Vũ Ngọc
Tiến
19/03/2015
Lời
thưa:
Mùa
xuân năm Quý Tỵ (2013) đã từng rộ lên xu hướng các bộ, ngành, địa phương tổng kết
5 năm triển khai nghị quyết TW 7 khóa X về tam nông. Sang xuân Ất Mùi này cũng
lại đang nhen lên những bàn luận mới về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, dường
như là để chuẩn bị cho những quyết sách lớn về đổi mới thể chế kinh tế trong ĐH
đảng lần thứ XII vào năm 2016. Hy vọng là như thế!… Nhớ lại vào dịp xuân-hè năm
2008, một vị có trọng trách ở một Bộ quan trọng đã tìm gặp tôi “đặt hàng” viết
một chuyên luận về tam nông cho các vị lãnh đạo Bộ ấy tham khảo khi dự Hội nghị
TW 7 khóa X. Giáo dục và Tam nông vốn là hai mảng đề tài từ lâu tôi trăn trở viết
bài. Được lời như cởi tấc lòng, tôi đã nỗ lực điều tra, khảo cứu hoàn thành
chuyên luận đó với điều kiện: Tôi không nhận bất kỳ thù lao nào, nhưng cho phép
tôi cắt tỉa những điều căn cốt, tâm huyết nhất trong chuyên luận của mình để viết
thành từng bài báo nhỏ công bố, nếu gặp rắc rối gì thì xin được các vị bảo lãnh
cho tôi. Đương nhiên tôi cũng tự ý thức phải biên tập lại, sửa mềm các tiêu đề,
cắt bỏ một số câu chữ, sự kiên nhạy cảm và đã công bố 6 bài trên báo Văn Nghệ
Trẻ cùng một vài bài khác nữa trên các báo chính thống. Đã 7 năm trôi qua, những
điều nêu trong chuyên luận vẫn còn nguyên mới. Thậm chí, những nhân tố tích cực
ở Vĩnh Phúc hay Thạch Thất (Hà Tây cũ) thì mờ nhạt dần; còn những nhân tố gây bất
ổn kiểu như Phù Chẩn (Bắc Ninh 2008) lại xuất hiện ở nhiều nơi, mức độ cũng trầm
trọng hơn (Tiên Lãng – Hải Phòng, Văn Giang – Hưng Yên…). Nay tôi quyết định tập
hợp các bài viết cũ, chỉnh sửa và khôi phục, bổ sung một số chỗ, công bố lần nữa
trên trang mạng của Văn Đoàn Độc Lập và Bauxite Việt Nam như một tiếng nói phản
biện độc lập và tâm huyết của trí thức văn nghệ sĩ về vấn đề tam nông. Mong được
các nhà hoạch định chính sách, các nhà lý luận, Ban soạn thảo các văn kiện Đại
hội XII đoái hoài xem xét!…
Hà
Nội ngày rằm giêng xuân Ất Mùi
VNT
-------------------------
Bài
1:
Tổng quan về tam nông hiện nay
Vấn
đề tam nông đến thời điểm này, khi mà công cuộc đổi mới đã đi được chặng đường
22 năm ta mới đặt ra cấp thiết, theo tôi là quá muộn. Song dù muộn vẫn còn hơn
không và tôi với cương vị một công dân lâu nay trăn trở với nó, xin góp một đôi
lời. Thực tế cho thấy, nếu lấy mốc Đại hội Đảng VI mà xét thì trong 5 năm đầu đổi
mới kinh tế (1986- 1991) ta chỉ thắng lợi ở lĩnh vực nông nghiệp từ chỗ thiếu
ăn Việt Nam đã vươn lên là nước xuất khẩu gạo hàng đầu của thế giới; còn ở các
lĩnh vực kinh tế khác dường như chúng ta đã gặp nhiều thất bại: Thứ nhất, ta đổi
mới vấn đề phân phối lưu thông dẫn đến lạm phát phi mã, đổ vỡ tín dụng và đặc
biệt hỗn loạn là phong trào đục tường, phá rào để mở cửa hàng buôn bán vòng vo
trốn lậu thuế (nhà nhà đục tường chiếm lấy mặt tiền, các cơ quan công sở,
trường học cũng phá tường rào xây ki-ốt cho thuê khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch
nhác, vô chính phủ). Thứ hai, ở lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành
cơ khí, khai thác mỏ ta càng đổi mới càng bung bét, dẫn tới kiệt quệ bằng công
thức “BAD” nghĩa là các công ty, xí nghiệp đua nhau bán ăn dần vật tư, thiết bị,
nguyên nhiên liệu còn sót lại của thời bao cấp để mà tồn tại qua ngày. Trong 5
năm ấy, xã hội xuất hiện một phong trào “Chi chô mếch” khiến công nhân viên chức
đua nhau bỏ việc cơ quan đi làm nghề chỉ chỏ mối hàng cho đám “con phe” mua bán
vòng vo kiếm hoa hồng… Nhắc lại những sự thật không thể quên thời kỳ đó để ta
càng thấm thía một điều đau lòng: Nông dân là người có công đầu đổi mới, nhưng
ít được thụ hưởng kết quả đổi mới, thậm chí phải gánh chịu nhiều sự thua thiệt.
