TRƯỜNG XUÂN
PHU TỬ - HỒ QUANG
11/4/2013
3:54:15 PM
Nếu
nói rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa khởi đầu từ sau khi Hiệp Ðịnh Genève (1954)
được ký kết cho đến khi Miền Nam Việt Nam bị VC cưỡng chiếm (30-4-1975), thì đã
gần 21 năm… Nhìn lại với thời gian này, so với hiện tại thì người dân Miền Nam
được hưởng cảnh tự do, dân chủ một cách thực sự… không như hiện nay đã bị khóa
chặt bởi ý thức hệ “xã hội chủ nghĩa” khiến người cầm bút bị bắt buộc theo một
định hướng được “đảng” đề ra.
Nhìn
ngược trở lại thời kỳ trước 1975, Văn Học Miền Nam cũng chỉ là một phần của
dòng Văn Học Việt Nam nói chung, nó không thể bị tách rời và bị nhà cầm quyền
đương thời loại bỏ… mà phải được gìn giữ, được ca tụng. Chính nó (Văn Học dưới
thời VNCH) đã đưa vào Văn Học Việt Nam những tia sáng của tự do, của dân chủ vì
được ảnh hưởng ở nhiều tư tưởng văn minh của Thế Giới Tự Do và ngay cả những tư
tưởng “đổi mới” của những người trong Thế Giới Cộng Sản. Đến hôm nay thì chúng
ta đã nghiệm ra được “nó” là sự đối chọi quá rõ ràng, làm chậm bước tiến, và có
thể chận đứng luôn sự phát triển cái gọi là “dòng văn học cách mạng” mà CSVN
thường cổ xúy.
Ðể
chứng minh điều này, chúng ta thử xem xét văn học thời đó như thế nào?
Dĩ
nhiên, ông cha ta thường nói “Văn tức là Người” và “Văn Dĩ Tải Ðạo”… Như thế có
nghĩa “con người phải như thế nào mới có lời văn thể hiện” và trong “lời văn đó
sẽ nói lên cái gì, hàm ý gì”?… Cái gì ở đây không phải chỉ là một sự tuyên truyền
duy nhất cho một chủ nghĩa, mà nó phải mang tính đa nguyên để đi đến đa chiều
do sự du nhập của đa phương hướng từ bên trong cũng như từ bên ngoài…
Việc
phê bình văn học mang tính phê phán, không thể chỉ nói đến chuyện sáng tác
không thôi, mà còn phải nói đến những phê phán đối với nó nữa. Ðiều này rất cụ
thể vì bất cứ tác phẩm nào đem trình làng và muốn nó được “tải” đi rộng khắp,
phải nhờ vào tình cảm độc giả đón nhận tác phẩm đó như thế nào… Nghĩa là tác giả
đưa ra tác phẩm thể hiện được mọi khía cạnh của cuộc sống, góp phần đưa thêm
nguồn sinh khí mới vào văn học tại giai đoạn đó… Tìm ra được những ngõ ngách và
sự suy nghĩ như thế này, chính là chúng ta đang làm công việc “phê phán” từ một
“phê phán” có trước đó.
Ngày
nay Việt Nam, từ bên ngoài nhìn vào, tuy có thay đổi về mặt hình thức, nhưng về
mặt “nội dung” thì quả là một thảm hại… “văn học” là cái làm cho ai cũng có thể
nhận ra sự “thảm hại” này được. Một nhà văn nào đó muốn diễn đạt tư tưởng của
mình qua tác phẩm thì “tư tưởng” đó phải có sự chỉ đạo của “nhà nước” (không muốn
nói là chỉ đạo từ Ðảng). Chỗ này chúng ta so sánh được ngay với thời VNCH, như
thới Tổng Thống Diệm, tác phẩm “Thềm Hoang” của Nhật Tiến tuy có nội dung phê
phán chế độ, nhưng vẫn đoạt giải “Văn Học của Tổng Thống”. Chuyện như thế nếu
cùng thời điểm tại Miền Bắc sẽ như thế nào? Vụ “Nhân Văn Gia Phẩm”, lịch sử văn
học không thể không ghi vào và nhất định những nhà phê bình văn học không thể lặng
yên khi đưa ra những kết luận đầy phẫn nộ trong cách phê phán của mình.
