Tuesday 3 March 2015

Tình mẹ là gì? (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
(VienDongDaily.Com - 01/03/2015)

Bốn chữ "mang nặng, đẻ đau" thường được nhắc tới để ca tụng công khó của người mẹ, và những câu thơ như: “Đi khắp thế gian không ai hiền bằng mẹ/Gánh nặng cuộc đời không ai khổ hơn cha” cũng chỉ đề cao bà mẹ, mà không giải thích tình mẹ là gì?

Mọi người ca tụng tình mẹ, nhưng không mấy người phân tách và đặt câu hỏi, "Tình mẹ là gì?"

Một bài nghị luận viết, "Tình mẹ là tình cảm của người mẹ dành cho đứa con yêu thương của mình và pha vào đó là sự báo hiếu của người con dành cho mẹ. Từ khi chào đón ánh bình minh, ta đã được uống dòng sữa mát lành của mẹ và cảm nhận được sự ấm áp của cha. Và rồi ta lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ. Được mẹ chăm sóc và dỗ dành ta mọi lúc. Mẹ luôn ở bên ta khi ta cần, ở mọi nơi ở trên thế gian này."

Trong câu nghị luận dài 94 chữ chỉ có 21 chữ giải thích rất khái quát về tình mẹ. Hai câu thơ khác, mô tả một bà mẹ trong tuổi cuối đời “Cả đời đi gió, đi sương/Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi,” cũng chỉ ca tụng mà không giải thích tình mẹ.

Hy vọng câu chuyện có thật dưới đây đem lại một lời giải đáp cục bộ cho câu hỏi "Tình mẹ là gì"; lời giải đáp chỉ cục bộ, vì tìm một lời giải đáp đầy đủ, đòi hỏi một công trình biên khảo công phu hơn.

Câu chuyện kéo dài 20 năm trời, nhưng mới được viết lại sau một vụ án; chuyện xẩy ra tại Grasse, một thị trấn nhỏ miền Đông Nam nước Pháp; kỹ nghệ nổi tiếng của Grasse là nước hoa, và sinh kế của dân địa phương là trồng hoa để bán cho những xưởng làm nước hoa.
Trồng hoa, trồng khoai, hay trồng bất cứ thứ gì cũng vẫn là nông nghiệp, do đó cư dân Grasse là những nông dân chất phác, cả đời đối diện với những vất vả của nghề trồng hoa.

Bé Manon (bên mặt) nhiều tóc hơn

Một trong hàng trăm ngàn thợ trồng hoa, là cô Sophie Serrano, mới 18 tuổi đã có chồng, có con.

Vừa lọt lòng mẹ, đứa bé đã bị bệnh vàng da, phải đặt nuôi trong lồng kiếng, trị bệnh bằng tia sáng điện tử; sau vài ngày, đứa bé được đem trả về cho mẹ; cô Sophie Serrano hơi ngạc nhiên vì thấy đứa bé hơi nhiều tóc.

Năm nay 39 tuổi, sống gần khu bãi biển danh tiếng Côte d'Azur, cô trả lời truyền thông, "Tôi nhận ra điều khác biệt, nhưng nhân viên bệnh viện giải thích đó là ảnh hưởng của tia sáng điện tử. Tôi dễ dàng tin ngay."

Nhưng đến ngày đầy năm thì tóc đứa bé quắn lại, mầu da đậm hơn; người bạn tình của cô yêu cầu thử nghiệm huyết thống, để không nhìn nhận đứa con và bỏ người mẹ, mà không phải góp tiền nuôi con, vì đứa bé được xác nhận không phải là con anh.

Sophie buồn và tủi vì bị ngờ oan là ngoại tình, nhưng thương con, cô vẫn cứ cặm cụi nuôi con, yêu thương đứa bé mà khoa học công nhận không do chồng cô tạo ra chung với cô. Đứa bé được cô đặt tên là Manon Serrano, mang họ mẹ; mẹ con lầm lũi chung sống trong lời dị nghị của xóm riềng.

Mười năm sau, lời dị nghị trở thành độc ác hơn vì tóc bé Manon bắt đầu quăn tít, da dẻ cũng đậm mầu hơn; giai thoại độc ác nói Manon là con của ông nhân viên bưu điện đi phát thư trong xóm mỗi ngày một phổ biến hơn. Mặc dù thương con, nhưng Sophie cũng hoang mang, cô đem bé Manon đi thử máu lần thứ nhì để được xác nhận bé không phải là con cô.

"Tôi khiếp sợ đến mức chết đứng, không có được một phản ứng nào cả," sau phiên tòa hôm 2/10/2015, cô xác nhận với phóng viên. "Tôi nói cho Manon biết, và thấy nó còn đau đớn hơn tôi nữa; nó sợ mất hết những gì nó đang có. Tội nghiệp con bé mới 10 tuổi."