Có thể nói, từ năm 1992, nhất là từ sau Đại hội Đảng VIII (1996), sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đạt nhiều thành công có phần đóng góp
đáng kể của chính sách mở cửa và nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhưng không thể
phủ nhận nguồn vốn tích lũy ban đầu cho sự nghiệp ấy (cả về tiền ngoại tệ mạnh
và uy tín quốc tế) lại nhờ vào thắng lợi của 5 năm đầu đổi mới trong nông
nghiệp mang lại. Lẽ ra trên đà thắng lợi của nông nghiệp, ngay từ năm 1992,
chúng ta phải nghĩ ngay đến vấn đề tam nông, hoàn thiện hàng loạt chính sách đối
với nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Buồn thay, càng ngày nông dân nước ta lại
càng bị biến thành vật hiến tế cho những tham vọng tăng trưởng nóng và quốc nạn
tham nhũng!…
Nhìn
lại vai trò nông dân trong lịch sử
Các
nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lê đều đã từng nói, khâu yếu nhất của chính quyền
cai trị ở mọi thời đại, mọi thể chế chính trị đều là nông thôn. Điều này càng
đúng với lịch sử Việt Nam ta suốt 2000 năm qua. Thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc, mọi
biến động chính trị dẫn đến khởi nghĩa nông dân giành độc lập đều xảy ra ở thời
điểm và địa bàn nông thôn mà thế lực cai trị phương Bắc áp dụng những chính
sách sai lầm hà khắc nhất, điển hình là cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (Mai
Hắc Đế) được châm ngòi nổ bởi sự đối xử dã man của lũ quan áp tải đồ cống nạp về
nước đối với những người vận chuyển hàng, trong đó có chàng trai nông dân lực điền
họ Mai. Thời kỳ độc lập tự chủ dưới các triều đại phong kiến khoảng 900 năm thuộc
thiên niên kỷ thứ hai, Việt Nam rất hiếm thấy sự biến động chính trị lớn khởi
nguồn từ mâu thuẫn giữa các thế lực chính trị cung đình hay ở kinh đô, ngoại trừ
hai cuộc thoán ngôi của Hồ Quý Ly thời Trần và Mạc Đăng Dung thời Lê. Giai đoạn
lịch sử hỗn tạp, chứa nhiều bất ổn định về an ninh chính trị nhất là khoảng gần
100 năm cuối thời vua Lê – chúa Trịnh thì cũng chỉ có vài cuộc bạo loạn nhỏ và
tức thì ở Đông Đô, do đám kiêu binh gốc quê xứ Thanh gây rối kiểu lưu manh
chính trị, còn chủ yếu và cực kỳ gay cấn, đe dọa triền miên sự tồn vong của
chính thể là 6 cuộc khởi nghĩa và hơn 20 vụ bạo động lớn nhỏ của nông dân,
trong đó có tới 9 vụ liên quan đến đất đai bị quan lại, cường hào cưỡng chiếm.
Nếu chỉ xét trong giai đoạn lịch sử cận hiện đại ở Việt Nam, Trung Quốc và nhiều
quốc gia nông nghiệp khác, tôi lại nhớ nhà cách mạng Đặng Diễn Đạt (Trung Quốc)
năm 1924 đã bị phê phán, khai trừ ra khỏi Quốc tế cộng sản vì bất đồng quan điểm,
khi ông cho rằng ở phương Đông không hề có khái niệm cách mạng vô sản mà chỉ có
khái niệm về cuộc đại cách mạng nhân dân, lấy nòng cốt là những nông dân nghèo
không có ruộng hoặc mất ruộng mà thôi. (Tuyển tập Đặng Diễn Đạt – Nxb Bắc
Kinh 1991). Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng ta trong gần 80 năm qua
cũng đã chứng minh các bậc tiền bối cộng sản luôn khôn khéo nắm lấy phong trào
nông dân, tuyên truyền tổ chức họ thành đội quân chủ lực của cách mạng nên đã đạt
được những thành công rực rỡ, xứng đáng được cả dân tộc thời đó ghi nhận là
chính đảng duy nhất nắm quyền lãnh đạo đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi
khác. Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc vào nửa cuối thế kỷ XX, tư tưởng
chiến lược lấy nông thôn bao vây thành thị là một sáng tạo tuyệt vời của nghệ
thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng do Đảng Cộng sản phát động và lãnh đạo. Thế
nhưng thực tế chiến tranh ở Việt Nam là lấy yếu đánh mạnh nên chiến tranh kéo
dài, sự hy sinh của nông dân là vô cùng to lớn, bất cứ người lãnh đạo nào khi
điều hành đất nước mà quên đi sự hy sinh ấy là có tội với lịch sử. Theo tìm hiểu
của tôi, 30 năm sau cuộc chống Mỹ, hiện chúng ta có 1,1 triệu liệt sĩ, trong đó
500 ngàn có mộ chí quy tập rõ danh tính, 300 ngàn được quy tập nhưng khuyết
danh và 300 ngàn chưa tìm thấy hài cốt để quy tập. Đây là một thực tế đau lòng
làm âm ỉ nỗi đau, chua xót trong các gia đình nông dân bấy lâu lang thang khắp
nơi tìm mộ người thân. Việc chăm sóc phần mộ người đã khuất là tập quán lâu đời
và thiêng liêng của dân tộc ta. Vậy mà khi tham gia cộng tác với nhóm trí thức
trẻ chủ trương lập trang Web “Nhắn tìm đồng đội”, tôi đã từng chứng kiến nhiều
gia đình nông dân tuy người thân có mộ đã quy tập về nghĩa trang liệt sĩ nào
đó, ghi rõ danh tính, quê quán mà bản thân gia đình không hề biết, vẫn lang
thang tìm kiếm?!
Từ
thực tế lịch sử về vai trò người nông dân trong xã hội Việt Nam như vừa điểm
trích theo thư tịch cổ và các tộc phả vùng đồng bằng Bắc Bộ, kết hợp tham khảo
một số công trình nghiên cứu về văn hóa, xã hội học, lịch sử của Nguyễn Đổng
Chi, Đoàn Văn Chúc, Tô Duy Hợp, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Quang Ngọc…, tôi thiết
nghĩ, ta có thể tóm lược thân phận người nông dân Việt Nam trong tiến trình lịch
sử ở 3 cấp độ dân quyền: Thời phong kiến tập quyền (Lý-Trần-Lê-Nguyễn),
họ cam chịu thân phận con người Thần dân, chỉ biết ngoan ngoãn chấp
nhận quyền lực của vua chúa, còn bản thân không hề được vua ban phát một thứ
quyền gì. Thời nô lệ mất nước, họ tình nguyện tự chuyển hóa thành thân phận con
người Quốc dân, dám chấp nhận mọi sự hy sinh để giành độc lập cho
đất nước, bản thân không hề đòi hỏi một thứ gì về quyền và lợi. Sau Cách mạng
mùa thu năm Ất Dậu, lẽ ra người nông dân đã có thể được hưởng thân phận con người
Công dân một cách đầy đủ như mọi dân tộc ở các nước văn minh trên
thế giới, nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh hết chống Pháp rồi chống Mỹ nên người
nông dân một lần nữa vẫn sẵn lòng hy sinh, chấp nhận thêm 30 năm trong thân phận
con người Quốc dân. Đáng tiếc, đã 30 năm kể từ ngày thống nhất đất
nước, trong tư tưởng một số người vì nhiều lý do kém thuyết phục cứ muốn níu
kéo người nông dân ở mãi thân phận con người Quốc dân, chỉ biết
yêu cầu họ hy sinh và đóng góp cho công cuộc phát triển mà đôi khi phớt lờ những
đòi hỏi chính đáng về quyền tư hữu, một thứ quyền rất cơ bản của con người Công
dân trong xã hội hiện đại. Và đó chính là nguyên nhân của mọi nguyên
nhân dẫn đến sai lầm trong chính sách tam nông suốt một thời gian dài.
