Wednesday 11 March 2015

Tôi nói rồi, đảng đâu có chịu bó tay! (Phan Gia Minh)





Chi tiết
Được đăng ngày Thứ tư, 11 Tháng 3 2015 05:11

Ngày 10/03/2015, báo Tuổi Trẻ đăng bài Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên 3.000 đồng/lít (1), cho biết “Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít) và một số mặt hàng xăng dầu khác...”.

Bài báo Tuổi Trẻ nêu “lý luận” của ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đại khái cho rằng: “VN phải thực hiện các cam kết quốc tế, cắt giảm thuế xuất nhập khẩu theo lộ trình. Giá xăng dầu thế giới giảm từ đầu năm đến nay. Điều này đã khiến số thu cho ngân sách nhà nước giảm. Hơn nữa, giá xăng dầu bán lẻ tại VN hiện nay vẫn thấp hơn Lào, Campuchia (khoảng 5.000-6.000 đồng), Trung Quốc, do đó xuất hiện tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới”. Thật, tôi không hiểu ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có học về “luận lý học” không, chứ kiểu lý luận này, chẳng qua cũng chỉ là muốn nói (theo kiểu ngầm hiểu) là: “Nhà nước thất thu vì giá dầu thô trên trên Thế giới giảm mạnh (vì nước ta chủ yếu thu ngân sách từ bán dầu thô), nay Nhà nước phải “gỡ lại vốn” để bù lại”, chứ thật sự những lý luận đó là không có nội dung nào chấp nhận được cả.

Chẳng hạn, “VN phải thực hiện các cam kết quốc tế, cắt giảm thuế xuất nhập khẩu theo lộ trình” thì có gì phải than vãn, phải nêu lý do? Khi tham gia vào các hoạt động thương mại quốc tế, đâu phải riêng VN mới phải chịu thiệt thòi? Luật chơi quốc tế là công bằng, ai muốn tham gia “cuộc chơi” thì phải chấp hành “luật chơi”, chứ ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu ra làm gì? Chừng nào tham gia vào các hoạt động thương mại quốc tế mà VN chịu thiệt, khi đó ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nên “than khóc”.

Tiếp đến, ông Dũng nói: “Giá xăng dầu thế giới giảm từ đầu năm đến nay”. Một phát biểu quá hiển nhiên. Giá xăng dầu Thế giới giảm là do giá dầu thô Thế giới giảm; chuyện bình thường! Đâu phải giá xăng dầu thế giới giảm mà thế giới bắt Việt Nam phải nhập giá xăng dầu bằng giá lúc chưa giảm đâu? Nếu giá xăng dầu Thế giới giảm mà VN phải nhập xăng bằng giá lúc chưa giảm thì mới đáng để ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng… kêu gào.

Tiếp đến là lý do: “Hơn nữa, giá xăng dầu bán lẻ tại VN hiện nay vẫn thấp hơn Lào, Campuchia (khoảng 5.000-6.000 đồng), Trung Quốc, do đó xuất hiện tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới”. Thật là… quái đản cho lý do này. “Tăng thuế để chống buôn lậu” là một “ý tưởng” chỉ có những kẻ coi thường người dân, coi thường mọi sự hiểu biết và chỉ dựa trên sức mạnh “nòng súng” mới dám phát biểu như vậy! Ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói giá xăng VN cao hơn giá xăng ở Lào và Campuchia khoảng 5000-6000 đồng nên ông ngầm muốn nói rằng “có tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít cũng chẳng sao, dân ta vẫn còn sử dụng giá xăng thấp hơn Lào và Campuchia tối thiểu cũng hơn 3000 đồng”. Thật, tôi không hiểu nổi. Sao ông không công bố thu nhập bình quân đầu người của Lào và Campuchia để có thể so sánh với tỷ lệ tương ứng của dân chúng (hai nước này) dùng trên một lít xăng, thưa ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng? Tiếp đến, sao ông không nêu lý do là vì người dân “Đế quốc Mỹ” dùng xăng vẫn cao hơn người dân ở “Thiên đường Xã hội Chủ nghĩa” nên “Nhà nước do dân, vì dân” cứ “tự tin” đánh thuế xăng dầu? Hơn nữa, muốn hạn chế buôn lậu, trước hết, phải là lực lượng chống buôn lậu. Xin hỏi ông Bộ trưởng, ngân sách chi cho lực lượng chống buôn lậu là bao nhiêu? (xin nhắc ông Đinh Tiến Dũng nhớ luôn, ngân sách đó là của dân đóng thuế mà có chứ không phải của ông bỏ tiền túi ra đâu ông Dũng ạ!). Nếu chi cho lực lượng chống buôn lậu một lượng ngân sách, mà lực lượng này không phòng chống được buôn lậu xăng dầu, thì nên giải tán lực lượng này vì đã có chính sách tăng giá xăng dầu chông buôn lậu một cách hiệu quả (chống buôn lậu xăng dầu hiệu quả bằng chính sách tăng giá xăng dầu rồi thì cần gì lực lượng chống buôn lậu. Tôi khuyên những người làm chính sách về chống buôn lậu nên tập trung chống buôn lậu “mảng” khác chứ đừng “lo lắng” chống buôn lậu xăng dầu chi cho mệt vì đã có ông Bộ trưởng Dũng xin Quốc hội tăng giá xăng để chống buôn lậu (xăng dầu) rồi.

