẻ bán hàng ở một sạp trái cây với mẹ cô. Cô 18 tuổi; ông 23. Nguyễn đến bên cô và tự giới thiệu mình.
Cha cô là một đại úy trong lực lượng cảnh sát của thành phố. Hai tuần sau đó, ông đến chơi với cô gái trẻ và gia đình cô, dùng cơm tối với họ, chia sẻ những câu chuyện với họ.
“Họ lo lắng những gì cộng sản sẽ làm đối với họ,” ông cho hay. “Họ rất sợ hãi.”
Nhưng riêng ông, đó là những giây phút tuyệt vời.
“Đó là một thời gian vui sướng trong đời tôi“, Nguyễn nói, mỉm cười. “Tất cả mọi thứ trở nên xinh đẹp.”

Nhưng sau đó, điện thoại của ông reo.
Đó là ngày 11 tháng 5, năm 1975, và cấp trên của ông yêu cầu ông ‘làm việc’ cùng họ trong một phòng họp tại trụ sở chính. Ông biết chuyện gì sẽ đến.
“Họ đưa tôi đi,” ông Hải nói. “Họ đưa tôi đi vì tôi đã có liên hệ với con gái của vị Đại úy cảnh sát.”
Trong tù, Nguyễn và bạn tù của ông không được phép ra ngoài, có rất ít để ăn và bị tra tấn.
Sáu tháng sau, Nguyễn đã được thả và sau đó bị đuổi ra khỏi quân đội.
“Tôi đã đi Vũng Tàu,” ông nói. “Nhưng khi đến đó, cô gái đã biến mất. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cô ấy một lần nữa.”

• • •

Cuối cùng Nguyễn gặp một người khác và kết hôn khi ông 31. Ông dọn đến Thành phố Hồ Chí Minh, theo học điện tử và mở một cửa tiệm vào đầu năm 1990.

Ở Westminster, tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, Nguyễn mô tả sự căng thẳng chuyện tham gia chính trị của ông vào năm 2000, đã bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân của mình. Ông và vợ đã ly dị vào năm 2006.

Ông có một người con gái ở Canada, và một trai và một gái vẫn còn ở Việt Nam. Ông đã không gặp được họ kể từ khi ông bị bắt vào năm 2008.

Trong chín tháng qua, kinh nghiệm của ông tại Little Saigon, nơi có con số cư dân người Việt lớn nhất bên ngoài Đông Nam Á, trên nhiều phương diện cũng giống như trải nghiệm của những người đã rời Việt Nam sau khi Sài Gòn thất thủ cách đây 40 năm.

Ông đang sống với bạn bè và cố gắng xây dựng một cuộc sống mới trong khi vẫn giữ kết liên lạc với những gì đang xảy ra trên quê hương của mình.
Ông nói trên các phương tiện truyền thông người Mỹ gốc Việt về tình hình ở quê nhà – cân bằng sự giận dữ chống lại chính quyền Cộng sản với vận động chống lại sự hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

“Tôi không có việc làm,” ông nói. “Nhưng tôi vẫn cố gắng chăm chú vào chuyện nhân quyền tại Việt Nam.”

• • •

Chuyện bắt đầu vào năm 2000, với một trang blog.

Ông Hải đã chứng kiến ​​trong nhiều năm qua sự đói nghèo và áp bức của đồng bào của mình.
“Nếu chúng ta không tranh đấu cho họ,” ông nói, “sẽ không ai khác làm.”
Ông Hải đã viết về những gì ông chứng kiến ở Việt Nam, ông cho biết, để mọi người trên thế giới có thể nhìn thấy các vi phạm của nhà nước Việt Nam.

Ông tham gia cuộc biểu tình và chụp ảnh. Ông nói rằng ông đã nhìn thấy sự tàn bạo của cảnh sát. Ông đã giúp thành lập Hội Nhà Báo Tự do.
Hội đã bắt đầu công việc của họ vào ngày 09 tháng 9, năm 2007. Và sau đó công việc của ông – và mối nguy nan – đã bắt đầu một cách nghiêm trọng.
Hội đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc, trong đó có một cuộc biểu tình ngày 16 tháng 12, 2007, trước Đại sứ quán Trung Quốc. Sau đó, ông Hải xuống đường, trên đường đi bộ về nhà mình, Cảnh sát đã chặn ông lại.
“Tôi đã bị đánh,” ông Hải nói. “Họ xiết cổ tôi cho đến khi tôi ngất đi và quẳng tôi vào một chiếc taxi. Họ đưa tôi đến một văn phòng bắt đầu đánh đập và tra khảo tôi. “

Điều đó đã không ngăn cản được ông ta.
Có những cuộc biểu tình trong suốt tháng Mười Hai và tràn sang năm mới.
“Họ hỏi tôi ai đã tổ chức các cuộc biểu tình,” ông nói. “Cuối cùng, họ nhận ra rằng chính tôi là một trong những người tổ chức.”