Sơ
lược về hiện trạng nông nghiệp – nông thôn và nông dân 20 năm gần đây
Trước
hết nói về nông nghiệp, từ năm 1992, sau thắng lợi của 5 năm đầu đổi mới, nông
nghiệp Việt Nam hầu như không có sự phát triển mang tính bứt phá nào đáng kể,
thậm chí ở nhiều nơi, nhiều lúc đã có sự sa sút. Đó là thực tế không thể không
lo ngại ở một nước vẫn đang còn chiếm 70% dân số làm nông nghiệp. Cần phải nói
rõ hơn về cái gọi là thắng lợi trong nông nghiệp giai đoạn 5 năm đầu đổi mới
tuy rất to lớn, nhưng thực chất chỉ nhờ vào thay đổi cơ chế quản lý, giải phóng
sức lao động ở nông thôn chứ chưa hề có sự tham gia đầu tư bài bản của Nhà nước
và cũng rất ít hàm lượng khoa học kỹ thuật đóng góp vào quá trình sản xuất. Vì
không nhìn thấy rõ bản chất của vấn đề như vậy nên ta đã sớm ngủ quên trong thắng
lợi, lơ là quản lý, thiếu đầu tư cho thủy lợi và nghiên cứu khoa học để cải tạo
giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ chế biến. Năm 2005, tôi cùng nhà văn Minh
Chuyên về Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long làm phim tài liệu, rất xúc động trước
tài năng và nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ khoa học nơi đây. Họ đã làm hết sức
mình cho nền nông nghiệp nước nhà, song lẽ ra họ còn làm được nhiều hơn thế nếu
Nhà nước quan tâm đầu tư thỏa đáng. Làm sao ta có thể yên lòng khi miền Tây Nam
Bộ so với Thái Lan có cùng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nhưng họ chỉ trồng 1-2
vụ/năm, còn ta trồng 3 thậm chí 4 vụ trong năm; giá thành 1 tấn thóc của ta cao
hơn họ song chất lượng gạo họ cao hơn, giá trị xuất khẩu 1 tấn gạo của họ cũng
cao hơn ta rất nhiều! (giá gạo Thái Lan trước năm 2006 có loại đạt tới 750
USD/tấn so với 260-280 USD/tấn của Việt Nam) Làm sao ta có thể chấp
nhận một thực tế là đội ngũ khoa học về cơ khí nông nghiệp rất đông đảo, nhiều
người có học hàm học vị cao lại thua một anh Hai Lúa trong thiết kế máy gặt,
máy hút bùn… cho nông dân! Lỗi này ở nhà khoa học một phần thì ở Nhà nước mười
phần nặng hơn…
Nông
nghiệp bấp bênh thể hiện rõ nhất ở khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh
còn yếu kém. Cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp phát triển bền vững chưa bảo đảm, từ
hệ thống đê sông, đê biển, hệ thống thủy lợi từ công trình đầu mối đến kênh mương,
hệ thống giống, bảo vệ động thực vật, thu hoạch bảo quản, cơ sở chế biến. Thiệt
hại vật chất do thiên tai, dịch bệnh hằng năm rất lớn, lên đến trên dưới 1%
GDP, tác động chủ yếu đối với nhóm ngành nông, lâm nghiệp – thủy sản, trong khi
nhóm ngành này hiện chỉ còn chiếm 20% GDP. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nhóm
ngành nông, lâm nghiệp – thủy sản mấy năm nay có xu hướng giảm dần (năm 2000
tăng 7,3%, năm 2005 tăng 4,9%, năm 2007 tăng 4,6%), trong đó nông nghiệp còn giảm
mạnh hơn (tương ứng là 5,4%, 3,2% và 2,9%); còn tốc độ tăng giá trị sản xuất
chăn nuôi giảm mạnh liên tục trong ba năm nay (năm 2005 tăng 11,4%, năm 2006
tăng 7,3%, năm 2007 tăng 4,6%) và liên tục bị dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm
long móng, dịch lợn tai xanh đe dọa. Sản lượng lương thực bình quân đầu người
đang giảm dần. Diện tích đất trồng lúa đang giảm mạnh trong khi dân số cả nước
vẫn còn tăng lớn. Theo kết quả điều tra tại 16 tỉnh, thành phố về tình trạng đất
nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị (KCN, KĐT) vừa
được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố, trong vòng 5 năm
qua, cả nước đã có hơn 366.000 ha đất nông nghiệp bị thu hồi. Trong khi dân số
và nhu cầu lương thực đang ngày một gia tăng, đất nông nghiệp lại đang bị nhiều
địa phương thu hồi một cách vô tội vạ. Tình trạng này đã diễn ra trong một thời
gian dài đã khiến cho người nông dân nhiều địa phương trong cả nước rơi vào
tình trạng không có đất canh tác. Phần lớn số tiền đền bù đất mà người nông dân
nhận được, chủ yếu được dùng vào việc mua sắm, xây dựng nhà ở; rất ít người
dùng tiền đền bù để đầu tư chuyển sang ngành nghề khác. Điều này đã dẫn đến
tình trạng, số lao động dôi dư (nhất là lứa tuổi từ 35-60) tại các địa phương
trong cả nước chiếm số lượng rất lớn. Tài liệu nghiên cứu ở Vụ Lao động – việc
làm (Bộ LĐ-TB&XH) năm 2007 cho biết, trung bình mỗi hộ nơi bị thu hồi đất
có 1,5 lao động mất việc làm; trong đó, đứng đầu là Hà Tây (35.703 người), Vĩnh
Phúc (22.800 người), Đồng Nai (12.295 người)… Theo giải thích của những người
có trách nhiệm ở địa phương thì sở dĩ xảy ra tình trạng này là vì số nông dân tại
các nơi đó được tuyển dụng vào làm việc tại các KCN chiếm tỷ lệ rất ít do trình
độ lao động, tay nghề không đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên gần đây, khi về Phù
Chẩn – Bắc Ninh viết bài về những tiêu cực trong thu hồi đất, tôi đã có cơ hội
tìm hiểu rõ hơn thực trạng này ở một tỉnh sát kề thủ đô Hà Nội. Từ năm 2001 đến
nay, tỉnh Bắc Ninh đã thu hồi hơn 3.000ha đất nông nghiệp. Theo kế hoạch, đến
năm 2010, Bắc Ninh sẽ có tổng số 8 KCN tập trung và việc thu hồi đất chắc chắn
sẽ không dừng ở con số trên. Cũng theo dự kiến, đến năm 2015, Bắc Ninh sẽ có
14-15 KCN tập trung và phải thu hồi diện tích gần 8.700ha. Số đất này đã chiếm
tới hơn 10% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Thế nhưng chỉ tiếp cận một dự án
