Lê Mạnh Hùng
Wednesday, March 18, 2015 4:30:00 PM
Các
chính phủ Anh kể từ sau Thế Chiến Thứ Hai tới nay thường tự hào về cái “quan hệ
đặc biệt” nối nước Anh với nước Mỹ băng qua Ðại Tây Dương. Và người Mỹ cũng thường
hưởng ứng bằng những lời lẽ ca tụng dịu ngọt đối với nước đồng minh cổ nhất của
mình tại Châu Âu. Nhưng lần này những ý kiến từ Washington đưa ra đối với Anh
có những giọng điệu trái hẳn. Washington đã tỏ ra cực kỳ bất mãn trước các
chính sách ngoại giao và an ninh của Anh.
Lời gầm gừ đầu tiên đến từ bà Samantha Power, đại sứ
Mỹ tại Liên Hiệp Quốc khi bà công khai chỉ trích rằng “việc cắt giảm chi tiêu
quốc phòng của các nước Châu Âu và Anh là đặc biệt đáng lo ngại.” Hồi chuông cảnh
cáo thứ hai là qua một buổi “background briefing” đặc biệt dành cho nhật báo
Financial Times trong đó một quan chức cao cấp Mỹ đã than phiền gay gắt về
chính sách “thường xuyên nhượng bộ” đối với Trung Quốc, sau khi Luân Ðôn tiết lộ
sẽ - bất chấp những áp lực của Mỹ - nộp đơn trở thành một thành viên trong ngân
hàng do Trung Quốc đứng ra mở Ngân Hàng Ðầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu (Asian
Infrastructure Investment Bank - AIIB)
Hai sự việc này cho thấy rõ hai điểm rất tế nhị
trong quan hệ Anh-Mỹ. Ðiểm thứ nhất là sự lo ngại gia tăng về phía Mỹ rằng cắt
giảm trong chi tiêu quốc phòng của Anh sẽ khiến cho Anh quốc càng ngày càng ít
hữu dụng hơn với tư cách là một nước đồng minh của Mỹ. Ðiểm thứ hai là quan điểm
càng ngày càng trái ngược giữa Mỹ và Anh đối với việc nổi lên của Trung Quốc.
Người Mỹ coi Trung Quốc là có tham vọng trở thành cường
quốc bá quyền tại Châu Á-Thái Bình Dương và cương quyết làm mọi cách để ngăn chặn
chuyện này xảy ra trong khi Anh thì chỉ muốn tập trung vào việc xây dựng một
quan hệ mạnh mẽ về mậu dịch và đầu tư với Bắc Kinh và tỏ ra hài lòng đứng ngoài
quan sát cuộc đấu tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc mà không tham dự vào.
Những cuộc tranh chấp giữa Mỹ và Anh này đã dẫn đến
một cảm giác trong chính giới Washington mà đã được nhà bình luận của nhật báo
Washington Post viết cách đây ít lâu: “Có vẻ như Anh quốc đã bỏ mất quan tâm lịch
sử của mình đối với thế giới.”
Chắc chắn là dưới sự lãnh đạo của ông David Cameron,
Anh quốc đã càng ngày càng tự đặt mình đứng bên lề những vấn đề quan trọng của
thế giới. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine là một trường hợp điển hình. Chính phủ
Cameron tự khoe là Anh đã là một tiếng nói quan trọng bên trong Liên Hiệp châu
Âu, biện hộ cho giải pháp cần phải cứng rắn đối với Nga. Nhưng điều làm người
ta chú ý là trong cuộc thương thuyết vừa qua tại Minsk giữa Liên Hiệp Châu Âu với
Tổng Thống Nga Vladimir Putin thì đại diện cho Châu Âu là Thủ Tướng Ðức Angela
Merkel và Tổng Thống Pháp Francois Hollande còn ông David Cameron đã không thấy
có mặt ở chỗ nào cả.
Nhưng sự vắng mặt của Anh không phải chỉ tại
Ukraine. Sự vắng mặt của Anh trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Libya cũng
làm người ta chú ý. Ông David Cameron là người dẫn đầu trong việc đòi hỏi NATO
can thiệp vũ trang vào Libya năm 2011. Nhưng nay khi chế độ độc tài Gaddafi tại
Libya sụp đổ và Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn hầu như vô chính phủ, thì
chính phủ Anh hầu như chẳng thèm quan tâm gì đến.
