Sunday 8 March 2015

Câu chuyện nước Nga (Lê Phan)





Lê Phan
Saturday, March 07, 2015 2:04:00 PM

Chỉ vài ngày trước khi ông bị bắn chết ngay trước điện Kremlin, người ta đã phổ biến kiến nghị Internet nhằm tước đoạt quyền dân cử của ông trong tư cách là nghị viên của hội đồng thành phố Yaroslav.

Một người còn viết, “Nemtsov là một tên phản quốc! Xử tử tên phản quốc!” Không sợ, trên trang Facebook của mình, ông Nemtsov trả lời, “Tôi không hiểu một điều: Phải chăng họ gom chữ ký để tước quyền dân cử của tôi hay là để xử tử tôi?”

Câu trả lời, đáng buồn thay, đã đến trước nửa đêm ngày 27 tháng 2 khi ông Nemtsov, một lãnh tụ đối lập mà mặc dầu nhiều năm cố gắng không thành vẫn không sờn lòng trong công cuộc chống lại chế độ của ông Putin. Theo công an của ông Putin, ông bị bắn trên một cây cầu chỉ có vài bước cách điện Kremlin và ông bị bắn bởi bốn viên đạn từ một cái xe chạy qua. Đây là một khu vực phải nói là an toàn nhất nước Nga. Chung quanh đầy camera video, cảnh sát, mật vụ và nhân viên an ninh mà nhiệm vụ là để bảo vệ Tổng Thống Vladimir Putin của nước Nga.

Tap chí The Economist đã đưa ra một nhận xét sắc bén, “Với mức độ an ninh ở quanh khu của điện Kremlin, thật khó tưởng tượng tại sao những kẻ giết ông Nemtsov lại chọn chỗ đó để bắn ông ta, trừ phi họ có lý do để tin tưởng là họ có thể trốn thoát. Những kẻ sát nhân đã không thèm tìm cách che giấu vết tích của họ; họ không thèm bắn cô bạn của ông Nemtsov đang đi cùng với ông ta.”

Không ai chối cãi được đây là vụ ám sát chính trị đáng kể nhất trong lịch sử cận đại của Nga. Người ta đã nhắc đến số phận của những người khác nhưng không ai nổi bật như ông Nemtsov. Nổi lên từ thời cố Tổng Thống Boris Yeltsin, ông đã không bỏ cuộc trong cuộc tranh đấu đòi một quốc gia Nga dân chủ và ôn hòa.

Bắt đầu sự nghiệp chính trị hồi năm 1989, vị tiến sĩ vật lý hạt nhân gốc Do Thái, đã thất bại và phải đến năm 1990 mới đắc cử vào Quốc Hội Nga. Ông đã cương quyết ủng hộ ông Yeltsin khi quân đội và phe cộng sản cũ tìm cách lật đổ ông Yeltsin hồi năm 1991. Ông Yeltsin đã thưởng cho ông chức vụ thống đốc vùng Nizhny Novgorod. Mới ngoài 30, có tài hùng biện, nói thông thạo tiếng Anh, và hiểu biết báo chí, ông Nemtsov và vùng Nizhny Novgorod, đầy các cơ sở kỹ nghệ quốc phòng, trở thành một nơi hấp dẫn cho đầu tư ngoại quốc ở Nga. Ông nhanh chóng trở thành một trong những chính trị gia nổi tiếng của Nga, và đã có lúc có những đồn đãi là ông Yeltsin đã muốn chọn ông làm người thay thế mình.

Năm 1997, ông Yeltsin đưa ông vào làm phó thủ tướng phụ trách cải tổ kinh tế. Tiếc thay, sự hăng say theo đuổi cải tổ cũng như những lời cố vấn thiếu thực tế của các chuyên gia Tây Phương đã khiến ông cùng cố Thủ Tướng Yegor Gaidar tổ chức một cuộc cải tổ kinh tế dẫn đến cuộc khủng hoảng vào tháng 8 năm 1998. Ông mất chức, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động chính trị. Năm 1999, ông cùng với hai ông Yegor Gaidar và Anatoly Chubais thành lập Liên Minh SPS và đảng của họ đã có một số chiến thắng, chiếm được 10% trong cuộc bầu cử vào tháng 12 và trở thành một khối có nhiều ảnh hưởng trong quốc hội Nga.

