Thursday 5 March 2015

Bộ Giáo dục Trung Quốc "kiểm duyệt" các giá trị phương Tây (Thu Hằng - RFI)





Đăng ngày 04-03-2015 Sửa đổi ngày 04-03-2015 16:25

Thông tin Châu Á nổi bật với bài báo liên quan tới chính sách giáo dục tại Trung Quốc trên tờ Libération dưới tiêu đề : « Giáo dục : các giá trị phương Tây không còn được tự do tại Trung Quốc ». Để lấy lại quyền lực đối với giới trí thức, Bắc Kinh đang xem xét để kiểm duyệt nền giáo dục.

Trung Quốc đang lo sợ trước những giá trị phương Tây. Điều này được thể hiện qua phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc Viên Quý Nhân (Yuan Guiren) trong buổi họp với giám đốc các trường đại học cuối tháng 01/2015 vừa qua. Ông cảnh báo rằng : « Các giáo trình ca ngợi các giá trị phương Tây phải được loại bỏ khỏi lớp học » và yêu cầu phải cẩn thận chọn các loại sách vở nhập khẩu.

Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh : « Các thể chế hàn lâm phải làm cách nào đó để những ý kiến của chủ tịch Tập Cận Bình thẩm thấu vào công cụ giảng dạy, vào lớp học hay vào đầu học sinh, sinh viên ». Không chỉ dừng ở đó, ông Viên Quý Nhân tiếp tục bảo vệ quan điểm của chính quyền trên tạp chí Cầu Thị (Qiushi) khi khẳng định các nhà giáo trẻ và sinh viên là những đối tượng chính mà các âm mưu thù địch nhắm tới. Trước đó, chính tờ báo này đã buộc tội hai giảng viên đại học, giống như dưới thời cách mạng văn hóa.

Những tuyên bố trên có nguồn gốc trực tiếp từ chỉ thị công bố ngày 19/01 vừa qua của Ủy ban Trung ương Đảng. Theo đó, các trường đại học phải chú tâm tới giảng dạy hơn là nghiên cứu, trừ nghiên cứu chủ nghĩa Mác, phải củng cố nền tảng tư tưởng chung và tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng. Nhiều giảng viên và nghiên cứu Trung Quốc và quốc tế đều có chung một quan điểm rằng chủ trương mới này thể hiện rõ điểm yếu của Đảng và nhà nước trong việc bảo vệ vị trí của mình.

Tại Bắc Kinh, một giảng viên kinh tế ái ngại rằng đây là chính sách đóng cửa và chấm dứt 30 năm nỗ lực cải cách của Trung Quốc. Ông cũng cho rằng chủ trương này sẽ thất bại vì người dân, đang sống trong chính sách mở cửa, sẽ không dễ gì chấp nhận quay lại thời kì trước. Còn theo đánh giá của một giảng viên ngành quan hệ quốc tế, chính quyền đang tìm cách tuyên bố tính chính đáng của mình trên phương diện chính trị thông qua việc khẳng định giá trị chủ nghĩa Mác là bất di bất dịch. Thực tế, Đảng đang tìm cách đưa các trường đại học vào khuôn khổ chính trị.

Một giảng viên khoa học chính trị từ Bruxelles cho rằng cách thao túng tư tưởng trên minh chứng cho sự yếu kém của một chế độ không tin tưởng vào chính những nhà trí thức của mình. Còn trả lời phỏng vấn trên tờ New York Times, một nhà sử học người Mỹ khẳng định từ cuối tháng 01/15, Trung Quốc đang phải đối mặt với hai nguy cơ.

Mối đe dọa bên trong chính là nạn tham nhũng và mối đe dọa bên ngoài là những tư tưởng xấu của phương Tây. Để ngăn chặn nạn tham nhũng, chủ tịch Tập Cận Bình không ngừng hối thúc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng. Còn đối mặt với những giá trị phương Tây, ông cho gia cố « vạn lý trường thành kỹ thuật số ». Song vẫn chưa đủ, vì trong các cơ sở hàn lâm Trung Quốc, có rất nhiều nhà nghiên cứu đã từng du học nước ngoài.

Chiến dịch chống tham nhũng đang tạo ra bầu không khí căng thẳng trong nội bộ Đảng. Nếu chủ tịch Tập Cận Bình kéo chiếc dây chống tham nhũng căng quá, nguy cơ Đảng sụp đổ có thể thành sự thật. Vì thế, trong bối cảnh này, các ý tưởng về tương lai chính trị của đất nước không ngừng nở rộ. Ngay từ bây giờ, Đảng phải đưa ra các biện pháp phòng ngừa và thiết lập khuôn khổ chặt chẽ đối với các cuộc tranh luận trí tuệ và chính trị.

Hồng Kông : Cơn sốt dân tộc chủ nghĩa
Vẫn liên quan tới Trung Quốc, tờ Le Figaro đưa tin : « Cơn sốt dân tộc chủ nghĩa tại Hồng Kông ». Cuối tuần vừa qua, khoảng 400 người Hồng Kông biểu tình chống lại sự ảnh hưởng của người Hoa tại khu thương mại Nguyên Lãng (Yuen Long), gần biên giới với Trung Quốc đại lục.

Họ tố cáo nhà buôn Hoa lục có mặt khắp nơi tại khu vực này, ồ ạt thu mua các mặt hàng xa xỉ để bán lại tại Thâm Quyến với giá đắt hơn. Họ yêu cầu chấm dứt việc cấp « giấy phép ra vào nhiều lần » tạo điều kiện cho việc buôn bán sữa bột, dược phẩm và các sản phẩm hàng hiệu. Công việc thu mua của người Hoa lục gây cản trở đời sống của người dân địa phương và làm tắc nghẽ hệ thống vận chuyển công cộng.

Xuất thân từ tầng lớp bình dân, những người biểu tình thể hiện sự phẫn nộ của một bộ phận lớn người dân trước ảnh hưởng Trung Quốc ngày càng tăng từ năm 1997. Họ kết tội Trung Quốc gây ra những bất ổn mà Hồng Kông phải đối mặt, như giá bất động sản tăng, hay cách hành xử thô lỗ của khách du lịch người Hoa có mặt khắp nơi …

Sau cuộc biểu tình ôn hòa « Occupy Central » không đưa lại kết quả, các lãnh đạo chính của phong trào này tạm thời im tiếng và chia rẽ về cách tiếp tục đấu tranh. Cuộc đụng độ cuối tuần vừa qua minh họa những thách thức đe dọa các phong trào dân chủ. Giáo sư Benny Tai e ngại nguy cơ cực đoan hóa. Vì một số người biểu tình đánh giá rằng việc chiếm đóng ôn hòa không giải quyết được gì nên phải chuyển qua hành động.

Trong khi đó, ngày 03/03 vừa qua, lần đầu tiên, một sĩ quan cao cấp quân đội Trung Quốc đã lên tiếng tố cáo phong trào « hoa dù » là một chiến dịch nhằm lật đổ chế độ. Bài báo kết luận đây là một lời buộc tội nặng nề điềm báo xấu cho những đề xuất cải cách chính trị mà chính phủ hứa công bố vào tháng 4 tới để ngăn chặn quyền phủ quyết của quốc hội.







No comments:

Post a Comment

View My Stats