Và tiếp đến Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: “Để bù một phần giảm thu ngân sách, Chính phủ đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường gấp ba lần hiện nay, với xăng là từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít”. Trời ơi là trời… “bù một phần giảm thu ngân sách” mà lại có… “sáng kiến” “tăng thuế bảo vệ môi trường” gấp 3 lần trên một lít xăng? Thật không hiểu nổi. Môi trường bị ô nhiễm đâu chỉ có khói thải từ động cơ chạy bằng xăng dầu? Hơn nữa, cái gọi là “quỹ bảo vệ môi trường” từ xưa tới nay người dân đã biết được nó làm được những gì cho môi trường ở Việt Nam? Nó hoạt động hiệu quả như thế nào mà phải cần tăng thu phí? Nó sắp tới có những dự án gì mà cần phải thu phí? Xin ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết vài thông tin được không?

Trích phát biểu của ông Dũng, báo Tuổi Trẻ cho biết: “Như vậy tăng thuế bảo vệ môi trường nhưng giảm thuế xuất nhập khẩu theo đúng cam kết Asean, tính ra thì số tăng còn thấp hơn số giảm nên không ảnh hưởng đến giá bán lẻ”. Đây cũng là một phát biểu kiểu… “luật là tao” nữa. Bởi vì sao? Tôi xin hỏi ông Dũng, các nước Asean bị… “giảm thu” (từ của ông Dũng) ngân sách nếu bị tác động của hiện tượng giá đầu thô trên thế giới giảm, mà đã cam kết giảm thuế xuất nhập khẩu, đều thực hiện theo “lộ trình tăng thuế bảo vệ môi trường lên gấp 3” để bù một phần giảm thu ngân sách hả ông Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng? Hơn nữa, ông Bộ trưởng nói là tăng thuế bảo vệ môi trường nhưng giảm thuế nhập khẩu (xăng dầu) nên không ảnh hưởng đến giá bán lẻ (tức là không ảnh hưởng đến mấy cuộc sống người dân). Xin thưa với ông Dũng, giảm thuế xuất nhập khẩu là bắt buộc vì đây là VN tham gia vào “cuộc chơi kinh tế” của cộng đồng Asean, đâu phải Nhà nước CHXHCNVN giảm thuế cho dân bớt khổ đâu mà ông nói?

Cuối cùng, sau ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, ông Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã giải thích: “Nếu giảm thuế xuất nhập khẩu mà không tăng thuế bảo vệ môi trường lên ngay thì chính các nhà xuất khẩu trong khối Asean hưởng lợi bởi họ sẽ nhân cơ hội này tăng giá bán cho VN”.  Giải thích này cho thấy gì? Ý ông Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng muốn nói cho ông Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, cho toàn thể Đại biểu Quốc hội và cho toàn dân VN là:  Các nhà xuất khẩu trong khối Asean đã nói đã với ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và nhờ ông nhắn với Quốc hội của nước ông (tức nước CHXHCNVN), nhắn với nhân dân của nước ông là “chúng tôi (tức Các nhà xuất khẩu trong khối Asean) sẽ lập tức tăng giá xăng dầu nếu như chúng tôi nghe tin các ông giảm thuế xuất nhập khẩu xăng dầu của chúng tôi (nhập vào VN). Chúng tôi không cần bán giá rẻ đâu, vì chúng tôi biết rằng, chúng tôi tăng giá các anh vẫn mua”.

Báo Tuổi Trẻ cho biết “Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết đồng tình với đề nghị của Chính phủ”. Và chúng ta hãy đợi “Mức thuế mới sẽ được áp dụng từ 1-5-2015”.

Tôi còn nhớ không lầm, khoảng tháng 10/2010, giá xăng ở mức 16.500 đồng/lít; cho đến tháng 6/2014, giá xăng vượt mức 26.000 đồng/lít. Hơn 3 năm, người dân è cổ ra chịu (tiêu thụ) giá xăng cao bằng giá xăng của người dân “Đế quốc Mỹ” (nhưng thu nhập thì chắc chắn không bằng người dân “Đế quốc Mỹ” rồi) mà chẳng biết kêu thất thu, giảm thu; trong khi Nhà nước mới chỉ chịu chưa tới 3 tháng giá xăng giảm (mà như phân tích ở trên, Nhà nước đâu có thiệt gì đâu. Cái thiệt ở đây Nhà nước không nói ra, đó là thất thu vì giá dầu thô trên Thế giới giảm mạnh, trong khi nguồn thu chủ yếu của Nhà nước là từ xuất khẩu dầu thô) đã kêu “giảm thu” ngân sách (!).

Từ khi “nắm” được chính quyền, “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” này chưa bao giờ giảm một thứ thuế nào cho dân. Thuế mà người Việt Nam phải chịu là cao nhất nhì châu Á. Trước khi “cướp” chính quyền, để dễ dàng thực hiện việc “cướp” chính quyền, Việt Minh (mà thực chất là Đảng Cộng sản) đã tuyên truyền với người dân là sẽ bỏ hết thuế cho người An Nam, nhưng ngay sau khi nắm chính quyền, Việt Minh đã thu ngay thuế; và anh thu thuế đã trả lời câu hỏi của người dân “Tại sao Việt Minh bảo là miễn thuế cơ mà?” bằng một câu gọn lỏn: “Bây giờ thì chưa”.

Phan Gia Minh








No comments:

Post a Comment

View My Stats