Báo báo viên Đặc biệt về Tự do tôn giáo
hoặc Tín ngưỡng của Liên Hợp Quốc, ông Heiner Bielefeldt đã có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 21 – 31 tháng 7 năm 2014. Sau khi kết
thúc chuyến thăm quốc gia, theo nhiệm vụ của mình, Ông đã đệ trình lên Hội Đồng
Nhân Quyền LHQ một Báo cáo về Tự do tôn giáo hoặc Tín ngưỡng ở Việt Nam, và sẽ
trình bày các vấn đề này cũng như đối thoại với Chính phủ Việt Nam vào ngày 10
và 11 tháng 3 năm 2015, trong kỳ họp 28 của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ tại
Geneva, nhằm thúc đẩy cho tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Hướng
đến sự kiện này, Vietnam UPR Working Group xin giới thiệu bản dịch toàn
văn Báo cáo của Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng,
Heiner Bielefeldt, về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Đặc
biệt chúng tôi lưu tâm đến những khuyến nghị hữu ích của Ông đưa ra đối với
chính phủ Việt Nam, và đề nghị chính phủ Việt Nam đón nhận các khuyến nghị này
một cách cầu thị và triển khai thực thi nghiêm túc, thay cho hành động cố chấp
là công kích vào tính khách quan và sự hiểu biết của vị chuyên gia độc lập của
Liên Hiệp Quốc.
Các tổ chức tôn giáo
và các bạn quan tâm có thể đối chiếu với bản chính có tại:
—————
Liên
Hiệp Quốc
|
A/HRC/28/66/Add.2
|
||
Đại
Hội Đồng
|
Lưu
hành: Chung30 tháng 1 năm 2015Bản gốc: Tiếng Anh
|
||
Hội
đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Kỳ
họp thứ 28
Chương
trình nghị sự mục 3
Thúc
đẩy và bảo vệ các quyền con người, dân sự,
các quyền chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội,
bao gồm cả các quyền phát triển.
các quyền chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội,
bao gồm cả các quyền phát triển.
Báo cáo của Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng,
Heiner Bielefeldt
Tóm
lược
|
Báo
cáo trình bày các kết quả chính của chuyến thăm tới đất nước Việt Nam được thực
hiện bởi Báo cáo viên Đặc biệt về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, Heiner
Bielefeldt, từ ngày 21 đến ngày 31 tháng 7 năm 2014. Sau khi phân tích các
khuôn khổ và chuẩn mực liên quan đến tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo hay
tín ngưỡng của pháp luật Việt Nam, Báo cáo viên Đặc biệt xác định những phát
triển tích cực nhưng cũng có một số vấn đề nghiêm trọng, chủ yếu là sự thiếu
rõ ràng trong các quy định pháp lý có xu hướng tạo khả năng rộng rãi để điều
chỉnh, giới hạn, hạn chế hoặc cấm việc thực thi quyền tự do tôn giáo hay tín
ngưỡng vì lợi ích của “sự thống nhất quốc gia và trật tự công cộng”. Những
thách thức khác bắt nguồn từ sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ đối với các
cộng đồng tôn giáo. Trong khi đời sống tôn giáo và đa dạng và phong phú là một
thực tế ở Việt Nam hiện nay, quyền tự chủ và hoạt động của các cộng đồng tôn
giáo hay tín ngưỡng độc lập, tức là, những cộng đồng không được công nhận, vẫn
còn bị hạn chế và không an toàn, khi mà các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng
của các cộng đồng này bị vi phạm rõ ràng với sự giám sát, đe dọa, sách
nhiễu và đàn áp liên tục. Báo cáo viên Đặc biệt thấy cần phải cải thiện và
chia sẻ kiến nghị của ông với mục đích duy trì một cuộc đối thoại mang tính
xây dựng và hợp tác với Chính phủ.
|
* Bản tóm lược của báo cáo này được lưu hành ở
mọi ngôn ngữ chính thức. Riêng bản báo cáo, là phần phụ được thêm vào bản tóm
lược, chỉ được lưu hành trong ngôn ngữ được đệ trình lên.
Phụ
lục
Báo cáo
của Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng, Heiner Bielefeldt,
trong chuyến thăm tới Việt Nam (từ ngày 21 đến ngày 31 tháng 7 năm 2014)
Nội
dung
I.
Lời mở đầu……………………………………………………………………………… đoạn 1-5
II.
Tổng quan về bức tranh tôn giáo tại Việt Nam……………………………………………6–11
III.
Khuôn khổ pháp lý và chuẩn mực quốc gia của tự do tôn giáo hay tín ngưỡng…….12–39
A. Quy phạm pháp luật có liên quan đến tự do tôn giáo hay
tín ngưỡng………….12–15
B. Hạn chế quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng……………………………………..16–25
C. Quy định hành chính về hoạt động và thực hành tôn giáo
hay tín ngưỡng………26–35
D. Vấn đề truy đòi khắc phục pháp
lý……………………………………………………36–39
IV.
Quyền tự trị của các cộng đồng tôn giáo và tín ngưỡng………………………………….40–58
A. Thái độ phủ nhận hướng tới cộng đồng tôn giáo không được
công nhận…………40–49
B. Giáo dục và đào tạo tôn
giáo…………………………………………………………….50–52
C. Bổ nhiệm giáo chức………………………………………………………………………53–54
D. Vấn đề tài sản và đất
đai…………………………………………………………………55–58
V.
Thực hành tôn giáo trong các trường hợp đặc biệt…………………………………………59–63
A. Tù
nhân…………………………………………………………………………………….59–61
B. Quân
nhân…………………………………………………………………………………62–63
VI.
Báo cáo về vi phạm tự do tôn giáo hay tín ngưỡng…………………………………………64–79
VII.
Các kết luận và khuyến nghị………………………………………………………………….80–84
I. Lời mở đầu
1.
Báo cáo viên Đặc biệt về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng đã đến thăm Việt Nam từ
ngày 21 đến ngày 31 tháng 7 năm 2014. Đây là chuyến thăm thứ hai của thủ tục đặc
biệt sau chuyến thăm năm 1998 của BCV tiền nhiệm đáng kính, ông Abdelfattah đã
quá cố . Ông muốn cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã mời và duy trì hợp tác với thủ tục
mà ông phụ trách. Đặc biệt Bộ Ngoại giao đã rất nhiệt tình giúp đỡ trong suốt
quá trình chuẩn bị và chuyến thăm, bao gồm cả việc tạo điều kiện gặp gỡ với một
tù nhân. Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã hợp tác tương tự.
2.
Báo cáo viên Đặc biệt cám ơn tất cả các bên đã gặp và tham gia trao đổi trong
chuyến thăm này, từ các cơ quan lập pháp hành pháp và tư pháp của Chính phủ ở
Trung ương và địa phương, cũng như các cộng đồng và các tổ chức tôn giáo (được
công nhận về mặt pháp lý và không được công nhận), các tác nhân xã hội dân sự,
cộng đồng ngoại giao và các cơ quan của Liên Hợp Quốc. Các cuộc trao đổi tại Hà
Nội, Tuyên Quang, thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long hầu hết đều cởi mở, thẳng thắn
và mang tính chất xây dựng. Ông cũng cảm ơn Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc
(UNDP) tại Hà Nội đã hỗ trợ về mặt hậu cần.
3.
Tuy nhiên, Báo cáo viên Đặc biệt đã thất vọng vì các chuyến thăm dự kiến tới
các tỉnh An Giang, Kon Tum và Gia Lai không thể được hoàn thành từ ngày 28 tới
ngày 30 tháng 7 do nhiều gián đoạn ảnh hưởng đến các điều khoản tham chiếu của
một chuyến thăm quốc gia, khi sự riêng tư và bí mật của một số cuộc gặp gỡ và
các nguồn thông tin đã bị tổn hại nghiêm trọng. Ông có kinh nghiệm trực tiếp và
nhận được thông tin đáng tin cậy rằng một số cá nhân khác mà ông muốn gặp đã bị
giám sát chặt chẽ, cảnh báo, đe dọa, quấy rối hoặc bị chặn đi lại bởi cảnh sát.
Ngay cả những người gặp ông thành công cũng không thoát khỏi các mức độ giám
sát hoặc thẩm vấn khác nhau của công an.
4.
Hơn nữa, những “nhân viên an ninh và cảnh sát” không công khai đã theo dõi chặt
chẽ địa điểm của Báo cáo viên Đặc biệt và những người đã gặp gỡ, trao đổi với
ông ấy. Mọi sự cố như vậy đã vi phạm rõ ràng các điều khoản tham chiếu của chuyến
thăm quốc gia đã được Chính phủ đồng ý trước chuyến thăm. Báo cáo viên Đặc biệt
quan ngại sâu sắc và cảm thấy bị xúc phạm bởi những vụ trả thù , bao gồm việc
đe dọa, quấy rối bằng cách thẩm vấn của cảnh sát và thậm chí tổn thương về thể
xác của những người gặp gỡ ông trong và sau chuyến thăm. BCV đã đưa ra các trường
hợp cần sự chú ý của Chính phủ, bày tỏ lo ngại của mình và tìm cách giải thích
và can thiệp để ngăn chặn chúng. Trong một trong những cuộc họp chính thức với
Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định lại tầm quan trọng của chuyến
thăm này và chỉ ra rằng sự cố gián đoạn sẽ được làm rõ và xác minh với các nhà
chức trách địa phương.
5.
Mặc dù một số cuộc họp không thể diễn ra do sự gián đoạn của các phần sau của
chuyến thăm, Báo cáo viên Đặc biệt tiếp tục nhận được thông tin có liên quan
trong phạm vi của chuyến thăm. Ông cũng tìm những xác minh thực tế từ Chính phủ
và các bên liên quan.
II. Tổng quan về bức tranh tôn giáo tại Việt Nam
6.
Một thành viên của Ban Tôn giáo Chính phủ đã mô tả bức tranh tôn giáo tại Việt
Nam như một “bảo tàng của các tôn giáo và tín ngưỡng”. Theo số liệu thống kê
chính thức được trình bày bởi các cơ quan Chính phủ khác nhau, hiện nay có 38 tổ
chức tôn giáo đã đăng ký trong nước. Số lượng tổng thể của những người theo các
tôn giáo được công nhận là khoảng 24 triệu trong tổng dân số gần 90 triệu dân.
Các cộng đồng tôn giáo chính thức được công nhận bao gồm 11 triệu tín đồ Phật
giáo, Công giáo 6,5 triệu, 2,5 triệu tín đồ Cao Đài, 1,5 triệu người Tin Lành,
hơn 1,3 triệu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, 78.000 người Hồi giáo, Baha’i 7.000,
1.500 người Hindu cũng như những người có tín ngưỡng khác, chẳng hạn như Thuyết
duy linh và thuyết vô thần. Có khoảng 25.000 nơi thờ tự trong nước. Việt Nam
cũng có khoảng 9.000 lễ hội tín ngưỡng truyền thống được tổ chức mỗi năm và
luôn tự hào đã tổ chức hội nghị quốc tế của các nhà lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt
là ngày lễ Vesak, một hội nghị thượng đỉnh của các vị chức sắc Phật giáo diễn
ra vào tháng 5 năm 2014. Người dân Việt Nam bao gồm 54 các nhóm dân tộc khác
nhau, một số trong đó bao gồm các nhóm khá lớn của các tôn giáo thiểu số.
7.
Trong khi đa số người Việt Nam không thuộc về một trong những cộng đồng tôn
giáo được công nhận chính thức, họ có thể vẫn – thỉnh thoảng hoặc thường xuyên
– thực hành các nghi lễ truyền thống nhất định, thường được đề cập tại Việt Nam
dưới thuật ngữ “tín ngưỡng”. Nhiều trong số những lễ hội truyền thống thể hiện
sự tôn kính tổ tiên. Trong những năm gần đây,đã có những nỗ lực rõ ràng trong việc
bảo tồn, khôi phục những nghi lễ truyền thống như vậy trong số các dân tộc, tôn
giáo thiểu số.
