Tuesday 7 July 2015

Cộng sản Việt Nam cố giữ quyền kiểm soát lịch sử (Thomas A. Bass - The Washington Post)





Thomas A. Bass
Trà Mi dịch
Posted on July 5, 2015 by editor — 1 Comment

Kiểm duyệt liên quan đến việc kiểm soát chính trị và sự khẳng định quyền lực, nhưng trong trường hợp này nó còn liên quan đến việc kiểm soát ký ức, lịch sử và ngôn ngữ.

Năm năm trước, tôi đã bắt đầu một cuộc thí nghiệm — không phải do tôi đặt ra — để nghiên cứu về chế độ kiểm duyệt ở Việt Nam. Năm 2009, tôi đã ký một hợp đồng xuất bản một cuốn sách của tôi ở Hà Nội. Tựa đề là “The Spy Who Loved Us”, cuốn sách kể về câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn, nhà báo nổi tiếng nhất trong thời chiến tranh Việt Nam. (Ông kết thúc sự nghiệp làm báo trong vai trò trưởng phòng của Tạp chí Time ở Sài Gòn.) Chỉ sau khi chiến tranh chấm dứt chúng tôi mới biết rằng Ẩn đã có hàng chục huy chương quân sự trong sứ mạng của một điệp viên và làm việc cho cộng sản như một thứ vũ khí bí mật chết người của Bắc Việt.

Người ta có thể nghĩ rằng một cuốn sách về một “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” sẽ được xuất bản tại Việt Nam mà không gặp khó khăn gì, nhưng không có gì xuất bản tại Việt Nam mà không bị kiểm duyệt. Năm năm qua, tôi đã xem người cắt, xén cuốn sách của tôi. Khi bản dịch cuối cùng được công bố vào năm 2014, tôi đã đến Hà Nội để gặp gỡ những người kiểm duyệt sách của tôi — ít nhất có nửa tá người đã chịu nói chuyện với tôi. Đây là những người tốt, những người dũng cảm, những người sẵn sàng công nhận nhận tình trạng (có kiểm duyệt). Đằng sau họ là đoàn quân vô danh hoạt động ở mọi ngõ ngách trong xã hội Việt Nam.

Những người kiểm duyệt sách của của tôi, một vài người trong số đó chính là những biên tập viên và nhà xuất bản sách của tôi, xin lỗi vì những việc họ đã làm. Họ hy vọng mọi việc sẽ được cải thiện trong tương lai, nhưng Việt Nam và Trung Quốc ngày càng bắt bỏ tù nhiều nhà báo, blogger và những người cầm bút khác, thì tình hình đang đi theo hướng ngược lại. Đây là lý do tại sao tôi quyết định đưa một bản dịch chính xác cuốn sách (“The Spy Who Loved Us”) và phát hành cả hai phiên bản, bị kiểm duyệt và không bị kiểm duyệt, song song. Hai văn bản này đã được công bố trực tuyến vào tháng Mười Một 2014, và tổ chức quốc tế Mục lục về Kiểm duyệt đã đưa thêm nhiều tài liệu hơn trong tuần này (tháng 2, 2015).

Những người kiểm duyệt đã cắt những gì trong cuốn sách của tôi? Phạm Xuân Ẩn không được phép “yêu” nước Mỹ và thời gian ông đi học báo chí ở California cũng bị cắt bỏ. Ông chỉ được phép “hiểu” Hoa Kỳ. Cũng bị loại bỏ là tên những người Việt lưu vong và ý kiến của họ. Và họ cũng đã cắt hết bất kỳ lời/đoạn nào chỉ trích Trung Quốc hay đề cập đến nạn hối lộ, tham nhũng hoặc hành động phi pháp trên trong giới công quyền. Ngay cả những đoạn về Võ Nguyên Giáp, viên tướng đã thắng Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954, bị thất sủng trước khi qua đời vào năm 2013, cũng bị cắt bỏ trong những câu chuyện.

