15.03.2015
“Tổng Trọng” là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, còn Tướng
Quang là Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an. Theo dự kiến, năm nay hai
ông sẽ “qui mã”, tức là qua Mỹ, theo cách nói lóng. Với nhiều người Việt, qua Mỹ
là dấu hiệu sẽ có những điều tốt đẹp cho tương lai đời mình.
Chuyến đi Mỹ của ông Trọng sẽ là một sự kiện đặc biệt
trong quan hệ hai nước, vì không như quan hệ Việt -Trung đặt nặng trên nền móng
giữa hai đảng cộng sản, quan hệ Việt - Mỹ không như thế.
Nếu “Tổng Trọng” đến Mỹ trên cương vị một tổng thống thì
chuyện đón tiếp không có gì rắc rối. Nhưng đây là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng
Cộng sản Việt Nam thăm Mỹ mà không có người tương nhiệm, hay đối tác, trên
phương diện lãnh đạo giữa hai quốc gia.
Thực ra ở Mỹ cũng có Đảng Cộng sản, nhưng chỉ là một đảng
rất nhỏ trong số chục đảng chính trị ở Hoa Kỳ. Đảng Cộng sản Mỹ không có tổng
bí thư mà đứng đầu hiện nay là Chủ tịch Toàn quốc John Bachtell. Đảng thành lập
từ năm 1919, có chi bộ ở Chicago, ở miền bắc California, ở bang Connecticut và
Ohio.
Việc “Tổng Trọng” qua Mỹ chắc chắn là không phải do lời mời
của Đảng Cộng sản Mỹ. Nhưng không rõ ai trong chính quyền Mỹ đã mời, vì ông Trọng
là người đứng đầu một đảng cầm quyền trong một quốc gia với chế độ độc đảng.
Tuy không có vai trò điều hành đất nước nhưng với chức tổng bí thư đảng, ông có
quyền lực và ảnh hưởng trong chính trường Việt Nam.
Vì không phải là người trong guồng máy lãnh đạo như tổng
thống, thủ tướng hay chủ tịch của một nước, vì thế chuyện lễ tân đón tiếp ông
Trọng sẽ phức tạp. Đã có nguồn tin nói rằng Tổng thống Barack Obama sẽ không
đón tiếp ông tại Bạch Ốc. Các lãnh đạo khác của Việt Nam là Thủ tướng Phan Văn
Khải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch Nước
Trương Tấn Sang khi thăm Hoa Kỳ đều được tổng thống Mỹ đón tiếp trong Bạch Ốc.
Nhìn vào chính sách ngoại giao của Việt Nam với các nước
có ảnh hưởng trong khu vực như Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ, sự kiện ông Trọng
thăm Mỹ có thể đưa Hà Nội đến gần hơn nữa với Washington, kể từ khi quan hệ Việt
- Trung trở nên căng thẳng sau vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào thềm lục
địa Việt Nam. Hoa Kỳ đã mạnh mẽ phản đối, Quốc hội Mỹ ra quyết nghị yêu cầu giữ
nguyên trạng biển Đông. Những động thái đó khiến Bắc Kinh phẫn nộ, nói Mỹ không
nên can thiệp vào khu vực.
Với chủ trương xoay trục về Đông Á, chuyến thăm Hoa Kỳ của
ông Trọng đem hy vọng đưa quan hệ Mỹ - Việt lên cao hơn “đối tác toàn diện” đã
được Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đồng ý vào năm
2013.
Khi ông Trọng đến Thủ đô Washington, dù Tổng thống Obama
tiếp ông ở một nơi không phải là Bạch Ốc, vì thủ tục lễ tân không cho phép, thì
cũng không là điều quan trọng. Đáng chú ý là hai bên sẽ thảo luận và đồng ý với
nhau những gì để nâng tầm quan hệ, vì ông Trọng có quyền lực, nhưng là người bảo
thủ nhất trong tứ trụ lãnh đạo tại Hà Nội.
Đã nhiều lần ông Trọng phát biểu kiên quyết bảo vệ và đưa
đất nước tiến lên xã hội chủ nghĩa.
Quan điểm của ông khác với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang. Trong một dịp phỏng vấn với báo Đức hồi năm
ngoái ông Dũng đã xác định nhân quyền và dân chủ là xu hướng thời đại.
Ông Sang cũng muốn có cải cách chính trị, phản ánh qua những
người thân với ông, như cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế, như
Giáo sư Tương Lai [Nguyễn Phước Tường] đã có những bài viết trên nhật báo The
New York Times nhấn mạnh đến việc thoát Trung, cần liên minh với Hoa Kỳ và cổ
vũ cho một nền tự do báo chí, một xã hội cởi mở hơn về chính trị để Việt Nam
mau chóng hội nhập khu vực và toàn cầu.
