Lê Hải - RFI
Đăng ngày 12-03-2015 Sửa đổi ngày 12-03-2015 17:36
Chính phủ Anh chính thức công nhận là có hiện
tượng người nước ngoài bị đưa vào Anh để lấy bộ phận cơ thể đem sang
lắp cho người bệnh. Bài phóng sự đặc biệt trên tờ Daily Mail trích
nguồn tin từ cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia cho biết hiện
tượng này mặc dù chưa nhiều nhưng đã bắt đầu được ghi nhận từ năm
2011 và nạn nhân có thể được chọn và đưa từ châu Á hay châu Phi sang.
Thận là thị trường phổ biến nhất nhưng gan và tim cũng đang có nhu
cầu cao.
Thông tín viên Lê Hải từ Luân Đôn tường thuật chi tiết :
Lê Hải : Theo các mô tả trên báo chí thì nạn nhân nam ở trong độ tuổi từ
12 đến 15, và chi tiết đó khiến một phần người Việt ở Anh quan tâm.
Nếu trước đây nhiều người Việt vượt biên vào Anh khai mình là trẻ em
để được hưởng các chế độ đãi ngộ rất hào phóng của xã hội, thì
nay bắt đầu có nhiều trẻ em Việt Nam đúng thực sự là nhỏ tuổi được
đưa sang đây để đi học không mất tiền và hi vọng có giấy tờ thường
trú để sau này đón bố mẹ sang. Thế nhưng các tuyến đường vượt biên
sang bên này hầu hết đều phải qua cửa khẩu Dover, từ các cảng Calais
hay Dunkirk bên Pháp, và khu vực bến bãi để trốn vào trong xe tải do
các băng đảng từ Trung Á sang phụ trách.
Theo các phóng sự trên truyền hình Anh thì giá cho
một lần chui vào xe tải để vượt biên qua cảng vào Anh tùy thuộc vào
vị trí giấu người và hàng hóa trên chiếc xe đó, và có thể dao động
từ vài trăm cho đến vài ngàn euro cho một chuyến đi. Trong trường hợp
người vượt biên không có tiền để trả thì sự trao đổi có thể là
tình dục, hay có thể như trong vụ việc này là bán bộ phận cơ thể để
lấy tiền.
Người ta ước tính giá cho một quả thận là vào
khoảng 15.000 euro, và giá trên thị trường chợ đen mà bệnh nhân phải
trả sẽ vào khoảng 100.000 euro. Bán thận là dịch vụ phổ biến nhất
vì người ta có thể cắt bỏ một quả thận mà cơ thể không bị ảnh
hưởng nhiều lắm. Giá một lá gan có thể lên đến nửa triệu và tim là
một triệu trên thị trường chợ đen, theo ước tính của tổ chức y tế
thế giới WHO.
RFI : Chuyện bị cướp hay bán bộ phận cơ thể thường nghe nói ở các nước luật lệ lỏng lẻo như Trung Quốc, có khi nào đây chỉ là lý do mà những người di dân lậu khai để được cấp thẻ tị nạn ?
RFI : Chuyện bị cướp hay bán bộ phận cơ thể thường nghe nói ở các nước luật lệ lỏng lẻo như Trung Quốc, có khi nào đây chỉ là lý do mà những người di dân lậu khai để được cấp thẻ tị nạn ?
Lê Hải : Vụ việc này chính thức được cơ quan chuyên trách về các bộ phận
cơ thể ở nước Anh là Human Tissue Authority ghi nhận, và cho biết các
lực lượng chức năng đã kịp thời can thiệp ngay trước khi nhóm tội
phạm thực hiện ca giải phẫu. Tổ chức thiện nguyện Salvation Army là
cơ quan được chính phủ Anh chính thức cấp ngân sách để giúp đỡ nạn
nhân buôn người đã nhận nuôi một phụ nữ từ châu Phi và cho biết đến
bây giờ cô ta vẫn trong cơn hoảng loạn vì bị chọn để lấy bộ phận cơ
thể.