8.
Hơn nữa, đó cũng là một thực tế của các đức tin và thực hành tôn giáo bên ngoài
của các cộng đồng tôn giáo được công nhận chính thức. Tuy nhiên, rất khó để có
được một hình ảnh rõ ràng và toàn diện của đời sống tôn giáo bên ngoài những cộng
đồng tôn giáo đã đăng ký. Trong khi một số chuyên gia Chính phủ đã đưa ra một ước
lượng thấp về số lượng tín đồ của các cộng đồng tôn giáo không đăng ký, Báo cáo
viên Đặc biệt cũng nghe phỏng đoán rằng số lượng người thực hành tôn giáo bên
ngoài cộng đồng đã đăng kí – hoặc có nhu cầu thực hành – có thể lên đến vài triệu
người.
9.
Ngoài các ước tính về số lượng rất khác biệt, Báo cáo viên Đặc biệt cũng nhận
được thông tin mâu thuẫn liên quan đến các điều kiện theo đó người dân có thể
được hưởng quyền con người của họ để tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo hay
tín ngưỡng. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của sự phát triển tôn giáo gần
đây tại Việt Nam là sự gia tăng mạnh mẽ của đạo Tin Lành, đặc biệt ở một số dân
tộc, tôn giáo thiểu số. Đồng thời, điều này đã dẫn đến một số trường hợp đáng
lo ngại của việc đàn áp tôn giáo. Sự cùng tồn tại của những người thuộc tôn
giáo hay giáo phái khác nhau không dẫn đến những vấn đề lớn.
10.
Nhiều đại diện của các cộng đồng tôn giáo khác nhau thừa nhận rằng có không
gian rộng hơn cho việc thực thi quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, đặc
biệt là so với tình hình sau năm 1975. Đời sống tôn giáo là một thực tế hữu
hình, bằng chứng là nơi thờ tự thuộc các tôn giáo khác nhau và các giáo phái và
sự tham gia của người dân từ các hoạt động tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau. Đồng
thời, các điều kiện theo đó các cá nhân hoặc nhóm có thể thực hiện quyền tự do
tôn giáo hay tín ngưỡng vẫn không thể đoán trước, thường phụ thuộc vào thiện
chí của chính quyền địa phương, đặc biệt là các cơ quan Chính phủ.
11.
Mặc dù việc mở rộng không gian cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, các cộng
đồng tôn giáo vẫn chịu sự kiểm soát chặt chẽ. Thành viên của các cộng đồng tôn
giáo không được công nhận đối mặt với những khó khăn rất lớn trong việc thực
hành tôn giáo hay tín ngưỡng của họ, đặc biệt là nơi có tập quán hay các nghi lễ
như vậy không được coi là phù hợp với các “lợi ích chính đáng của số đông ” – một
cụm từ thường được viện dẫn trong các cuộc thảo luận với các đại diện của các
cơ quan chức năng. Hơn nữa, nhiều thành viên của các cộng đồng không được công
nhận đối mặt với đàn áp tôn giáo liên tục, kết quả là, phải chạy trốn khỏi đất
nước và không thể trở về nhà với gia đình và người thân của họ. Cần chú ý là
không thể viện dẫn lý do lịch sử để biện minh cho việc vi phạm tự do tôn giáo
hay tín ngưỡng.
III. Khuôn khổ pháp lý và chuẩn mực quốc gia của vi phạm tự do
tôn giáo hay tín ngưỡng
A.
Quy phạm pháp luật có liên quan đến tự do tôn giáo hay tín ngưỡng
12.
Việt Nam đã phê chuẩn hầu hết các văn kiện nhân quyền quốc tế , bao gồm Công ước
Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Hiến pháp Việt Nam mới được sửa đổi,
được thông qua vào ngày 28 tháng 11 năm 2013, bao gồm một chương về “Quyền con
người, Các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” không có trong Hiến pháp năm
1992. Đây là một bước đi tích cực nhằm thúc đẩy và tôn trọng nhân quyền, mặc dù
một số quy định khá mơ hồ và không rõ ràng.
13.
Đại diện của Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh rằng quyền tự do tôn giáo hay tín
ngưỡng theo Điều 24 của Hiến pháp mới là dành cho tất cả mọi người, không giống
như quy định của Hiến pháp năm 1992 chỉ giới hạn ở công dân Việt Nam. Điều này
được trình bày như dấu hiệu của một thái độ tích cực hơn đối với tự do tôn giáo
hay tín ngưỡng. Điều 24 khẳng định rằng: (1) mọi người đều có quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, tất cả các tôn giáo đều
bình đẳng trước pháp luật; (2) Chính phủ tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn
giáo tín ngưỡng; và (3) không ai có quyền xâm phạm tự do tín ngưỡng hoặc tôn
giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
14.
Việt Nam chưa có một đạo luật nào điều chỉnh vấn đề tôn giáo. Văn bản pháp luật
có liên quan nhất là Pháp lệnh Tín ngưỡng và Tôn giáo (Pháp lệnh 21), được
thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2004 sau các cuộc bàn bạc kĩ lưỡng. Pháp lệnh 21
là văn bản pháp lý toàn diện đầu tiên điều chỉnh vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng
tại Việt Nam. Mặc dù với ngôn ngữ hạn chế, việc áp dụng pháp lệnh đó tượng
trưng cho một bước tiến hướng đặt cơ sở pháp lý cho các cộng đồng tôn giáo và
tín ngưỡng. Điều 38 của Pháp lệnh quy định rằng các quy định của bất kỳ điều ước
quốc tế đã kí kết hoặc tham gia sẽ có hiệu lực trong trường hợp có sự khác biệt
giữa quy định của Pháp lệnh và điều ước quốc tế. Một Nghị định quy định chi tiết
và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đã được ban hành ngày 8
tháng 11 năm 2012 (nghị định 92).
15.
Báo cáo viên Đặc biệt được biết một dự thảo sẽ được đệ trình vào năm 2015 để
thông qua một luật về tôn giáo hay tín ngưỡng dựa trên Pháp lệnh hiện hành; Luật
mới dự kiến sẽ được thông qua vào năm 2016. Bên cạnhvị thế pháp lý cao hơn của
một Luật so với Pháp lệnh hiện hành, quá trình tạo ra một luật mới toàn diện tạo
cơ hội để đưa ra những sửa đổi cụ thể với Pháp lệnh 21 để phù hợp với luật nhân
quyền quôc tế nhằm tăng cường bảo vệ quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Khi
thảo luận về vấn đề này với các chuyên gia của Chính phủ về công tác tôn giáo,
đã có dấu hiệu cho thấy vấn đề đất đai sẽ được giải quyết tốt hơn. Đồng thời, sự
tự do cho người nước ngoài để thực hành tôn giáo hay tín ngưỡng của họ cũng sẽ
trở nên dễ dàng hơn. Các quan chức khác cũng bày tỏ sự sẵn sàng của họ để cân
nhắc những thay đổi cụ thể để khắc phục cách thức quy định hạn chế của Pháp lệnh
21.
B.
Hạn chế quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng
16.
Theo tiêu chuẩn quốc tế, việc thực hiện các quyền của con người như tự do tư tưởng,
lương tâm, tôn giáo hay tín ngưỡng được bảo vệ một cách rộng rãi bởi Điều 18 của
Công ước Quốc tế nhưng không phải là không có giới hạn. Điều 18, khoản 3, của
Công ước quy định một số tiêu chí để cho những hạn chế như vậy được coi là hợp
pháp.
17.
Các điều khoản giới hạn được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Pháp lệnh 21 và
Nghị định 92 có phạm vi rộng hơn nhiều so với các điều khoản giới hạn quy định
trong Công ước Quốc tế. Vấn đề là điều khoản giới hạn quá rộng có thể làm hẹp mức
độ tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực
hiện trong thực tế. Một yếu tố còn thiếu trong các quy định pháp luật này về
tôn giáo hay tín ngưỡng là làm rõ về các khía cạnh bên trong về niềm tin tôn
giáo, đạo đức hay những niềm tin triết lý của một người – phần hồn, phần nội
tâm (forum internum) – phần phải được tôn trọng vô điều kiện và không bao giờ bị
hạn chế hoặc sách nhiễu đối với bất cứ lý do gì, thậm chí trong các tình huống
của một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hoặc trường hợp khẩn cấp .
18.
Việc bảo vệ vô điều kiện của phần nội tâm phản ánh nguyên tắc rằng việc buộc
con người phải giả vờ theo một đức tin mà họ không tự thân tin vào, hay lên án
những niềm tin sâu sắc của họ sẽ làm tổn hại nghiêm trọng lòng tự trọng và nhân
quyền của họ. Việc cấm bất kỳ sự can thiệp cưỡng ép vào niềm tin cốt lõi bên
trong về tôn giáo, đạo đức hay những niềm tin triết lý của một người có vị thế
trong luật pháp quốc tế tương tự như việc cấm chế độ nô lệ hay việc cấm tra tấn.
Đây là những điều cấm tuyệt đối không có trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, Điều
24 của Hiến pháp năm 2013, khi nhắc đến tự do tín ngưỡng hay tôn giáo nói
chung, không bảo vệ riêng khía cạnh nội tâm của tự do tôn giáo hay tín ngưỡng.
Điều này có thể dẫn đến lỗ hổng bảo vệ nghiêm trọng.
19.
Không giống như phần nội tâm (forum internum), sự biểu đạt của tôn giáo hay tín
ngưỡng trong đời sống xã hội – phần bên ngoài – không được bảo vệ một cách vô
điều kiện bởi luật pháp quốc tế. Do đó, các điều kiện để hạn chế phải được quy
định trong pháp luật một cách rõ ràng và có thể dự đoán được. Điều này nên được
thực hiện trên cơ sở nhận thức rằng tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, ở cả khía cạnh
cá nhân và cộng đồng, có tư cách chuẩn mực của một quyền con người phổ quát. Mối
quan hệ giữa tự do này và giới hạn của nó do đó nên được xem như là một mối
quan hệ giữa quy tắc và ngoại lệ. Điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng, trong
trường hợp còn nghi ngờ thì quy tắc chiếm ưu thế, có nghĩa là, trách nhiệm thuộc
về Chính phủ trong việc cung cấp bằng chứng thực nghiệm và lý luận chuẩn mực để
biện minh cho những giới hạn được coi là cần thiết.
20.
Trong các cuộc thảo luận với đại diện Chính phủ, BCV thường xuyên nghe các tham
chiếu rộng tới “pháp luật Việt Nam”. Sự viện dẫn chung này của trật tự pháp lý
trong nước có thể làm tối nghĩa và suy yếu cấp bậc giá trị của tự do tôn giáo
hay tín ngưỡng như một quyền phổ quát không thể xâm phạm được. Trên quan điểm về
các quyền con người không thể xâm phạm, phạm vi của những quyền ấy, bao gồm quyền
tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, không thể để tự các nhà lập pháp quốc gia định
đoạt.
21.
Bất kỳ hạn chế nào cũng phải theo đuổi mục đích chính đáng – đó là bảo vệ “an
toàn công cộng, trật tự, sức khỏe, đạo đức hay những quyền tự do căn bản của
người khác” quy định tại Điều 18, khoản 3 của Công ước Quốc tế . Hơn nữa, các hạn
chế phải tuyệt đối nằm trong phạm vi cần thiết và tương xứng, trong đó, ngoài
những điều khác, có nghĩa là những hạn chế phải được giới hạn trong một mức độ
can thiệp tối thiểu. Những điều này, cùng với các tiêu chí khác được quy định với
mục đích bảo vệ bản chất của tự do tôn giáo hay tín ngưỡng đồng thời trong những
tình huống có thể có mâu thuẫn hoặc thực sự có mâu thuẫn với với các quyền hoặc
những lợi ích công cộng quan trọng khác.
22.
