Thursday 5 March 2015

Luân Đôn và cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc tại Mỹ (Lê Mạnh Hùng)





Lê Mạnh Hùng
Wednesday, March 04, 2015 4:17:58 PM

Các chuẩn ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa từ lâu vẫn coi Luân Đôn như là một trạm ngừng cần thiết. Ông Ronald Reagan đã ba lần gặp bà Margaret Thathcher trước khi ông được đảng đề cử.

Nhưng lần này danh sách những người đến Luân Đôn thì nhiều hơn bao giờ hết. Khi làm một chuyến hành trình sang Luân Đôn, các chuẩn ứng viên muốn gửi đến quần chúng hai thông điệp - nó cho người ta thấy rằng mình cũng rành về ngoại giao và mình tôn trọng những đồng minh cố hữu. Cả hai đều là những đức tính mà Tổng Thống Barack Obama bị chê là không có. Đến thăm Luân Đôn biểu tượng cho một nước Mỹ trở lại thời bá chủ sau khi suy thoái dưới thời Obama. Chỉ đáng tiếc các chuyến đi thăm Luân Đôn lại cho thấy một chuyện ngược lại.

Người đến thăm Luân Đôn mới nhất là thống đốc Scott Walker của tiểu bang Wisconsin. Tại Luân Đôn, ông đã gặp Thủ Tướng David Cameron của Anh và đi thăm văn phòng làm việc của Winston Churchill trong thời chiến tranh thứ hai. Đến thế là đã làm đúng bài bản. Nhưng chỉ tiếc là sau đó ông đã từ chối không chịu nói chuyện về chính sách ngoại giao tại Chatham House, diễn đàn có uy tín nhất của Anh - và một trong những diễn đàn uy tín nhất của thế giới - về ngoại giao. Thay vào đó, ông đã dùng diễn đàn này để giới thiệu các sản phẩm lấy từ sữa (bơ, phó mát) của Wisconsin!!! Và trước một khối khán giả có thể nói là rất trí thức, ông đã từ chối không chấp nhận thuyết tiến hóa! Chẳng khác gì đến thăm Council on Foreign Relations mà không chịu nói chuyện về ngoại giao.

Chuyến viếng thăm Luân Đôn của ông Walker đi theo sau chuyến đi của ông Chris Christie, thống đốc tiểu bang New Jersey và một ứng cử viên sáng giá của Đảng Cộng Hòa. Ông Christie không may khi sang Luân Đôn gặp đúng lúc tại Mỹ đang có một trận dịch bệnh sởi. Và ông đã tuyên bố phải cho cha mẹ lựa chọn có nên cho con chích ngừa hay không. Báo hại văn phòng ông phải cải chính là tại tiểu bang New Jersey, chính ngừa là bắt buộc. Và cũng giống như ông Walker, ông cũng có một buổi gặp gỡ chụp hình với ông Cameron, thủ tướng Anh, và từ chối không chịu nói đến vấn đề ngoại giao. Trước đó vào tháng 12 năm ngoái là ông Jeb Bush, cựu thống đốc tiểu bang Florida. Những khách viếng thăm gần đây có các ông Bobby Jindal, thống đốc tiểu bang Lousiana, Rick Perry thống đốc tiểu bang Texas và Marco Rubio, thượng nghị sĩ tiểu bang Florida.

Sắp tới sẽ tới lượt ông Mike Hucakbee, cựu thống đốc tiểu bang Arkansas. Ông này sẽ cấm đầu một phái đoàn các mục sư thuộc các hệ phái Tin Lành bảo thủ mà chương trình viếng thăm sẽ bao gồm cả nơi sinh của bà Margaret Thatcher. Trong số những tên tuổi lớn của Đảng Cộng Hòa nay chỉ còn hai ông Ted Cruz, thượng nghị sĩ tiểu bang Texas và Rand Paul, thượng nghị sĩ tiểu bang Kentucky là chưa tới. Nhưng chắc rồi họ cũng sẽ tới Luân Đôn, gặp ông Cameron và đi thăm các nơi có liên quan đến Churchill và Thatcher.

