Ngô Nhân Dụng
Friday, March 06, 2015 4:20:23 PM
Thủ
Tướng Binyamin Netanyahu là một nhà chính trị tài, có một không hai. Ông đang
lo tranh cử, hy vọng được tiếp tục cầm quyền ở nước Israel! Ông đang lo thất cử,
vì phe đối lập cũng mạnh ngang ngửa. Số người ủng hộ và số người chống ông xấp
xỉ bằng nhau; nhưng nhiều người đang trung lập có thể sẽ cho ông về nhà nghỉ
ngơi, chỉ vì ông đã làm thủ tướng lâu quá rồi, dân cũng muốn thay đổi.
Trong cảnh bấp bênh đó, Netanyahu (quen gọi là Bibi)
đã tìm ra một diễn đàn vận động tranh cử uy tín nhất thế giới, là một phiên họp
cả hai viện Quốc Hội Mỹ. Ông tới đó đọc diễn văn, được các đại biểu Mỹ đứng dậy
vỗ tay năm, sáu chục lần. Nước Israel, dân số hơn 8 triệu người, phải mở máy ra
coi. Hình ảnh chiếu trên ti vi sẽ khiến các người ủng hộ ông vững tin hơn, và
những người lừng chừng sẽ được thuyết phục rằng Bibi xứng đáng đại diện cho dân
Israel đi chinh phục Quốc Hội Mỹ! Ngày 17 Tháng Ba sắp tới chúng ta mới biết
sau cùng nước cờ của ông Netanyahu có giúp đảng ông chiếm đa số trong Quốc Hội
Israel sắp đến hay không. Nhưng trong bàn cờ chính trị ông đúng là một cao thủ.
Ông Netanyahu được tặng cơ hội bằng vàng đó vì biết
lợi dụng hai yếu tố trong đời sống chính trị Mỹ, một nước đồng minh vẫn đứng bảo
đảm cho quốc gia Israel tồn tại từ năm 1948 đến nay. Một là những mâu thuẫn vẫn
thường xuyên diễn ra giữa hành pháp và lập pháp, nhất là khi mỗi ngành do một
trong hai đảng nắm quyền kiểm soát. Hai là tài vận động và ảnh hưởng của những
tổ chức người Mỹ gốc Do Thái khiến, làm cho không một chính trị gia Mỹ nào dám
tỏ ý chống chính phủ Israel, nếu còn muốn đắc cử trong kỳ bỏ phiếu sắp tới.
Chủ Tịch Hạ Viện Mỹ John Boehner đã tặng cơ hội bằng
vàng cho ông Netanyahu đứng trước hai viện Quốc Hội Mỹ công kích lập trường của
tổng thống Mỹ vì chính ông Boehner cũng không đồng ý với ông Barack Obama! Cuộc
thương thuyết giữa chính phủ Mỹ và chính phủ Iran gây kiến bất đồng, hai ông
Boehner và Netanyahu đứng cùng một phía. Hai người đã táo bạo đánh chung nước cờ
này, vì họ dàn xếp với nhau, cả Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao Mỹ đều không được
thông báo. Ông Obama giận, không tới nghe Bibi nói, ông Kerry cũng tránh mặt.
Phó Tổng Thống Biden, đáng lẽ phải ngồi chủ tọa phiên họp hai viện Quốc Hội
cùng với ông Boehner, cũng cáo bận không tới. Hơn 40 nghị sĩ và dân biểu đảng
Dân Chủ tẩy chay không đi họp. Chưa bao giờ chính trường Mỹ diễn ra chuyện kỳ lạ
như vậy.
Binyamin Netanyahu chỉ trích chính quyền Obama đang
thương thuyết với Iran về chương trình nguyên tử năng của nước này. Israel tố
giác Iran đang chuẩn bị chế bom nguyên tử. Iran tuyên bố các lò nguyên tử của họ
chỉ nhắm sản xuất điện, hoàn toàn có mục đích hòa bình. Mỹ và các nước Tây
phương đã cấm vận Iran trong hàng chục năm qua vì họ không chịu cho cơ quan
Liên Hiệp Quốc kiểm soát. Chính quyền Obama đang đòi Iran phải chịu bị kiểm
soát, trong thời hạn mười năm. Cuộc thương thuyết đang tiến hành, giữa Iran với
năm cường quốc nguyên tử là Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc. Chính phủ Mỹ hứa đến
ngày 24 Tháng Ba sẽ phải đạt một thỏa hiệp. Ông Netanyahu nói rằng một thỏa hiệp
như vậy chỉ cho Iran cơ hội chế bom nguyên tử, dù trễ đến mười năm.
