Wednesday, 15 July 2015

Âu Châu đẩy lui khủng hoảng Hy Lạp (Nguyễn Xuân Nghĩa)





Nguyễn Xuân Nghĩa
Monday, July 13, 2015 3:10:55 PM 

Sau một đêm chạy băng đồng trong 17 tiếng hội họp, 19 nước Âu Châu của Nhóm Euro đã thở ra nhẹ nhõm khi bình minh ló dạng tại Bruxelles: họ đạt thỏa thuận về kế hoạch cứu trợ Hy Lạp.

Nhìn từ giác độ của Thủ Tướng Alexis Tsipras, lãnh tụ Cộng Sản của tập hợp Syriza cực tả, thỏa thuận này hồi phục nhân phẩm và danh dự của Hy Lạp và xét cho cùng thì cũng không đến nỗi tệ vì Hy Lạp khỏi bị đẩy ra khói Nhóm Euro. Vả lại, xin vay 59 tỷ Euros mà lại được 86 tỷ (tương đương với 95 tỷ đô la) thì ăn mừng là phải!

Nhưng đây là lập luận chính trị có màu sắc Cộng Sản - là ngụy tín và xa rời thực tế.
Ngụy tín vì trong Tháng Sáu, Âu Châu đã đề nghị điều kiện cấp cứu mà Syriza từ chối, Tsipras bỏ ra về, tổ chức trưng cầu dân ý và kêu gọi người dân bỏ phiếu chống đề nghị này. Vì vậy, Âu Châu cũng hủy luôn chương trình cấp cứu. Ngày mùng 5, 61% dân chúng Hy Lạp bỏ phiếu chống một đề nghị thật ra không còn giá trị.

Vài ngày sau, khi các ngân hàng bị đóng cửa vì hết tiền và dân tình nheo nhóc thì Tsipras lại lập mưu nữa. Xin Quốc Hội cho phép mình gặp lại các nước Âu Châu để thương thuyết mọi gói cứu trợ khác. Quốc Hội đồng ý đến 80% để Tsipras đi vay 59 tỷ Euros với những hứa hẹn cải cách còn khắc khổ hơn những gì Âu Châu yêu cầu hôm 25 Tháng Sáu. Cuối cùng thì Hy Lạp xin vay 59 tỷ mà được tới 86 tỷ lận!

Nhưng muốn được cứu trợ dồi dào như vậy, Hy Lạp phải tự lột xác - không, sẽ bị Âu Châu lột xác.

Một thí dụ cỏn con là Hy Lạp phải cải tổ hành chánh để Viện Thống Kê Quốc Gia có quy chế tự trị và khả năng làm việc độc lập, không còn là công cụ cho chính quyền làm láo mà báo cáo hay để được gia nhập Nhóm Euro vào năm 1999. Cũng nhỏ không kém là từ nay các cửa hàng buôn bán phải được hoạt động vào ngày Chủ Nhật chứ không lè phè nữa. Hai chi tiết nhỏ nhít ấy cho thấy cơ chế chính trị và xã hội Hy Lạp: ngang tầm con nít xã hội chủ nghĩa.

Một thí dụ lớn hơn, chính quyền Hy Lạp phải giải tư, bán lại tài sản quốc doanh cho tư nhân, để thu về 50 tỷ Euros đưa vào một quỹ đặc biệt. Quỹ này sẽ thanh toán một phần quốc trái và châm thêm vốn cho các ngân hàng bị cạn kiệt của Hy Lạp. Danh dự của dân tộc được tôn trọng khi quỹ được đặt tại Athens thay vì ở một nơi xa lạ ngoài lãnh thổ.

Nhưng vẫn được Âu Châu giám sát và từng bước quyết định việc giải ngân.

Thí dụ đó cho thấy vài sự quái đản khác của Hy Lạp. Khu vực điện nước là quốc doanh, giá lại được trợ cấp nên họ lỗ chỏng gọng, mà chẳng được quyền cúp điện của các hộ gia đình cứ coi hóa đơn như giấy chùi mà xả xuống bồn. Không trả tiền mà vẫn có điện xài thì đấy là thiên đường xã hội chủ nghĩa!

Quan trọng nhất, Hy Lạp phải cấp bách cải cách toàn bộ cơ chế kinh tế bao cấp.

Trước hết là tới ngày 15 Tháng Bảy, Quốc Hội phải thông qua bản hiệp ước cứu trợ của Âu Châu, trong đó có yêu cầu điều chỉnh tô suất của thuế Trị Giá Gia Tăng TVA để tăng tu, phải giảm lương hưu của một số thành phần, và kéo dài tuổi hồi hưu để giảm chi ngân sách. Năm ngày sau, đến kỳ trả nợ ba tỷ rưỡi cho Ngân Hàng Trung Ương, thì phải tiếp tục hạ cấp số công chức và tiết giảm chi phí trong ngành dịch vụ công cộng. Một tuần nữa, vào ngày 22 thì điều chỉnh luật lệ để cải tổ quy chế tư pháp và hệ thống ngân hàng, v.v...