Ông bị bắt, theo Human Rights Watch, ít nhất 15 lần vào khoảng tháng Chín năm 2007 và tháng 4 năm 2008, khi thời gian nằm tù dài nhất của ông đã bắt đầu.

“Thật đủ tồi tệ đủ khi chính quyền Việt Nam loại một nhà hoạt động chống Trung Quốc ra khỏi đường phố chỉ vài ngày trước khi ngọn đuốc Olympic đi qua TP Hồ Chí Minh,” bà Elaine Pearson, phó giám đốc khu vực châu Á của Human Rights Watch, cho biết trong một tuyên bố vào thời điểm đó. “Nhưng bỏ tù anh ta trong lúc đó vì một tội danh đáng nghí ngờ là một sự hèn mạt quá mức.”

Ông đã trải qua 2 1/2 năm tù, bị kẹt trong xà lim không có thời gian tập thể dục, bị chuyển từ nhà tù đến nhà tù khác nên ông không thể gặp được người thăm nuôi, phải thực hiện một cuộc tuyệt thực để phản đối chuyện bị giam của mình.

Trong khi đó, cảnh sát nhắm đến mục tiêu gia đình của ông.

“Họ sử dụng tuyên truyền chống lại chúng tôi,” Nguyễn Trí Dũng, con trai 29 tuổi của Nguyễn cho biết, trong một email. “Họ gọi gia đình tôi là những kẻ khủng bố và phản động. Hàng xóm xa lánh chúng tôi. Nhiều người nguyền rủa mẹ tôi. … Những gì họ làm thật đáng kinh tởm. “

Tháng 10 năm 2010, lính hộ tống ông Hải đến cửa của nhà tù.
“Tôi nằm tù xong thời hạn của tôi và đã bước ra khỏi nhà tù,” Nguyễn nói.
“Tại cửa trại giam, tôi đã bị bắt một lần nữa.”

Ông bị buộc tội trốn thuế – một lần nữa – và, vào năm 2012, bị kết án 12 năm tù và 5 năm quản chế.

Các quan chức Mỹ, kể cả Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton khi đó và Tổng thống Barack Obama, người đã tranh đấu cho ông.
“Chúng tôi lo ngại về những hạn chế về quyền tự do ngôn luận và phiên tòa sắp tới của những người sáng lập cái gọi là Hội Nhà báo Tự Do,” bà Clinton cho biết trong năm 2011 trong chuyến thăm Việt Nam.

Ông Hải nói Đảng viên Cộng sản tiếp tục dời ông từ trại giam này đến trại giam khác, vì vậy gia đình ông không thể tìm thấy ông. Ông kể lại: họ đã đánh đập ông và bắt ông nhận tội hoạt động phi pháp,.

Ông tiếp tục những cuộc tuyệt thực của ông, thậm chí phải vào nhà thương một lần.
Rồi một ngày kia, ông được trả tự do – đại loại là như vậy!

Ngày 21 tháng 10, ngay sau khi Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, cai tù đưa ông ra khỏi nhà tù lên vào một xe buýt.
“Tôi đã được đưa thẳng đến sân bay,” ông Hải nói. “Tôi đã được đưa lên một chiếc máy bay và gửi đi Hoa Kỳ. Tôi đã không có sự lựa chọn.”
Ông đã hạ cánh tại Mỹ, đã được cấp quy chế tị nạn của chính phủ Mỹ, và chuyển đến Westminster để bắt đầu cuộc sống mới của mình.

Ông Hải vẫn chưa được gặp lại những người thân trong gia đình mình ở Việt Nam.
“Họ sẽ không cho phép tôi,” ông nói.

Nguyên bản tiếng Anh :
 Ocregister.com       July 22, 2015   -  Updated 5:42 p.m.

Nguyễn Khoa Thái Anh chuyển ngữ









No comments:

Post a Comment

View My Stats