Cứ
cho rằng văn học tại Miền Bắc có phát triển theo một hướng nhất định của Ðảng Cộng
Sản vạch ra, nếu tác phẩm nào có nội dung “lệch đường”, tác giả của tác phẩm đó
phải bị thanh trừng vì chống đối chế độ, âm mưu kích động lật đổ chính quyền!
Ngược lại, tại Miền Nam, văn học đã phát triển không theo một “định hướng”, “một
lề phải” hay “lề trái” nào cả, tác giả tự do biểu đạt ý tưởng của mình trong
các tác phẩm, chưa nói đến việc du nhập các tư tưởng mới từ các nước Âu, Mỹ
vào… Từ đó nhan nhản các trường phái triết học ra đời, rồi kéo theo sự tranh luận
mang tính bổ sung cho nhau. Triết thuyết mạnh nhất lúc bấy giờ là thuyết Hiện
Sinh của Jean Paul Sartre. Sự xuất hiện của triết thuyết này song song với những
triết thuyết khác (Mỹ Học, Phân Tâm Học, Lý Luận Học…) kéo về phía mình những
phương pháp lý luận có tính phê phán như “cấu trúc luận”; “hiện tượng luận”… phải
xảy ra.
Doãn
Quốc Sỹ trong cuốn “Văn Học và Tiểu Thuyết” (Sáng Tạo xuất bản tại Sài Gòn năm
1973) ở trang 348 có một “Ðồ Biểu Văn Xuôi Việt Nam”, kê ra khoảng 50 tác giả
cùng các tác phẩm tiêu biểu của họ (tại Miền Nam từ 1954-1973), với những nội
dung dưới nhiều thể loại như “truyện”, “nghiên cứu”, “phê bình”… về văn học Việt
Nam trước và ngay tại thời điểm đó.
Tại
Hoa Kỳ, năm 1986, nhà văn Võ Phiến ghi lại trong cuốn: “Hai Mươi Năm Văn Học Miền
Năm 1954-1975” (Nhà Xuất Bản Văn Nghệ tại Hoa Kỳ), tuy tác giả không ghi ra con
số rõ ràng, nhưng người đọc có thể đếm từ đầu đến cuối các trang sách cộng lại
được 267 tác giả mà trong đó những người viết văn xuôi chiếm đa số.
Năm
2000, Nhà Nghiên Cứu Văn Học Trần Hữu Tá (Ðại Học Tổng Hợp – SG) trong tác phẩm
“Nhìn Lại Một Chặng Ðường Văn Học Ðã Qua”, trong phần tuyển chọn tác phẩm của
các cây viết mà theo ông ta là có “xu hướng tiến bộ, yêu nước” gồm 60 tác giả
viết văn xuôi.
Con
số nhiều nhất là 267 (Võ Phiến), con số ít nhất (Doãn Quốc Sỹ), nó không phải
là sự xác minh chắc chắn, nhưng dầu sao thì cũng làm cho mọi người cảm nhận về
lực lượng cầm bút thời VNCH có con số đáng kể. Nếu đem so sánh với con số Nhà
Văn Thời Tiền Chiến (trước 1945) thì ông Vũ Ngọc Phan trong quyển “Nhà Văn Hiện
Ðại”, ông Cao Huy Khanh trong quyển “Vấn Ðề Khuynh Hướng Trong Tiểu Thuyết Miền
Nam Từ 1954 Ðến 1973” (Tập San Thời Tập, số IV, ra ngày 14-4-1974) đều cho rằng
số lượng các tác giả (văn xuôi) giai đoạn sau năm 1954 tại Miền Nam rất đáng kể
(lên tới 200 người). Họ rất khác nhau trong quan niệm sáng tác vì sự xuất thân
của họ ở nhiều thành phần xã hội khác nhau, và nhiều nhất là họ sống về nghề
làm báo, dạy học… Chúng ta có thể thấy rõ các tên tuổi như Nhất Linh, Vũ Bằng,
Vi Huyền Ðắc… (di cư từ Miền Bắc vào sau 1954), và những người mà sự nghiệp văn
chương của họ khởi lên ngay tại Miền Nam như Thanh Tâm Tuyền, Lê Tất Ðiều,
Dương Nghiễm Mậu, Duyên Anh, Doãn Dân… Tất cả họ không thể hòa nhập với nhau,
nên trên văn đàn lúc nào cũng tỏ ra hào hứng, gây xôn xao nơi độc giả, khiến giới
sáng tác bị kích thích mạnh, cố tìm riêng cho mình một cách viết mới, đây chính
ta mầm mống của của sự phát triển mạnh về số lượng người cầm bút ở Miền Nam
(VNCH).