liên quan đến điểm nóng Phù Chẩn đã thấy ở Bắc Ninh tồn tại nhiều vấn đề sai lầm
nghiêm trọng về chính sách tam nông (xem bài trên Văn Nghệ Trẻ số 14 và 17+
18, bộ số năm 2008). Chúng ta không thể công nghiệp hóa bằng mọi giá, thu hồi
đất vô tội vạ, bất chấp mọi phản ứng của nông dân như ở Phù Chẩn bởi vì rõ ràng
chính quyền cơ sở ở đây đã coi trọng lợi ích nhà đầu tư hơn cả sự sống còn của
hơn 8000 nông dân! Mở rộng việc khảo sát ra vài tỉnh khác tôi cũng thấy tình trạng
tương tự. Tỉnh Hưng Yên có 53.000 ha đất nông nghiệp. So với năm 2003, giảm khoảng
5.000 ha. Đất nông nghiệp giảm mạnh là do bị thu hồi để làm các KCN, đường giao
thông, nhưng nông dân bị thu hồi đất không được đền bù thỏa đáng dẫn đến khiếu
kiện vượt cấp triền miên… Thanh Hóa, dù quá trình đô thị hóa công nghiệp hóa tại
đây chưa thực sự mạnh mẽ, nhưng hiện tượng thu hồi đất nông nghiệp chuyển sang
mục đích sử dụng khác là vấn đề rất đáng quan tâm. Ở các vùng ven đô thành phố
Thanh Hóa, các thị xã như Bỉm Sơn, Sầm Sơn, có rất nhiều hộ dân bị thu hồi hết
đất nông nghiệp. Ngay tại làng Tạnh, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hoá, Nhà
nước cũng thu hồi mất 1/2 diện tích đất nông nghiệp. Khi thu hồi, Nhà nước và
doanh nghiệp có hỗ trợ cho các hộ dân mấy chục triệu đồng/ sào Trung Bộ để tìm
việc làm, nhưng gần như chẳng có ai tìm được việc làm bằng số tiền hỗ trợ đó.
Cũng vì thế, các tệ nạn xã hội phát triển mạnh hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến an
ninh trật tự địa phương. Đảng bộ và chính quyền tỉnh Thanh đã phê duyệt
quy hoạch chi tiết 8 khu công nghiệp phục vụ chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại
hóa xứ Thanh bao gồm: Lễ Môn, Lam Sơn, Hà Trung, Bỉm Sơn, Vân Du – Thạch Thành,
Như Thanh, Hậu Lộc và đặc biệt là khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn. Riêng khu
công nghiệp hóa dầu Nghi Sơn đã chiếm hết 1,8 ngàn ha ruộng đất của 12 xã thuần
nông, song khi tôi cộng tác với VTV làm phim tài liệu về dự án này chỉ thấy
lãnh đạo tỉnh hồ hởi phát biểu về tầm quan trọng của dự án được đầu tư nhiều tỷ
USD mà không thấy nói gì về an ninh lương thực và ổn định đời sống cho nông dân
12 xã này sau khi bị thu hồi hết đất nông nghiệp.
Khoảng
3-4 năm lại đây, trong việc thu hồi đất giao cho chủ đầu tư nước ngoài, đáng
quan ngại nhất là nhiều vị lãnh đạo địa phương bị mê hoặc bởi mối lợi trước mắt
đã dấy lên phong trào ký duyệt vô tội vạ dự án làm sân golf nằm gần thành phố,
thị xã làm mất đi diện tích lớn trồng lúa nước tốt nhất. Ai cũng biết sân golf
có đặc điểm chiếm đất nhiều, thu hút lao động rất ít và là lao động không có
tay nghề. Đối tượng phục vụ của sân golf là những ông chủ nước ngoài đang sinh
sống ở Việt Nam và những cư dân đô thị giàu có. Nhìn ra các nước ta thấy họ đầu
tư sân golf ở những nơi đất trống đồi trọc, vừa để cải tạo môi trường, vừa thu
lợi từ lớp người giàu. Còn ở ta, số ông chủ nước ngoài không nhiều, khách đến
sân golf là lớp người mới giàu phất lên, học làm “dân quý tộc” nên mới chỉ tập
chơi golf là nhiều. Họ muốn có chỗ chơi ở gần đô thị lớn nên chỉ một tỉnh Long
An đã có đến 34 dự án sân golf, đa phần là ruộng tốt trồng lúa. Mới đây dư luận
lại xôn xao phản ứng ông Phó Chủ tịch Long An vừa ký thêm một dự án cho người
Hàn Quốc xây dựng nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng trên diện tích 25 ha đất trồng
lúa cao sản nổi tiếng một thời.
Một
hiện tượng mất ruộng canh tác tốt ở các tỉnh, huyện miền núi ít được các nhà quản
lý quan tâm và dư luận báo chí đề cập, nhưng với cách nhìn của tôi cũng rất
đáng lo ngại. Đó là tình trạng xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ
tràn lan như hiện nay. Mỗi công trình hồ chứa thủy điện dù nhỏ cũng đều lấy đi
hàng chục đến hàng trăm ha ruộng trồng lúa nước ở thung lũng giữa núi và trước
núi. Ở các nơi đó, diện tích trồng lúa vốn đã rất khan hiếm, nếu mất đi ngần ấy
diện tích là tỷ lệ không nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực của đồng
bào các dân tộc trong vùng. Mặt khác, nếu không có sự nghiên cứu, tính toán kỹ
lưỡng thì việc có quá nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ sẽ tác động tiêu cực
trở lại đối với động thái dòng chảy của các lưu vực sông lớn, đe dọa cả các hồ
chứa nước ở các công trình thủy điện lớn quốc gia…
Tôi
luôn cảm thấy ray rứt trước lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi còn sống có lần
ông phải thốt lên: “Nông dân của ta đang bị gạt ra rìa khỏi sự phát triển đất
nước!”. Nói như vậy vẫn còn nhẹ bởi thực tế nhiều địa phương qua tham vọng phát
triển công nghiệp và đô thị hóa đã vô tình đẩy nông dân vào chỗ bị bần cùng
hóa, biến họ thành vật hiến tế cho những tham vọng tăng trưởng nóng và lợi ích
nhóm. Thử hỏi nếu một địa phương chưa hội đủ các yếu tố về nhân lực, vật lực và
các yếu tố cần thiết để có thể phát triển công nghiệp, chưa có bài toán cho lối
ra của nông dân khi bị thu hồi đất thì liệu có phát triển công nghiệp được
không? Và qui hoạch để xây dựng các khu công nghiệp làm gì khi mà vẫn chưa có
thể giải quyết được hậu quả từ việc thu đất của nông dân? Với nông dân, có đất
coi như là đã sống vì ít nhất họ cũng đủ cơm ăn từ những thửa ruộng của mình.