Cô tìm đến bệnh viện 10 năm trước đã giúp cô sinh nở, và khám phá ra việc cô y tá đã lầm lẫn khi bồng con trả lại cho cô. Mẹ ruột của Manon tránh mặt, mướn luật sư Daniel Verstraete đại diện bà tiếp xúc với truyền thông. Giống như hoàn cảnh Sophie, năm đó bà cũng 18, cũng sanh con so, và vừa chào đời, đứa bé cũng bị ẵm đi nuôi trong lồng kiếng, nên bà chưa đủ thì giờ tưng tiu, nựng nịu con và để ý đến những nét đặc thù của đứa bé.

Luật sư Verstraete giải thích với phóng viên, "Thân chủ tôi không nghi ngờ nên cũng không chất vấn nhân viên bệnh viện; có sản phụ nào hình dung được việc lầm lộn kỳ quặc như vậy."

Những lời dị nghị kéo dài 12 năm chấm dứt ngày vụ lầm lẫn thai nhi ra tòa và ngã ngũ ngày thứ Ba, mùng 10 tháng Hai, 2015, với bản án xử bệnh viện Cannes phải bồi thường tổng cộng 1.88 triệu euros ($2.13 triệu Mỹ kim) chia cho hai bà mẹ mất con ruột, đi nuôi con người khác, mỗi bà nhận 300,000 euro, hai cô con gái không được lớn lên bằng sữa mẹ, mỗi cô được nhận 400,000 euro, và 60,000 euro cho mỗi người trong số ba cô, cậu anh, chị, em của hai cô gái bị trao lầm mẹ.

Bà Sophie, năm nay 39, thở ra, nói với truyền thông, "Số tiền 300,000 có đủ đền bù cho tôi ngần đó mất mát, cay cực hay không?" Nhưng bà lại nhìn nhận việc khám phá Manon không phải là đứa con do chính bà "mang nặng đẻ đau" không làm tình bà thương Manon bớt đi, mà lại tăng thêm; và hội ngộ với đứa con gái ruột, bà không tìm được sức hút tình cảm.

Sophie tâm sự, "Huyết thống vô cùng quan trọng, nhưng không tạo ra tình gia đình; gia đình là những gì chúng ta góp nhặt mỗi ngày, những điều chúng ta chia với nhau, nói với nhau, cùng nhau gánh vác mỗi ngày. Manon -đứa con không huyết thống- chia sẻ với tôi biết bao nhiêu ngày vui, và tôi cũng chịu đựng với nó biết bao nhiêu cay đắng."

Dàn luật sư của bệnh viện Canes cho biết bệnh viện có thể kháng cáo, vì cô Sophie đã chờ đến 10 năm sau mới đưa vụ lầm lẫn ra tòa.

Tạp chí Le Nouvel Observateur hỏi quan điểm của Sophie về việc kiện chậm 10 năm; cô trả lời, "Tôi cũng không thích đáo tụng đình, nhưng có lẽ vì 10 năm con tôi bị gọi là con ông mailman đã trở thành quá dài, quá nhục nhã, nên tôi phải lập lại sự thật."

Một phát ngôn viên của bệnh viện tiết lộ nhân viên tạo ra việc trao lộn con mang tật nghiện rượu. Một tạp chí khác, tờ Le Point, hỏi cô về thái độ thiếu phản ứng khi nhận ra là bé Manon có nhiều tóc hơn những đứa trẻ sơ sinh khác.

Sophie trả lời, "Tôi là một cô gái quê mới 18 tuổi, họ là những nhân viên y tế, mặc sắc phục trắng, đeo ống nghe; tôi tự nhiên kính trọng họ, không nghi ngờ gì cả."

Điều cô khẳng định với dư luận là không quyền lực nào trên đời đủ mạnh để bắt cô từ bỏ Manon, cô nói, "Liên hệ giữa mẹ con tôi khắng khít hơn, thân thiết hơn tình mẫu tử. Có lẽ suốt 10 năm sống trong lo sợ bị chia cắt, khiến chúng tôi hiểu là chúng tôi cần có nhau đến mức nào. Chúng tôi là mẹ con, dù không liên hệ huyết thống."

Câu chuyện mẹ con cô Sophie minh bạch khẳng định vế dưỡng dục nặng hơn vế sinh thành trong câu "sinh thành, dưỡng dục" ca tụng công ơn của người mẹ. Sophie không đề cập đến công hay ơn, cô chỉ nói về tình -tình mẹ con.

Cô thương Manon nhiều hơn thương đứa con ruột cô đẻ ra; cô chịu đựng nhiều cay cực, khổ sở, mất mát để nuôi Manon, nhưng càng khổ cô càng thương con hơn.

Hy vọng câu chuyện đem lại lời đáp cục bộ cho câu hỏi "tình mẹ là gì?” lời đáp dù không đủ, nhưng cũng không mông lung như câu "tình mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào." (nđt)

Hình : Xem hình nơi trang chính




No comments:

Post a Comment

View My Stats