Sunday 15 March 2015

Hai năm canh tân không dễ dàng của Giáo Hoàng Phanxicô (Huê Đăng - RFI)





Huê Đăng  -  RFI
Đăng ngày 14-03-2015 Sửa đổi ngày 14-03-2015 16:50

Ngày 13/3/2015 đánh dấu 2 năm lãnh đạo Tòa thánh Vatican của Giáo Hoàng Phanxicô.  Đức Thánh cha của những người Công giáo, trong hai năm qua, không chỉ đem lại một hình ảnh của một vị chủ chăn gần gũi bình dị hoàn toàn khác trước mà còn thực hiện những cải cách quan trọng trong Giáo hội Công giáo. Công cuộc canh tân của Giáo Hoàng Phanxicô không dễ dàng chút nào vẫn vấp phải không ít chống đối trong chính nội bộ Tòa thánh Vatican.

Thông tín viên Huê Đăng tại Roma điểm lại những nét chính trong công cuộc cách tân của Giáo Hoàng Phanxico trong hai năm lãnh đạo Vatican:

Nhân dịp kỷ niệm hai năm giáo triều của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các mạng truyền thông báo chí đã đăng tải hai tin quan trọng. Thứ nhất là Đức Giáo Hoàng tuyên bố Năm Thánh Từ Bi sẽ bắt đầu từ ngày 08/12/2015 đến ngày 20/11/2016. Tin thứ hai là trong một buổi phỏng vấn của đài truyền hình Mêhico, Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố rằng “Tôi có linh cảm là giáo triều của tôi sẽ không dài lắm” … và cũng ngay sau đó Ngài đã “đính chánh” lại “… nhưng cũng có thể là tôi lầm !!!”. Câu hỏi được đặt ra là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang nghĩ đến một khả năng từ nhiệm vì lý do tuổi tác ? Đức Giáo Hoàng đã trả lời khẳng định rằng Ngài không nghĩ đến khả năng từ nhiệm, tuy nhiên Ngài cũng đánh giá “can đảm” quyết định từ nhiệm trước đây của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI.

Bối cảnh phức tạp  trước khi Giáo Hoàng Phanxicô lên nằm quyền lãnh đạo Giáo hội La Mã 

Người ta còn nhớ là hai năm về trước, ngay sau khi người tiền nhiệm là Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI từ nhiệm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên nắm Giáo triều trong một bối cảnh phức tạp và nhiều khó khăn ở Tòa Thánh: những vụ tai tiếng xì-căn-đan nổ ra liên tục: từ những vụ một số giáo sĩ bị tố cáo dính dáng đến những hoạt động xâm phạm nhi dục đến những vụ điều tra về các hoạt động tài chính không mấy minh bạch của cơ quan IOR, vốn được xem như là ngân hàng của Tòa Thánh. Từ những vụ nghi ngờ đồng tính luyến ái trong hàng chức sắc của Giáo triều đến vụ người cận thần của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI bị bắt giam về nghi tội ăn cắp thông tin và tư liệu bí mật của Tòa Thánh để tẩu tán ra ngoài.
Trong khi đó uy tín của Giáo Hội bị suy giảm và niềm tin của Giáo dân cũng bị hao mòn. Thậm chí, lúc đó có nhiều ý kiến cho rằng Tòa Thánh đang đứng trước một khuynh hướng tụt hậu niềm tin và uy tín không có gì có thể ngăn cản được. Và đỉnh cao của tình thế thoái trào của Tòa Thánh lúc ấy là quyết định từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, một quyết định bất thường trong lịch sử của Giáo Hội La Mã.

Từ đó đến nay, hai năm trôi qua, những gì đã xảy ra ở Tòa Thánh ?

Cũng chính trong bối cảnh “dầu sôi lửa bỏng” vừa kể, Hồng Y Bergoglio đã lên nắm quyền Giáo Chủ Giáo Hội Roma, trở thành Đức Giáo Hoàng Phanxicô và lập tức một luồn gió mới, một khuynh hướng canh tân cải cách đã được thể hiện, nhất là trong những lề lối cư xử rất “đời thường”: chẳng hạn như quyết định vẫn tiếp tục ăn ở trong một căn hộ nhỏ trong Tòa Thánh, từ chối căn hộ to lớn dành cho Đức Giáo Hoàng.

Luồng gió cách tân của Giáo Hoàng đã đem lại những thay đổi gì trong Tòa thánh ?