Bây
giờ những nhà văn Miền Nam tên tuổi như Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Biểu
Chánh, Phú Ðức… (trước 1945), tiếp theo sau 1945 như Mai Văn Bộ, Lý Văn Sâm, Vũ
Anh Khanh, Dương Tử Giang, Thẩm Thệ Hà… rối tiếp theo nữa như Ngọc Linh, Sơn
Nam, Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy, Lê Vĩnh Hòa, Viễn Phương, Hà Huy Hà, Vân
Trang… Rồi còn có những nhà văn Miền Trung như Vũ Hạnh, Võ Hồng, Nguyễn Văn
Xuân, Phan Du, Minh Quân, Nguyễn Mộng Giác… và sau 1964 đã xuất hiện những cây
viết trẻ Hồ Minh Dũng, Nguyễn Mộng Giác, Trần Hoài Thư, Lê Văn Thiện, Hoàng Ngọc
Tuấn, Từ Kế Tường, Mường Mán, Ngụy Ngữ, Trần Duy Phiên, Huỳnh Ngọc Sơn, Nguyễn
Mai, Dương Uẩn, Cung Tích Biền, Ðinh Tiến Luyện, Du Tử Lê, Thế Vũ… Dầu cho mỗi
người trong họ có xu hướng “bên này” hoặc “bên kia” chăng nữa thì “họ” vẫn là
những con người yêu văn chương, biết thể hiện tính dân tộc, đóng góp vào tính
đa dạng của Văn Học Miền Nam, giai đoạn mà chính thể VNCH ngự trị…
Lực
lượng viết văn hùng hậu như thế, song những người chuyên về “Phê Bình Văn Học”
không phải ít! Sáng tác của họ là dùng lý luân, nghiên cứu, khảo cứu để từ đó
phê phán những tác phẩm văn học mà họ thấy cần. Họ là những trí thức, những học
giả, nhà báo, nhà giáo, nhà văn… chúng ta có thể kể các tên tuổi như: Nguyễn
Văn Trung, Thanh Lãng, Lê Tuyên, Ðỗ Long Vân, Ðặng Phùng Quân, Lữ Phương,
Nguyên Sa, Võ Phiến, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Hiến Lê, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện,
Vũ Hạnh, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Lê Huy Oanh, Nguyễn Tấn Long, Trần Tuấn Kiệt,
Cao Thế Dung, Ðặng Tiến, Tam Ích, Thế Phong, Nguyễn Xuân Hoàng, Tạ Tỵ, Nguyễn Sỹ
Tế, Huỳnh Phan Anh, Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Ðình Tuyến, Uyên
Thao, Minh Huy, Nguyễn Nhật Duật, Cao Huy Khanh…
Song
hành với nam giới, nữ giới cũng đã đạt nhiều thành quả trên văn đàn như Nhã Ca,
Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Thị NgH… Nếu
đem so sánh với các đàn chị như Bà Tùng Long, Nguyễn Thị Vinh, Ái Lan, Linh Bảo,
Vân Trang, Minh Quân, Mộng Trung, Lệ Hằng… thì trong các sáng tác của lớp nữ trẻ
này đã phá vỡ được nét cổ điển trước đó, nhất là về cách diễn đạt tâm lý nhân vật
bằng giọng điệu, ngôn từ rất ư sống sượng, không e lệ, không che giấu… nhất là
các cảm xúc về nhục dục mà từ trước chua có ai dám viết (ở đây người viết xin
nói thêm là không phải dùng cách “nói tục giảng thanh” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương
nữa mà nói thẳng vào vấn đề!).
