05.03.2015
Ủy ban thường vụ Quốc hội đang lấy ý kiến về luật trưng cầu
ý dân. Qua quá trình tranh luận, ta có thể nhận ra nhiều điều về một nhà nước tự
xưng là “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.
Lòng dân và ý đảng
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã lo lắng “Nếu kết
quả trưng cầu ý dân không đúng như ý muốn thì có tổ chức trưng cầu lại không,
phải làm rõ nếu dân không đồng ý thì thế nào.” Ông Sơn đã công nhận rằng “lòng
dân” chưa chắc đã trùng với “ý muốn” của những người lãnh đạo đảng cộng sản.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
nêu rõ: “Trưng cầu ý dân tuy đã được ghi nhận trong Hiến pháp từ năm 1946,
nhưng ở nước ta hình thức này chưa được thực hiện trên thực tế.” Do đó, các văn
bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, 2013 đều không có giá trị vì chưa bao giờ
được toàn dân phúc quyết qua trưng cầu dân ý.
Như thế, những khẩu hiệu tuyên truyền như “Hiến pháp là kết
tinh trí tuệ của toàn đảng, toàn quân, toàn dân”, “nhà nước của dân, do dân, vì
dân”,… là không đúng thực tế.
Thậm chí, những người lãnh đạo đảng cộng sản còn vi phạm
điều 70 của Hiến pháp 1946 do chính họ soạn thảo khi tự động thay đổi Hiến pháp
mà không hề đưa ra cho toàn dân phúc quyết. Câu khẩu hiệu “sống và làm việc
theo Hiến pháp và pháp luật” phải chăng chỉ dành cho dân thường chứ lãnh đạo
thì không cần tuân thủ Hiến pháp và pháp luật?
Ý dân là ý trời
Quốc hội họp bàn về luật trưng cầu dân ý nhưng “đại biểu
nhân dân” lại sợ ý dân trái ý đảng. Đó là do từ trước đến nay người dân chưa
bao giờ được quyền quyết định những vấn đề hệ trọng của quốc gia qua trưng cầu
dân ý, cơ bản nhất là quyết định chế độ chính trị, phúc quyết Hiến pháp - bản
khế ước xã hội, và trao quyền lực nhà nước cho chính quyền.
Tuyên truyền là “nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì
nhân dân” mà quyền lực chính trị chưa bao giờ được dân trao cho là mạo danh. Do
đó, đảng cộng sản cầm quyền như hiện nay là không chính danh. Việc nắm quyền
như vậy hiển nhiên là trái pháp lý, trái đạo lý, trái ý dân.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói thẳng "Hiện
nay thông tin mạng nhiều, nhiều thế lực lợi dụng để nhao nhao đòi sửa đổi nhiều
điều, vậy thái độ của ta như thế nào, phải kỷ cương. Có lẽ sau khi trưng cầu ý
dân, Quốc hội sẽ xem xét quyết định việc thực hiện kết quả?” Thật ra, các “thế
lực” đòi bỏ điều này điều kia có hợp lý, chính đáng hay không thì phải do dân
quyết. Lãnh đạo đảng cộng sản, Quốc hội không thể vượt quyền, tự quyết định
thay dân. Câu nói của ông Ksor Phước cho thấy rõ tư duy độc tài, độc quyền muốn
áp chế nhân dân còn rất nặng nề.
Thậm chí, ông Ksor Phước nhấn mạnh cần "nghiêm cấm đề
nghị đưa ra trưng cầu ý dân những vấn đề trái với Hiến pháp, luật pháp”. Trong
khi đó, lãnh đạo đảng cộng sản thích thì tự động thay đổi Hiến pháp. Từ năm
1946 đến nay đã có đến năm bản Hiến pháp. Vậy là “ý dân” chẳng là gì so với “ý
đảng”, và Hiến pháp do đảng cộng sản tự soạn thảo lỗi thời hết sức nhanh chóng,
cho thấy đảng cầm quyền không hề có tầm nhìn xa rộng để xây dựng và phát triển
đất nước.
Nghiêm cấm trưng cầu dân ý những điều trái với Hiến pháp,
luật pháp cũng là sai trái vì dân có quyền quyết định cả Hiến pháp; và Hiến
pháp cũng có thể sai, thậm chí Hiến pháp hiện hành đầy rẫy những điều sai và
mâu thuẫn nhau.