Nhưng trong những năm sau đó, với sự thăng tiến của ông Putin, đảng mất dần ảnh hưởng và trong cuộc bầu cử năm 2003, SPS không có đủ 5% số phiếu để tham gia quốc hội. Ông Nemtsov từ chức lãnh tụ đảng. Ông quay sang kinh doanh nhưng vẫn tiếp tục cố gắng, du cho nhiều khi vô vọng, để đoàn kết các nhóm cấp tiến ở Nga, vốn đã tan rã sau thảm bại bầu cử.

Sau cuộc bầu cử năm 2011, khi cao trào phản đối chống lại ông Putin và những gian lận bầu cử bùng lên, ông đã cùng một nhân vật trẻ mới nổi lên, Blogger Alexei Navalny và cựu vô địch cờ chess Garry Kasparov, đóng vai trò quan trọng trong các cuộc biểu tình tuần hành ở Moscow. Ông đã bị bắt và bỏ tù 15 ngày vào cuối năm 2011. Trong những năm gần đây, khi ông Putin ngày càng siết chặt kiểm duyệt báo chí và truyền hình, vốn vẫn là nguồn tin tức duy nhất của đại đa số người dân Nga, ông cũng như các lãnh tụ cấp tiến khác ngày càng bị lu mờ.

Nhưng sự thiếu ủng hộ đó đã không giúp gì cho sự an toàn của ông. Bầu không khí ở nước Nga ngày nay ngày càng giống như những ngày đen tối của một quá khứ xa xưa hơn của Âu Châu.

Đó là bầu không khí mà chính ông Nemtsov đã diễn tả cách đây 10 tháng, khi sung sướng tạo ra từ việc chiếm vùng Crimea và cuộc chiến đang leo thang ở Ukraine, ông Nemtsov viết trên trang Facebook của mình, “Tôi không nhớ được một mức độ thù hận phổ biến như mức độ ở Moscow hôm nay.” Ông viết tiếp, “Không như hồi năm 1991, trong cuộc đảo chánh tháng 8, ngay cả không như năm 1993 khi Yeltsin đối đầu với Quốc Hội. Xâm lấn và tàn nhẫn đã được thúc đẩy bởi truyền hình trong khi những định nghĩa chính đến từ chủ nhân hơi bị ma ám (của điện Kremlin). 'Những kẻ phản bội quốc gia' 'đạo quân thứ 5', 'quân phiệt Phát Xít'- tất cả những chữ này đến từ cùng một văn phòng của điện Kremlin... Điện Kremlin đang nuôi dưỡng và tưởng thưởng cho bản năng tệ hại nhất của con người, thúc đẩy hận thù và chiến tranh. Người ta bị thúc hối đối đầu lẫn nhau. Cái địa ngục này không thể kết thúc trong hòa bình.”

Trong năm qua, bầu không khí xâm lăng và không bao dung ngày càng mạnh hơn. Cách đây một tuần, nhiều ngàn thanh niên nam nữ ăn mặc tử tế diễn hành qua khu trung tâm của thủ đô Moscow, mang theo những biểu ngữ đầy hận thù cho những người tự do cấp tiến và thề sẽ không cho phép xảy ra một ấn bản Nga của cuộc cách mạng Maidan ở Kiev, hay là bất cứ một sự trở về nào cho chế độ tự do của thời thập niên 1990. Một số người mang hình ông Nemtsov với những hàng chữ đính kèm cáo buộc ông là “một người tổ chức Maidan.”

Ở một khía cạnh nào đó, ông Nemtsov đại diện cho tất cả những gì mà chế độ ăn cướp của ông Putin không ưa. Một nhà vật lý đầy hấp lực, thông minh với mái tóc quăn và nụ cười lúc nào cũng còn ẩn trên đôi mắt, ông đã đứng bên ông Yeltsin khi những người Cộng Sản tìm cách tổ chức một cuộc đảo chính hồi tháng 8 năm 1991. Năm 32 tuổi, khi ông là thống đốc của vùng Nizhny Novgorod, cải tổ thị trường và cách cai trị cởi mở của ông đã được cố Thủ Tướng Margaret Thatcher của Anh ca ngợi. Khi ông Yeltsin mời ông tham chánh, ông là chính trị gia đầu tiên gọi những nhà tài phiệt Nga là “oligarch,” coi họ là đe dọa chính cho nền dân chủ Nga. Ông thách thức ảnh hưởng của họ và mất chức phó thủ tướng.