Dưới thời VNCH, chế độ tự do ngày càng
được tôn trọng và được đề cao. Ở góc độ về suy nghĩ, các nhà văn nữ cũng như nam tỏ ra
độc lập với các tư tưởng mới, do đó từ các nhận thức về xã hội không đống nhất,
ngược lại còn kình chống nhau thật quyết liệt để bảo vệ cái mà tự cho mình là
chính kiến nhất. Có thể nói nhờ vào tính chất này mà “Văn Học Miền Nam” thời
VNCH rất đa dạng, tạo sự sôi động, không người nào có ưu thế, mà cũng không có
người nào yếu thế trên văn đàn cả. Tất cả đều được tự do “cạnh tranh” trong sự
ngang bằng, không phải xếp hạng, không ngôi thứ…
Có
thể nói đây là giai đoạn của các tác phẩm viết bằng văn xuôi nở rộ. Ðó là các
truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, tạp bút, ký sự… Nhà phê bình văn học Tạ Tỵ
viết hai tập “Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay” (Tập 1. Kim Lai xuất bản, Sài
Gòn, 1970) nội dung giới thiệu sự nghiệp văn nghệ và tác phẩm của 20 nghệ sĩ mà
ông cho là thành đạt nhất ở Miền Nam, trong số này có tới 13 tác giả viết văn
xuôi. Tạp chí Bách Khoa là một “bán nguyệt san”, có thể nói đây là một tạp chí
rất có giá trị (kéo dài 18 năm), nội dung chính của tạp chí là quảng bá kiến thức
chung về văn hóa nghệ thuật, kinh tế, chính trị… Cũng giống như các tạp chí
đương thời, Bách Khoa cũng dành một số trang để đăng các tác phẩm văn học bằng
văn xuôi. Ngay từ số đầu tiên (Số 1 ra ngày 15/01/1957, số cuối cùng là số 426
ra ngày 19/4/1975), nếu làm bài tính cộng thì có hơn 600 tác phẩm gồm: truyện
ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, tùy bút, tiểu luận… do nhiều tác giả viết. thứ đến
là tập san Văn do ông Nguyễn Ðình Vượng chủ trương, với mục đích in tuyển, giới
thiệu tác phẩm văn, thơ, nên số lường các bài văn xuôi có con số tăng gấp đôi,
gấp ba lần con số 600 trên. Tạp chí Văn Hóa – Chính Trị – Xã Hội (Trình Bày) chỉ
hoạt động ngắn ngủi (hơn 2 năm từ 1970 đến 1972), với 42 số mà đã đăng khoảng gần
80 truyện ngắn, trung bình gần 2 truyện trên một số báo. Có thể nói các nhà văn
Miền Nam thời đó ai cũng viết rất khỏe! (Nhà Văn Bình Nguyên Lộc viết khoảng
1000 truyện ngắn và nhiều tiểu thuyết, truyện dài khác; Học Giả Nguyễn Hiến Lê
cũng đã xuất bản được 100 quyển sách các loại – Từ Ðiển Văn Học Bộ Mới của các
tác giả Ðỗ Ðức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá do Nhà Xuất Bản
Thế Giới, 2004; trang 133 viết về Nhà Văn Bình Nguyên Lộc; trang 1143 viết về Học
Giả Nguyễn Hiến Lê).
Sau
1975, những người nghiên cứu văn học ở Miền Nam đã có nhận định về sự phát triển
vượt trội (đối với Miền Bắc) cả hai mặt chất lượng cũng như số lượng là nhờ vào
sự tác động của báo chí cũng như các hoạt động sôi nổi của các nhà xuất bản.