Nhiều điều khoản trong Hiến pháp năm 2013, Pháp lệnh 21 và Nghị định 92 cho
Chính phủ khả năng xoay xở rộng rãi để điều chỉnh, giới hạn, hạn chế hoặc cấm
việc thực thi quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng . Điều 14, khoản 2 của Hiến
pháp năm 2013 có một số lý do để hạn chế quyền con người và quyền công dân, có
lẽ, cũng sẽ áp dụng đối với quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Khả năng hạn
chế quyền con người vì lợi ích của “quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an
toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe của cộng đồng” hơi khác so với tiêu chí
đặt ra tại Điều 18, khoản 3 của Công ước Quốc tế, mặt khác Điều 24, khoản 3, của
Hiến pháp năm 2013 cho phép hạn chế rộng rãi để ngăn cấm bất cứ ai “lợi dụng
quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng để vi phạm pháp luật”.
23.
Hơn nữa, Pháp lệnh 21 và Nghị định 92 thường tham chiếu đến các mục đích như “sự
hòa hợp và đoàn kết dân tộc”, “đoàn kết của nhân dân”, “lợi ích quốc gia” và
“thuần phong mỹ tục của dân tộc”, mở rộng tới những diễn giải chủ quan. Ví dụ,
Điều 8, khoản 2, của Pháp lệnh 21 quy định rằng “Không được lợi dụng quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hoà bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động
bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính
sách của Nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây
rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài
sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động
mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác”. Còn chưa có định
nghĩa rõ ràng hành vi nào sẽ cấu thành việc “tuyên truyền chống lại các chính
sách pháp luật của Nhà nước”, hành động “chia rẽ” hay “mê tín dị đoan”. Hơn nữa,
điều 87, 88 và 258 của Bộ luật Hình sự Việt Nam thường được áp dụng tùy tiện để
kết hợp trừng phạt những người bị cáo buộc là vi phạm các giới hạn quy định
trong Pháp lệnh 21 và / hoặc Nghị định 92.
24.
Đại diện cấp cao của Chính phủ, bao gồm từ các cơ quan tư pháp, thường tham chiếu
tới những điều khoản hạn chế một cách rộng rãi này. Những viện dẫn từ những mục
đích trừu tượng nêu trên, chẳng hạn như “lợi ích của Nhà nước”, dễ dẫn đến bị
truy tố hình sự. Điều khoản đầu tiên của điều luật 258 của Bộ luật Hình sự được
quy định như sau: “Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí,
tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ
khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công
dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ
sáu tháng đến ba năm”. Việc không quy định rõ hành vi nào sẽ cấu thành “lợi dụng”
quyền tự do tôn giáo và các quyền tự do dân chủ khác trong điều khoản này là đặc
biệt đáng lo ngại. Ngay cả các thành viên của một tòa án địa phương cấp tỉnh và
Toà án Nhân dân Tối cao cũng không thể làm rõ ý nghĩa của thuật ngữ “lợi dụng”
và không xác định được những hành vi nào sẽ cấu thành sự vi phạm pháp luật. Diễn
đạt mơ hồ trong điều luật 258 cho phép các cơ quan có liên quan toàn quyền hành
động để xử phạt tất cả các loại hoạt động – và kể cả thái độ ngầm của họ – được
coi là bằng cách nào đó đi ngược lại với lợi ích của Nhà nước. Điều này có thể
đặc biệt áp dụng đối với các cộng đồng tôn giáo hay tín ngưỡng, do khả năng tổ
chức quần chúng của họ.
25.
BCV đặc biệt đã nhận thấy từ nhiều thảo luận trong suốt chuyến thăm của ông rằng
việc quy định của pháp luật không rõ ràng như trên không phải chỉ là vấn đề lý
thuyết. Điều 258 thường được viện dẫn trong thực tế và đã được áp dụng để bắt
giữ những người chống lại các hạn chế đối với quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng
và quyền con người khác, chẳng hạn như tự do ngôn luận và tự do hiệp hội và hội
họp. Khi nêu lên vấn đề tù nhân lương tâm, Báo cáo viên Đặc biệt đã được đảm bảo
rằng không có trường hợp nào ở Việt Nam. Với sự diễn đạt mơ hồ và số lượng lớn
các vụ việc bị buộc tội theo Điều 258, sự đảm bảo này tuy nhiên, vẫn đáng nghi
ngờ.
C.
Quy định hành chính về hoạt động và thực hành tôn giáo hay tín ngưỡng
26.
Một vấn đề trung tâm của hầu như tất cả các cuộc thảo luận trong chuyến thăm
này liên quan việc đăng ký của các cộng đồng tôn giáo hay tín ngưỡng. Mặc dù Điều
5 của Pháp lệnh 21 quy định rằng Nhà nước đảm bảo quyền tiến hành các hoạt động
tín ngưỡng, tôn giáo, Pháp lệnh 21 có một số lượng lớn các quy định, được củng
cố bởi Nghị định 92, điều chỉnh các hoạt động của cộng đồng tôn giáo hay tín
ngưỡng.
27.
Nghị định 92 quy định các điều kiện và yêu cầu đối với việc đăng ký sinh hoạt
và hoạt động tôn giáo. Các cộng đồng tôn giáo hay tín ngưỡng phải xin giấy phép
riêng cho việc xây dựng mới hoặc cải tạo nơi thờ tự; họ phải xuất trình cho cơ
quan chức năng địa phương một bản kế hoạch các hoạt động hàng năm; họ phải
thông báo cho cơ quan chức năng về việc phong chức cho các giáo chức tôn giáo
và trong một số trường hợp phải nhận được sự chấp thuận của những cơ quan đó;
và họ phải có được sự cho phép của chính quyền địa phương liên quan để thực hiện
các nghi lễ công cộng. Như vậy, các quy định nêu trong Pháp lệnh 21 và Nghị định
92 bao gồm các nghĩa vụ liên quan đến thông tin và thông báo cũng như các quy định
về chính thức phê duyệt trước khi được phép tiến hành một số hoạt động tôn
giáo, tín ngưỡng.
28.
Các yêu cầu quá mức trong các quy định này chắc chắn trở thành một gánh nặng
cho hoạt động của các cộng đồng tôn giáo. Nghị định 92 có vẻ đã không làm cho
cuộc sống của các cộng đồng tôn giáo hay tín ngưỡng dễ dàng hơn với thêm một tầng
yêu cầu hành chính mang tính quan liêu, mặc dù khung thời gian mà các cơ quan
chức năng cần phải trả lời là ngắn hơn so với trước đây. Trong trường hợp quyết
định tiêu cực, họ bắt buộc phải nêu rõ lý do.
29.
Theo Điều 16 của Pháp lệnh, các tổ chức phải đáp ứng một số tiêu chí để được
công nhận là một tổ chức tôn giáo hợp pháp về mặt pháp lý. Những điều kiện này
là nhằm mục đích, ngoài những điều khác, đảm bảo sự tôn trọng “thuần phong mỹ tục
và lợi ích quốc gia” . Điều 6 của Nghị định 92 cũng đòi hỏi các yêu cầu khác được
đáp ứng trước khi đăng ký là có thể, bao gồm cả các tổ chức tôn giáo đã tiến
hành các hoạt động tôn giáo thường xuyên ít nhất là 20 năm kể từ ngày được chấp
thuận bởi một Ủy ban nhân dân cấp xã cho các sinh hoạt tôn giáo. Không đi vào
chi tiết của các quy định này, BCV muốn nêu hai điểm cần lưu tâm đặc biệt quan
trọng liên quan đến tự do tôn giáo hay tín ngưỡng.
30.
Điểm đầu tiên liên quan đến bản chất của việc đăng ký và liệu việc đăng ký nên
là một đề nghị hay một yêu cầu chính thức. Báo cáo viên Đặc biệt nhận được những
quan điểm khác nhau về điều này, và có vẻ là không rõ ràng. Trong khi một số đại
diện của Chính phủ rõ ràng đã nói rằng nếu không có đăng ký hợp pháp của cơ
quan có thẩm quyền, các cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng sẽ không được phép hoạt
động. Những người khác chỉ ra rằng các cá nhân từ các giáo phái không đăng ký
có thể được “cho phép” để thực hiện một số chức năng tôn giáo cơ bản, chẳng hạn
như tổ chức các cuộc họp tôn giáo tại nhà riêng, miễn là các nhà chức trách được
thông báo về các hoạt động của họ. Ngay cả trong cách diễn giải sau dù có thích
hợp hơn một chút, tuy nhiên, phạm vi của quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng vẫn
còn rất hạn chế và không an toàn. Hơn nữa, “sự cho phép” thực sự nghĩa là gì
cũng không rõ ràng. Thực tế, cái quyền hợp pháp mà cộng đồng tôn giáo có thể dựa
vào để nhận được sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng còn đang ở
khá xa.
31.
Trong bối cảnh này, thuật ngữ “công nhận” thường được đề cập đến trong các cuộc
trò chuyện, có thể đảm bảo một cách giải thích ngắn gọn. Việc thực hiện quyền
con người về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, bởi các cá nhân và / hoặc trong cộng đồng
với những người khác, không thể bị phụ thuộc vào bất kỳ hành vi cụ thể nào để
công nhận, cho phép hoặc phê duyệt về mặt hành chính. Là một quyền phổ quát, tự
do tôn giáo hay tín ngưỡng gắn liền với tất cả con người và do đó có một vị thế
chuẩn mực ở trên bất kỳ hành vi hành chính hay thủ tục hành chính nào. Lời mở đầu
của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền bắt đầu bằng “việc công nhận phẩm giá vốn có,
các quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm của tất cả các thành viên của gia đình
nhân loại”. Rõ ràng, “công nhận” ở đây là nguyên tắc cơ bản theo đó bất kỳ sự
tương tác có ý nghĩa giữa con người đều cần phải tôn trọng nhân phẩm và nhân
quyền. “Công nhận” trong ý nghĩa cơ bản của sự tôn trọng phẩm giá con người và
các quyền con người là như vậy, có trước bất kỳ “công nhận” về các hoạt động
hành chính cụ thể .
32.
Cần phải thấy rõ rằng quyền của một cá nhân hay một nhóm người cho tới quyền tự
do tôn giáo hay tín ngưỡng không bao giờ có thể được “tạo ra” bằng bất kỳ thủ tục
hành chính nào. Thay vào đó, phải là chiều ngược lại:việc đăng ký cần phải phụng
sự quyền con người, mà bản thân quyền đó phải được tôn trọng trước bất kỳ sự
đăng ký nào. Từ nhận thức cơ bản này, việc đăng ký nên là một đề nghị của Nhà
nước chứ không phải là một yêu cầu pháp lý bắt buộc. Tình hình của các cộng đồng
tôn giáo hay tín ngưỡng chưa đăng ký cho thấy chất lượng của một câu hỏi kiểm
tra quan trọng đối với nhận thức về vị thế chuẩn mực của quyền tự do tôn giáo
hay tín ngưỡng nói chung.
33.
Điểm thứ hai mà Báo cáo viên Đặc biệt quan tâm đó là có các tư cách pháp lý
thay thế cho các cộng đồng không đăng ký với tư cách tổ chức tôn giáo. Với ngưỡng
khá cao đặt ra bởi Điều 16 của Pháp lệnh, cộng đồng tôn giáo hay tín ngưỡng rất
cần một phương án khả thi để có được một dạng tư cách pháp nhân khác nếu họ có
nhu cầu.
34.
Trong quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, Nhà nước có trách nhiệm cung cấp cơ
sở hạ tầng pháp lý và thể chế phù hợp để tạo điều kiện cho các hoạt động tự do
của các cộng đồng tôn giáo và tín ngưỡng mà không phải chịu gánh nặng quá mức
và bị phân biệt đối xử. Điều này bao gồm các lựa chọn cho các cộng đồng tôn
giáo và tín ngưỡng để có được tư cách pháp nhân mà họ có thể cần phải thực hiện
các hoạt động cộng đồng quan trọng, chẳng hạn như mua bất động sản, sử dụng đội
ngũ nhân viên chuyên nghiệp, điều hành tổ chức từ thiện, thành lập cơ sở đào tạo
giáo chức hay giáo dục thế hệ trẻ. Nếu không có sự sẵn có và khả năng tiếp cận
thực tế của một tư cách pháp nhân phù hợp, chỉ các cá nhân luôn mang theo tư tưởng
vì lợi ích của cộng đồng trong mỗi hành động của họ mới có thể thu. Kết quả là,
triển vọng phát triển lâu dài của cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng, đặc biệt,
trong các nhóm nhỏ hơn có thể gặp nguy hiểm nghiêm trọng.