Ông Netanyahu đã tấn công cuộc thương thuyết của
chính phủ Obama, vì ông muốn Mỹ phải bắt buộc xứ Iran phải cam kết ba điều: Thứ
nhất, ngưng xâm nhập các nước vùng Trung Ðông (trong đó ngoài Israel chỉ toàn
là các nước Á Rập). Thứ hai, ngưng ủng hộ các tổ chức khủng bố ở các nước khác
(ông nhắm vào các nhóm người Á Rập tại Palestine và Lebanon chống Israel). Thứ
ba, không ai được nói muốn tiêu diệt nước Israel nữa. Tóm lại, bắt Iran đầu
hàng trên ba điều kiện, cả ba không liên can gì đến bom nguyên tử. Còn các nước
khác trong số năm cường quốc nguyên tử, họ nghĩ ra sao, ông Netanyahu không
quan tâm, miễn là Mỹ theo đường lối ngoại giao do ông đề nghị.
Dân Israel không hoàn toàn ủng hộ hành động của ông
Netanyahu. Một ông thủ tướng Israel tới Quốc Hội Mỹ lên lớp ông tổng thống Mỹ,
bị ông ấy tẩy chay không thèm gặp, ông Netanyahu đã bước qua một lằn ranh trong
mối bang giao giữa hai nước khi muốn chính phủ Mỹ phải hành động ngoại giao
đúng cách được chính phủ Iarael chấp thuận. Về phía dân Mỹ, nhiều người, trong
đó có 40 nghị sĩ, dân biểu đảng Dân Chủ, bất mãn khi thấy ông thủ tướng một quốc
gia mỗi năm vẫn được Mỹ viện trợ hơn bốn tỷ Mỹ kim lại dùng diễn đàn Quốc Hội Mỹ
để gây ảnh hưởng trên đường lối ngoại giao của vị tổng thống đương tại chức. Mà
mục tiêu cốt yếu của ông thủ tướng “bạn” chỉ là kiếm thêm một số phiếu trong kỳ
bầu cử sắp tới!
Ông Netanyahu tạo ra tình trạng đối đầu “một mất một
còn” với ông Obama, bên này thắng thì bên kia thua. Ông từng “bắt bí” ông Obama
hơn một lần. Năm ngoái, chính phủ Mỹ đã cáo ông Netanyahu cố tình tiết lộ nhiều
trao đổi bí mật giữa hai chính phủ về diễn tiến cuộc đàm phán với Iran. Ông cho
mấy nhà báo Israel biết Mỹ đang đòi Iran những gì, và tính sẽ đòi tới mức nào.
Mục đích là gây ảnh hưởng trên dư luận tại Mỹ, nhất là khối vận động hành lang
của người Do Thái ở Mỹ, để họ làm áp lực trên chính quyền Obama phải cứng rắn
hơn. Bây giờ là một vụ bắt bí mới. Hai thời điểm sẽ quyết định giữa Obama và
Netanyahu ai thắng ai thua. Ngày 17 Tháng Ba, đảng của ông Netanyahu có thể thắng,
ông sẽ tiếp tục làm thủ tướng. Ông có thể thuyết phục Quốc Hội Mỹ, do đảng Cộng
Hòa kiểm soát đa số, soạn một dự luật bắt chính quyền Obama phải dùng đường lối
cứng rắn của Israel trong khi thương thuyết với Iran. Dưới ảnh hưởng của người
Do Thái tại Mỹ, các đại biểu Dân Chủ trong Quốc Hội khó phản đối không bỏ phiếu
cho dự luật đó.
Thời điểm thứ nhì là ngày 24 Tháng Ba. Cuộc thương
thuyết giữa năm cường quốc nguyên tử với Iran có đạt tới một thỏa hiệp nào hay
không, chưa biết được. Nếu cuộc thương thuyết tan vỡ, Iran sẽ tiếp tục chính
sách cũ về năng lượng nguyên tử. Các nước Tây phương sẽ tiếp tục và gia tăng cuộc
cấm vận, còn Nga và Trung Cộng sẽ không cấm vận Iran. Nhưng trong bốn chục năm
qua, kể từ thời Tổng Thống Reagan, Iran đã bị cấm vận, mà họ vẫn tiến hành việc
tinh luyện năng lượng nguyên tử, ngày một mạnh hơn. Nước Nga của ông Putin đang
cần đồng minh, sẽ thân thiết với Iran và hỗ trợ Iran nhiều hơn. Hiện nay Iran
đang hợp tác với Mỹ và các nước Tây phương trong chiến dịch tiễu trừ lực lượng
Hồi Giáo quá khích ISIS ở Iraq và Syria. Nếu thỏa hiệp không thành, việc hợp
tác đó sẽ chấm dứt, và chính phủ Mỹ sẽ phải đối đầu với một vùng Trung Ðông rắc
rối, phức tạp hơn.