Nhà
Văn Vũ Bằng trong cuốn “Bốn Mươi Năm Nói Láo” có viết: “…riêng tại Sài Gòn vào
thời điểm tháng Chạp năm 1963 có đến 44 tờ nhật báo…” (Tuyển tập Vũ Bằng – Triệu
Xuân giới thiệu sưu tầm và tuyển chọn, Tập III; Nxb. Văn Học, xuất bản năm
2000; trang 537), chưa kể các báo tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san rồi đủ
loại tạp chí, tập san, đặc san và cũng còn nhiều ấn phẩm khác do các nhà xuất bản
phát hành… Nhà Văn Võ Phiến cũng cho rằng trước 1975, Sài Gòn có cả nghìn nhà
in, 150 nhà xuất bản. Những nhà xuất bản có tên tuổi như Sống Mới, Khai Trí,
Trường Thi, Nguyễn Ðình Vượng, Trí Ðăng… và kèm theo là những nhà phát hành như
Thống Nhất, Nam Cường, Ðồng Nai, Á Châu…, mức hoạt động của họ chắc chắn các đồng
nghiệp thời tiền chiến không thể nào sánh nổi…” (Hai Mươi Năm Văn Học Miền Năm
1954-1975 – Nhà Xuất Bản Văn Nghệ tại Hoa Kỳ).
Có
một thực tế cần phải phê phán là các tác phẩm trước khi in thành sách đều đã
đăng trên báo hoặc tạp chí… sở dĩ có chuyện này là vì tất cả nội các bài viết
đó được độc giả đón nhận nồng nhiệt hay không? Một khi có được cảm tình và sự
yêu thích của độc giả rồi thì các nhà xuất bản mới tìm đến tác giả xin được quyền
xuất bản các tác phẩm đó. Dĩ nhiên khi các sách này được bày bán ở tiệm sách, độc
giả sẽ mua nhiều, nhà xuất bản lời to, tác giả cũng kiếm được chút cháo!
Người
viết bài này còn nhớ, thời đó loại truyện mà độc giả thích đọc nhất là loại “Võ
Hiệp Kỳ Tình”. Ảnh hưởng loại truyện này của quần chúng quá mạnh, độc giả hầu
như chiếm hết mọi tầng lớp trong xã hội (ngay như vị Tư Lệnh Không Quân lúc đó
là ông Nguyễn Cao Kỳ về sau làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương cũng để đầu
giường mình cuốn Cô Gái Ðồ Long, ông ta mê truyện Kim Dung thật, từng ví mình với
nhân vật Trương Vô Kỵ và cho rằng bà Tuyết Mai là nhân vật Triệu Minh…). Phong
trào luyện “chưởng” trong mọi giới lên cao, các sân khấu cũng thi nhau trình diễn
tuồng “chưởng” (Lệnh Xé Xác, Cô Gái Ðồ Long…), trong giới học sinh và sinh viên
thường kẹp bên mình một quyển sách gì đó với tựa có vẻ triết học hay một tập
thơ nổi tiếng…
Người
viết nhớ rất rõ là các nữ sinh thường hay kẹp bên bình tập “Bông Hồng Cài Áo của
Nhất Hạnh, còn các nam sinh (cả nữ sinh) trình độ từ Ðệ Nhị, Ðệ Nhất cũng hay để
lộ ra ngoài khi cầm trên tay các sách triết học, đa sồ là sách của tác giả Phạm
Công Thiện như: “Hố Thẳm Tư Tưởng”, “Khai Ngôn Cho Một Câu Hỏi: Triết Học Là
Gì?”, “Ðối Mặt Với 1000 Năm Cô Ðơn của Nietzche”… còn sinh viên thì cầm tay những
tác phẩm ngoại quốc dịch ra Việt như: “Buồn Ơi Hãy Chào Mi” (Fracoise Sagan),
“Chuông Nguyện Hồn Ai”, “Ngư Ông và Biển Cả” (Ernest Miller Hemingway)… Về phần
các Nhật Báo hay Tuần Báo đều chọn riêng cho mình một hay vài tác phẩm gì đó để
đăng nhiều kỳ (Feuilleton) hằng ngày, hoặc hằng tuần… Người viết cũng nhớ rất
rõ là truyện ăn khách cho các báo lúc đó là truyện kiếm hiệp của Kim Dung, báo
nào cho đăng trước thì số bán ra được rất nhiều… còn nếu hôm nào báo không có
đăng truyện Kim Dung tiếp theo, thì khoảng trống đó phải đăng ngay mục xin lỗi:
“Máy bay mang báo từ Hồng Kông đến trễ, xin xem vào ngày mai. Thành thật cáo lỗi
cùng độc giả!”, độc giả ghiền thì đến các sạp báo khác xem thử có báo nào
“đăng” kịp không, nếu không thì đành thuê vài cuốn của Kim Dung (đã đăng báo
trước đó) để xem lại cho đỡ ghiền!