Sau vụ giàn khoan HD-981 nhiều người Việt đã nhận ra Bắc
Kinh không còn là đồng chí. Trong nước đã có nhiều tiếng nói muốn thoát vòng ảnh
hưởng của Bắc Kinh được gióng lên. Vì thế chuyến đi Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng được trông đợi có thể đem đến những thay đổi về cơ chế cho Việt Nam,
đặc biệt là cắt bỏ cái đuôi xã hội chủ nghĩa trong chính sách “kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa” đang được thực hiện. Vì cái đuôi này mà đến nay Việt
Nam vẫn chưa được Hoa Kỳ công nhận là một nền kinh tế thị trường. Cũng vì cái
đuôi này mà Việt Nam chưa có công đoàn độc lập, chưa có tự do báo chí, tự do
truy cập Internet. Đó là những thỏa thuận với WTO, với Hoa Kỳ qua những hiệp định
thương mại mà Việt Nam đã ký. Đó cũng là những cản trở trong tiến trình đàm
phán liên quan đến Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Tuy nhiên Việt Nam vẫn e dè với phản ứng từ Trung Quốc.
Vì nếu cải cách sâu rộng hơn, ngả hơn về phía Mỹ, Hà Nội lo sợ bị Bắc Kinh vả
cho một cái mà không kịp đỡ, theo như cách nói của người Hà Nội.
Tháng trước dư luận có vẻ ngạc nhiên khi truyền thông đưa
tin Ngoại trưởng John Kerry nhắc lại lời mời ông Trọng qua thăm Mỹ. Hôm 6/3 Đại
sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã chính thức xác nhận năm nay Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng sẽ thăm Hoa Kỳ. Đó là dấu chỉ cho thấy Washington muốn có quan hệ tốt
hơn với Hà Nội, muốn Việt Nam có chung vị thế với những nước bạn của Mỹ ở Đông
Nam Á.
Hoa Kỳ sẵn sàng đón “Tổng Trọng” và Tướng Quang, nhưng Bộ
Chính trị dường như còn chần chừ vì đến lúc này ngày giờ thăm chính thức Hoa Kỳ
của ông Trọng cũng chưa rõ.
Cũng như khi tình hình biển Đông căng thẳng vào đầu tháng
5/2014, với giàn khoan HD-981 của Trung Quốc được kéo vào vùng đặc quyền kinh tế
trong thềm lục địa Việt Nam, lúc đó Ngoại trưởng John Kerry cũng đã mời Ngoại
trưởng Phạm Bình Minh sang Mỹ để tham khảo, nhưng đến tháng 9 nhà ngoại giao
hàng đầu của Hà Nội mới có chuyến đi Hoa Kỳ. Trong cùng thời gian đó lại có nhiều
quan chức Việt, Trung qua lại giữa Bắc Kinh và Hà Nội để tìm giải pháp giảm
căng thẳng trên biển Đông.
Vì thế chuyến đi Mỹ của ông Trọng chắc không xảy ra cho đến
sau khi ông đã đi thăm Trung Quốc.
Dù đã đối đầu với nhau qua cuộc chiến đẫm máu ở biên giới
năm 1979 và trong vùng quần đảo Trường Sa năm 1988, ngày nay ảnh hưởng của
Trung Quốc với Việt Nam khá sâu đậm trong kinh tế và chính trị. Nội bộ Đảng Cộng
sản Việt Nam có những lãnh đạo không muốn thoát Trung để phát triển quan hệ tốt
hơn với Hoa Kỳ.
Hy vọng chuyến đi Mỹ của “Tổng Trọng” và Tướng Quang có
thể đem đến những thay đổi cho Việt Nam, vì ông Trọng có quan điểm cực kì bảo
thủ, kiên quyết bảo vệ thành trì xã hội chủ nghĩa. Còn Tướng Trần Đại Quang
nhìn đâu cũng thấy “thế lực thù địch” nên lo sợ diễn biến hoà bình. Công an đã
bắt giam nhiều người chỉ vì đưa ra những phát biểu ôn hòa hay chuyển tải thông
tin trái nghịch với quan điểm của nhà nước và họ đã bị kết án tù với tội danh
“xâm phạm quyền tự do dân chủ”, “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa”
hay “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”. Nhiều nhà hoạt động dân chủ thường
xuyên bị sách nhiễu, ngăn cản họp mặt, di chuyển.
Mời “Tổng Trọng” và Tướng Quang sang thăm Hoa Kỳ, lãnh đạo
Mỹ hy vọng qua những thảo luận song phương sẽ giúp lãnh đạo Hà Nội hiểu được rằng
một xã hội cởi mở hơn, tự do hơn và khu vực kinh tế tư nhân được chú trọng hơn
sẽ dễ dàng cho Việt Nam gia nhập TPP, giúp cho nền kinh tế phát triển vững mạnh
hơn.
Khi đó Việt Nam sẽ không còn bị ảnh hưởng nhiều từ Trung
Quốc.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment