Wednesday, 4 March 2015

Áp lực nào khiến một luật sư phải bỏ nghề? (Mặc Lâm - RFA)





Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-03-04

Luật sư Nguyễn Thanh Lương, ảnh chụp trước đây.   Courtesy photo

Luật sư Nguyễn Thanh Lương, khuôn mặt quen thuộc bảo vệ cho nhiều tù nhân lương tâm như Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Đinh Đăng Định hay Lô Thanh Thảo và đặc biệt trường hợp của ông Hoàng Văn Ngài, đã quyết đinh bỏ nghề và lui về làm việc như một công chứng viên thay vì một luật sư được hàng trăm khách hàng yêu mến. Điều gì đã làm người luật sư nhân quyền này bỏ cuộc?

Những áp lực ngầm

Mặc Lâm: Thưa Luật sư, xin ông vui lòng cho biết việc ông thôi không hành nghề luật sư nữa là do quyết định cá nhân hay từ một văn bản pháp luật nào buộc ông thôi hành nghề?

LS Nguyễn Thanh Lương: Cái vấn đề này nó không có văn bản ông ạ. Như ông cũng thấy rõ là do nhiều áp lực phải bỏ thôi đó là sự lựa chọn để cho tồn tại và phù hợp với hoàn cảnh cá nhân. Thật tình mà nói chưa đến mức như vậy nhưng mà trong bối cảnh xã hội thì nó có nhiểu chuyện để nói

Mặc Lâm: Vâng có nghĩa là không có văn bản chính thức nhưng do những áp lực ngầm khiến luật sư phải chọn con đường bỏ nghề phải không ạ?

LS Nguyễn Thanh Lương: Dạ có, cái đó không thể phủ nhận được cũng có nhiều lý do mà tôi chưa có điều kiện để nói. Trước hết để trả lời câu hỏi của ông thì tôi phải giới thiệu khẳng định bản thân tôi đã làm hành nghề luật sư, tư cách luật sư luật gia đã trên 20 năm nhưng cuối cùng tôi phải từ giã nó thì không phải là chuyện ngẫu nhiên, đơn giản.

Mặc Lâm: Chắc chắn trong khoản thời gian dài như vậy hành nghề luật sư thì ông đã bảo vệ cho những người nổi tiếng như chị Tạ Phong Tần, thầy giáo Đinh Đăng Định rồi nhất là vụ Hoàng Văn Ngài, Nguyễn Phương Uyên… tất cả những vụ đó ngoại trừ ông Hoàng Văn Ngài có tính chất hình sự số còn lại đều là những người bất đồng chính kiến, tranh đấu cho nhân quyền rất dễ bị buộc tội chính trị lắm. Ông cũng biết là tại Việt Nam thì những vụ án như vậy không thể nào bảo vệ thân chủ của mình được nhưng vẫn tiếp tục bảo vệ thân chủ mà theo nhiều người cho là rất vô ích. Lý do nào xui khiến ông vẫn theo đuổi công việc như vậy?

LS Nguyễn Thanh Lương: Lý do thì trước hết những người đó phải nói rằng họ cô thế. Một đặc thù ở Việt Nam thì những vụ án liên quan xâm phạm an ninh quốc gia thì là vụ án nhạy cảm hay vụ án chính trị thì tôi phải nhìn nhận rằng với xã hội, với nhà cầm quyền với giới luật sư họ rất ngại ngùng khi tham gia còn đối với tôi thì những người đó tôi cho là cần sự giúp đỡ, quan tâm nhiều hơn để tìm được chân lý trong những vụ án đó. Giống như thước đo văn minh, chính trị, xã hội qua những vụ án đó nó sẽ làm rõ hơn. Nhưng mà trong thực tế khi tôi tham gia các vụ án đó thì đều thất bại không thỏa đáng như những kỳ vọng của mình.

Mặc Lâm: Một trong những vụ mà ông thành công là khởi kiện hai công an trong vụ án Hoàng Văn Ngài. Luật sư có thể cho biết ngắn gọn các chi tiết của vụ án này hay không?

LS Nguyễn Thanh Lương: Vụ án anh Hoàng Văn Ngài thì anh này là người dân tộc H’mông cũng là Chấp chính sự của đạo Tin lành nó có hai đặc điểm vừa tôn giáo vừa là dân tộc ít người, anh ta bị chết tại trụ sở công an thị xã Gia Nghĩa.
Theo kết luận giám định của cơ quan thì anh ta tự đưa tay vào ổ điện để tự sát nhưng theo gia đình nạn nhân thì anh bị đánh đập, mưu sát tại đồn vì trong khi giam giữ có nhiều người trong gia đình là em anh Ngài, vợ anh Ngài thì người ta đã nghe những tiếng va chạm do đánh nhau cho nên họ cho rằng đây là bị giết chết.
Từ Dak Lak người ta xuống tìm tôi người ta nhờ bảo vệ. Tôi cảm thấy họ là những người rất cô thế cần giúp đỡ do đó tôi đã tự nguyện tham gia bảo vệ cho họ nhưng rất tiếc lúc này chưa khởi tố vụ án trong khi đã bắt giam phó công an Gia Nghĩa và một đội trưởng đội điều tra. Tôi không liên lạc được gia đình của anh Ngài nữa, sau này nghe nói là gia đình đã chạy sang Thái Lan tỵ nạn. Đó là những thông tin tối thiểu mà tôi biết.

