Sunday, 1 March 2015

Ký sự: Nỗi buồn Đambri (Tâm Don - VNTB)





Tâm Don  -  VNTB

(VNTB) - Miễn phí cho người Cambodia… Đambri buồn ơi, còn buồn đến bao giờ? Đến bao giờ đất nước Việt Nam này mới có tính nhân văn trong mọi hành xử?

Tại sao lại thế?

Những ngày đầu xuân Ất Mùi 2015, khách du lịch đổ về khu du lịch Đambri khá đông. Khu du lịch này nằm ở xã Đambri, thuộc thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng gắn liền với ngọn thác Đambri cao 70 mét đẹp đến nao lòng.

Trong những dòng người tấp nập đổ về Đambri, tôi dễ dàng nhận ra những đoàn người sắc tộc Châu Mạ, K’Ho đầy đủ già trẻ, trai gái. Tóc họ xoăn hơn, nước da đen giòn, dáng người nhỏ gọn hơn, và ánh mắt hoang sơ hồn nhiên hơn. Trong vẻ hăm hở của một cuộc du xuân, ở họ vẫn toát lên một điều gì đó buồn bã và tức giận.

Tôi hỏi một người đàn ông tộc người Châu Mạ có tên là K’Lái cư ngụ ở ngay trong xã Đambri huyền thoại này:

- Có vẻ anh đang bực bội. Khu du lịch này có dịch vụ nào đó không làm anh hài lòng à?

Anh K’Lái trải lòng mình:

- Không thể không buồn bực, anh ạ. Vé vào cổng đối với người lớn là 70.000đồng/ người, với trẻ em là 30.000đ/người. Chưa hết, vé đi thang máy để xem ngọn thác Đambri hùng vĩ là 30.000đ/người. Nhà chúng tôi mất 230.000đ để vào cổng và mất 150.000đ để được chiêm ngưỡng ngọn thác. Thật là tồi tệ.

Muốn hiểu ngọn ngành của câu chuyện, tôi đành phải đi sâu vào các câu hỏi:

- Mua vé vào cổng, đi thang máy là đúng mà. Nhà đầu tư bỏ vốn ra, họ kinh doanh là phải có lãi. Vậy anh buồn bực điều gì? Thắc mắc gì nữa?

K’Vếu, một người đàn ông tộc người K’Ho gần 70 tuổi đến từ huyện Bảo Lâm bên cạnh nhìn trừng trừng vào mắt tôi như muốn ăn tươi nuốt sống:

- Anh ích kỷ và cạn nghĩ quá. Tôi nói cho anh biết nhé. Ngọn thác Đambri hùng vĩ này đã ngàn đời nay thuộc về tổ tiên chúng tôi, thuộc về cha ông chúng tôi, thuộc về chúng tôi. Vùng đất Đambri xinh đẹp này đã ngàn đời nay là của chung các tộc người K’Ho, Châu Mạ. Trước đây, chúng tôi tự do vào ra Đambri, tự do hẹn hò ở Đambri, tự do tổ chức các ngày lễ ở đây, tự do đốt lửa rồi nhảy múa ca hát và uống rượu cần ở đây…. Vì chúng tôi thực sự là những người chủ của Đambri. Nhưng giờ đây chúng tôi không còn là người chủ của Đambri nữa. Thật đau xót và cay đắng. Họ đột ngột xuất hiện, và xây dựng lên ở Đambri này một khu du lịch mà không hỏi chúng tôi lấy một tiếng, không xin phép tổ tiên chúng tôi, ông cha chúng tôi và dĩ nhiên là cả chúng tôi nữa. Giờ đây, chúng tôi chỉ là những vị khách xa lạ trên mảnh đất đã từng rất thân quen và gắn bó với chúng tôi. Và, buồn đau thay, chúng tôi phải mua vé để chiêm ngưỡng và tận hưởng những vẻ đẹp đã từng thuộc về chúng tôi. Chúng tôi mất và họ được. Mất mát của chúng tôi quá lớn.

Đến lúc này, rất đông người Châu Mạ, K’Ho đã vây chặt lấy tôi. Một người phụ nữ gần 50 tuổi có tên là Ka Mạ thuộc tộc người Châu Mạ ở ĐahTẻ ôn tồn nói với tôi:

- Tôi biết anh chỉ là một khách du lịch, không phải là quan chức, nhưng tôi phải nói với anh để giải tỏa uẩn ức, anh ạ. Lẽ ra những nhà đầu tư khu du lịch Đambri này phải miễn phí vé cho những người K’Ho và Châu Mạ bởi vì Đambri là đất của người K’Ho và người Châu Mạ mà. Chúng tôi không chỉ bị cướp đoạt, mất trắng đất đai của tổ tiên mà còn phải trả tiền cho những kẻ đi ăn cướp. Thật buồn. Buồn như chuyện người đàn ông phải trả tiền cho kẻ đã chiếm đoạt vợ mình để được ngủ với vợ mình. Một kết cục có lợi cho những kẻ đi cướp đoạt và buồn bã cho những người bị tước đoạt.

Nhìn về phía nhân văn

Tôi đã hiểu ra vấn đề bức xúc ở Đambri và ngay lập tức tôi liên tưởng đến tính nhân văn của những khu du lịch nổi tiếng ở Cambodia, Thailand- những quốc gia ở gần Việt Nam và ở buổi đầu của xã hội dân chủ.

Quần thể di sản văn hóa của nhân loại Angkor ở tỉnh Seam Reap, Cambodia là một quần thể di tích có một không hai trên thế giới. Chính quyền vương quốc Cambodia đã giao quyền bảo quản và khai thác quần thể di sản này cho một công ty tư nhân có ông chủ là một người Cambodia gốc Việt. Vé vào tham quan quần thể di sản này rất cao. Nhưng điều lạ lùng là, trước cổng mua vé luôn có tấm bảng có dòng chữ: MIỄN PHÍ CHO NGƯỜI CAMBODIA. Người hướng dẫn viên du lịch người Cambodia gốc Việt giải thích cho những du khách Việt Nam:

- Miễn phí vé cho người Cambodia là một điều hoàn toàn đúng, hoàn toàn hợp tình thấu lý. Quần thể di sản Angkor là di sản của đất nước Cambodia, là thành tựu chung của người Cambodia. Người Cambodia hôm nay và ngày mai, ngày mai nữa vẫn mãi được quyền thụ hưởng miễn phí các thành quả của ông cha mình.

Thật đơn giản, nhưng quá sâu sắc.

Và một ví dụ nhân văn khác ở Thailand. Khu di tích Grand Palace ở thủ đô Bangkok luôn thu hút du khách ngoại quốc và khách du lịch Thailand mỗi khi về Bangkok. Ở khu vực mua vé vào tham quan Grand Palace có bảng thông báo bằng tiếng Thái và tiếng Anh: MIỄN PHÍ CHO NGƯỜI THÁILAND. Tôi hỏi cô Julene, một nhân viên giỏi của Cục xúc tiến thương mại của Bộ Thương mại Thailand:

- Tại sao tấm bảng này phải viết cả bằng tiếng Thailand và tiếng Anh?

Cô Julene trả lời rành rọt:

- Vì có rất nhiều người Thailand ở nước ngoài đã lâu nên quên mất chữ Thailand, và có rất nhiều người Thailand có quốc tịch nước ngoài.

- Tại sao lại miễn phí vé vào cổng cho người Thailand?

Cô Julene cười hồn hậu:

- Mọi di sản trên đất nước Thailand này đều thuộc về người Thailand, đều thuộc về lịch sử và đất nước Thailand, vì vậy, người Thailand kể cả người nước ngoài có gốc tích Thailand đề được tự do tham quan và thụ hưởng. Kinh doanh và thương mại không có nghĩa là bất chấp văn hóa và lịch sử, bất chấp đạo lý và khát vọng.

Đambri buồn ơi, còn buồn đến bao giờ? Đến bao giờ đất nước Việt Nam này mới có tính nhân văn trong mọi hành xử?




No comments:

Post a Comment

View My Stats