35.
Sau nhiều cuộc thảo luận với đại diện của Chính phủ về vấn đề đăng ký, BCV tin
rằng đây là một lĩnh vực đáng nhận được sự quan tâm và đòi hỏi việc lập pháp và
các biện pháp khắc phục khác.
D.
Vấn đề truy đòi khắc phục pháp lý
36.
Điều 30 của Hiến pháp năm 2013 coi trọng quyền khiếu nại, tố cáo của tất cả mọi
người tới các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Thật vậy, việc thi hành có hiệu
quả bất kỳ quyền con người nào, bao gồm cả quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng,
phần lớn phụ thuộc vào việc có cơ chế truy đòi khắc phục pháp lý phù hợp. Mọi
người phải có khả năng truy đòi bằng những công cụ pháp lý mà không bị bắt buộc
phải đáp ứng các tiêu chí hay gánh nặng thái quá. Mọi người phải có thể thách
thức quyết định của các nhà chức trách nếu họ cảm thấy quyền lợi của mình bị
xâm phạm. Các toà án độc lập nên được giao phó việc đánh giá các khiếu nại theo
đúng tất cả các nguyên tắc đảm bảo tiến trình đúng.
37.
Báo cáo viên Đặc biệt đã không gặp bất kỳ trường hợp mà người dân đã thách thức
thành công các hành vi bị cáo buộc vi phạm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo
qua các cơ quan tư pháp. Các thành viên của Toà án nhân dân tối cao đã không biết
bất kỳ trường hợp thành công duy nhất nào. Báo cáo viên Đặc biệt nhận thấy điều
này rất đáng ngạc nhiên, đặc biệt là trong bối cảnh của một số mâu thuẫn về vấn
đề đất đai đã làm ông chú ý. Một số mâu thuẫn trong số đó có vẻ liên quan đến
khía cạnh tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, ví dụ, khi phần đất trước đây được sử
dụng làm nghĩa trang tôn giáo hoặc những nơi thờ tự đã bị lấy đi vì mục đích
phát triển kinh tế.
38.
Khi thảo luận về các vấn đề truy đòi khắc phục pháp lý, thủ tục hành chính thường
được nhắc tới như một khả năng, có nghĩa là, kiến nghị nộp đơn gửi đến cơ quan
chức năng, từ cấp địa phương đến các cấp cao hơn của chính quyền. Tuy nhiên, lựa
chọn này không thể tính là tương đương với một hệ thống tư pháp độc lập chịu
trách nhiệm bảo đảm quyền con người của tất cả mọi người, kể cả trong những
tình huống xung đột giữa các cá nhân hoặc các nhóm dân với chính quyền.
39.
Mặc dù Báo cáo viên Đặc biệt nghe nói về một vài trường hợp, trong đó kiến nghị
nộp lên các cấp cao hơn, trong đó có Thủ tướng Chính phủ, đã giúp giảm bớt các
cuộc xung đột, trong nhiều trường hợp khác, người khiếu nại không thấy bất kỳ
phản ứng gì cả. Tuy nhiên trong những trường hợp khác, các cơ quan chức năng cấp
cao hơn chỉ chuyển lại những vấn đề đó cho chính quyền địa phương xem xét, có
khả năng khiến các trường hợp đó rơi vào tình trạng bị quên lãng. Từ góc độ của
pháp quyền, tình hình này còn xa mới được coi là thỏa đáng.
IV. Quyền tự trị của các cộng đồng tôn giáo và tín ngưỡng
A.
Thái độ phủ nhận hướng tới các cộng đồng tôn giáo không được công nhận
40.
Các đại diện của Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh rằng, trong khi công nhận nhu cầu
tinh thần của nhân dân, các tôn giáo phải góp phần củng cố sự đoàn kết của dân
tộc như một thể thống nhất, ít nhất bằng cách thúc đẩy các giá trị xã hội. Kỳ vọng
này dường như được thực hiện dựa trên giả định rằng giá trị tôn giáo, giá trị
công dân và các giá trị vốn có trong chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí
Minh phần lớn là trùng lặp. Do đó, các cộng đồng tôn giáo được trông mong sẽ
đóng một vai trò trong việc giảng dạy, thuyết giáo và duy trì các giá trị như
quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh 21, trong đó nói rằng “Chức sắc, nhà tu hành
có trách nhiệm thường xuyên giáo dục cho tín đồ lòng yêu nước, thực hiện quyền,
nghĩa vụ công dân và ý thức chấp hành pháp luật.”.
41.
Một số tôn giáo hay giáo phái đã trở thành thành viên của Mặt trận Tổ quốc, một
tổ chức quần chúng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Một trong những tổ chức
tôn giáo lớn nhất trong Mặt trận Tổ quốc là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây
cũng là tổ chức tôn giáo duy nhất hợp pháp và là đại diện của các nhà sư Phật
giáo Việt Nam, các sư nữ và Phật tử ở trong và ngoài nước. Ủy ban Đoàn kết Công
giáo Việt Nam cũng phối hợp với Mặt trận Tổ quốc với tư cách là một hiệp hội
Công giáo. Ngoài ra còn có các tổ chức tôn giáo khác thuộc Mặt trận Tổ quốc.
42.
Trong các cuộc thảo luận với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại văn phòng trung
ương tại Hà Nội, Báo cáo viên Đặc biệt nhận thấy tổ chức này bao gồm chín trường
phái của Phật giáo có nguồn gốc từ truyền thống Đại Thừa vốn chiếm ưu thế ở Việt
Nam, cũng như truyền thống Tiểu Thừa, Hòa Hảo và những truyền thống khác. Bằng
cách hợp tác trong tinh thần đoàn kết, các trường phái khác nhau của Phật giáo
đã có thể duy trì các đặc tính và bản sắc riêng biệt của họ đến một mức độ nhất
định, bao gồm cả các di sản ngôn ngữ khác nhau.
43.
Tuy nhiên, trong khi thừa nhận sự đa dạng trong nội bộ Giáo hội Phật giáo Việt
Nam, Báo cáo viên Đặc biệt chú ý đến một thái độ khá thô bạo đối với thực hành
Phật giáo bên ngoài tổ chức. Một số giáo chức hoạt động trong tổ chức khẳng định
họ chưa bao giờ nghe nói về bất kỳ nhóm Phật giáo độc lập nào tại Việt Nam. Những
người khác ám chỉ đến “ý kiến riêng” đơn thuần của một số cá nhân bị thúc đẩy bởi
tham vọng có vấn đề về mặt đạo đức mà không xứng đáng với sự quan tâm nghiêm
túc. Việc gán ghép những lợi ích “ích kỷ” tầm thường như “tham vọng cá nhân”,
“tham lam” hay “lợi ích vật chất” đến từ các nhà tài trợ nước ngoài, cho những
người thực hành Phật giáo hay các tôn giáo khác bên ngoài các kênh chính thức
là vấn đề thường xuyên được nêu lên trong những cuộc thảo luận.
44.
Trong bối cảnh này, Báo cáo viên Đặc biệt yêu cầu các quan chức nhiều lần liệu
ít nhất họ có thể tưởng tượng được rằng việc nhất định cần đời sống cộng đồng
tôn giáo độc lập cũng có thể bắt nguồn từ những động cơ đáng kể hơn, mà BCV
không bao giờ nhận được một câu trả lời tích cực rõ ràng. Thái độ tiêu cực dai
dẳng này đối với các cộng đồng tôn giáo độc lập trùng với lời viện dẫn thường
xuyên của “lợi ích số đông” đã được giả định rằng nên đặt trên các quyền và lợi
ích của thiểu số hoặc cá nhân bất đồng.
45.
Báo cáo viên Đặc biệt muốn nhấn mạnh trong bối cảnh này là tự do tôn giáo hay
tín ngưỡng không chỉ là một vấn đề thiểu số . Là một quyền con người, tự do tôn
giáo tín ngưỡng là của tất cả mọi người, bất kể họ theo một tôn giáo đa số hoặc
thuộc về một cộng đồng thiểu số hoặc không theo cộng đồng tôn giáo nào cả. Tuy
nhiên, việc đối xử với người thiểu số như thế nào đáng nhận được sự quan tâm đặc
biệt, bởi vì đó thường là chỉ báo về cái tổng thể: xu hướng khoan dung hoặc ít
khoan dung hơn trong bầu không khí chung của một xã hội. Điều này cũng đúng đối
với các cá nhân bất đồng tôn giáo, đó là, các cá nhân đó là những người ở các vị
trí không cùng dòng với các cộng đồng và các tổ chức chính thống. Nơi các cộng
đồng thiểu số có thể hoạt động tự do và độc lập, nơi mà những người bất đồng ý
kiến có thể lên tiếng mà không sợ hãi, các thành viên của một nhóm lớn cũng có
nhiều không gian hơn để thực hành tôn giáo của họ theo cách mà họ thấy phù hợp.
46.
Hơn nữa, tôn trọng quan điểm của cá nhân, bao gồm cả các quan điểm bất đồng, tạo
điều kiện cho dòng ý tưởng trong một xã hội nói chung chảy tự do , do đó cũng
làm phong phú thêm sự tương tác của con người trong số đông. Tuy nhiên, Báo cáo
viên Đặc biệt chú ý rằng, trong một số cuộc thảo luận, “lợi ích đa số” được viện
dẫn với ý định rõ ràng để bác bỏ ý kiến của các nhóm thiểu số hoặc cá nhân bất
đồng với lý lẽ là những ý kiến đó không thích hợp hoặc thậm chí coi là có vấn đề
về đạo đức và từ đó bất hợp thức hóa những ý kiến đó. Đây cũng là trường hợp
trong các cuộc thảo luận liên quan đến các cộng đồng tôn giáo độc lập, chẳng hạn
như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một số nhóm Phật giáo dân tộc thiểu
số (một số người tự nhận mình là Phật tử “Khmer Krom”), các nhóm Hòa Hảo, Cao
Đài, Tin Lành độc lập, Dương Văn Mình, và Pháp Luân Công.
47.
Trong cuộc gặp với các đại diện của các cộng đồng Phật giáo độc lập, Báo cáo
viên Đặc biệt đã nghe những khiếu nại về những cuộc đàn áp nặng nề liên tiếp đã
ngăn cản các cá nhân thực hiện quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng ngay cả ở
cách thức tối thiểu. Quan điểm chung là bất hợp pháp hóa thực hành tôn giáo
không chính thức, mà BCV gặp trong nhiều cuộc hội thoại, chỉ rõ rằng các cộng đồng
Phật giáo độc lập hiện nay không thể thực hiện quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng.
Hơn nữa, một số tu sĩ Phật giáo tự nhận mình là người Khmer Krom đã bày tỏ mong
muốn có quyền tự chủ nhiều hơn không chỉ trong phạm vi Giáo hội Phật giáo Việt
Nam mà còn bên ngoài phạm vi tổ chức bảo trợ Phật giáo chính thức. Tình hình của
các cộng đồng độc lập của Phật giáo Hòa Hảo cũng gặp những khó khăn tương tự.
48.