Giờ đây, khi đất canh tác của nông dân bị qui hoạch để làm công nghiệp, trong
khi chính quyền địa phương lúng túng và không có hướng đi rõ ràng nào cho người
nông dân mất ruộng, những người này ngoài việc chỉ biết cày cấy ra không biết
làm gì cả! Không nghề nghiệp, không trình độ! Trong một cuộc hội thảo gần đây ở
thành phố Hồ Chí Minh, GS Tương Lai dẫn kết quả điều tra vào năm 2006 cho biết,
trong 8 xã được khảo sát ở đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và ĐBSCL thì lao động
dưới 40 tuổi không còn, hầu hết lao động đều bỏ lên các đô thị để kiếm việc
làm. Riêng tại Thái Bình, 45% lao động đã chuyển khỏi nông nghiệp, 200.000 người
phải đi làm ăn xa. Lao động trẻ bỏ đi cầu thực nơi xa, chỉ có những người thất
thế và phụ nữ phải ở lại. Đó là những lao động không còn cách nào khác nên phải
bám lấy nông nghiệp… Nông dân phải rời xa nông nghiệp, nông thôn không chỉ vì
nghèo đói mà còn do vấn nạn mất đất nông nghiệp. Việt Nam hiện có 4,1 triệu ha
trồng lúa, trong đó có 3,4 triệu ha được đầu tư thủy lợi hoàn chỉnh, nhưng mỗi
năm có hơn 70.000ha đất trồng lúa đã đầu tư thủy lợi bị mất đi với lý do chuyển
mục đích sử dụng. Với việc chuyển đổi mục đích sử dụng này, chưa kể số tiền đã
đầu tư thủy lợi bị mất xấp xỉ 7.000 tỉ đồng cho diện tích bị thu hồi đó, hàng
loạt nông dân vốn sống nhờ vào nông nghiệp cũng bị mất việc làm. Chẳng hạn tại
Bắc Ninh, sau khi ruộng đất bị thu hồi để làm khu công nghiệp, chỉ có 5-6% nông
dân dôi dư tìm được việc làm, 94% còn lại chẳng biết xoay xở như thế nào. Trong
một đợt kiểm tra mới đây ở Đồng Tháp, các cơ quan chức năng phát hiện có đến
70% sản lượng phân bón bán ra của các đại lý là phân bón giả, được sản xuất bằng
cách lấy… đất sét rồi nhuộm màu. Thế nhưng, các địa chỉ bị phát hiện bán phân
giả chỉ bị phạt 2 triệu đồng, vô cùng nhỏ so với thiệt hại của nông dân! Vấn đề
cá ba sa, cá tra hiện nay như một điển hình về sự bất cập trong qui hoạch, làm ảnh
hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ngay cả những nông dân bậc trung hoặc
giàu chỉ vì năng động, táo bạo trong sản xuất cũng phải gánh chịu nhiều rủi ro
bởi khi được mùa, xuất khẩu thuận lợi thì họ bị các doanh nghiệp và tư thương
làm cho rớt giá để tước đoạt lợi nhuận; còn khi mất mùa hoặc hợp đồng xuất khẩu
gặp trục trặc thì họ bị người ta bội tín, bỏ rơi cho đến lúc phá sản, nhưng Nhà
nước không hề có chế tài hay động thái gì bảo hộ cho nông dân. Thế nên mới xảy
ra hiện tượng nông dân ở Ban Mê Thuật phá café trồng hồ tiêu rồi lại phá hồ
tiêu trồng café, xoay như đèn cù mà dở khóc dở cười!…
Lại
bàn tiếp về thực trạng xã hội nông thôn hiện nay. Vấn nạn nhìn thấy rõ nhất là
tình trạng thất học, cờ bạc, lô đề, nghiện hút, mê tín dị đoan, lễ hội biến tướng…,
đang phát triển tràn lan ở các làng quê từ miền xuôi lên cả miền ngược. Điều
này xét cho cùng là hệ quả của nền giáo dục ở nông thôn đang bị xuống cấp
nghiêm trọng. Những thành quả rực rỡ về giáo dục trước năm 1975 của đất nước
đang bị xói mòn bởi cơ chế kinh tế thị trường và sai lầm trong cải cách giáo dục
diễn ra ở thành thị tác hại 1 phần thì ở nông thôn nặng gấp10 lần. Một vấn nạn
thứ hai cũng khá nghiêm trọng và rõ nét là môi trường ở nông thôn đang bị ô nhiễm
nặng nề. Tôi không thể hiểu được vì sao với các ông chủ đầu tư nước ngoài thì
ta quá dễ dàng cho họ chuyển đổi mục đích sử dụng một diện tích lớn đất canh
tác, nhưng với nông dân ở các làng xã ta lại quá chặt chẽ, hà khắc trong việc
xét duyệt nới rộng diện tích thổ cư từ đất thổ canh theo từng chu kỳ thời gian
hợp lý để giãn dân cho từng hộ có đủ quỹ đất thực hiện mô hình VAC truyền thống.