Theo ghi nhận của WHO thì 10% trong số khoảng 63.000
vụ giải phẫu thay thận hàng năm trên thế giới lấy nguồn không phải
từ người hiến tặng ở cùng quốc gia đó. Khi số bệnh nhân chờ thận
để thay hàng năm là vào khoảng 200.000 người thì nhu cầu là rất cao
tạo cơ hội cho thị trường chợ đen hoạt động và các cơ chế tội phạm
ăn theo đó. Hiện nay các cuộc giải phẫu thay bộ phận cơ thể được
kiểm soát chặt chẽ bằng hệ thống đăng ký, ví dụ như là từ người
chết vì tai nạn giao thông hay bệnh tật gì khác, mà trước đó từ rất
lâu đã đăng ký vào danh sách hiến bộ phận cơ thể. Người được nhận
cũng biết rõ về quốc tịch hay tình trạng sống của người hiến bộ
phận cơ thể.
Tuy nhiên ở một số nước người ta có xu hướng mua
bộ phận cơ thể từ nước ngoài như Israel, Canada, Đức và Ba Lan. Ở châu
Âu Kosovo là nơi nổi tiếng có các trung tâm giải phẫu lậu chuyên thực
hiện các ca thay bộ phận cơ thể không theo hệ thống đăng ký. Vào năm
2013 tòa án Pristina từng kết tội một tổ chức bao gồm 5 người đã
thực hiện ít nhất là 24 vụ thay thận trái phép. Có sẵn chuyên gia
từ các nước xung quanh, nhìn vào khoản lợi nhuận khổng lồ từ thị
trường này, thì không có gì khó hiểu tại sao các băng nhóm sẵn sàng
chuyển cả bác sĩ lẫn nạn nhân vào Anh để thực hiện những vụ mua
bán bộ phận cơ thể như vậy. Nếu nạn nhân là người rơm, tức là người
nhập cư bất hợp pháp, thì một xác chết ở đâu đó sẽ không để lại
bất kỳ manh mối gì. Và nguy cơ đối với người Việt đang trên đường
vượt biên thì không chỉ là ở Anh, mà còn ở bất kỳ nước nào trên
đường đi, đặc biệt là các tuyến đường băng ngang qua Địa Trung Hải ở
khu vực các nước thuộc Nam Tư cũ.
RFI : Có những vụ người Việt mất tích, hay có cả vụ xác chết của
người Việt bị bỏ rơi bên lề đường ở Anh, vậy có liên quan gì không ?
Lê Hải : Quay trở lại câu chuyện của những người Việt vượt biên trái phép
sang Anh, thì con đường đi của không ít người rất nguy hiểm. Không chỉ
là chuyện cướp bóc, hay hãm hiếp, hay cảnh sống lều trại tạm bợ
trong những khu rừng nhỏ ở Pháp chờ ngày vượt biên. Thỉnh thoảng vẫn
có những trường hợp người Việt bám vào gầm xe tải và trượt tay rơi
xuống đường bị cán chết, hay đã sang đến Anh rồi khi chui ra nhảy
xuống đường bị tai nạn hay xe sau cán chết, hoặc chui vào trong xe
lạnh bị ngạt hơi chết. Khi đi làm trong những vườn cần sa nếu đau ốm
gì thì cũng có nguy cơ mất mạng, chưa kể đến những vụ thanh toán
băng đảng.
Trong bối cảnh như vậy, thì cuộc sống sinh tồn
của những người Việt bất hợp pháp ở Anh trở thành cuộc chiến bản
năng, và thường thì những ai không còn gì để mất sẽ phải cố gắng
làm giàu và tự khẳng định vị trí. Dư luận trong cộng đồng thường
nhắc đến các nhóm dân Nghệ Tĩnh đang ngày càng đông ở nước Anh này,
mà những lời truyền miệng kể rằng có những làng mà cả trăm người
đều sang bên này cả. Riêng bản thân tôi có biết các nhóm di dân đến
từ Thiên Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh, tập trung ở Leeds, hay Yên Thành –
Diễn Châu – Nghệ An, tập trung ở Manchester, và Thượng Lộc – Nghi Vạn –
Nghệ An, tập trung ở Glasgow.
Mối liên kết làng xã giúp những người di dân bất
hợp pháp tự bảo vệ và tương trợ cho nhau, nhưng như ở Berlin trước
đây, sẽ dễ biến thành một tổ chức tội phạm, và hình thức xử phạt
bằng thủ tiêu có thể bị biến thái thành việc cắt bỏ một bộ phận
trên cơ thể để đem bán. Đây chính là nguy cơ mà các cơ quan phòng
chống tội phạm có tổ chức ở Anh lo ngại, nhưng hiện tại chưa có
thông tin gì về một giải pháp cụ thể nào cả.
No comments:
Post a Comment