Theo một số nguồn tin báo chí thì có lần chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tâm sự với một người bạn rất thân rằng chính Ngài “e rằng sẽ không đủ sức đi cho đến hết con đường !!!”.
Trên thực tế điều gì đã xẩy ra trong hai năm qua ? Một mặt ai cũng thấy là uy tín của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày càng cao trong quần chúng, không phải chỉ riêng trong giới giáo dân. Nhưng cũng đồng lúc những chống đối Ngài cũng một ngày một mạnh, đặc biệt là trong giới chức sắc cao cấp của hàng Giáo phẩm Roma và trong một số dòng tu.
Trong năm đầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô tin rằng với chính lối sống bình dị rất “đời thường” của mình, Ngài sẽ có thể thay đổi được tư duy của các chức sắc trong hàng giáo phẩm. Nhưng để rồi đến năm thứ hai thì Đức Giáo Hoàng Phanxicô mới ngộ ra rằng trong khi chính Ngài vẫn tiếp tục sống trong một căn hộ 70 mét vuông thì các chức sắc khác trong hàng giáo phẩm vẫn không từ bỏ các căn hộ xa hoa lộng lẫy, và đặc biệt là Ngài đã phải nhìn nhận rằng có rất nhiều chức sắc cao cấp đã có những khuynh hướng đi ngược lại, nếu không muốn nói là chống lại, lối suy nghĩ của Ngài.
Thế là hồi tháng 12 năm ngoái Đức Giáo Hoàng đã phải chính thức lên tiếng tố cáo các “thói hư tật xấu” của Giáo triều, đặc biệt là Ngài đã phải tố cáo tệ nạn đồng hóa Giáo hội với quyền lực. Và cho đến nay chưa ai biết rõ là những tố cáo đó của Đức Giáo Hoàng Phanxicô rồi sẽ đi đến đâu.
Một trong những xì-căn-đan lớn nhất hai năm trước là những tai tiếng xẩy ra quanh cơ quan IOR, vốn được xem như là Ngân hàng của Vatican; Một số vụ điều tra của Hải quan Ý về những chuyển khoảng tài chính không minh bạch của một số người có tài khoảng trong Ngân hàng Vatican, những vụ bôi nhọ, tố cáo, cách chức lãnh đạo của Ngân hàng.
Từ đó đến nay, Ngân hàng Vatican cũng đã có những quyết định thay đổi nhân sự quan trọng và một số điều luật quản trị mới, trong đó có quyết định sẽ bãi bỏ quyền giữ bí mật ngân hàng của chính IOR để hoạt động tài chính của Tòa Thánh có thể trở nên minh bạch hơn.

Thay đổi quan trọng về mặt đối ngoại

Một khía cạnh đổi mới khác của Tòa Thánh trong hai năm qua là những bước tiến quan trọng với Trung Quốc trong việc tìm cách nối lại quan hệ song phương giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh. Mặc dầu cho đến nay cả hai bên đều tuyên bố đã đạt nhiều bước tiến quan trọng, tuy nhiên vẫn còn có một số khúc mắc chưa được giải quyết, trong đó có vấn đề tấn phong giám mục Trung Quốc.
Cũng trong khía cạnh ngoại giao, thời gian qua Mỹ và Cu Ba đã có những bước tiến quan trọng trong việc tìm cách nối lại quan hệ ngoại giao, và cũng chính trong vụ này, nhiều nguồn tin xác nhận có sự đóng góp quan trọng của Tòa Thánh.

Công cuộc cách tân vẫn tiềm ẩn phức tạp trong nội bộ Tòa thánh Vatican

Tóm lại, như đã nói trên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô hiện đang phải đối phó với nhiều sự chống đối ngay từ trong nội bộ Giáo triều La Mã về những quyết định canh tân. Câu hỏi được đặt ra là: nếu như Đức Giáo Hoàng Phanxicô thất bại trong cuộc đấu tranh cải cách này ? Chuyện gì sẽ xẩy ra cho Giáo Hội Công Giáo.
Không ai biết rõ điều gì sẽ xẩy ra. Nhưng nếu vì một lý do gì đó mà Đức Giáo Hoàng phải “đầu hàng”, tức là phải bỏ dở công cuộc canh tân cải cách của mình, thì rất có thể là Giáo Hội La Mã sẽ phải trở lại thời rối ren của hai năm về trước, của thời từ nhiệm của Đức Giáo Benedicto XVI.
Có thể chính vì thế mà Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố trong buổi phỏng vấn của đài truyền hình Mêhico rằng “có thể Giáo triều của Ngài sẽ không dài lắm”. Có thể hiểu rằng đấy là một tín hiệu để cho biết là nếu Ngài thất bại thì tình hình Giáo Hội sẽ đi lùi lại như hai năm về trước hay tệ hơn nữa.







No comments:

Post a Comment

View My Stats