Hơn 30 năm sau chiến tranh, mỗi hộ gia đình cũ nay đã sinh thêm ít nhất 2 thế hệ,
có nhu cầu tách hộ, nhưng quỹ đất có hạn nên sân, vườn bị thu hẹp, thậm chí mất
hẳn, phá vỡ cân bằng sinh thái. Tôi có dịp về làm phim tài liệu ở làng Thổ Hà –
Bắc Ninh cảm thấy sững sờ vì nông dân ở đây sống chen chúc đến nghẹt thở trong
không gian tù túng, chật hẹp không khác gì phố cổ giữa lòng Hà Nội. Đi khắp các
làng quê đồng bằng Bắc Bộ giờ đây tôi khó tìm thấy nhà có sân rộng, vườn cây đủ
lớn, ao hồ bị san lấp gần hết và đặc biệt là hình ảnh lũy tre Việt Nam cứ thưa
vắng dần. Rác thải và nước thải sinh hoạt không có chỗ tiêu thoát. Ở các làng
nghề còn thêm nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sạch và khói bụi thải ra từ các lò
than… Vấn nạn thứ ba, chưa bao giờ trong lịch sử nước ta kể từ Cách mạng mùa
thu năm Ất Dậu các tệ nạn mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, lừa bịp tâm linh
và các sinh hoạt phản văn hóa khác nấp bóng lễ hội truyền thống lại lan tràn phổ
biến, hoạt động công khai ở nông thôn như hiện nay. Đi viết bài hoặc làm phim
tài liệu ở nhiều nơi, tôi đã tận mắt chứng kiến vài hiện tượng mất dân chủ
trong bầu cử HĐND xã, bầu các chức vụ lãnh đạo cấp thôn, cấp xã diễn ra trắng
trợn bằng gian lận phiếu, thủ đoạn đe dọa hoặc mua chuộc cả bằng tiền làm nhức
nhối tâm thế cộng đồng làng xã…
Hà
Nội, xuân hè 2008
V.
N. T.
Tác
giả gửi BVN.
------------------------
Vũ Ngọc
Tiến
21/03/2015
Bàn
về tam nông nước ta hiện nay (bài 2):
“Tam
nông” là thuật ngữ du nhập từ Trung Quốc, còn “Chính sách về tam nông” là ta
đang học tập kinh nghiệm từ nước láng giềng phương Bắc có chung một hệ lụy của
vòng kim cô tư tưởng Stalinits, Maoist, song như lời ông Lê Huy Ngọ – nguyên Bộ
trưởng Bộ Nộng nghiệp & Phát triển Nông thôn: “Không phải kinh nghiệm nào của
nước ngoài áp dụng vào nông nghiệp Việt Nam đều tốt, nếu như ta không vận dụng
nó phù hợp với thực tiễn của nước mình”. Thật vậy, Trung Quốc có lý do để lấy
nông nghiệp làm điểm đột phá sản xuất hàng hóa và là trọng tâm của chính sách
tam nông bởi suốt một thời gian dài, mô hình Công xã nhân dân có quy mô rất lớn,
một Đại đội sản xuất của công xã của họ cũng lớn bằng 5-10 xã của Việt Nam. Vì
thế, sau khi khoán ruộng, họ không phải lo dồn điền đổi thửa, đất và người đều
đã quá quen thâm canh một loại cây lương thực hoặc cây công nghiệp. Năm 1994,
tôi cùng Ban lãnh đạo huyện Giao Thủy (Nam Định) đi tham quan nông thôn Quảng
Tây, tận mắt chứng kiến quanh một nhà máy chế biến là mênh mông vùng cây nguyên
liệu mà thèm muốn được như họ. Và vì thế họ có điều kiện ứng dụng mọi tiến bộ
khoa học, hướng nông dân nhập cuộc ngay với xu thế sản xuất hàng hóa lớn. Ở Việt
Nam ta, sau 22 năm đổi mới, hiện 25 triệu nông dân trong độ tuổi lao động vẫn
cày bừa trên 70 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ, phân tán làm sao ứng dụng tiến bộ khoa
học và sản xuất hàng hóa lớn? Trong bối cảnh đó, chính sách bất cập về ruộng đất,
sự bội tín của doanh nghiệp và nhiều tiêu cực khác ở nông thôn chẳng những đã đẩy
nông dân tới chỗ bị bần cùng hóa, chán ruộng, ly quê cầu thực, còn tiềm ẩn nguy
cơ bất ổn định xã hội! Có lẽ ở Việt Nam hiện nay, vấn đề nông dân mới là khâu đột
phá, là trọng tâm của chính sách tam nông bởi họ đang phải chịu đựng quá nhiều
sự bất hợp lý, cần được đối xử công bằng hơn, nhân bản hơn.
Phận
nghèo đeo đẳng
Tôi
từng có dịp điều tra đời sống nông dân trong thời kỳ mô hình hợp tác xã quan
liêu, bao cấp còn ngự trị, cảm thấy xót xa trước cái nghèo, khâm phục sức chịu
đựng phi thường của họ. Hãy lấy số liệu thống kê năm 1975 làm thước đo cái
nghèo của nông dân miền Bắc khi chiến tranh vừa kết thúc: Thu nhập bình quân đầu
người/tháng tính bằng tiền của nông dân đồng bằng Bắc bộ hồi đó là 18,68 đồng/người,
nhưng nếu tính theo giá cả sinh hoạt trên thị trường hồi ấy thì thu nhập chỉ
còn 14,10 đồng/người (tương đương 20 kg gạo trên thị trường tự do). Với mức thu
nhập ấy, nếu không ăn độn ngô, khoai thì người nông dân không còn tiền chi dùng
cho sinh hoạt, học tập cho con cái, càng không thể có tích lũy. Tréo ngoe còn ở
chỗ khi tôi đi sâu vào cơ cấu thu nhập nghèo khổ ấy lại bật ra điều nghịch lý đến
khó tin ở mắt mình: Thu nhập từ hợp tác xã chỉ có 35,45%, còn thu nhập ngoài hợp
tác xã từ ruộng 5% đạt 52,40% và thu nhập từ nguồn khác (chạy chợ, làm thêm nghề
thủ công, làm thêm ngoài thành phố, thị xã…) là 12,15%. Có thể nói, người nông
dân bước ra khỏi cuộc chiến tranh đã phải chịu cảnh nghèo khó tưởng như không
thể nghèo hơn được nữa. Sự nghèo ấy tiếp diễn kéo dài, đến năm 1981 với khoán
100 và nhất là năm 1988 với khoán 10, đời sống nông dân mới được cải thiện dần.
