Joseph
S. Nye - Project Syndicate
Biên dịch: Nguyễn Thị
Kim Phụng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Posted
on 18/03/2015 by The Observer
Nguồn: Joseph S. Nye,
“American
Hegemony or Americam Primacy ?” Project Syndicate, 09/03/2015
Không
quốc gia nào trong lịch sử hiện đại sở hữu nhiều sức mạnh quân sự toàn cầu như
Mỹ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng hiện nay Mỹ đang đi theo bước chân
của Vương quốc Anh, bá chủ toàn cầu gần đây nhất, đi vào con đường suy sụp. Dù
ngày càng trở nên phổ biến, sự so sánh lịch sử này là sai lầm.
Anh
chưa bao giờ nổi trội như Mỹ ngày nay. Chắc chắn nó từng sở hữu một lực lượng hải
quân có quy mô bằng hai hạm đội hợp lại, và Đế quốc Anh, nơi mặt trời không bao
giờ lặn, từng cai trị một phần tư nhân loại. Nhưng có sự khác biệt lớn giữa các
nguồn lực tương đối của Đế quốc Anh và nước Mỹ hiện đại. Khi Thế chiến I bùng nổ,
Anh chỉ xếp thứ tư trong số các cường quốc về lực lượng quân đội, thứ tư về
GDP, và thứ ba về chi tiêu quân sự.
Đế
quốc Anh đã cai trị một vùng đất rộng lớn thông qua sự phụ thuộc vào quân đội địa
phương. Trong số 8,6 triệu lính Anh trong Thế chiến I có gần một phần ba đến từ
phần đế chế ở hải ngoại. Điều đó khiến chính quyền London ngày càng khó tuyên
chiến nhân danh toàn bộ đế chế khi những tình cảm dân tộc chủ nghĩa bắt đầu
gia tăng.
Đến
Thế chiến II, việc bảo vệ đế quốc trở thành một gánh nặng hơn là một việc làm
có ích. Việc nước Anh nằm rất gần các cường quốc như Đức và Nga càng làm cho
các vấn đề trở nên khó khăn hơn.
Bất
chấp tất cả những lời nói không chính xác về một “đế quốc Mỹ,” thực tế là Mỹ
không có thuộc địa để phải quản lý, do đó nó tự do hành động hơn so với Anh. Và
nhờ việc được bao quanh bởi các nước yếu và hai đại dương, Mỹ dễ tự phòng thủ
hơn nhiều.
Điều
đó đem đến cho chúng ta một vấn đề khác khi so sánh (Anh và Mỹ) trong vai trò
bá chủ toàn cầu: sự mập mờ về ý nghĩa thực sự của khái niệm “bá quyền”
(hegemony). Một số nhà quan sát đánh đồng khái niệm này với chủ nghĩa đế quốc
(imperialism); nhưng Mỹ là minh chứng rõ ràng rằng bá chủ không nhất thiết phải
có một đế chế chính thức. Những người khác thì định nghĩa bá quyền là khả năng
thiết lập các quy tắc của hệ thống quốc tế; nhưng một bá chủ phải có chính xác
bao nhiêu ảnh hưởng đến quá trình này, so với các cường quốc khác, thì vẫn chưa
rõ.
Ngoài
ra, có một số người cho rằng bá quyền đồng nghĩa với việc kiểm soát các nguồn lực
mạnh nhất. Nhưng nếu xét theo định nghĩa này thì nước Anh trong thế kỷ 19 – khi
đang ở đỉnh cao quyền lực của mình vào năm 1870, xếp thứ 3 (sau Mỹ và Nga) về
GDP và thứ 3 (sau Nga và Pháp) về chi tiêu quân sự – sẽ không thể được coi là
bá chủ, cho dù nó đứng đầu về lực lượng hải quân.
Tương
tự, những người nói về bá quyền Mỹ sau năm 1945 đã không lưu ý rằng Liên Xô đã
cân bằng sức mạnh quân sự với Mỹ trong hơn 4 thập niên. Dù Mỹ có sức mạnh kinh
tế vượt trội, sức mạnh chính trị và quân sự của nó đã bị hạn chế bởi sức mạnh của
Liên Xô.