Nguy cơ lớn nhất đối với các chuẩn ứng cử viên này là nó có thể làm bộc lộ ra những thiếu sót về kiến thức của họ. Và điều đó sẽ làm hỏng toàn bộ mục tiêu của chuyến đi. Thành ra một chuẩn ứng cử viên cẩn thận sẽ giới hạn các hoạt động của mình tại Luân Đôn bằng những buổi chụp hình và gặp gỡ riêng tư. Và nếu phải nói chuyện trước công chúng, thì họ nên cẩn thận. Tháng giêng vừa qua, thống đốc Bobby Jindal khi đến thăm Luân Đôn đã đọc một bài diễn văn về nguy cơ tạo ra bởi tổ chức Quốc Gia Hồi Giáo tại Iraq và vùng Cận Đông (ISIS) trong đó ông lập lại huyền thoại mà hãng truyền hình Fox News đưa ra là có những vùng “no-go” đối với những người không phải là Hồi Giáo tại các thành phố lớn của Anh như Birmingham. Tội nghiệp ông Jindal, ông đã quên không coi bài khẩn khoản xin lỗi vì đã đăng tin vịt của Fox News cũng như là không biết rằng chính ông Cameron đã phê bình ông “chuyên gia” về khủng bố của Fox News, người đã đưa tin này ra là “a complete idiot.”

Giống như nhiều người bảo thủ Hoa Kỳ, ông Jindal đọc bài diễn văn của ông tại Hội Henry Jackson (Henry Jackson Society), một tổ chức nghiên cứu bảo thủ lấy tên Thượng Nghị Sĩ  Hoa Kỳ Henry Jackson, người được coi như là cha đẻ của ý thức hệ tân bảo thủ (neoconservatism). Trên phương diện này Luân Đôn chậm tiến hơn nhiều so vói Mỹ. Henry Jackson Society được thành lập năm 2005, hai năm sau cuộc xâm lược Iraq vốn đánh dấu sự phá sản của chủ nghĩa tân bảo thủ. Trên phương diện này nó giống như mang chiếc jupe mini đến Tân Tây Lan vào năm 1970. Nói chuyện bơ và phó mát tại Chatham House còn tốt hơn.

Một nguy cơ nữa là có thể vô tình mà làm cho dân địa phương tức giận. Dân Anh không hiền lành như người ta tưởng. Trong cuộc bầu cử năm 2012, ông Mitt Romney đã bị diễu cợt sau khi tuyên bố rằng Luân Đôn thiếu khả năng tổ chức Thế Vận Hội. Ông đã bị chính ông David Cameron trả lời rằng tổ chức một giải thế vận tại Luân Đôn khó hơn nhiều so với tổ chức tại một nơi “in the middle of nowhere,” một điều nhắc nhở cho ông Romney điều mà ông Romney vẫn tự hào, tổ chức thành công Thế Vận Hội Mùa Đông 2002 tại Utah chẳng có gì là đáng nói cả. Và đô trưởng Luân Đôn, ông Boris Johnson thì trả lời một cách nhục mạ hơn bằng cách hỏi ông Romney là ai vậy? Và ông Johnson nói về tuyên bố của ông Jindal rằng có những nơi tại Luân Đôn chỉ có người Hồi Giáo dám tới là “complete nonsense.”

Mặc dầu vậy, các chuẩn ứng cử viên vẫn tiếp tục đến Luân Đôn. Thứ nhất có bao nhiêu cường quốc trên thế giới nhận cho một thống đốc tiểu bang nhất là một tiểu bang nhỏ nghèo của Mỹ gặp người cầm đầu chính phủ của họ. Đến Anh thì có thể gặp ông Cameron, nhưng khó mà gặp được bà Angela Merkel hay ông Francois Hollande và lại càng khó mà gặp được ông Tập Cận Bình. Nước Anh tự hào về “quan hệ đặc biệt” với Mỹ. Ông Cameron chẳng mất gì cả. Tệ lắm thì ông phí mất nửa giờ. May mắn thì ông lập được quan hệ tốt với vị tổng thống sắp tới của Mỹ. Cố nhiên là chưa chắc đến lúc đó ông còn là thủ tướng. Nước Anh sẽ có tổng tuyển cử vào tháng năm tới này.

Lý do thứ hai là Luân Đôn là nơi nhiều tiền bạc và dân Mỹ tại Luân Đôn thường là những ủng hộ viên trung kiên của Đảng Cộng Hòa. Chuyến đi bị coi là thất bại của ông Romney đến Luân Đôn đã rất thành công về mặt tài chánh. Ông kiếm được 2 triệu đô la tiền ủng hộ từ chi nhánh Anh của tổ chức Đảng Cộng Hòa hải ngoại, chi nhánh giàu nhất trong các chi nhánh của Đảng Cộng Hòa tại nước ngoài vì nó bao gồm khu tài chánh City of London.








No comments:

Post a Comment

View My Stats