Thursday, 16 July 2015

Biên giới Việt Nam-Campuchia chưa an ổn (Người Việt)





Thursday, July 16, 2015 1:48:26 PM

HNOM PENH (NV) - Vừa có thêm một số dấu hiệu cho thấy, biên giới vẫn còn là vấn đề rất nóng trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia. 

Người Việt dàn hàng ngang (bên trái) ngăn một phái đoàn kiểm tra biên giới của Campuchia (bên phải) băng qua nơi được xem là biên giới Việt Nam-Campuchia. (Hình: RFA)

Mới đây, tại một cuộc họp với 400 viên chức các tỉnh giáp với biên giới Việt Nam, ông Sar Kheng, bộ trưởng Nội Vụ Campuchia đã khuyến cáo họ phải giữ nguyên hiện trạng nhà cửa, ruộng vườn, rừng... khu vực biên giới, không được sửa chữa, xây dựng thêm vì việc đàm phán với Việt Nam để giải quyết các bất đồng về biên giới rất phức tạp.

Bộ trưởng Nội Vụ Campuchia còn ra lệnh đóng tất cả các đường mòn và bắt tất cả những người tùy tiện băng ngang biên giới.

Sau cuộc họp bất thường diễn ra trong ba ngày, từ 7 đến 9 tháng 7, 2015 tại Phnom Penh của ủy ban phân định và cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia, Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết, ông Võ Trọng Việt, một trung tướng hiện là tư lệnh lực lượng biên phòng Việt Nam vừa đến Campuchia để gặp ông Sok Phal, một đại tướng hiện là tổng cục trưởng Tổng Cục Di Trú Campuchia nhằm tiếp tục thảo luận về các vấn đề có liên quan tới biên giới.

Cuộc làm việc kéo dài tới một tuần nhằm “đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, cùng nhau giải quyết tốt các vấn đề trên biên giới trên tình thần đoàn kết, hữu nghị, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.”

Việt Nam và Campuchia có 1,137 cây số biên giới trên bộ. Từ năm 2006 đến nay, hai bên đã phân định xong 920 cây số biên giới và cắm được 305/371 cột mốc.

Tuy nhiên gần đây, chuyện thực hiện việc phân định và cắm mốc tại biên giới giữa Việt Nam và Campuchia đã trở thành nguyên nhân dẫn tới xung đột cả trong nội bộ Campuchia lẫn giữa Campuchia và Việt Nam.

Vụ xung đột gần nhất mới diễn ra hồi cuối tháng trước tại khu vực tiếp giáp giữa tỉnh Long An của Việt Nam và tỉnh Svay Rieng của Campuchia, khiến 10 người Campuchia, trong đó có một dân biểu tên là Real Camerin của Đảng Cứu Quốc và tám người Việt Nam bị thương.
Ông Sam Rainsy, chủ tích Đảng Cứu Quốc của Campuchia cáo buộc, Việt Nam đã xây dựng một con đường trái phép trên đất Campuchia và đã dùng gậy tấn công những người Campuchia đến quan sát hiện trường. Phía Việt Nam phản tố và đòi Campuchia xử lý thích đáng những công dân Campuchia đã tấn công người Việt trên phần đất của Việt Nam.

Ngoài những xung đột kiểu như vừa kể, Bộ Ngoại Giao Campuchia còn liên tục gửi công hàm phản đối Việt Nam thực hiện các công trình thủy lợi, trạm gác trên những phần đất thuộc các tỉnh Kandal và Ratanakiri của Campuchia, đồng thời yêu cầu Việt Nam tôn trọng hiệp định phân định biên giới đã ký năm 2005.

Đó cũng là lý do ủy ban phân định và cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia phải họp bất thường hồi thượng tuần tháng này. Theo báo chí Việt Nam thì sau cuộc họp, Việt Nam và Campuchia đồng ý sẽ thúc đẩy đàm phán để sớm hoàn thành công việc phân định và cắm mốc biên giới trong năm 2015.