Điều 2 Hiến pháp bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc
về nhân dân nhưng dân không được bầu ra lãnh đạo, vì điều 4 Hiến pháp đã quy định
cho đảng cộng sản đương nhiên được quyền lãnh đạo mà không cần thông qua bầu cử.
Điều 16 Hiến pháp bảo đảm mọi người đều bình đẳng trước
pháp luật nhưng chỉ có một nhóm người được độc quyền nhà nước thì xã hội không
thể nào bình đẳng.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã nêu ý kiến
vô cùng xác đáng khi cho rằng "Trưng cầu dân ý là quyền dân chủ trực tiếp,
chủ quyền của nhân dân, khi nhân dân đã biểu quyết đa số rồi thì đó là quyết định
không có cơ quan nào có quyền phủ quyết..."
Cần tư tưởng hợp nguyên để có luật pháp chuẩn mực
Từ những băn khoăn, lo lắng của những người lãnh đạo đảng
cộng sản khi sợ có luật trưng cầu dân ý sẽ lộ ra “lòng dân” không theo “ý đảng”,
ta có thể thấy những người cộng sản mà có tư tưởng độc quyền chính trị thì
không thể làm ra pháp luật chuẩn mực, vì luật pháp làm ra để bảo vệ đặc quyền,
đặc lợi của đảng cầm quyền; lợi ích, ý chí, nguyện vọng của toàn dân bị đặt dưới
đảng cầm quyền.
Tương tự, những người không chấp nhận các thành phần khác
trong xã hội cũng không thể làm ra luật pháp chuẩn mực vì như vậy không đảm bảo
bình đẳng giữa con người, giữa các thành phần khác nhau trong xã hội.
Trong cuốn Con đường dài đến tự do, Nelson
Mandela đã kể lại đảng ANC của ông chỉ còn thiếu một ghế để có đủ 2/3 số nghị sỹ
trong Quốc hội lập hiến là có thể tự soạn thảo Hiến pháp. Một người trong đảng
ANC tỏ ý tiếc thì ông liền nhấn mạnh Hiến pháp làm ra cho toàn dân chứ không phải
để phục vụ cho một đảng, và ANC cần hợp tác với các đảng khác trong Quốc hội để
soạn thảo Hiến pháp.
Pháp luật chuẩn mực - bắt đầu từ bản Hiến pháp dân chủ
qua thủ tục trưng cầu dân ý - là động lực cho sự thay đổi để hướng tới xã hội
công bằng. Pháp luật chuẩn mực cần bắt đầu từ tư tưởng “đa nguyên hợp tác, đoàn
kết quốc gia”, gọi tắt là tư tưởng “hợp nguyên”.
Những người có tư tưởng hợp nguyên chấp nhận sự khác biệt
và tính đa nguyên của xã hội nhưng luôn sẵn lòng đàm phán, hợp tác với nhau để
đưa đất nước đi tới. Họ bảo vệ lợi ích chính đáng của chính mình, của cộng đồng
mình nhưng đồng thời cũng tôn trọng lợi ích chính đáng của những người khác, cộng
đồng khác.
Như thế, luật pháp làm ra mới có thể áp dụng công bằng
cho tất cả mọi người, đảm bảo không ai đứng trên luật pháp, không ai hoặc tổ chức
nào được độc quyền nhà nước, và quyền lực nhà nước không mâu thuẫn với quyền của
dân.
Hoạt động chính trị muốn hướng đến xã hội công bằng, đất
nước phát triển mà cổ vũ cho sự độc tôn, duy trì tư tưởng độc quyền chính trị
thì khó tránh khỏi sự chia rẽ, gây mâu thuẫn trong xã hội.
Các nước dân chủ, văn minh đều có luật trưng cầu ý dân để
người dân trực tiếp quyết định những vấn đề hệ trọng của quốc gia. Việt Nam
không thể là ngoại lệ. Do đó, luật trưng cầu ý dân cần dứt khoát trao trả lại
quyền làm chủ đất nước cho nhân dân. Tự cho mình hoặc tổ chức của mình
quyền quyết định thay cho cả dân tộc rõ ràng thể hiện tư duy độc tài. Và vấn đề
cần trưng cầu dân ý cấp thiết nhất chính là vấn đề thể chế chính trị, phúc quyết
hiến pháp vì đó là những vấn đề nền tảng của xã hội.
Tham khảo:
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA
nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment