Wednesday, 8 July 2015

80 tỷ USD lãng phí vào việc xây kênh đào ở Trung Quốc (Zheng Yi - Dai Ky Nguyen)






Zheng Yi  -  Dai Ky Nguyen


9 Tháng Bảy , 2015

Một con kênh được sử dụng cho dự án nước Nam-Bắc ở Nanyang, tỉnh Hà Nam của Trung Quốc, vào ngày 27 tháng 9, năm 2013. Các dự án khổng lồ được cho là đã gây ra sự lãng phí tiền thuế của dân. (AFP / AFP / Getty Images)

Rõ ràng là dự án dẫn nước hoành tráng của nhà cầm quyền Trung Quốc nhằm vận chuyển hàng tỷ mét khối nước ngọt hàng năm từ sông Dương Tử ở miền nam đến cho miền bắc khô cằn, là một thất bại lớn.

Ý tưởng này được Mao Trạch Đông đề xuất lần đầu tiên vào đầu những năm 1950, sau đó được các kỹ sư và quan chức tiếp nhận như là một cách để giải quyết các vấn đề thiếu nước kéo dài của phương bắc. Nhưng nhìn từ quan điểm cả về kinh tế lẫn kỹ thuật, siêu dự án, gồm ba tuyến riêng rẽ các kênh đào trườn như rắn khắp đất nước – miền đông, miền tây, và miền trung – là một thất bại. Nó đã nuốt mất hơn 79 tỷ USD tiền xây dựng và là một trong các dự án cơ sở hạ tầng tốn kém nhất thế giới.

Ở một số nơi, nước cũng vẫn phải được bơm để dẫn lên độ cao cao hơn, tiêu thụ một lượng điện năng khổng lồ. Điều này làm cho nước trở nên quá đắt tiền đến nỗi không ai muốn mua nó. Nhưng điều thậm chí tồi tệ hơn, là trong số ước tính 44,8 tỉ mét khối nước ngọt mà người ta dự tính các con kênh sẽ chuyên chở lên phía bắc hàng năm thì chỉ có một phần nhỏ có thể thực sự chảy tới đó do tốc độ dòng chảy chậm ở nhiều đoạn kênh.

Những vấn đề này đã được nói thẳng ra trong một phân tích trên Internet của Trung Quốc được công bố bởi Ma Kean, một nhà nghiên cứu nổi tiếng về các vấn đề môi trường ở Trung Quốc. Ông xem xét kết quả chạy thử của dự án tuyến miền trung vào cuối năm 2013 – từ thượng nguồn sông Hán đến Bắc Kinh và Thiên Tân – và chỉ ra một cách thuyết phục đó là một thất bại thế nào. Tuy thế, những lời chỉ trích của ông đã không được hoan nghênh. Sự thất bại đã được che giấu đi, và các chuyên gia có quan hệ với chế độ lại lăng mạ Ma vì những kết luận của ông.

Tốc độ dòng chảy chậm
Bài báo của ông Ma đã chỉ ra 3 vấn đề kỹ thuật: tốc độ dòng chảy khác nhau, sự lắng đọng trầm tích, và dòng kênh bị đóng băng.
Trước hết, tốc độ dòng chảy kênh chính của tuyến miền trung là quá chậm, ông nói. Do đó, lưu lượng nước sẽ không đáp ứng được các mục tiêu dự kiến ​​hàng năm.
Ma cũng lập luận rằng một lượng lớn trầm tích bị lắng ngày càng nhiều và cản trở dòng chảy. Các nhà khoa học có liên quan đến dự án đã bác bỏ lập luận này.
Cuối cùng, Ma đưa ra vấn đề: dòng kênh bị đóng băng trong mùa đông và sẽ cản trở dòng chảy. Từ lâu đã có các kế hoạch tại chỗ cung cấp nước trong những thời kỳ lạnh giá, kiểm soát mực nước và tốc độ dòng chảy khi nhiệt độ tăng lên, mục đích nhằm bảo đảm các đỉnh băng sẽ tan, tránh được các con đê băng. Đây là một quá trình rất phức tạp giống như một người trồng cây chuối trên lưng ngựa. Chúng tôi hy vọng các giáo sư, học giả, chuyên gia này điều hướng một cách cẩn thận.
Mỗi một ý kiến ​​phản đối đều bị bác bỏ bởi các nhà khoa học thân chế độ, dù người ta vẫn không rõ là dự án thực sự có không bị những vấn đề như ông Ma đưa ra hay không.