Việt Nam và Campuchia khẳng định sẽ gia tăng việc gìn giữ trật tự ở khu vực biên giới. Trong quá trình đàm phán để tiếp tục phân định và cắm mốc tại 217 cây số còn lại, hai bên cam kết không thay đổi, dịch chuyển các cột mốc biên giới và không để dân chúng của mình xâm canh, xâm cư.

Tuy nhiên người ta tin rằng, với bối cảnh như hiện nay, cả Việt Nam lẫn Campuchia sẽ rất khó tìm được giải pháp khả thi trong việc ổn định tình hình tại khu vực biên giới. (G.Đ)

----------------------------

7/17/2015      61 Comments 

Quân đội Việt Nam đã được triển khai đến An Giang và và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nơi có đường biên giới giáp với Campuchia.

Những người dân sống tại An Giang cho biết, từ nhiều ngày nay, máy bay quân sự liên tục tuần tra trên bầu trời với cường độ cao. Dưới mặt đất, xe quân đội cũng được thấy với số lượng gia tăng đáng kể.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại biên giới Tây Nam ngày càng trở nên nóng bỏng.

Xung đột tại cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang)?

Theo người dân địa phương, tối ngày 14/7/2015, một nhóm người từ hướng Campuchia đã tràn qua cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) đập phá các cột mốc biên giới.

Đến sáng ngày 15/7/2015, trật tự đã được vãn hồi sau một đêm xung đột bạo lực. Nguồn tin cho biết đã xảy ra thương vong, nhưng Danlambao không thể có điều kiện kiểm chứng thêm chi tiết.

An Giang là tỉnh có đường biên giới kéo dài gần 100km, tiếp giáp với hai tỉnh Takeo, Kandal của Campuchia. 

Các hoạt động quân sự đã được bắt đầu từ hơn nửa tháng nay, sau đó tiếp tục gia tăng với cường độ lớn hơn trong 1 tuần gần đây. 

Tối ngày 16/7/2015, máy bay quân sự được nói đã liên tục tuần tra suốt đêm.

Rút ra bài học từ năm 1979, quân đội Việt Nam có lẽ không muốn để rơi vào tình trạng bất ngờ.

Điều này cũng đã được thượng tướng Ngô Xuân Lịch - chủ nhiệm tổng cục chính trị nhấn mạnh trọng một hội nghị hồi đầu tháng 7/2015.

Bộ ngoại giao: Chuyển vũ khí là tin 'không xác thực'

Trong một diễn biến gây nhiều chú ý, vào ngày 14/7/2015 vừa qua, bộ trưởng nội vụ Campuchia Sar Kheng đã triệu tập 400 quan chức các tỉnh giáp biên giới Việt Nam tham dự một cuộc họp tại Phnom Penh. 

Ông Sa Kheng chỉ đạo các quan chức phải ‘giữ nguyên hiện trạng’ tại khu vực biên giới vốn đang căng thẳng.

Còn tại Việt Nam, để trấn an dư luận, người phát ngôn bộ ngoại giao Lê Hải Bình cũng lên tiếng bác bỏ thông tin nói rằng quân đội đang vận chuyển khí tài vào miền Nam.

Về những bức ảnh chụp lại cảnh hàng loạt thiết giáp, trọng pháo đang được xe lửa đưa qua đèo Hải Vân, ông Bình không giải thích gì thêm mà chỉ kết luận đó là những thông tin ‘không xác thực’  

Sau khi xảy ra cuộc đụng độ hôm 28/6/2015 khiến 20 người bị thương, Việt Nam và Campuchia cũng đã có một số cuộc gặp cấp cao nhằm xoa dịu tình hình.

Dù vậy, các cuộc họp kín, thường kéo dài nhiều ngày giữa hai bên đã không mang lại một kết quả rõ rệt.  Điều này khiến người ta lo ngại về việc có sự tác động đằng sau của bàn tay Trung Cộng.









No comments:

Post a Comment

View My Stats