Những sự kiện lịch sử Việt Nam cũng bị cắt xén: Chiến dịch “tuần lễ vàng” từ 16-9-1945, khi Hồ Chí Minh đã phải trả một khoản hối lộ lớn cho Trung Quốc để họ rút lui khỏi miền Bắc Việt Nam; chiến dịch Cải cách Ruộng đất thất bại trong những năm 1950; cuộc vượt biển của “thuyền nhân” những năm sau 1975; cuộc chiến năm 1978 tại Campuchia; cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 chống lại Trung Quốc. Cuộc Nam tiến lịch sử của người Việt, dọc xuống dãy Trường Sơn, chiếm lãnh thổ của người Thượng, người Chăm, người Khmer và các “dân tộc thiểu số” khác, đã bị cắt bỏ. Ước muốn sau cùng của Ẩn là được hỏa táng và tro của ông được rải ở sông Đồng Nai, cũng đã biến mất. Chi tiết đó được thay thế bằng một đoạn mô tả lễ quốc tang của Ẩn, với bài điếu văn do người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự đọc.

Ngoài ra còn một danh sách dài những “sai sót” trong bản dịch ở Hà Nội, những con chữ mà các biên tập viên Việt Nam hoặc đã thực sự hoặc cố tình hiểu sai, chẳng hạn như “người viết thuê cho nhà văn”, “phản bội”, “hối lộ”, “sự bội bạc”, “khủng bố”, “tra tấn”, “tổ chức ngoại vi”, “dân tộc thiểu số” và “trại cải tạo”. Người Pháp không được phép dạy bất cứ điều gì cho người Việt Nam. Và người Mỹ cũng thế. Việt Nam chưa bao giờ có người tị nạn; chỉ có người đi định cư. Những đoạn nhắc đến thất bại của chủ nghĩa cộng sản đều bị bị cắt. Phần Ẩn nói mình có bộ não Mỹ ghép vào thân thể Việt Nam đã bị cắt bỏ. Trong thực tế, tất cả những mẩu chuyện hài hước của ông đều bị cắt bỏ, chưa kể đến phân tích của ông về cách những người cộng sản thay thế nhà nước cảnh sát của Ngô Đình Diệm với một chế độ công an của riêng họ. Đến cuối của cuốn sách của tôi, toàn bộ những trang ghi chú và nguồn đã biến mất.

Trong thực tế, thay đổi nguy hiểm nhất xảy ra ở mặt ngôn ngữ. Ẩn sinh ra ở ngoại ô Sài Gòn. Ông là một người dân miền Nam. Nhưng từ ngữ của miền Nam và các nét văn hóa miền Nam khác đã được cắt tỉa ra khỏi văn bản, thay thế bằng con chữ của người miền Bắc những người đã chiếm Sài Gòn vào năm 1975. Kiểm duyệt liên quan đến việc kiểm soát chính trị và sự khẳng định quyền lực, nhưng trong trường hợp này nó còn liên quan đến việc kiểm soát ký ức, lịch sử và ngôn ngữ.

Tôi không than van nhọc nhằn khi ghi nhận những sự kiện này. Những tác giả người Việt Nam bị buộc phải im tiếng và phải sống lưu vong đã phải chịu đau đớn hơn nhiều. Tôi chỉ làm nổi bật về những thực tế ý định của một chế độ muốn bảo vệ đặc quyền của nó. Ở Việt Nam, cả quá khứ và cách người ta nói chuyện về quá khứ đều là tài sản của nhà nước.

Thomas A. Bass là một phóng viên điều tra, dạy tiếng Anh và Báo chí tại Đại học Tiểu bang New York ở Albany.

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

Nguồn: Vietnam’s concerted effort to keep control of its past. Thomas A. Bass, The Washington Post. February 1 , 2015.









No comments:

Post a Comment

View My Stats