Một tôn giáo hầu như không được biết đến bên ngoài Việt Nam là đạo Cao Đài, kết
hợp truyền thống của Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo và Thiên Chúa giáo với một
số giáo lý mới. Như trong trường hợp của Phật giáo, các tín đồ Cao Đài bao gồm
những người thuộc về Hội thánh Cao Đài do Chính phủ thiết lập, và những người
nhất địnhthực hành tôn giáo của họ một cách độc lập. Mối quan hệ giữa hai nhóm
có vẻ căng thẳng. Trong khi tổ chức được công nhận chính thức của Cao Đài cáo
buộc những nhóm bất đồng ý kiến có “tư tưởng chia rẽ” và tạo “sự hỗn loạn”
trong nhân dân, các tín đồ Cao Đài độc lập thấy tính nguyên bản trongtruyền thống
của họ bị đe dọa bởi sự can thiệp của Chính phủ mà theo họ cáo buộc, đã dẫn tới
áp đặt một số thay đổi với đạo Cao Đài.
49.
Trong khi Báo cáo viên Đặc biệt không ở vị tríđánh giá những chi tiết thần học
của cuộc mâu thuẫn này, ông trông đợi rằng Chính phủ đảm bảo hoạt động tự do của
các cộng đồng Cao Đài độc lập và tạo điều kiện cho họ phát triển theo cách mà bản
thân họ thấy phù hợp. Tình hình hiện tại của các nhóm Cao Đài độc lập chắc chắn
là không phù hợp với quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, kể từ khi các cộng đồng
thiếu cơ sở vật chất thích hợp cho việc thờ phụng và giảng dạy và được cho là
phải đối mặt với áp lực để tham gia các tổ chức chính thức.
B.
Giáo dục và đào tạo tôn giáo
50.
Điều 19 và Điều 20 của Luật Giáo dục năm 2005 nghiêm cấm việc rao giảng của tôn
giáo trong các trường học và các cơ sở giáo dục khác ở Việt Nam. Luật vẫn khuyến
khích “thuần phong mỹ tục” của những tín ngưỡng và lễ hội trong khi cảnh báo chống
lại “mê tín” hoặc những tín ngưỡng và thực hành được coi là hủ tục.
51.
Trong khi đó, số lượng các cơ sở đào tạo cho các giáo chức của các tôn giáo
khác nhau đã tăng lên đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Theo thông tin Chính
phủ cung cấp, có 46 cơ sở đào tạo tôn giáo trong nước. Trong khi các cộng đồng
tôn giáo quyết định các phần chính của chương trình giảng dạy, chẳng hạn như việc
giảng dạy học thuyết thần học, thực hành và các nghi lễ và lịch sử của cộng đồng,
các chương trình đào tạo cũng bao gồm các khóa học bắt buộc về lịch sử và pháp
luật của Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và giám sát, theo yêu cầu
của điều 14 và 15 của Nghị định 92. Báo cáo viên đặc biệt cũng được biết rằng
Chủ nghĩa Mác Lê-nin cũng là một phần của chương trình giảng dạy bắt buộc đó.
52.
Ngoài các cơ sở đào tạo, các trường (phổ thông) của tôn giáo hay giáo phái
không tồn tại ở Việt Nam. Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo điều hành một số nhà trẻ,
dường như thường liên quan đến một tu viện. Những nhà trẻ này nhận trông trẻ từ
tôn giáo khác ngoài Công giáo. Một số tổ chức tôn giáo đã bày tỏ mong muốn của
họ để thành lập các trường ở cấp học cao hơn, việc mà hiện nay đang rất khó
khăn và đòi hỏi phải đàm phán lâu dài với Chính phủ.
C.
Bổ nhiệm giáo chức
53.
Theo Chính phủ, các cộng đồng tôn giáo có thể bổ nhiệm và phong chức linh mục của
mình phù hợp với các quy định và luật nội bộ của họ. Họ cho biết nói chung
không cần sự chấp thuận cho các quyết định của họ từ các cơ quan chức năng. Tuy
nhiên, các cộng đồng được yêu cầu phải đăng ký giáo sĩ, tu sĩ và thông báo cho
các cơ quan chức năng. Điều 22 của Pháp lệnh 21 yêu cầu những người được chỉ định
là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt và tinh thần đoàn kết và sự hòa
hợp dân tộc. Những yêu cầu mơ hồ như vậy dường như không cân xứng và việc can
thiệp vào công việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo không phải là vai trò của
Nhà nước. Liên quan đến bãi nhiệm một giáo sĩ hay tu sĩ, điều hiếm khi xảy ra,
các quyết định thường được thực hiện bởi các cộng đồng tôn giáo, phù hợp với luật
lệ tôn giáo của họ. Tuy nhiên, Báo cáo viên Đặc biệt cũng đã gặp cáo buộc về sự
can thiệp của Chính phủ trong một số trường hợp các nhà sư buộc phải hoàn tục.
Mặc dù ông đã không thể tập hợp được các chi tiết cần thiết để đánh giá rõ ràng
mỗi trường hợp riêng lẻ, ông tin rằng những lựa chọn rất hạn chế để có sự tự trị
trong đời sống cộng đồng tôn giáo chắc chắn dẫn đến ảnh hưởng về cấu trúc, đó
là, tình huống mà trong đó bổ nhiệm hoặc thải hồi trong thực tế bị ảnh hưởng phần
lớn bởi lợi ích của Chính phủ. Tuy nhiên, điều 6 (g) của Tuyên bố Liên hiệp quốc
về Xóa bỏ mọi Hình thức Không khoan dung và Phân biệt đối xử dựa trên cơ sở Tôn
giáo hay tín ngưỡng (năm 1981) đảm bảo một cách rõ ràng sự tự do để “đào tạo, bổ
nhiệm, bầu hoặc chỉ định bởi các nhà lãnh đạo thừa kế thích hợp theo những yêu
cầu và tiêu chuẩn của bất cứ tôn giáo hoặc tín ngưỡng nào “.
54.
Tình hình Giáo hội Công giáo chứng tỏ một số chức năng đặc biệt kể từ khi việc
phong chức giám mục được thực hiện bởi Tòa Thánh, đó là một cơ quan “nước
ngoài” có trụ sở bên ngoài của Việt Nam. Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam tự coi
là một phần của Giáo Hội thế giới. Trong bối cảnh này, việc bổ nhiệm và phong
chức giám mục đã dẫn đến một số tranh cãi. Mặc dù Việt Nam và Tòa Thánh không
duy trì quan hệ ngoại giao chính thức, mối quan hệ của họ đã được cải thiện nhiều
trong những năm gần đây, và đoàn đại biểu cấp cao đã gặp nhau nhiều lần, trong
đó có một cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và Thủ tướng Chính phủ vào tháng Mười
năm 2014. Trong khi chính phủ tiếp tục khẳng định một quyền phủ quyết trong việc
phong chức giám mục, được biết là các giải pháp thực dụng có thể được thương lượng.
D.
Vấn đề tài sản và đất đai
55.
Trong chuyến thăm này, nhiều vấn đề về tài sản đã được Báo cáo viên Đặc biệt
chú ý, không chỉ bởi các thành viên của những cộng đồng không được công nhận,
mà còn bởi các đại diện của các cộng đồng được chính thức công nhận và các
thành viên của Mặt trận Tổ quốc. Nhiều khiếu nại về tài sản liên quan đến bất động
sản và / hoặc đất. Vì lợi ích của sự phát triển kinh tế và các dự án hiện đại
hóa khác, một số các cộng đồng tôn giáo đã bị mất hoặc có nguy cơ mất phần lớn
đất đai của họ, cùng với những nơi thờ tự có giá trị lịch sử . Báo cáo viên Đặc
biệt nghe nhiều yêu cầu từ các cộng đồng tôn giáo, trong đó có một số đã được
công nhận, để lấy lại tài sản và đất đai để được hoạt động đầy đủ.
56.
Các tranh chấp về tài sản yêu cầu thông tin chính xác trên những chi tiết phức
tạp; do đó các Báo cáo viên Đặc biệt chỉ giới hạn ở một vài nhận xét chung. Có
bất động sản và đất đai là một trong những điều kiện tiên quyết cơ bản cho cuộc
sống cộng đồng tôn giáo. Quyền sở hữu được xác lập rõ ràng và vững chắc càng trở
thành một yếu tố quan trọng xác nhận tình trạng tự chủ hoặc thiếu tự chủ của
các cộng đồng tôn giáo. Thực tế là, ở Việt Nam, tất cả đất đai nằm dưới sự quản
lý của Nhà nước và không ai có thể sở hữu bất kỳ một mảnh đất nào đã tạo thêm một
yếu tố bổ sung cho tình trạng không an toàn về mặt pháp lý cho cộng đồng, bao gồm
các cộng đồng đăng ký chính thức, vì nhà nước có thể lấy lại đất bất cứ khi nào
họ có cơ hội. Hơn nữa, một số cộng đồng, chẳng hạn như người Chăm, những người
tự xưng là sự kết hợp của Ấn Độ giáo và Hồi giáo, có sự gắn kết chặt chẽ về văn
hóa hay tôn giáo đối với mỗi mảnh đất cụ thể, ví dụ như với nơi chôn cất của tổ
tiên họ.
57.
Các đại diện Chính phủ cởi mở thừa nhận rằng tranh chấp đất đai đã tồn tại ở Việt
Nam, cũng như ở nhiều nước khác. Đồng thời, họ đặt câu hỏi liệu những mâu thuẫn
này có thể có ảnh hưởng đến tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Tuy nhiên, ít nhất
là trong một số trường hợp, nhu cầu tôn giáo rõ ràng đã đóng một vai trò quan
trọng trong vấn đề đất đai. Ví dụ, các đại diện của các nhóm Tin Lành nói về
trường hợp ở các vùng nông thôn, các giáo xứ Tin Lành khác nhau đã được sáp nhập
với mục đích “quản lý dễ dàng hơn”. Được biết, việc sáp nhập này không phải
luôn luôn được xử lý với sự tôn trọng những đặc điểm riêng biệt của các giáo
phái Tin Lành khác nhau và nhu cầu tôn giáo của các giáo dân ở những địa điểm
khác nhau. Lợi thế về quản lý và lợi ích trong việc sử dụng đất cho các mục
đích kinh tế khác nhau thường có vẻ được coi trọng hơn quyền tự do tôn giáo hay
tín ngưỡng của người dân.
58.
Mâu thuẫn về vấn đề đất đai luôn đòi hỏi được giải quyết một cách tinh tế để
đưa ra các giải pháp chấp nhận được cho tất cả các bên quan tâm. Chính phủ nhấn
mạnh rằng họ đã cung cấp đất được miễn thuế cho các cộng đồng tôn giáo sử dụng.
Tuy nhiên, việc thiếu truy đòi khắc phục pháp lý đã được đề cập ở trên, đặc biệt
trong ngành tư pháp, có sự liên quan mạnh mẽ đến tình hình của đất đai và các vấn
đề tài sản khác có liên quan đến các cộng đồng tôn giáo. Trong cuộc trò chuyện
với đại diện của các cộng đồng tôn giáo khác nhau, một lần nữa bao gồm các cộng
đồng có hợp tác với Chính phủ trong Mặt trận Tổ quốc, Báo cáo viên Đặc biệt chú
ý đến sự thất vọng cao độ với các thủ tục pháp lý không hiệu quả. Kết quả là, một
số các cộng đồng tôn giáo cảm thấy phần lớn họ bị phó mặc cho thiện chí của
chính quyền địa phương.
V. Thực hành tôn giáo trong những hoàn cảnh đặc biệt
A.
Tù nhân
59.
Như đã đề cập ở trên, Điều 24 của Hiến pháp 2013 đề cập đến tất cả mọi người chứ
không phải chỉ có công dân. Điều này sẽ bao gồm các tù nhân là những người ngay
cả khitạm thời bị mất quyền đầy đủ của công dân, cũng vẫn có quyền tự do tôn
giáo hay tín ngưỡng là một quyền phổ quát của nhân loại vốn có của tất cả mọi
người. Khi thảo luận về vấn đề này, Báo cáo viên Đặc biệt đã nhận được thông
tin mâu thuẫn. Các cơ quan Chính phủ thường nhấn mạnh rằng tù nhân có thể thực
hành tôn giáo của họ trong giới hạn của nhà tù với điều kiện điều này không ảnh
hưởng tiêu cực đến các tù nhân khác và các hoạt động chung của cuộc sống tù.
60.
Ngược lại, một số người có kiến thức và trải qua cuộc sống trong tù cáo buộc rằng
các hoạt động tôn giáo hầu như không có chỗ ở trong các nhà tù và rằng ngay cả
việc tiếp nhận và sở hữu các sách tôn giáo hoặc các tài liệu thông thường sẽ bị
cấm. Khi được hỏi về vấn đề này, một đại diện cấp cao của Ủy ban Chính phủ về vấn
đề tôn giáo nói vớiBáo cáo viên Đặc biệt là quyền tự do của tù nhân tôn giáo
hay tín ngưỡng cần được tôn trọng, trong khi thừa nhận rằng Ủy ban cho đến nay
đã không đưa ra bất kỳ hướng dẫn để quản lý nhà tù để đảm bảo và bảo vệ có hiệu
quả quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng cho tù nhân.
61.
Các tổ chức của giáo sĩ tuyên úy trong nhà tù, đó là, giáo sĩ của các tôn giáo
khác nhau, những người phục vụ cho các nhu cầu tinh thần của tù nhân, theo yêu
cầu của họ, không tồn tại ở Việt Nam. Tuy nhiên, đại diện của Giáo hội Phật
giáo Việt Nam đã giải thích sẽ họ sẽ tăng cường cung cấp dịch vụ trong các nhà
tù, trong đó có các bài giảng về giáo huấn xã hội và đạo đức cho các tù nhân.
Những linh mục Công giáo cũng vậy, dường như có đôi khi được cung cấp các dịch
vụ tôn giáo cho tù nhân. Mục sư Tin Lành cùng với người mà Báo cáo viên Đặc biệt
thảo luận về vấn đề này cho biết họ không nhận thấy bất kỳ sự hỗ trợ tinh thần
cho tù nhân theo đạo Tin Lành.
B.
Quân nhân
62.
Quân đội Việt Nam không có một hệ thống tuyên úy quân đội thường xuyên phục vụ
cho các nhu cầu tôn giáo hay tâm linh của những người lính. Tương tự như tình
hình trong các nhà tù, tuy nhiên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam dường như đã trở
nên ngày càng quan tâm. Báo cáo viên Đặc biệt được nghe rằng các nhà sư Phật
giáo cầu nguyện cho những người lính phục vụ đất nước trong điều kiện khó khăn
và phức tạp. Họ cũng có thể dạy kĩ thuật thiền định để hỗ trợbinh lính khi đối
mặt với các những nhiệm vụ và điều kiện sống khó khăn của họ.
63.
Quyền từ chối nhập ngũ vì lương tâm thấy không đúng để phục vụ nghĩa vụ quân sự
không được biết đến ở Việt Nam, và không có phương án lựa chọn một dịch vụ dân
sự thay thế cho những cá nhân phản đối dùng vũ khí vì lý do lương tâm. Điều này
đi ngược lại các quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo hay tín ngưỡng,
trong đó cung cấp sự bảo vệ, phù hợp với Điều 18, khoản 3 của Công ước Quốc tế,
chống lại bị buộc phải hành động trái với niềm tin xác thực về tín ngưỡng tôn
giáo hay đạo đức .
VI. Báo cáo về vi phạm quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng
64.
Báo cáo viên Đặc biệt đã nhận được những cáo buộc nghiêm trọng liên quan đến
hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Những vi phạm đó
thường do chính quyền địa phương ở cấp huyện, xã và cấp tỉnh và các quan chức
an ninh công cộng gây ra, bao gồm cả những người thuộc đơn vị 41 / PA 38, người
được giao nhiệm vụ giám sát các vấn đề xã hội và “phát hiện người vi phạm tự do
tôn giáo hoặc tín ngưỡng” . Một số các cuộc tấn công đặc biệt có bản chất bạo lực
và liên tiếp chống lại những người vô tội và không có vũ khí, bao gồm cả phụ nữ
và trẻ em.
65.
Những giáo sĩ, tu sĩ nam nữ Phật Giáo hàng đầu của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam
Thống nhất đã phải chịu sự giám sát, ” những buổi làm việc” với an ninh (thẩm vấn),
bắt bớ và giam giữ tùy tiện, chịu sự quản chế và án tù dài hạn . Các tín đồ đã
bị cấm vào các chùa, bị ép buộc phải ký một tuyên bố rằng họ sẽ không tham gia
tổ chức hoặc bị đe dọa mất việc làm. Hơn nữa, các cơ quan có liên quan đã ban
hành tuyên truyền chống lại tổ chức đó. Các cơ sở giáo dục và y tế và nơi thờ
phượng thuộc các cộng đồng này đã bị tịch thu.
66.
Các cộng đồng độc lập của Phật giáo Hòa Hảo, những người đã tham gia vào các
hình thức phản đối ôn hòa, như tuyệt thực, đã bị trừng phạt nghiêm khắc, bao gồm
những án tù dài hạn được lặp lại . Theo tường thuật, nhân viên an ninh và côn đồ
được thuê đã không ngần ngại sử dụng vũ lực quá mức trong những vụ bắt giữ hoặc
các cuộc tấn công các cộng đồng vì họ tổ chức các cuộc tụ họp để cầu nguyện tại
những “giáo đường bất hợp pháp” đã được xây dựng cho mục đích tôn giáo của các
giáo đoàn.
67.
Một số Phật tử “Khmer Krom” đã phải đối mặt với những khó khăn tương tự trong
việc cho phép tổ chức cầu nguyện, đám tang hoặc cải tạo những ngôi đền của họ,
mặc dù họ đã được công nhận bởi Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nó cũng đã được
báo cáo rằng họ đã bị phân biệt đối xử một cách có hệ thống và nhiều người đã
không được phép để nghiên cứu hoặc giảng dạy bằng ngôn ngữ bản địa của họ. Mọi
khía cạnh của đời sống tôn giáo của họ được điều chỉnh và các nhà sư sẽ có nguy
cơ bị lột quần áo nếu có liên hệ với nước ngoài.
68.
Không có bất kỳ hoạt động thực hành tôn giáo Cao Đài độc lập nào được cho phép,
và chính tôn giáo đó bị coi là bất hợp pháp. Những tín đồ của đạo Cao Đài gặp
khó khăn thậm chí trong việc hành đạo ở nhà. Giống như các cộng đồng độc lập
khác, họ đã bị gây áp lực, bị sách nhiễu và tấn công về thể xác. Những nghi lễ
của họ, bao gồm cả đám tang, đã thường xuyên bị theo dõi và gây hỗn loạn. Hơn nữa,
họ luôn lo sợ mất việc làm và bị phân biệt đối xử trong các thủ tục hành chính.
Một số con cái của họ cũng đã phải đối mặt với khó khăn ở trường.
69.
Báo cáo viên Đặc biệt cũng đã nghe nói về cuộc đàn áp khắc nghiệt tín đồ của những
nhà thờ “người Thượng”, chẳng hạn như dân tộc thiểu số Êđê. Hàng trăm nhà thờ
dân tộc thiểu số trong khu vực Tây Nguyên đã bị buộc phải đóng cửa và mục sư của
họ bị bắt và tống giam. Hàng ngàn người đã bị buộc phải bỏ trốn hoặc đi trốn
sau khi các cuộc biểu tình kêu gọi quyền đất đai và tự do tôn giáo. Những người
bỏ chạy sang các nước láng giềng phải đối mặt với nhiều trở ngại và tiếp tục lo
sợ cho cuộc sống của họ. Cũng theo báo cáo, trong năm 2000, Chính phủ đã ban
hành văn bản hướng dẫn các quan chức địa phương được giám sát bởi Ban Chỉ đạo để
ngăn chặn sự lan truyền của đạo Tin Lành.
70.
Theo thông tin nhận được, mặc dù một số người Tin Lành Hmong đã được phép đăng
ký với Chính phủ để tiến hành các hoạt động tôn giáo, họ tiếp tục bị sách nhiễu
và vu khống. Theo cáo buộc, các nhà chức trách đã tìm cớ để bắt giữ họ, đánh họ
nặng nề trong trại giam và buộc họ phải công khai từ bỏ đạo. Thậm chí đã có một
trường hợp được bị chết trong đồn công an. Trong một số làng, các quy tắc đã được
tạo ra để trừng phạt người theo đạo bằng cách đuổi ra khỏi làng. Họ cũng không
được phép sở hữu kinh bổn trong ngôn ngữ mẹ đẻ Hmong của họ hay sử dụng ngôn ngữ
địa phương để tiến hành các hoạt động tôn giáo.
71.
Những người Hmong theo đức tin Dương Văn Mình cũng đã bị bắt giữ tùy tiện và bỏ
tù, đánh đập, tra tấn, giám sát liên tục, và bị gây áp lực để từ bỏ đức tin của
họ. Những người đã từ chối làm như vậy phải đối mặt với mất việc làm và chính
sách hỗ trợ vớiđồng bào dân tộc thiểu số. Được biết, 24 nhà chứa đồ tang lễ của
họ đã bị phá hủy vì bị cho là “bất hợp pháp” vì không có giấy phép, bao gồm cả
vụ phá nhà gần đây nhất vào tháng Mười năm 2014, sau chuyến thăm của Báo cáo
viên Đặc biệt. Chính phủ cũng đã bị cáo buộc tuyên truyền chống lại cộng đồng
này thông qua các phương tiện truyền thông và công báo nội bộ của Chính phủ.
72.
Những cộng đồng người Chăm đang đối mặt với nguy cơ mất đất đai của họ, đặc biệt
là nghĩa trang tổ tiên thiêng liêng của họ đã được truyền từ thế hệ này sang thế
hệ khác. Các dự án phát triển mới, trong đó có công trình xây dựng đường, đã
không tham khảo ý kiến với các cộng đồng hoặc tôn trọng nhu cầu của cộng đồng để
di dời các ngôi mộ bằng cách tiến hành các nghi lễ truyền thống thích hợp. Cũng
theo báo cáo, do sự kháng cự của cộng đồng để di dời các nghĩa trang, người ta
tố cáo rằng tất cả các nhà thờ Hồi giáo đã bị khóa trong tháng chay Ramadan và
chỉ có thể được tiếp cận nếu họ đồng ý với kế hoạch tái định cư. Một số đền
tháp của người Chăm đã được biến thành các điểm tham quan du lịch, được coi là
hoàn toàn không phù hợp bởi cộng đồng vì những nơi thờ phụng linh thiêng thường
nên được giữ đóng cửa. Họ cũng đã thất bại trong việc đăng ký dù đã nỗ lực rất
nhiều.
73.
Báo cáo viên Đặc biệt đã nghe nhiều báo cáo về các vụ bắt giữ hoặc giam giữ ở
nhà tùy tiện và bắt giữ định kỳ, trong đó có một số án tù dài không tương xứng
với các cá nhân có nguồn gốc tôn giáo hay tín ngưỡng khác nhau vì sự vận động
và các hoạt động cho quyền tự do tôn giáo của họ. Thông thường, họ bị buộc tội
theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự với “lợi dụng dân chủ”, “tham gia phong trào
ly khai” hay “xuyên tạc tình hình và chỉ trích Chính phủ”, chỉ đơn giản là để
thực hiện các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do quan điểm và biểu đạt và
tự do hội họp và lập hội một cách ôn hòa. Báo cáo viên Đặc biệt đã gặp linh mục
Nguyễn Văn Lý tại nhà tù Hà Nam, người mà ông không nghi ngờ gì công nhận là một
tù nhân lương tâm hay tù nhân chính trị. Thất vọng thay, Cha Lý có thể là một
trong rất nhiều tù nhân hoặc tù nhân lương tâm đang tồn tại ở Việt Nam.
74.