Về
việc viết Feuilleton, phải cộng nhận rằng đây chính là cần câu cơm của các nhà
văn thời VNCH. Họ viết và dịch rất khỏe, có người viết tới 11, 12 bài mỗi ngày…
Có lần Nguyễn Nam Anh phỏng vấn nhà văn Bình Nguyên Lộc, ông này cho biết: “Vào
năm 1957 thì tôi viết mỗi ngày 11 feuilletons. Nhưng sau đó chính An Khê và Lê
Xuyên còn viết nhiều hơn. An Khê có năm viết tới 12 feuilletons mỗi ngày, nhưng
tôi chưa hề thấy ai vượt qua con số 12 nổi. Sự viết nhiều, viết ít, không do
ta, cũng không do chủ báo. Ðó là may mắn (hay rủi ro) ngẫu nhiên…” (Tập San
Văn, số 199, ra ngày 1-4-1972). Sự sôi động của báo chí nhìn thấy rất rõ vì tờ
báo nào cũng muốn lôi kéo độc giả thật nhiều về cho mình, muốn làm được điều
này tất nhiên các chủ báo phải biết cách tìm mời các nhà văn chuyên nghiệp và cả
những người không chuyên nghiệp về cộng tác… Kết quả, một người có thể cộng tác
với nhiều tờ báo, và một ngày người viết phải viết cho xong nhiều bài, thậm chí
phải xong một truyện ngắn… khiến tác phẩm xem ra về mặt chất lượng có thể giảm
sút. Ðây là vấn đề này khó tránh, viết cho kịp, cho đúng thời gian giao cho chủ
báo kịp phát hành!…
Các
nhà văn thời đó, chúng ta có thể phân biệt thành 3 nhóm riêng biệt, một nhóm
trung thành với loại tiểu thuyết dài tình cảm hay chuyện gay cấn, ly kỳ… có các
cây bút như Ngọc Linh, Ngọc Sơn (trên báo Nhân Loại, Tiếng Chuông, Sài Gòn Mới
và nhiều nhật báo khác); nhóm thứ hai thường xuyên viết cho mục tùy bút, đoản
văn trên tuần báo Khởi Hành, Văn, Thời Tập và các báo khác như Mai Thảo, Thanh
Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ (tờ Sáng Tạo). Mai Thảo, Viên Linh, Võ Phiến, Vũ Bằng
và một số người khác; nhóm thứ 3 viết nghị luận nội dung mang màu sắc chính trị
– xã hội như của Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Lữ Phương,
Nguyễn Nguyên, Nguyễn Trọng Văn… luôn là phần quan trọng tìm thấy các tạp chí Ðối
Diện, Tự Quyết, Ðất Nước, Tin Văn, Trình Bày…
Trong
các bài viết và công trình nghiên cứu, phê bình, ông Cao Huy Khanh và nhiều người
khác đều gọi chung các thể loại truyện ngắn, truyện dài cho tới tùy bút, đoản
văn… là “tiểu thuyết” (Các Thế Hệ Tiểu Thuyết Gia Miền Nam Thời Hiện Ðại – Tập
san Thời Tập, số III, ra ngày 14-3-1974). Loại tiểu thuyết dài (nhiều trang) có
số lượng rất lớn, như Ngọc Linh có hơn 20 tiểu thuyết (Ngọc Linh, Tình Cảm Miền
Nam; Tập san Thời Tập, số XIV, ra ngày 10/11/1974). Một số tác giả khác cũng có
số lượng tác phẩm tương tự. Nhưng phải công nhận rằng về mặt chất lượng nghệ
thuật của tác phẩm chỉ ở thể loại truyện ngắn, mặc dầu những truyện dài do các
cây viết tên tuổi như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Võ Phiến, Võ Hồng… Nếu kể từ ừ
15/11/1958 đến ngày 15/11/1959, thì trên tạp chí Bách Khoa, Nguyễn Ngu Í khi phụ