Việc cắt giảm trong ngân sách quốc phòng khiến cho
Anh gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đóng một vai trò tích cực tại vùng Trung
Ðông cũng như tại những nơi khác. Nhưng chính ngay cung cách cắt giảm chi tiêu
quốc phòng cũng cho thấy một sự thiếu tính toán và không quan tâm. Chính phủ
Cameron có vẻ như quyết tâm muốn chi tiêu lớn để giữ lại một số biểu tượng của
một siêu cường - vũ khí nguyên tử, hàng không mẫu hạm, v.v... - trong khi cắt bỏ
những gì có thể giúp nước Anh triển khai sức mạnh của mình trên thực tế: lục
quân và không quân. Trong khi chi tiêu quốc phòng của Anh có nguy cơ đi xuống
dưới chỉ tiêu của NATO về chi tiêu quốc phòng 2% tổng sản lượng quốc nội GDP,
thì chính phủ lại cam kết bỏ ra 0.7% GDP cho viện trợ phát triển. Chính sách
này có thể được Gates Foundation tại Seattle ca ngợi nhưng chắc chắn là bị nhìn
bằng con mắt nghi ngờ bởi Ngũ Giác Ðài tại Washinton DC.
Nếu sự không quan tâm đối với thế giới chỉ là phản ảnh
bàn tính của vị thủ tướng đương thời thì người ta có thể hy vọng rằng đây chỉ
là một lệch lạc nhất thời, nhưng nó có thể là biểu hiện của những lực sâu xa
hơn tác động vào xã hội Anh.
Các cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq đã rõ ràng tạo
ra trong dân chúng Anh một e ngại sâu đậm về sự can thiệp quân sự vào nước
ngoài cũng như về sự hữu hiệu của lực lượng quân sự. Ðiều đó được thể hiện rõ
qua cuộc bỏ phiếu tại Hạ Viện Anh vào năm 2013 bác bỏ việc Anh tham gia vào các
cuộc không tập của Ðồng Minh vào Syria.
Nguyên nhân sâu xa hơn nằm trong việc chuyển giao
quyền lực giữa hai thế hệ. Những người mà hiện nay chi phối chính trường Anh đã
không lớn lên trong giai đoạn mà Anh còn tự cho mình là một cường quốc hàng đầu
của thế giới, thành ra họ không cảm thấy bị hổ thẹn bởi hình ảnh nước Anh đứng
nhìn từ bên lề những chuyện quan trọng xảy ra trên thế giới. Những vị bộ trưởng
Anh vào lúc này khi họ nhìn ra ngoài thì ưu tiên đầu của họ là thương mại, làm
sao hấp dẫn đầu tư nước ngoài và làm sao kiếm ra thị trường mới. Và đó là những
gì đã trở thành ưu tiên của Bộ Ngoại Giao Anh.
Thành ra ngay trước khi xảy ra vụ tranh cãi chung
quanh AIIB, sự khác biệt giữa quan điểm Anh và Mỹ đã thể hiện qua thái độ của
hai nước trước đầu tư của Trung Quốc. Trong lúc Hoa Kỳ ngăn chặn công ty Huawei
của Trung Quốc tham gia vào việc xây dựng hạ tầng cơ sở viễn thông của mình vì
lý do an ninh thì chính phủ Anh đã trải thảm đỏ hoan nghênh Huawei vào xây dựng
hệ thống Internet cho hệ thống xe điện ngầm tại Luân Ðôn.
Các chính khách Anh hiện đang bị ám ảnh về các vấn đề
nội bộ. Áp lực luôn luôn là nếu có dư đồng nào thì dùng nó chi cho hệ thống y tế
quốc gia hoặc cho hưu bổng nguời già thay vì cho quốc phòng. Thành ra ông
Cameron có thể hơi buồn vì những chỉ trích của Washington nhưng ông có một cuộc
tuyển cử cần phải vượt qua và ông nghĩ rằng ông biết các cử tri của ông muốn
gì.
No comments:
Post a Comment