Hầu như độc nhất vô nhị trong các chính trị gia Nga, ông Nemtsov đã hoàn toàn lương thiện và và chân thực trong suốt sự nghiệp chính trị của ông. Ông không hưởng được tài sản kếch xù, và vào năm 53 tuổi, trở về với chính trị ở cấp địa phương, thắng cử vào chức nghị viên của một hội đồng tỉnh. Là một người khỏe mạnh về thể chất, ông tự coi mình như là một kẻ chạy việt dã trong chính trị. Ông Nemtsov có thể tự hào là suốt cuộc đời ông đã sống theo những giá trị nhân bản thay vì quyền lợi hay chủ thuyết. Lòng ái quốc của ông không ai có thể đặt câu hỏi. Đã có lúc ông có thể là tổng thống của nước Nga, nhưng thay vì vậy ông đã chứng kiến quê hương mình ngày càng chìm sâu trong một chủ thuyết quốc gia độc địa mà sau cùng đã lấy đi mạng sống của ông.

Trong nước Nga của ông Putin tuy vậy có nhiều người sẵn sàng coi ông là kẻ phản quốc. Họ bao gồm đội quân tư nhân của ông Ramzan Kadyrov, tổng thống Chechnya, vốn đã được ông Putin cất nhắc lên chức vụ này và thề bảo vệ cho ông Putin, thành viên của hệ thống công an của điện Kremlin, số các băng đảng ái quốc cực đoan, những người Nga tình nguyện đi đánh nhau ở đông Ukraine và những nhóm khác. Phản ứng đầu tiên của ông Putin là việc giết ông Nemtsov là một “hành động khiêu khích” và ngay tức thời những người ủng hộ ông phụ họa, xì sầm là bên cấp tiến đã giết ông Nemtsov để tạo tiếng xấu cho tổng thống. Chỉ vài giờ sau khi ông Nemtsov bị giết, một nhà báo thân cận với điện Kremlin Dmitry Olshansky, đã ngầm ý nói chính ông Mikhail Khodorkovsky, cựu oligarch trở thành lãnh tụ đối lập, đã chịu trách nhiệm.

Nhưng ai chịu trách nhiệm cho cái chết của ông Nemtsov mới chỉ là một phần của vấn đề. Phần còn lại là cái chết của ông sẽ được điện Kremlin lợi dụng để làm gì. Mikhail Lampolski, một sử gia chuyên về văn học viết trên trang Facebook của mình “không thể loại bỏ sự việc là việc xử tử Nemtsov có thể cho Nga điều như đã xảy ra sau vụ án mạng giết Kirov.” Ông ta muốn nói đến Sergei Kirov, một lãnh tụ Bolshevik đầy hấp lực bị ám sát bên trong tòa đô chính của thành phố Leningrad hồi năm 1934. Stalin đã lợi dụng vụ ám sát Kirov để tung ra một giai đoạn khủng bố và thanh trừng.

Sử gia Georgy Mirsky là một thành viên của Viện Nghiên Cứu Nhà Nước Về Bang Giao Quốc Tế, trong một bài đưa lên trang Facebook của mình đã nói ông mới khám phá ra là trong tất cả các chính trị gia ông chỉ “yêu” có một mình ông Nemtsov. Ông nói không một nhân vật chính trị nào của nước Nga của bất cứ khuynh hướng nào có thể tạo cho ông những cảm tưởng ấm áp như vậy. Ông viết, “Trong 20 năm tôi theo dõi tiến bộ của người này, lo ngại cho ông và hoan hô ông. Và nay ông ra đã mất rồi. Năm mươi lăm tuổi - tuổi con nít so với tôi.” Ông thêm, “Không cần phải tìm hiểu xem ai tổ chức vụ ám sát này. Điều chính là tại sao? Và câu trả lời là bởi vì ông là một người cấp tiến. Một kẻ bất phục. Một người tranh đấu cho tự do tư tưởng và ngôn luận, cho nhân quyền. Một chiến sĩ chống lại chế độ độc tài, chế ngự bởi cảnh sát và những tên sen đầm KGB.... Biểu tượng, tinh thần, đó là điều cần phải giết đi. Biểu tượng và tinh thần của tự do, đó là điều Nemtsov đã tiêu biểu.”

------------------------









No comments:

Post a Comment

View My Stats