Ý nghĩa về mặt kinh tế
Nhưng điều quan trọng nhất, ông Ma lập luận rằng dự án phải có ý nghĩa về mặt kinh tế. Không có những tiêu chuẩn tài chính, nó có thể có nghĩa là “đó sẽ được coi là một thành công chừng nào có một xô nước chảy đến Bắc Kinh.”
Số liệu chính thức thu được trong 25 ngày khảo sát trên tuyến phía đông vào cuối năm 2013 cho thấy, trong tổng số 34 triệu mét khối nước chảy qua, tốc độ dòng chảy chỉ lên tới 15,75 mét khối mỗi giây. Điều này có nghĩa là nguồn cung cấp nước liên tục trong suốt một năm sẽ ít hơn 500 triệu tấn nước hoặc ít hơn 5% của mục tiêu 10 tỷ tấn mỗi năm. “Đây là một thất bại hoàn toàn,” Ma viết.
Tất cả các chuyên gia và học giả của chính phủ đều né tránh việc giải quyết vấn đề này. Nếu lưu lượng quá thấp, có nghĩa là có vấn đề về tốc độ dòng chảy ở tất cả các phần của thượng, trung và hạ lưu?
Sau đó, có các vấn đề về chi phí: một khi dòng nước chảy về phía bắc, nó sẽ quá đắt tiền đến nỗi không ai muốn mua nó. “Sau [thử nghiệm] vận chuyển nước kết thúc vào ngày 10 tháng 12 năm 2013, các kênh đã bị cho ngưng hoạt động. Nước không chảy, mà ‘phơi dưới ánh nắng mặt trời’ “, Ma viết.
“Tuyến phía đông đòi hỏi nhiều máy bơm mạnh để bơm nước lên để nó chảy về phía bắc. Bơm nước theo chiều dọc tiêu thụ một lượng năng lượng lớn. Ai sẽ trả tiền điện? Không ai sẵn sàng trả tiền “, Ma nói. “Ngoài ra, nước được vận chuyển lẫn với bùn đất bị ô nhiễm nặng. Không ai muốn mua nó với giá cao”, ông nói thêm.
Đây là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng không ai trong số các học giả xử lý nó.

Các chi phí khác
Dẫn nước từ sông Dương Tử tới người dùng ở miền Bắc đòi hỏi các dự án hỗ trợ bổ sung và mạng lưới đường ống cấp nước ở các thành phố, theo lời Phó giám đốc Luo Hui tỉnh Sơn Đông thuộc Bộ phận xây dựng và quản lý dự án tưới tiêu Nam – Bắc đã nói với tờ Thời báo Kinh tế Trung Hoa. Tất cả những điều này đều thuộc về chi phí đầu vào, làm cho chi phí đối với người tiêu dùng là quá cao, ông nói.
Theo ước tính sơ bộ, chi phí trung bình của phần dự án vận chuyển nước Nam-Bắc tỉnh Sơn Đông, trích dẫn lời của Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC), là 1,54 nhân dân tệ mỗi mét khối. Các chi phí về nước của địa phương tỉnh Sơn Đông thấp hơn nhiều: nước ngầm là 0,65 nhân dân tệ mỗi mét khối, nước mặt sông và nước hồ chứa là 0,3 nhân dân tệ mỗi mét khối, và nước từ sông Hoàng Hà thì chi phí còn thấp hơn.
“Nếu chúng ta sử dụng con số dự toán 1,54 nhân dân tệ, giá trung bình tới người tiêu dùng ở Sơn Đông sẽ là 6 nhân dân tệ, cao hơn nhiều so với giá nước địa phương”, Luo nói.

Túi tiền của những người nộp thuế
Các quan chức địa phương đã đưa ra một số ý tưởng làm thế nào để giải quyết chi phí nước cao. Một trong những ý tưởng phổ biến nhất đề xuất rằng các mức giá cơ bản được chia sẻ giữa chính quyền trung ương, tỉnh và địa phương; người dùng cuối cùng sẽ chỉ chịu chi phí qua công tơ đo nước. Nhưng không phải là tiền ở tất cả các cấp chính quyền đều đến từ túi của người nộp thuế? Tiền của người dân được lặng lẽ dùng để thanh toán cho dự án khổng lồ này. Không có cuộc thảo luận nào cũng như xin ý kiến của người dân trước khi bắt đầu làm. Tại sao người dân bị buộc phải chi trả cho việc này?

Dự án vận chuyển nước Nam-Bắc hiện được ví von một cách phổ biến là “phơi dưới ánh nắng mặt trời,” đề cập đến cách lượng nước lớn được bơm vào hệ thống kênh đào chỉ đơn giản là nằm lỳ ở đó và bay hơi. Liệu tuyến miền trung sắp hoàn thành này có thể tránh được số phận của tuyến miền đông? Ngay cả nếu nó thất bại, tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ sự thừa nhận thất bại nào từ các quan chức. Sự mất mát đơn giản được chuyển sang cho người dân.

Đây là một bản dịch tóm tắt của bài viết của Trịnh Nghĩa (Zheng Yi) công bố trên trang web China in Perspective.
Zheng Yi là một nhà nghiên cứu người Trung Quốc, một tác giả, nhà văn, nhà sử học nổi tiếng sống lưu vong ở Hoa Kỳ. Ông là tác giả của cuốn sách “Ký ức đỏ tươi: Những truyền thuyết về ăn thịt người ở Trung Quốc hiện đại”, nói về tục ăn thịt người tại tỉnh Quảng Tây trong cuộc Cách mạng Văn hóa, và “Mùa đông sinh thái của Trung Quốc”, nói về sự tàn phá môi trường trên cả nước.







No comments:

Post a Comment

View My Stats