Trong hoàn cảnh như vậy, một thỏa hiệp với Iran, dù
chỉ ràng buộc nước này là điều tốt nhất hy vọng đạt được để ngăn không cho Iran
chế tạo bom nguyên tử trong thời gian mười năm tới. Mười năm có thể đủ để giải
quyết một số vấn đề trước mắt, như những cuộc nổi dậy do nhóm ISIS khích động.
Sau đó, tình hình nước Iran có thể thay đổi, dân Iran và những nhà lãnh đạo mới
sẽ thấy sống trong tình trạng không bị cấm vận sướng hơn, kinh tế phát triển
cao hơn, và cuộc thương thuyết lần sau sẽ có thể đạt tới các kết quả tốt hơn.
Nếu ngày 24 Tháng Ba tới một thỏa hiệp với Iran
thành hình, thì câu chuyện vẫn chưa chấm dứt. Các thanh tra quốc tế sẽ tới Iran
làm việc, nhưng họ sẽ được tự do hành động tới mức nào để chính quyền Iran
không coi là chủ quyền của họ bị xúc phạm? Không ai đoán được thiện chí của các
lãnh tụ tôn giáo ở Iran cao hay thấp. Sẽ có những lời tố cáo Iran vi phạm thỏa
hiệp. Các nước Tây phương có thể sẽ cấm vận trở lại, và tất cả trở lại như tình
trạng hiện nay!
Ông Netanyahu nghĩ rằng giới lãnh đạo Iran sẽ không
bao giờ thay đổi. Cho nên ông chỉ thấy một con đường duy nhất, là bắt Iran phải
đầu hàng. Ðiều mọi người lo lắng là một chính quyền Israel, dù có ông Netanyahu
hay không, có lúc quyết định “hành động một mình.” Họ có thể đem máy bay tấn
công các lò luyện nguyên tử của Iran, như họ từng làm ở Iraq khi ông Hussein
còn tại chức. Israel có thể đặt cả thế giới và nước Mỹ trước một “sự đã rồi,”
miễn là họ được yên tâm với địa vị quốc gia duy nhất trong vùng Trung Ðông có
bom nguyên tử. Phản ứng của Iran và khối Hồi Giáo ra sao, không phải chỉ có
Israel phải đối phó mà nước Mỹ chắc chắn sẽ tốn tiền bạc và quân đội để đóng
vai cảnh sát giữ trật tự trong vùng.
Nhưng Iran không phải là quốc gia duy nhất trong
vùng có khả năng chế bom nguyên tử. Các nước Saudi Arabia, Egypt và Thổ Nhĩ Kỳ
đều có thể nuôi tham vọng chế bom nguyên tử, để ít nhất được ngồi ngang hàng với
Pakistan, Ấn Ðộ! Nếu Israel tấn công Iran thì có tìm cách ngăn cản các nước này
hay không?
Cuộc đấu giữa hai ông Obama và Netanyahu sẽ còn tiếp
tục, nếu ông Netanyahu đắc cử lại trong mười ngày nữa. Trong hai năm còn lại của
nhiệm kỳ tổng thống, ông Obama đang muốn đạt được một thỏa ước ngoại giao quan
trọng, để lại một di sản có ảnh hưởng lâu dài. Hầu hết các vị tổng thống Mỹ đều
dành hai năm cuối của nhiệm kỳ bốn năm vào việc ngoại giao, vi không còn nhu cầu
vận động tranh cử trong nội bộ nước Mỹ nữa. Nếu thất bại trong vụ Iran này, chắc
ông Obama sẽ quay sang khu vực khác để cho bốn năm cuối cuộc đời tổng thống của
ông không hoàn toàn vô tích sự. Nếu ông chọn Châu Âu làm lãnh vực hoạt động thì
tương lai sẽ rất ngoạn mục. Chính phủ Mỹ đã bắt đầu đánh tiếng tố cáo Nga xâm
lăng Ukraine, và chuẩn bị gửi vũ khí qua giúp quân Ukraine. Mỹ đã gửi xe tăng
và quân đội qua tập trận với quân các nước vùng Baltic, mà “đối phương” chỉ có
thể là quân Nga đang hầm hè ngoài biên giới. Nếu ông Obama dùng hai năm chót lo
củng cố sức mạnh của khối NATO thì chắc lịch sử sau này sẽ quên vụ ông
Netanyahu thọc gậy bánh xe năm 2015.
No comments:
Post a Comment