Trọng Thành - RFI
Đăng ngày 14-03-2015 Sửa đổi ngày 14-03-2015 14:59
Hãng thông tấn Đài Loan CNA dẫn lời Bộ Nội vụ nước này
cho biết, có đến gần tám phần mười số người mới được công nhận là công dân Đài
Loan là người Việt Nam. Trong đó đa số là phụ nữ lấy chồng Đài Loan.
Thông tin được đăng tải trên tờ báo mạng Đài Loan Focus
Taiwan News Channel, ngày 14/03/2015, cho hay có 4.399 người được nhập quốc tịch Đài Loan (tức Cộng hòa Trung Hoa)
năm 2014. Trong số họ, hơn 95% là phụ nữ và 77,2% là công dân Việt Nam.
Vẫn theo Bộ Nội vụ Đài Loan, số lượng người nhập tịch Đài
Loan năm 2014 giảm 650 người so với năm trước. Xu thế giảm này bắt đầu từ năm
2005, do đàn ông Đài Loan lấy vợ nước ngoài ít hơn.
Xu thế phụ nữ Việt Nam kết hôn với chồng Đài Loan đã bắt
đầu từ cách nay gần 30 năm. Cho đến nay, theo một số ước tính, có đến hơn
120.000 phụ nữ Việt Nam lập gia đình với người Đài Loan (theo số lượng tính đến
cuối năm 2010 của Bộ Tư pháp Việt Nam), chiếm khoảng một nửa số phụ nữ ngoại quốc
lấy chồng xứ Đài. Rất nhiều người vợ Việt Nam không được tổ chức, đoàn thể nào
đứng ra bảo vệ quyền lợi, thậm chí phải sống trong tình trạng bất hợp pháp.
Tình trạng phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan bị lạm dụng,
ngược đãi, bạo hành thậm chí bị sát hại… thường được giới bảo vệ nhân quyền và
báo chí trong và ngoài nước thông tin. Việc phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước
ngoài, cụ thể trong trường hợp Đài Loan, qua môi giới thương mại, với mục tiêu
chủ yếu là để thoát nghèo, cũng là điều được nhiều nhà báo, nhà hoạt động xã hội
Việt Nam lên tiếng chỉ trích. Rất nhiều trường hợp « thi tuyển » cô dâu lấy chồng
Đài Loan, Hàn Quốc hay Trung Quốc, bị dư luận lên án, vì xúc phạm đến nhân phẩm.
Trong một phát biểu mới đây trên tờ Lao Động, Bà Tôn Nữ
Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam, đánh giá những
cuộc hôn nhân kiểu này là không bình thường, khi toàn bộ thời gian từ khi gặp mặt
cho đến khi đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới tổng cộng chỉ vẻn vẹn vài ngày.
Hình thức hôn nhân này « tạo ra bất bình đẳng, tạo sự lệ thuộc hoàn toàn nơi
cô dâu về kinh tế và trong các mặt quan hệ với chồng và gia đình chồng, nói
cách khác, các cô dâu Việt Nam bị hạn chế trong thụ hưởng các quyền con người của
mình ».
Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần có các thỏa thuận,
hay hiệp định tương trợ tư pháp với các nước như Đài Loan, để tạo lập cơ chế bảo
hộ công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, sinh sống tại quốc gia sở tại.
No comments:
Post a Comment