Một sự thật thảm thương

Mặc Lâm: Qua vụ án này thì chính Bộ trưởng công an Trần Đại Quang đã vào thị xã Gia Nghĩa Đắc Nông để bắt giam hai công an như ông vừa nói. Có phải vì điều này mà ông ngại bị trả thù sẽ xảy ra cho chính bản thân mình hay gia đình, nghề nghiệp mà ông đành phải nghỉ việc hay không?

LS Nguyễn Thanh Lương: Dạ thưa không. Trong vụ án này khi không liên lạc được với thân chủ thì tôi đã đứng đơn với tư cách của tổ chức văn phòng luật sư và cá nhân luật sư để yêu cầu khởi tố vụ án. Phát hiện tố giác hành vi tội phạm liên quan đến những người vi phạm pháp luật, cụ thể là những người hành sự của công an Thị xã Gia Nghĩa, tôi không ngại vấn đề đó.
Tôi rút lui không hành nghề vì nhiều lý do khác mà nãy giờ chưa trình bày hết được. Thí dụ như trong thời gian hành nghề gần đây vài năm trở lại tôi thấy hiệu quả công việc tôi làm nó quá kém, rất tồi tệ. Phải thật thà mà nói tôi cảm thấy hổ thẹn vì không bảo vệ được công lý thỏa đáng cho thân chủ tôi nhất là những dân nghèo. Hai nữa đối với những tù nhân tôi cho là tù nhân công ước, những người bị xét xử theo điều 88 hay 258 thì tôi đã không bảo vệ họ được một cách trọn vẹn liên quan đến các quyền công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Cụ thể những người này đáng ra phải được xét xứ công khai, minh bạch mặc dù ở Việt Nam phiên tòa cũng tổ chức công khai nhưng gia đình và thân nhân của họ hay những người quan tâm tới họ lại không được tham gia.

Mặc Lâm: Còn quyền bào chữa cho họ từ khi điều tra cho tới ra trước tòa án theo luật sư thì nó như thế nào?

LS Nguyễn Thanh Lương: Quyền bào chữa cho họ cũng bị hạn chế cụ thể các luật sư như tôi lúc đó không tiếp xúc được họ, hay là hạn chế khi tiếp xúc chỉ có một tiếng đồng hồ, thì tôi cho nó là những hạn chế. Mà việc hạn chế đó đã hơn 16 năm rồi kể từ năm 1998 Bộ Công an với Chính phủ chỉ cho phép mỗi lần luật sư vào trại giam làm việc với thân chủ thì mỗi người chỉ có một giờ đồng hồ thì như vậy con gì để nói nữa?
Trong khi đất nước Việt Nam có trên cả vạn luật sư nhưng trước việc này thì ngậm đắng nuốt cay im lặng, rất đáng tiếc. Những vấn đề như vậy có nhiều lý do ở góc độ pháp luật, chưa kể những áp lực riêng tư, tế nhị mà tôi không tiện phát biểu làm cho tôi phải từ bỏ nghề, đó là những lý do chính và vì không có đất dụng võ.

Mặc Lâm: Luật sư vui lòng nói thêm về việc 1 tiếng đồng hồ làm việc thì mặt tiêu cực của nó xét về pháp lý thì tai hại như thế nào?

LS Nguyễn Thanh Lương: Một tiếng đồng hồ để luật sư làm việc mà Chính phủ và Bộ Công an cho phép như vậy là văn bản vi phạm Hiến pháp, vi phạm Luật lao động, vi phạm Luật luật sư nhưng vẫn tồn tại trong khi cả vạn luật sư, 3.408 tổ chức hành nghề luật sư nói chính xác như vậy. 11.284 luật sư trên toàn quốc Việt Nam tất cả đều im lặng, tôi thấy đây là một sự thật thảm thương. Không phải tôi ra khỏi nghề rồi mình quay lại để mình phủ nhận nghề nghiệp hay nói những điều tự phủ nhận chính mình, nhưng đó là một thước đo về nhân quyền, thước đo về văn minh xã hội thì Việt Nam chưa thỏa đáng mà những vấn đề này nó liên quan tới Công ước quốc tế mà Việt Nam từng ký kết.

Mặc Lâm: Xin được hỏi ông câu cuối, nếu Việt nam có cơ hội đổi thay hệ thống tư pháp, thay đổi về Hiến pháp, thay đổi về luật lệ hay thay đổi cách mà tòa án xét xử thì luật sư có sẵn lòng quay trở lại hành nghề để giúp cho người cần giúp hay không?

LS Nguyễn Thanh Lương: Tất nhiên cái điều đó là lý tưởng quá rồi! Khi có những thay đổi, cụ thể là thay đổi về nguyên tắc tập thể lãnh đạo, thay đổi về độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, hay có tiến triển về cơ chế Tam quyền phân lập thì những điều ấy sẽ thúc đẩy cho xã hội phát triển thì việc hành nghề của luật sư đương nhiên thông thoáng hơn rất nhiều.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.








No comments:

Post a Comment

View My Stats