Các cá nhân khác, ví dụ, các thành viên của Giáo Hội Tin Lành Mennonite, cũng
đã phải chịu đựng các cuộc bố ráp thô bạo của cảnh sát; những lời mời “làm việc”
liên tục với an ninh; tra tấn trong trại giam; áp lực lên các thành viên trong
gia đình, đặc biệt là những người tị nạn do bị đàn áp tôn giáo; hành vi phá hoại
và phá hủy nơi thờ tự, nghĩa trang và nhà kho tang lễ và nhà cửa; tịch thu tài
sản; và gây áp lực một cách có hệ thống để ép buộc từ bỏ các hoạt động tôn giáo
nhất định và tố cáo tôn giáo hay tín ngưỡng của họ. Vì áp lực và đàn áp, một số
người đã rời bỏ hoặc trốn khỏi đất nước vì lý do tôn giáo. Báo cáo viên Đặc biệt
cũng muốn nhấn mạnh rằng việc phải đăng ký chính thức với Chính phủ không đảm bảo
tôn trọng đầy đủ tự do tôn giáo tín ngưỡng.
75.
Mục đích của chuyến thăm đất nước của các Báo cáo viên Đặc biệt không phải để
đánh giá toàn diện về các trường hợp cá biệt như thế này vì nó sẽ đòi hỏi nhiều
hơn các thông tin để có được bức tranh đầy đủ về các sự kiện từ quan điểm của tất
cả các bên liên quan. Thay vào đó, mục đích là để đánh giá độ tin cậy chung của
những cáo buộc khác nhau liên quan đến vấn đề nhân quyền và xác định những thách
thức lớn. Không hề có định kiến về tính chính xác của tất cả các sự kiện cụ thể
của tất cả các trường hợp cá nhân được chuyển tới báo cáo viên, , Báo cáo viên
Đặc biệt là tin rằng những vi phạm nghiêm trọng các quyền tự do tôn giáo hay
tín ngưỡng là một thực tế ở Việt Nam, đặc biệt, nhưng không phải là duy nhất, ở
khu vực nông thôn.
76.
Đánh giá chung này được thực hiện trên cơ sở không chỉ các cuộc phỏng vấn và
các tài liệu được cung cấp bởi những người bảo vệ nhân quyền và các thành viên
của các cộng đồng tôn giáo khác nhau, nhưng cũng là những quan sát được thực hiện
trong chuyến thăm đất nước, bao gồm:
– Thái độ tiêu cực, thô bạo, đối với các quyền của người thiểu số và cá nhân thực hành tôn giáo hay tín ngưỡng không đăng ký.
– Những lời viện dẫn thường xuyên của những “lợi ích đa số” không rõ ràng hay lợi ích của “đoàn kết và hòa hợp dân tộc” hay “trật tự công cộng”.
– Những quy định quá rộng của các giới hạn quyền con người nói chung, do đó hạn chế quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo trong tất cả các khía cạnh của quyền này.
– Sự diễn đạt mơ hồ trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, đặc biệt là điều luật 258 liên quan đến việc “lạm dụng” các quyền tự do dân chủ.
– Sự thiếu vắng cơ chế truy đòi khắc phục pháp lý đủ hiệu quả và dễ tiếp cận trong ngành tư pháp
– Thái độ tiêu cực, thô bạo, đối với các quyền của người thiểu số và cá nhân thực hành tôn giáo hay tín ngưỡng không đăng ký.
– Những lời viện dẫn thường xuyên của những “lợi ích đa số” không rõ ràng hay lợi ích của “đoàn kết và hòa hợp dân tộc” hay “trật tự công cộng”.
– Những quy định quá rộng của các giới hạn quyền con người nói chung, do đó hạn chế quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo trong tất cả các khía cạnh của quyền này.
– Sự diễn đạt mơ hồ trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, đặc biệt là điều luật 258 liên quan đến việc “lạm dụng” các quyền tự do dân chủ.
– Sự thiếu vắng cơ chế truy đòi khắc phục pháp lý đủ hiệu quả và dễ tiếp cận trong ngành tư pháp
77.
Những điều kiện này tạo ra một lỗ hổng cấu trúc dễ gây tổn thương cho một số cá
nhân và cộng đồng, thực sự phù hợp với báo cáo về các hành vi vi phạm cụ thể được
mô tả ở trên.
78.
Báo cáo viên Đặc biệt muốn nhấn mạnh trong bối cảnh này, trong nhiều cuộc thảo
luận với các thành viên của các cộng đồng tôn giáo, một số trong đó được đăng
ký chính thức với chính quyền và tham gia Mặt trận Tổ quốc, các thành viên đó
nói chung đều nhận biết các hạn chế liên tục về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng
và những thách thức từ đó. Thật đáng ngạc nhiên là các thành viên hàng đầu của
ngành tư pháp dường như chưa bao giờ nghe nói về bất kỳ trường hợp nào về hành
vi xâm phạm quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng đã được đưa ra trước tòa án.
79.
Một khía cạnh quan trọng được đề cập trong nhiều cuộc thảo luận là sự phân chia
giữa khu vực thành thị và nông thôn. Điều kiện của các cộng đồng tôn giáo có thể
thay đổi đáng kể, theo những phong tục khác nhau ở những phần khác nhau của đất
nước. Hơn nữa, dường như chính sách ở cấp trung ương không phải luôn luôn được
truyền đạt hiệu quả đến các cơ quan chức năng ở địa phương, do đó có một khoảng
cách giữa sự hiểu biết và thực thi các chính sách. Tuy nhiên, sẽ là không công
bằng để gán cho các vấn đề còn đang tồn tại chủ yếu là thiếu sót của chính quyền
địa phương. Chính quyền trung ương cần phải xem xét các chính sách và hướng dẫn
để đảm bảo rằng việc thực thi các chính sách và hướng dẫn ấy tương thích với
các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Cũng là không công bằng khi đổ các vấn đề
còn tồn tại cho sự thiếu giáo dục của người dân hoặc những người ở khu vực nông
thôn, bởi vì nhiều thách thức trong số được mô tả là có tính chất hệ thống, bằng
chứng là trong các quy định pháp luật tương ứng trong nước.
VII. Các kết luận và khuyến nghị
80.
Các điều khoản tham chiếu cho các chuyến thăm quốc gia của Báo cáo viên Đặc
biệt bao gồm bảo đảm việc “tiếp xúc bí mật và không bị giám sát với các nhân chứng
và các cá nhân khác” và “bảo đảm của Chính phủ rằng không ai trong số những cá
nhân đã tiếp xúc chính thức hoặc riêng tư với Báo cáo viên Đặc biệt […] trong mối
liên hệ với nhiệm vụ của Báo cáo viên vì lý do này sẽ bị đe dọa, quấy rối hoặc
trừng phạt hoặc bị kiện tụng ra tòa án”. Những sự cố đe dọa nghiêm trọng và các
trường hợp vi phạm trắng trợn các nguyên tắc bảo mật không may tạo nên một chuyến
thăm chưa trọn vẹn tới Việt Nam của Báo cáo viên Đặc biệt.
81.
Sự gián đoạn này là đáng tiếc hơn cả, khi mà Báo cáo viên Đặc biệt đã quan sát
thấy một số phát triển tích cực, đặc biệt là ở cấp trung ương. Nhiều đại diện của
các cộng đồng tôn giáo đều đồng ý rằng, bất chấp những vấn đề nghiêm trọng đang
diễn ra, không gian cho các hoạt động tôn giáo của họ đã gia tăng trong những
năm gần đây. Các cộng đồng tôn giáo đã bị cấm sau năm 1975 bây giờ đã được phép
hoạt động. Đời sống tôn giáo đa dạng đã trở thành một thực tại hữu hình trong tất
cả các bộ phận của đất nước, và các cộng đồng tôn giáo khác nhau cùng tồn tại một
cách hòa bình. Hơn nữa, một số đại diện của các cơ quan Chính phủ bày tỏ sự sẵn
sàng của họ để xem xét sửa đổi nội dung của Pháp lệnh hiện hành về tín ngưỡng
và tôn giáo trong quá trình chuẩn bị một dự thảo luật về các vấn đề này.
82.
Một phép thử cho sự phát triển của tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng ở Việt Nam là
điều kiện của các cộng đồng tôn giáo độc lập hoặc chưa được đăng ký. Như đã nêu
chi tiết ở trên, việc thực hiện các quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng không
thể bị thu hẹp do phụ thuộc vào bất kỳ hành vi phê duyệt hành chính nào; là một
quyền con người phổ quát, quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng vốn có trong tất cả mọi
người, trước bất kỳ hành vi đăng ký hoặc công nhận chính thức. Tuy nhiên, trong
tình hình hiện nay, khả năngđời sống tôn giáo độc lập không an toàn và hạn chế,
vi phạm rõ ràng của điều 18 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính
trị, mà Việt Nam đã là một thành viên từ năm 1982. Luật về vấn đề tôn giáo, sẽ
được thảo luận và có thể được ban hành vào năm 2016, cung cấp một cơ hội để khắc
phục tình trạng này.
83.
Trong bối cảnh này, Báo cáo viên Đặc biệt muốn đưa ra các kiến nghị sau đây với
Chính phủ Việt Nam:
(a) Chính phủ được khuyến khích mở rộng và củng cố không gian rất hạn chế và không an toàn cho sự đa dạng tôn giáo tại Việt Nam diễn tiến tự do. Trong bối cảnh này, tình hình của các cộng đồng tôn giáo hay tín ngưỡng độc lập cần được xem như là một bài kiểm tra về lòng khoan dung của xã hội nói chung;
(b) Điều 38 của Pháp lệnh hiện hành về tín ngưỡng, tôn giáo (Pháp lệnh 21), trong đó quy định vềviệc áp dụng của các điều ước quốc tế trên các quy định pháp luật trong nước nếu có mâu thuẫn, cần được thi hành với đầy đủ. Điều này đòi hỏi cải cách ở cả pháp luật và mức độ thi hành thực tế;
(c) Các quy định pháp lý liên quan đến tự do tôn giáo hay tín ngưỡng nên được đưa vào phù hợp với Điều 18 của Công ước Quốc tế. Điều này bao gồm việc bảo vệ vô điều kiện phần nội tâm của tự do tôn giáo hay tín ngưỡng cũng như cách diễn giải chính xác của các điều khoản hạn chế liên quan đến biểu hiện tôn giáo ở khía cạnh xã hội;
(d) Những diễn giải mơ hồ trong các quy định pháp lý được sử dụng để hạn chế quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền con người khác, chẳng hạn như những quy định trong điều 258 của Bộ luật Hình sự liên quan đến việc “lợi dụng” tự do, cần được loại bỏ và thay thế bằng định nghĩa pháp lý chính xác, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế;
(e) Chính phủ cần làm rõ rằng việc đăng ký chính thức của các cộng đồng tôn giáo hay tín ngưỡng là một đề nghị chứ không phải là một yêu cầu pháp lý. Luật mới về tôn giáo nên đơn giản hóa các yêu cầu đăng ký cho các cộng đồng tôn giáo;
(f) Ban Tôn giáo Chính phủ nên tư vấn cho Chính phủ về dự thảo luật về các tiêu chuẩn quốc tế nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Đào tạo pháp lý thích hợp và hướng dẫn để các nhà chức trách địa phương về những vấn đề này phải được cung cấp cho phù hợp;
(g) Các cộng đồng tôn giáo hay tín ngưỡng, vì bất cứ lý do, không có hoặc không muốn có tình trạng đăng ký theo Pháp lệnh hiện hành 21 (hoặc pháp luật trong tương lai thay thế Pháp lệnh), nên có quyền tiếp cận hiệu quả với một dạng pháp nhân khác mà họ cần để thực hiện các chức năng cộng đồng quan trọng. Điều này đòi hỏi cần cải cách khuôn khổ luật về hội, như đang được thảo luận hiện nay;
(h) Các hạn chế đối với các cộng đồng tôn giáo theo Pháp lệnh 21 kèm theo Nghị định 92 cần được nới lỏng đáng kể, phù hợp với, ngoài những nguyên tắc tương xứng, như đã được nêu trong Điều 18 của Công ước Quốc tế.
