Lê Phước - RFI
Đăng ngày 14-08-2013 Sửa đổi ngày 14-08-2013 17:06
Tổng bí thư-chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát
động một chiến dịch chống tham nhũng với tuyên bố đánh từ « hổ đến ruồi ». Nhiều
quan chức cấp cao đã bị cách chức và bị khai trừ khỏi đảng. Báo chí Pháp vừa
qua cũng nhìn nhận rằng, đó là một tín hiệu cho thấy chiến dịch của ông Tập Cận
Bình đang đến lúc cao trào.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có không ít ý kiến nghi
ngờ về quyết tâm bài trừ tham nhũng của chiến dịch này. Nhật báo Le Monde hôm
nay đăng một bài bình luận đáng chú ý thể hiện sự nghi ngờ đó. Tác giả bài viết
là ông Jean-Philippe Béja, một chuyên gia về Trung Quốc đương đại, thuộc Trung
tâm nghiên cứu khoa học quốc gia của Pháp (CNRS).
Luật sư Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) trong tù tháng 07/2013.(DR)
Bài viết đề cập đến luật sư Hứa Chí Vĩnh, người bị
chính quyền bắt giam hôm 16/7 vừa qua về tội « tổ chức tụ tập bất hợp pháp và
âm mưu lật đổ chính quyền ». Ông Hứa nổi tiếng là một luật sư đấu tranh cho
nhân quyền và đấu tranh đòi nhà cầm quyền công khai tài sản. Nhìn bề ngoài, điều
này hoàn toàn phù hợp với chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Nhà
lãnh đạo này đã cam kết sẽ củng cố lòng tin của nhân dân bằng cách mạnh tay chống
lại chủ nghĩa hình thức, chống quan liêu và lối sống xa hoa của cán bộ nhà nước.
Thế thì tại sao ông Hứa Chí Vĩnh lại bị bắt ? Để tìm
hiểu cội nguồn sự việc, tác giả lược lại quá trình hoạt động của luật sư Hứa
Chí Vĩnh.
Tác giả nhắc lại, hồi năm 2003, Hứa Chí Vĩnh đã cùng
hai đồng nghiệp gửi đơn thỉnh nguyện lên Quốc hội Trung Quốc tố cáo sự vi hiến
của chính sách hạn chế nhập cư vào các khu đô thị, nhân việc một họa sĩ nhập cư
27 tuổi tên là Tôn Chí Cương bị cán bộ nhà nước đánh chết tại Quảng Châu. Dưới
sức ép của công luận, nhà cầm quyền đã nhượng bộ và đã xét xử những người có
liên quan đến cái chết nói trên. Tác giả nhận định, bức thư này đã làm phát
sinh một phong trào bảo vệ quyền công dân được ghi trong hiến pháp, và nó đã
đánh dấu đời sống chính trị tại Trung Quốc từ một thập kỉ nay.
Sau đó, luật sư Hứa Chí Vĩnh thành lập một tổ chức
phi lợi nhuận với mục tiêu hoạt động gọi là « hiến pháp mở », tức là giúp người
dân bảo vệ những quyền đã được hiến định. Tổ chức này hoạt động dựa trên luật
pháp, tức bảo vệ và hỗ trợ người dân trong khuôn khổ pháp luật. Đây là một tổ
chức phi lợi nhuận, thế nhưng năm 2009, tổ chức này đã bị buộc tội trốn thuế và
buộc phải đóng cửa, còn ông Hứa Chí Vĩnh thì bị bắt.
Sau khi được thả ra, Hứa Chí Vĩnh phát động một
phong trào mang tên Tân Dân. Phong trào này chủ trương bất bạo động, cổ võ người
dân tự sử dụng quyền hiến định của mình, như tự do báo chí, tự do hội họp, tự
do ngôn luận…Tuy nhiên, tác giả cho hay, phong trào Tân Dân huy tụ không chỉ những
người dân bình thường, mà còn cả những nhà đấu tranh dân chủ còn sót lại của
phong trào Thiên An Môn 1989.