Cũng chính nhờ khoán ruộng, sức lao động được giải phóng, người nông dân Việt
Nam với bản tính cần cù, từ năm 1991 đến nay đã làm nên kỳ tích đưa nước ta từ
chỗ thiếu ăn vượt lên trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Ở thời
điểm 1991, mức sống của nông dân so với đại bộ phận cư dân đô thị không có sự chênh
lệch đáng kể. Song quy luật phát triển đất nước đang chứng minh khoán ruộng đã
hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó. Theo đà tăng trưởng kinh tế, mức sống của cư
dân đô thị đang tăng nhanh rất nhiều so với nông dân vì cơ cấu giá trị nông
nghiệp trong GDP ngày càng suy giảm. (GDP của công nghiệp tăng khoảng 20% đầu
những năm 1990 lên 40 % trong những năm gần đây, trong khi GDP của nông nghiệp,
từ 38% giảm còn khoảng 20%.) Trong tư duy của không ít nhà quản lý nảy sinh
sự coi thường nông nghiệp, phũ phàng gạt nông dân ra bên rìa của công cuộc phát
triển, để mặc họ tự bơi trong cảnh khốn cùng. Kết quả điều tra cho thấy, trong
các nhóm hộ nghèo và cận nghèo (theo chuẩn nghèo cũ) trên toàn quốc thì
nông dân chiếm 90%, cư dân đô thị chỉ có 10%. Nếu tính theo chuẩn nghèo mới của
thế giới (từ năm 2004 lấy mức chi tiêu dưới 2 USD/ngày thay vì 1 USD/ngày
như trước đây), Việt Nam vẫn còn trên 50% dân số thuộc diện nghèo, chủ yếu
là nông dân các vùng thuần nông và nhất là miền núi phía Bắc. Hai vựa lúa lớn
là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long vẫn có trên 40% số hộ nông
dân thuộc diện nghèo theo chuẩn nghèo mới. Năm 2003, thu nhập từ nông nghiệp ở
đa số vùng thuần nông chỉ bảo đảm tự túc về lương thực là chính, khoảng 30% –
40% thu nhập chi phí vào ăn uống trong gia đình, nếu không tính thu nhập thêm từ
chăn nuôi hoặc đi làm thuê cho các hộ giàu. Qua tìm hiểu của tôi, tính trung
bình một hộ nông dân đồng bằng Bắc bộ có 4- 5 người, 6- 7 sào ruộng, thu nhập mỗi
năm từ trồng 2 vụ lúa, 1 vụ ngô đông hay đỗ tương, trừ mọi chi phí, tổng cộng
chỉ đạt 17,9 triệu đồng, cỡ 3,6 triệu/1 người/năm, làm sao thoát nghèo?! Tâm lý
chán ruộng, bỏ quê đi cầu thực nơi xa đã thành phổ biến ở các làng quê Nam Định,
Thái Bình, Thanh Hóa… Tôi đã tìm gặp và hỏi chuyện nhiều người quanh khu đô thị
Trung Hòa – Nhân Chính, thuộc các đối tượng nam giới (thợ xây, xe ôm, bốc
vác), nữ giới (thu mua giấy vụn, bán báo, bán hàng rong, giúp việc gia
đình), họ đều nói: “Nếu cả hai vợ chồng cùng ra Hà Nội kiếm ăn, trung bình
mỗi tháng kiếm được 1,0-1,5 triệu đồng/người, ăn tiêu dè xẻn, hai vợ chồng mang
về nhà khoảng 20-25 triệu/năm lo học cho con và chi dùng cho cả nhà, kể cả hiếu
hỉ, giỗ tết là vừa hết. Dẫu sao vẫn còn hơn ở nhà quanh năm cắm mặt xuống đồng,
giàu nhà quê không bằng ngồi lê Hà Nội cơ mà!”. Tôi lại hỏi: “Đã chán ruộng bỏ
quê đi làm ăn sao không bán quyền sử dụng mấy sào đất ấy đi mà làm vốn?” Họ đồng
thanh đáp: “Ấy chết, tha hương cầu thực ở nơi đất khách thì bấp bênh lắm! Ngộ
nhỡ cùng đường phải về quê, chúng tôi vẫn còn có ruộng, không lo chết đói.” Hóa
ra cái nguồn bảo hiểm duy nhất cho người nông dân cuối cùng vẫn là ruộng đất.
Tôi nghe mà đắng đót trong lòng!…
Mất
mát nhiều và phi lý
Mất
mát đầu tiên và lớn nhất của người nông dân hiện nay, buồn thay lại cũng là mất
ruộng, nguồn bảo hiểm duy nhất cho cảnh nghèo của họ. Trong nhiều bài viết, tôi
đã trình bày khá kỹ những số liệu thống kê và hậu quả của sự mất mát này. Ở đây
chỉ đi sâu thêm về khía cạnh lịch sử và pháp luật của nó.
Trong
quá khứ, khẩu hiệu “người cày có ruộng” là động lực để người nông dân chấp nhận
hy sinh, mất mát làm cuộc cách mạng “long trời lở đất”. Khi cách mạng thành
công, họ chỉ được làm chủ thật sự mảnh ruộng của mình vài năm rồi sang tay cho
tập thể nên sản xuất đình trệ, đời sống thiếu đói. Từ ngày khoán ruộng, dù theo
hiến pháp đất đai là sở hữu của toàn dân, nhưng quyền sử dụng đất vẫn là tài sản
của họ, lẽ ra họ phải có quyền định đọat về ruộng đất, nhưng cái quyền cơ bản ấy
lại đang nằm trong tay một số ít người trong hệ thống chính quyền từ cơ sở thôn,
xã lên huyện và tỉnh. Về bản chất, mỗi hộ nông dân là một “doanh nghiệp” nhỏ,
trong đó hàm chứa sự đầu tư và quá trình sản xuất khép kín, tạo ra của cải vật
chất cho xã hội mà tư liệu sản xuất chủ yếu của “doanh nghiệp” ấy là ruộng đất.
Theo luật dân sự và luật doanh nghiệp, nó phải bình đẳng với bất cứ doanh nghiệp
nào trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài. Loại trừ việc mất ruộng cho các công
trình vì lợi ích quốc gia, khi một doanh nghiệp hay nhà đầu tư nước ngoài muốn
sử dụng tư liệu sản xuất là ruộng đất của người nông dân với tư cách là chủ một
“doanh nghiệp”, tất yếu phải thông qua thương lượng trực tiếp với họ, đền bù thỏa
đáng bằng tiền hoặc cho họ góp cổ phần bằng tư liệu sản xuất (ruộng đất)
của mình mới là hợp pháp. Trên thực tế, người nông dân chưa bao giờ được thương
lượng trực tiếp với đối tác, chỉ gián tiếp bị chính quyền địa phương ép buộc nhận
đền bù với giá rẻ mạt. Sự mất mát to lớn này là không hợp đạo lý, sai cả về luật
pháp, tiềm ẩn nguy cơ của tệ nạn tham nhũng. Có lẽ đây mới chính là “tim đen” của
những người nhân danh “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” để kiên
trì khống chế quá trình tích tụ ruộng đất ở nông thôn bằng chính sách hạn điền.