(i) Vấn đề truy đòi khắc phục pháp lý hiệu quả và có thể tiếp cận được phải được ưu tiên trong cải cách pháp luật hiện hành để cho phép các nạn nhân, người có quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng đã bị xâm phạm tìm kiếm cách khắc phục và bồi thường trong một hệ thống tư pháp và tòa án độc lập;
(j) Các quan chức nhà nước và các nhà lãnh đạo tôn giáo nên kiềm chế không công khai tấn công các nhóm tôn giáo độc lập, kể cả thông qua các phương tiện truyền thông;
(k) Nhà nước cần điều tra các cáo buộc về vi phạm tự do tôn giáo hay tín ngưỡng và các quyền con người khác;
(l) Vấn đề đất đai liên quan đến các cộng đồng tôn giáo, trong đó có nghĩa trang, nơi thờ tự, cần được xử lý một cách công bằng và nhạy cảm. Cộng đồng và đại diện của họ nên có biện pháp truy đòi khắc phục pháp lý để khắc phục những quyết định coi là xâm phạm tự do tôn giáo, tín ngưỡng hay các quyền con người khác;
(m) Chính phủ nên phát triển hơn nữa môi trường chung cho các cơ sở đào tạo tôn giáo. Việc lựa chọn các ứng cử viên và các vấn đề về chương trình nên hoàn toàn để cho các cộng đồng tôn giáo điều hành các tổ chức này;
(a) Chính phủ được khuyến khích mở rộng và củng cố không gian rất hạn chế và không an toàn cho sự đa dạng tôn giáo tại Việt Nam diễn tiến tự do. Trong bối cảnh này, tình hình của các cộng đồng tôn giáo hay tín ngưỡng độc lập cần được xem như là một bài kiểm tra về lòng khoan dung của xã hội nói chung;
(b) Điều 38 của Pháp lệnh hiện hành về tín ngưỡng, tôn giáo (Pháp lệnh 21), trong đó quy định vềviệc áp dụng của các điều ước quốc tế trên các quy định pháp luật trong nước nếu có mâu thuẫn, cần được thi hành với đầy đủ. Điều này đòi hỏi cải cách ở cả pháp luật và mức độ thi hành thực tế;
(c) Các quy định pháp lý liên quan đến tự do tôn giáo hay tín ngưỡng nên được đưa vào phù hợp với Điều 18 của Công ước Quốc tế. Điều này bao gồm việc bảo vệ vô điều kiện phần nội tâm của tự do tôn giáo hay tín ngưỡng cũng như cách diễn giải chính xác của các điều khoản hạn chế liên quan đến biểu hiện tôn giáo ở khía cạnh xã hội;
(d) Những diễn giải mơ hồ trong các quy định pháp lý được sử dụng để hạn chế quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền con người khác, chẳng hạn như những quy định trong điều 258 của Bộ luật Hình sự liên quan đến việc “lợi dụng” tự do, cần được loại bỏ và thay thế bằng định nghĩa pháp lý chính xác, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế;
(e) Chính phủ cần làm rõ rằng việc đăng ký chính thức của các cộng đồng tôn giáo hay tín ngưỡng là một đề nghị chứ không phải là một yêu cầu pháp lý. Luật mới về tôn giáo nên đơn giản hóa các yêu cầu đăng ký cho các cộng đồng tôn giáo;
(f) Ban Tôn giáo Chính phủ nên tư vấn cho Chính phủ về dự thảo luật về các tiêu chuẩn quốc tế nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Đào tạo pháp lý thích hợp và hướng dẫn để các nhà chức trách địa phương về những vấn đề này phải được cung cấp cho phù hợp;
(g) Các cộng đồng tôn giáo hay tín ngưỡng, vì bất cứ lý do, không có hoặc không muốn có tình trạng đăng ký theo Pháp lệnh hiện hành 21 (hoặc pháp luật trong tương lai thay thế Pháp lệnh), nên có quyền tiếp cận hiệu quả với một dạng pháp nhân khác mà họ cần để thực hiện các chức năng cộng đồng quan trọng. Điều này đòi hỏi cần cải cách khuôn khổ luật về hội, như đang được thảo luận hiện nay;
(h) Các hạn chế đối với các cộng đồng tôn giáo theo Pháp lệnh 21 kèm theo Nghị định 92 cần được nới lỏng đáng kể, phù hợp với, ngoài những nguyên tắc tương xứng, như đã được nêu trong Điều 18 của Công ước Quốc tế.
(i) Vấn đề truy đòi khắc phục pháp lý hiệu quả và có thể tiếp cận được phải được ưu tiên trong cải cách pháp luật hiện hành để cho phép các nạn nhân, người có quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng đã bị xâm phạm tìm kiếm cách khắc phục và bồi thường trong một hệ thống tư pháp và tòa án độc lập;
(j) Các quan chức nhà nước và các nhà lãnh đạo tôn giáo nên kiềm chế không công khai tấn công các nhóm tôn giáo độc lập, kể cả thông qua các phương tiện truyền thông;
(k) Nhà nước cần điều tra các cáo buộc về vi phạm tự do tôn giáo hay tín ngưỡng và các quyền con người khác;
(l) Vấn đề đất đai liên quan đến các cộng đồng tôn giáo, trong đó có nghĩa trang, nơi thờ tự, cần được xử lý một cách công bằng và nhạy cảm. Cộng đồng và đại diện của họ nên có biện pháp truy đòi khắc phục pháp lý để khắc phục những quyết định coi là xâm phạm tự do tôn giáo, tín ngưỡng hay các quyền con người khác;
(m) Chính phủ nên phát triển hơn nữa môi trường chung cho các cơ sở đào tạo tôn giáo. Việc lựa chọn các ứng cử viên và các vấn đề về chương trình nên hoàn toàn để cho các cộng đồng tôn giáo điều hành các tổ chức này;
(n)
Chính phủ cũng được khuyến khích tạo ra nhiều không gian hơn cho các trường phổ
thông của các tôn giáo và giáo phái, ngoài cấp mẫu giáo;
(o)
Chính phủ cần tiếp tục cung cấp thông tin công bằng và chính xác về các tôn
giáo và tín ngưỡng như là một phần của nền giáo dục. Thông tin cần phản ánh
đúng nhận thức của các cộng đồng có liên quan về bản thân họ;
(p) Các tù nhân nên được thực hiện quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, kể cả bằng cách sở hữu và sử dụng tài liệu tôn giáo hoặc các mục tôn giáo khác. Họ cũng cần được cung cấp các phương tiện để liên lạc với một nhân vật tôn giáo nếu họ mong muốn;
(q) Ban Tôn giáo Chính phủ nên đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và đào tạo thường xuyên cho chính quyền địa phương và các cán bộ công an về việc giải thích các quy định có liên quan phù hợp với chuẩn mực nhân quyền phổ quát;
(r) Chính phủ nên loại bỏ những đơn vị an ninh đặc biệt, chẳng hạn như Đơn vị 41 / PA 38, mà dường như để thực hiện các chức năng gây tranh cãi, trái với mục đích bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng;
(s) Báo cáo viên Đặc biệt muốn nhắc lại yêu cầu của ông mà Chính phủ đã xác nhận đảm bảo lại rằng không ai trong số những người mà ông đã gặp hoặc dự định gặp sẽ phải chịu bất kỳ hình thức trả đũa nào;
(t) Báo cáo viên Đặc biệt, như là một phần của việc tiếp tục hợp tác với chính phủ, mong muốn cung cấp chuyên môn của mình trong việc rà soát dự thảo luật sắp tới từ quan điểm của các tiêu chuẩn quốc tế. Ông cũng muốn thực hiện một chuyến thăm tiếp theo cho Việt Nam trong tương lai gần để theo đuổi hợp tác với Chính phủ và đánh giá mức độ mà kiến nghị của ông đã được đưa vào xem xét và thực hiện.
(p) Các tù nhân nên được thực hiện quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, kể cả bằng cách sở hữu và sử dụng tài liệu tôn giáo hoặc các mục tôn giáo khác. Họ cũng cần được cung cấp các phương tiện để liên lạc với một nhân vật tôn giáo nếu họ mong muốn;
(q) Ban Tôn giáo Chính phủ nên đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và đào tạo thường xuyên cho chính quyền địa phương và các cán bộ công an về việc giải thích các quy định có liên quan phù hợp với chuẩn mực nhân quyền phổ quát;
(r) Chính phủ nên loại bỏ những đơn vị an ninh đặc biệt, chẳng hạn như Đơn vị 41 / PA 38, mà dường như để thực hiện các chức năng gây tranh cãi, trái với mục đích bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng;
(s) Báo cáo viên Đặc biệt muốn nhắc lại yêu cầu của ông mà Chính phủ đã xác nhận đảm bảo lại rằng không ai trong số những người mà ông đã gặp hoặc dự định gặp sẽ phải chịu bất kỳ hình thức trả đũa nào;
(t) Báo cáo viên Đặc biệt, như là một phần của việc tiếp tục hợp tác với chính phủ, mong muốn cung cấp chuyên môn của mình trong việc rà soát dự thảo luật sắp tới từ quan điểm của các tiêu chuẩn quốc tế. Ông cũng muốn thực hiện một chuyến thăm tiếp theo cho Việt Nam trong tương lai gần để theo đuổi hợp tác với Chính phủ và đánh giá mức độ mà kiến nghị của ông đã được đưa vào xem xét và thực hiện.
84.
Báo cáo viên Đặc biệt muốn thêm một số kiến nghị gửi tới cộng đồng quốc tế:
(a) Các tổ chức nhân quyền quốc tế nên chú ý một cách có hệ thống và báo cáo về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam, bao gồm đặc biệt là tình hình của các thành viên của các cộng đồng tôn giáo không được công nhận;
(b) Các tổ chức liên chính phủ đang làm việc với những người tị nạn từ Việt Nam nên đánh giá cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo hay tín ngưỡng một cách cẩn thận trong quan điểm về các hạn chế và sự ngược đãi nghiêm trọng đang diễn ra, đặc biệt là của các cộng đồng tôn giáo độc lập;
(c) Hội đồng Nhân quyền nên hành động dựa trên những cáo buộc đe dọa và trả thù chống lại những người đã hợp tác với những người có nhiệm vụ trong chuyến thăm của họ;
(d) Các nhóm quốc gia Liên Hiệp Quốc nên xem xét việc hợp nhất các quan sát và khuyến nghị trong báo cáo này với những đánh giá chung về quốc gia/Khuôn khổ Hỗ trợ Phát triển của LHQ và giám sát việc thực thi các khuyến nghị, cùng với những kiến nghị được chấp nhận của các cơ quan công ước và kiểm điểm định kỳ phổ quát .
(a) Các tổ chức nhân quyền quốc tế nên chú ý một cách có hệ thống và báo cáo về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam, bao gồm đặc biệt là tình hình của các thành viên của các cộng đồng tôn giáo không được công nhận;
(b) Các tổ chức liên chính phủ đang làm việc với những người tị nạn từ Việt Nam nên đánh giá cáo buộc vi phạm tự do tôn giáo hay tín ngưỡng một cách cẩn thận trong quan điểm về các hạn chế và sự ngược đãi nghiêm trọng đang diễn ra, đặc biệt là của các cộng đồng tôn giáo độc lập;
(c) Hội đồng Nhân quyền nên hành động dựa trên những cáo buộc đe dọa và trả thù chống lại những người đã hợp tác với những người có nhiệm vụ trong chuyến thăm của họ;
(d) Các nhóm quốc gia Liên Hiệp Quốc nên xem xét việc hợp nhất các quan sát và khuyến nghị trong báo cáo này với những đánh giá chung về quốc gia/Khuôn khổ Hỗ trợ Phát triển của LHQ và giám sát việc thực thi các khuyến nghị, cùng với những kiến nghị được chấp nhận của các cơ quan công ước và kiểm điểm định kỳ phổ quát .
—————————-
No comments:
Post a Comment