Mấy chi tiết nhiêu khê ấy chỉ phản ảnh một thực tế chói chang của Hy Lạp.

Xứ này hết tiền, nhưng có tuổi về hưu thuộc loại thấp nhất Âu Châu và khi về hưu thì người dân được lãnh tiền hưu bổng cao hơn 80% của mức lương căn bản trước đó. Ðấy là thế giới thần tiên của người già. Còn thanh niên thì bỏ chạy đi kiếm việc ở xứ khác để tránh cái nạn thất nghiệp đã lên tới 50% của thành phần trẻ.

Thế còn tư doanh? Ðừng hòng lập công ty vì sẽ xâm phạm vào quyền lợi của các doanh nghiệp đã bôi trơn quan hệ với một bộ máy hành chánh có biệt tài tham nhũng. Vì vậy, Hy Lạp bị khủng hoảng từ những nhược điểm lưu cữu trong mấy chục năm rồi.

Bây giờ, trong có vài tháng Hy Lại phải làm một cuộc cách mạng để ra khỏi chế độ bao cấp họ đã dày công xây dựng từ bấy lâu nay Nhiều người nức nở gọi đó là “một cuộc đảo chánh” - nhưng là để thoát cảnh nợ nần.

Trong những ngày tới, nếu không bị các nhóm cực tả đảo chánh ở nhà vì cái tội “đầu hàng giai cấp tư bản,” Chính quyền của Thủ Tướng Tsipras phải thông báo lịch trình cải tổ chế độ hưu bổng trên toàn quốc và thời điểm tiến hành các chương trình giải phóng kinh tế. Khác với trước đây, Tsipras và Syriza không thể hứa cuội được nữa vì đồng hồ nợ vẫn điểm và sợi dây thòng lọng lại nằm trong tay các định chế chủ nợ là Liên Âu, Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu ECB và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF.

Trong năm tháng liền, ba định chế ấy đã bị Syriza nhục mạ và bị các nhà bình luận thuộc cánh tả đả kích nêu đã hiểu ra đòn phép Hy Lạp. Họ cứ mặt lạnh như tiền mà nói chuyện tiền bạc! Họ nắm dao đằng chuôi vì có thẩm quyền bơm tiền cấp cứu các ngân hàng đang thiếu thanh khoản.

Bên trong Syriza, các nhóm cực tả hoặc chống Âu Châu mà cản trở tiến trình cải cách thì các ngân hàng và cả chính phủ cùng đổ. Dân chúng lại đi bầu nữa, nhưng tìm đâu ra một liên minh có đủ đa số để cầm quyền và lại cầm bát đi vay?

Vì vậy, cuộc khủng hoảng Hy Lạp chỉ tạm êm vài tuần trong khi Hy Lạp trôi dần xuống hố, càng vẫy vùng cãi cọ thì càng sa hố.

Ra khỏi Hy Lạp ta mới nhìn vào Âu Châu.

Khối Liên Âu không chỉ có cái gân gà Hy Lạp, nuốt vào đã khó mà nhả ra không dễ. Các nước đều thấy rằng quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất và đã cứu trợ nhiều nhất là nước Ðức thì đã mệt mỏi và chấp nhận việc Hy Lạp ra khỏi Nhóm Euro, là kịch bản Grexit. Tự xin ra hay bị đạp ra chỉ là vấn đề ngôn ngữ!

Nhưng mầm loạn của Âu Châu nằm sâu hơn cái gân gà Hy Lạp.

Ðó là việc Liên Âu thành hình từ sự thống nhất thương mại mà không thống nhất chính trị, nên xứ nào cũng có thể nhân danh chủ quyền quốc gia mà có chánh sách tài chánh công quyền riêng biệt. Túi khôn bao cấp vạch ra chân lý là cứ việc chi rồi sẽ có xứ khác cứu. Bên trong Liên Âu 28 nước, Nhóm Euro còn có mầm loạn khác, là 19 nước dùng chung một đồng tiền với nhiều khác biệt về khả năng cạnh tranh, về ưu tiên chính trị hay những ràng buộc linh tinh gì đó. Cả Khối Liên Âu 28 và Nhóm Euro 19 đều có những sức ly tâm quá lớn trong nội bộ nên bất cứ một sự rạn nứt nào cũng đe dọa toàn khối.

Ra khỏi chuyện “kinh tế cũng là chính trị” thì sự rạn nứt ấy có thể gây vấn đề an ninh với sự hiện diện của Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương và trước đà bành trướng của Liên Bang Nga.

Giải pháp lý tưởng là các nước Âu Châu phải thống nhất về chính trị, thành lập Liên bang Âu châu, một thứ “United States of Europe.” Nhưng chỉ nhìn vào cách từng nước đòi giải quyết hồ sơ Hy Lạp ra sao thì người ta cũng thấy kịch bản Liên Bang Âu Châu là bất khả. Cho nên khủng hoảng và phân hóa bên trong Âu Châu sẽ tái diễn, dù có Hy Lạp hay không.




No comments:

Post a Comment

View My Stats