Bởi lẽ, nếu ở một nơi nào đó xuất hiện nhân tố mới, đủ tiềm lực vốn, có tâm, có
tài tích tụ ruộng đất lớn, hình thành các pháp nhân đầy đủ của doanh nghiệp tư
nhân nông nghiệp theo mô hình sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật
tiên tiến thì theo luật các nhóm lợi ích dễ gì trưng thu đất đai của họ, dễ gì
độc quyền xuất khẩu lúa gạo và nông sản hay ca mãi bài ca được mùa thì rớt
giá…!?
Rủi
ro nhiều, nhưng ít được Nhà nước quan tâm và bảo hộ
Dường
như ta đang ngủ quên trên cái danh hiệu nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, lại
quá say sưa với phát triển nóng các khu công nghiệp, khu đô thị nên ngân sách
Nhà nước đầu tư cho nông nghiệp không được quan tâm đúng mức. Thực vậy, theo số
liệu của Tổng cục Thống kê, ngân sách đầu tư cho nông nghiệp đang giảm mạnh. Lấy
mốc năm 2000 và 2005 để so sánh: Tỷ trọng vốn đầu tư cho nông – lâm nghiệp từ
11,39% giảm còn 7,17%. Các ngành kinh tế khác như công nghiệp chế biến từ
19,30% tăng lên 21,56%. Đặc biệt là các ngành vận tải và thông tin có mức tăng
đầu tư vốn cao nhất: từ 13,17% lên 16,13%. Trong khi đó, cơ cấu sử dụng lao động
lại tập trung cao nhất ở nông nghiệp, chiếm 53,3% lao động cả nước, cỡ 25 triệu
người (2005). Cơ cấu đầu tư vốn không tương xứng với cơ cấu sử dụng lao động,
cho thấy chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước đang hướng tới tăng trưởng nóng
hơn là hướng tới sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển, công bằng
xã hội và kẻ chịu thiệt thòi nhất lại vẫn là nông dân. Sản xuất nông nghiệp có
đặc thù thời gian tạo ra sản phẩm dài hơn gấp nhiều lần sản xuất công nghiệp;
lao động của nông dân chỉ tác động vào quá trình sinh trưởng của cây trồng, vật
nuôi chứ không quyết định được năng suất và chất lượng sản phẩm, bởi còn tùy
thuộc vào giống, thời tiết, dịch bệnh và nhiều yếu tố khách quan khác. Vậy nên
nông dân luôn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, có khi phá sản vì nó. Kết quả
điều tra gần đây về các loại rủi ro bất khả kháng: bệnh dịch, mất mùa (47,3%),
người thân ốm chết (40,7%), thiên tai (12,0%). Đáng lưu ý là có 39,5% hộ bị rủi
ro kể trên không hoàn toàn hồi phục trở lại, thậm chí 30% số hộ bị sốc lâu dài,
phải bán nhà cửa hay cho con cái nghỉ học. Thiên tai, dịch bệnh dù là rủi ro bất
khả kháng, nhưng nếu Nhà nước quan tâm đầu tư khoa học về dự báo, biện pháp
phòng ngừa sẽ giảm thiểu thiệt hại cho nông dân. Những rủi ro ập đến bởi con
người gây ra như giống kém chất lượng, phân bón hay thuốc trừ sâu rởm, thức ăn
chăn nuôi rởm… Nhà nước thiếu hẳn những chế tài đủ sức răn đe và khi thiệt hại
xảy ra, nông dân không được bồi thường. Hàng chục vạn nông dân nghèo phải đi
bán sức lao động ở nước ngoài, gửi về nước nhiều tỷ USD, nhưng khi họ bị ngược
đãi ở Đài Loan, Hàn Quốc hay khi xảy ra tai nạn chết người hàng trăm vụ ở
Malaysia, sao sự quan tâm của các cơ quan hữu trách rất hời hợt, vô cảm!? Hiện
tượng nông dân đồng bằng sông Cửu Long được mùa bị tư thương làm cho rớt giá để
tước đoạt lợi nhuận diễn ra nhiều năm, Nhà nước vẫn không tìm ra giải pháp ngăn
chặn. Hay việc doanh nghiệp bội tín, không mua sản phẩm, điển hình như nông dân
huyện Ninh Hòa – Phú Khánh vừa qua tự đốt hàng ngàn tấn mía vì không bán được
cho nhà máy đường của tỉnh lẽ ra phải có chế tài buộc doanh nghiệp bồi thường
thỏa đáng cho nông dân. Một vấn đề nóng bỏng liên quan mật thiết đến việc mất đất,
có nơi mất hẳn nghề nông là hệ thống đào tạo nghề cho nông dân rất mỏng và yếu
đã góp phần xô đẩy họ gia nhập vào đội quân thất nghiệp nghèo, thậm chí cực
nghèo ở đô thị sau khi bị thu hồi đất. Đại hội Đảng lần thứ X đặt ra mục tiêu đến
năm 2020 nước ta sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Từ nay đến đó chỉ
một khoảng thời gian rất ngắn, lao động nông nghiệp trong cơ cấu chung cả nước
phải tụt xuống chỉ còn khoảng 23% thay vì 67% như hiện nay. Theo lời Bộ trưởng
Cao Đức Phát, mỗi năm cần đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu thanh niên nông thôn.
Kế hoạch hỗ trợ nông dân mất ruộng đó liệu có khả thi, nếu ta không nhanh chóng
đầu tư phát triển hệ thống trường nghề và đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp cho
con em nông dân ngay từ các trường phổ thông? Tôi lo kế hoạch ấy sẽ bị bở rơi
như nông dân đã từng bị bỏ rơi thành vật hiến tế cho những tham vọng tăng trưởng
nóng và cho các nhóm lợi ích!…
Lời
kết
Sự
công bằng là một trong những tiêu chí hàng đầu của xã hội văn minh, huống chi mỗi
người Việt Nam hôm nay đều đang mắc nợ nông dân trong hai cuộc chiến tranh vệ
quốc. Hy vọng rồi đây chính sách tam nông sẽ có những thay đổi đột biến theo hướng
tích cực và công bằng cho những người nông dân cần cù, đôn hậu, vị tha. Và đó
cũng chính là nhân tố quan trọng đảm bảo phát triển bền vững của nước ta trong
kỷ nguyên hội nhập.
Hà
Nội xuân hè 2008
V.N.T.
Tác
giả gửi BVN.
No comments:
Post a Comment