trách mục “Phỏng Vấn Văn Nghệ Sĩ Về Truyện Ngắn Việt Và Ngoại Quốc Ðược Yêu
Thích Nhất” (Tạp chí Bách Khoa, số 73, năm 1960), sau khi lấy ý kiến của 72 nhà
văn, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu được hỏi, thì 42 người trong số 72 này thừa nhận rằng:
Truyện ngắn Ba Con Cáo và Rừng Mắm của Bình Nguyên Lộc được ưa thích nhất. Thứ
tự còn lại thuộc về các nhà văn thời trước như Khái Hưng, Phạm Duy Tốn… Sự đánh
giá này của Nguyễn Ngu Í, khiến Bình Nguyên Lộc không đồng ý, theo ông thì “Những
Bước Lang Thang Trên Hè Phố” (tạp bút), “Cuống Rún Chưa Lìa” (truyện ngắn), “Tỳ
Vết Tâm Linh” (truyện dài) mới là các tác phẩm hay của ông (Nguyễn Nam Anh: phỏng
vấn nhà văn Bình Nguyên Lộc; Tập san Văn, số 199, ra ngày 1/4/1972). Không biết
có phải Nhà Văn Bình Nguyên Lộc có nói thực lòng hay không, chứ khi kiểm nhận lại
thì rõ ràng ông ta nói “nước đôi” (1 truyện dài và 1 truyện ngắn), dầu sao thì
chúng ta cũng phải tôn trọng ý kiến đa số (42/72), nên về truyện ngắn ở giai đoạn
của VNCH ngự trị, ngoài những tác giả kỳ cựu như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Võ
Phiến, Võ Hồng… các thế hệ nối tiếp như Túy Hồng, Dương Nghiễm Mậu, Y Uyên,
Hoàng Ngọc Tuấn… được đánh giá là những nhà văn có được phong cách riêng, nội
dung cốt truyện không bị trùng lặp với người khác.
Nếu
đem so sánh với giai đoạn trước 1954, tuy số lượng tác phẩm có rất nhiều, có bề
rộng về cuộc sống (được các nhà văn khai thác tối đa) do đó thích hợp với đủ mọi
tầng lớp xã hội… nhưng rất khó kích động được sự ngưỡng mộ lâu dài của độc giả
(chỉ tồn tại giai đoạn ngắn) so với các tác phẩm “vang bóng” trước đó như “Số Ðỏ”
của Vũ Trọng Phụng, “Chí Phèo” của Nam Cao…
Hối
đó, người viết nhớ rằng muốn tìm một cuốn sách (tìm hiểu) về loại chỉ dẫn làm
người thì tìm tác giả Nguyễn Hiến Lê, truyện thì tìm đọc các tác giả Phan Du,
Võ Hồng, Võ Phiến, Vũ Hạnh… Khác với người dân lao động Miền Nam, họ ít thích đọc
sách, mà rất thích đọc Nhựt Trình (Nhật Báo). Hình ảnh của những người đạp
Cyclo tại Sài Gòn cho ta thấy rõ điều này (sáng ra, sau cuốc xe mối xong chừng
7:30 đến 8 giờ, họ ghé vào quán cà phê vỉa hè, ngồi nhâm nhi ly cà phê đen, phì
phà vài hơi thuốc lá và lật tờ báo chiều hôm qua ra xem tiếp, thế rồi có người
gọi, họ uống nốt chỗ cà phê còn lại, gấp tờ báo đem cất vào Cyclo của mình, và
chở khách đi… Ðến trưa, đường phố yên ắng, họ đưa xe đến một gốc cây nào đó nằm
bên đường, dưới bóng mát của tàng cây này, họ lại ngửa lưng trên nệm xe của
mình, lật tờ báo của mình ra xem tiếp… cho đến khi phải dùng tờ báo này che mặt
đánh thẳng một giấc ngủ… cho đến khi có khách đến đánh thức, và lại tiếp tục “đạp”cho
đến chiều… Trước khi về nhà, họ không quên ghé qua sạp báo mua một báo gì đó mà
họ ưa thích đọc hằng ngày (Nhựt Báo ở Sài Gòn lúc đó chỉ phát hành vào buổi chiều).