Một
số nhà phân tích mô tả giai đoạn sau năm 1945 như một trật tự thứ bậc do Mỹ dẫn
đầu với các đặc tính tự do, trong đó Mỹ cung cấp hàng hóa công cộng (public
goods) trong khi hoạt động trong một hệ thống lỏng lẻo bao gồm các quy tắc và
thể chế đa phương vốn giúp các nước yếu hơn có tiếng nói. Họ chỉ ra rằng việc
giữ gìn khuôn khổ thể chế này có thể là hợp lý đối với nhiều nước, ngay cả khi
nguồn lực của Mỹ suy giảm. Theo đó, trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu có thể tồn tại
lâu hơn ưu thế về các nguồn lực của nó, dù nhiều người khác cho rằng sự xuất hiện
của các cường quốc mới báo trước sự sụp đổ của trật tự này.
Tuy
nhiên, khi nói đến kỷ nguyên của thứ được cho là bá quyền Mỹ, luôn có rất nhiều
giả thuyết lẫn trong sự thật. Nó không hẳn là một trật tự toàn cầu mà giống một
nhóm các quốc gia có cùng chí hướng, chủ yếu là ở châu Mỹ và Tây Âu, bao gồm
chưa đến một nửa thế giới. Và ảnh hưởng của nó trên các nước không phải là
thành viên – trong đó có cả những cường quốc như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia,
và khối Xô-viết – không phải là luôn tốt đẹp. Do đó, vị thế của Mỹ trên thế giới
có thể được gọi chính xác hơn là “bán bá quyền” (“half-hegemony”).
Tất
nhiên, Mỹ đã duy trì sự thống trị kinh tế sau năm 1945: sự tàn phá của Thế chiến
II tại nhiều quốc gia đồng nghĩa với việc Mỹ tạo nên gần một nửa GDP toàn cầu.
Vị thế đó kéo dài cho đến năm 1970, khi tỷ trọng của Mỹ trong GDP toàn cầu giảm
xuống mức trước chiến tranh, còn một phần tư. Nhưng từ quan điểm chính trị hay
quân sự thì thế giới khi đó là lưỡng cực, với Liên Xô cân bằng quyền lực với Mỹ.
Thật vậy, trong thời kỳ này, Mỹ thường không thể bảo vệ lợi ích của nó: Liên Xô
có được vũ khí hạt nhân; chủ nghĩa cộng sản lên nắm quyền tại Trung Quốc, Cuba,
và miền Bắc Việt Nam; chiến tranh Triều Tiên kết thúc trong bế tắc; và các cuộc
khởi nghĩa tại Hungary và Tiệp Khắc bị đàn áp.
Trong
bối cảnh này, “ưu thế” (primacy) có vẻ là từ mô tả chính xác hơn cho tỉ trọng
vượt trội (và có thể đo lường được) của Mỹ về cả ba loại nguồn lực: quân sự,
kinh tế, và quyền lực mềm. Câu hỏi đặt
ra hiện nay là liệu có phải thời kỳ ưu thế của Mỹ đang đi đến hồi kết thúc?
Do
không thể tiên đoán về sự phát triển toàn cầu nên tất nhiên là không thể trả lời
câu hỏi này một cách rõ ràng. Sự gia tăng của các lực lượng xuyên quốc gia và
các chủ thể phi nhà nước, chưa kể đến những cường quốc mới nổi như Trung Quốc,
cho thấy có sự thay đổi lớn sắp diễn ra. Nhưng vẫn có lý do để tin rằng, ít nhất
là trong nửa đầu thế kỷ này, Mỹ vẫn sẽ giữ được ưu thế của nó về các nguồn lực
và tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong cán cân quyền lực toàn cầu.
Tóm
lại, trong khi kỷ nguyên ưu thế của Mỹ chưa kết thúc, nó sẽ thay đổi theo những
cách quan trọng. Những thay đổi này liệu có giúp tăng cường an ninh và thịnh vượng
toàn cầu hay không hiện vẫn còn chưa rõ.
Joseph S. Nye là cựu
trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, và là
giáo sư tại Đại học Harvard. Gần đây nhất, ông là tác giả của cuốn Presidential
Leadership and the Creation of the American Era.
No comments:
Post a Comment