Những tờ báo mà người bình dân Sài Gòn hay đọc rất da dạng về nội dung, ngoài
tin tức chung chung, họ tìm những báo có các đăng các tiểu thuyết của Ngọc
Linh, Ngọc Sơn, An Khê, bà Tùng Long…
Trở
lại với việc xuất bản sách, tuy rằng đa phần sách được xuất bản sau khi nội
dung của nó đã được đăng trên các báo, nhưng có loại sách không đăng báo trước
khi xuất bản vì không thu hút đa số độc giả như loại sách của Thiếu Nhi. Vào những
năm 60 các nhà in cho in loại sách này khá nhiều vì nội dung đề cao lòng nhân
ái, giá trị đạo đức con người mà các nhà văn Nhật Tiến, Lê Tất Ðiều, Minh Quân…
và còn nhiều tác phẩm khác thuộc tủ sách Tuổi Hoa, loại này in giấy khổ nhỏ (để
thiếu nhi dễ dàng đọc và cất giữ: Hóa Tím, Hoa Ðỏ, Hoa Xanh… và kèm theo là các
loại truyện bằng tranh).
Sôi
động và hấp dẫn đối với Thiếu Nhi có lẽ các tác phẩm của nhà văn Duyên Anh, ông
ta thành lập ra nhà xuất bản Tuổi Ngọc chuyên xuất bản sách cho thiếu nhi mà
ông là tác giả của một số truyện truyện dành cho độc giả tuổi từ 13, 14 trở
lên, sách bán rất chạy nhờ vào tác giả biết kích động cho các thiếu nhi thích tự
do, thích phiêu lưu, thích làm anh hùng cứu nhân độ thế… Ngoài những sách có nội
dung nói trên, Van Học Miền Nam lúc đó còn ghi nhận sự có mặt đáng kể của xác
sách viết về lịch sử, địa lý như “Xứ Trầm Hương” của Quách Tấn), “Non Nước Bình
Ðịnh”, “Non Nước Phú Yên” của Nguyễn Ðình Tư, “Hương Nước Hồn Quê” của Toan
Ánh…
Như
vậy, Văn Học Miền Nam thời VNCH thật đa dạng, nó phát triển cực mạnh nhờ vào
giai đoạn lịch sử, nhất là chế độ tự do thực sự đang ngự trị ở đây. Nội dung của
tất cả các tác phẩm văn học cũng tùy theo sự ưa thích của từng độc giả đón nhận…
Chính điều kiện này làm cho các nhà văn, nhà báo tìm cách chạy theo đúng thị hiếu
người đọc, dĩ nhiên điều này “tiêu chuẩn” về “đạo đức làm người” bị chi phối bởi
“đồng tiền” nhiều hơn. Chúng ta không thể không ghi nhận câu nói thưởng nở trên
môi của các nhà văn, nhà báo: “Viết mới có tiền để sống chứ! Không viết thì biết
làm gì đây?”…
No comments:
Post a Comment