Một điểm quan trọng nữa khiến nhà cầm quyền quan ngại,
đó là những người đấu tranh theo phong trào Tân Dân không chỉ dừng ở việc đấu
tranh trên mạng, mà đã biết tập hợp xuống đường biểu tình phản đối. Và thế là,
đã xảy ra nhiều vụ người dân xuống đường đòi cán bộ lãnh đạo công khai tài sản
với mục đích là hạn chế tham nhũng. Phong trào này còn đi xa hơn khi cho rằng,
tất cả các thành phần xã hội phải tuân thủ Hiến pháp, kể cả đảng Cộng sản Trung
Quốc.
Trong bối cảnh đó, tác giả nhấn mạnh, việc bắt giữ
luật sư Hứa Chí Vĩnh và các nhà đấu tranh khác rõ ràng là tín hiệu của sự siết
chặt kiểm soát của nhà cầm quyền. Nhiều câu hỏi nổi lên ở đây : Tập Cận Bình sẽ
chọn cách vừa tăng cường kiểm soát vừa theo đuổi cuộc chiến chống tham nhũng để
lấy lại lòng tin của dân ? Hay là ông ta sẽ tiến hành cải tổ thực sự hệ thống
chính trị theo hướng để người dân được giám sát thực thụ cán bộ nhà nước ?
Tác giả kết luận : số phận của Hứa Chí Vĩnh sẽ là một
phép thử để biết được đường hướng sắp tới của chính quyền Trung Quốc thời Tập Cận
Bình.
Các
nước tân hưng sổ mũi, ngành ô tô lập tức bị nhức đầu
Trong lĩnh vực kinh tế, nhật báo kinh tế Les Echos
có bài đáng chú ý : «Các nhà sản xuất ô tô đối mặt với sự phát triển chậm lại
của các nước tân hưng ».
Thống kê mới nhất cho thấy, ngành sản xuất ô tô ở những
nước tân hưng đang giảm mạnh. Ở Ấn Độ, lượng ô tô bán ra giảm 7% trong tháng Bảy
rồi. Đây là lần giảm trong chín tháng liên tiếp của nước này. Còn ở Brazil, hồi
tuần rồi, các nhà sản xuất ô tô cũng đã giảm chỉ tiêu tăng trưởng từ 2,9% xuống
1,5%. Trong khi hồi năm rồi, tăng trưởng ngành ô tô nước này là 6,1%. Tại Nga,
trong bảy tháng vừa qua, tăng trưởng của ngành ô tô đã giảm 6%, trong khi năm rồi
tăng 12%. Còn tại Trung Quốc, tăng trưởng tháng Bảy của ngành ô tô là 10,5%, tức
giảm gần 1% so với tháng Sáu.
Nguyên nhân của sự sụt giảm là do tăng trưởng kinh tế
của những nước nói trên đang chựng lại trong bối cảnh các nước Châu Âu vẫn
trong khủng hoảng. Tờ báo cho biết, sắp tới, các nhà sản xuất ô tô nhắm đến những
thị trường khác như Achentina, Algeri, Indonesia, Nam Phi hay Thái Lan. So với
những thị trường nói trên, thì đây là những thị trường nhỏ hơn, như có sức tăng
trưởng mạnh.
Vương
quốc Anh vất vả chống trốn thuế
Chống trốn thuế hiện là vấn đề nóng bỏng đối với các
chính phủ tại Châu Âu. Libération hôm nay bàn về công tác chống trốn thuế tại
Anh với nhận định : « Chiến lợi phẩm nhỏ nhoi cho ngân sách ».
Tờ báo cho rằng, công tác chống trốn thuế tại Anh hiện
chưa cho kết quả như mong đợi, khoản thu tiền thất thoát do trốn thuế về cho
ngân sách hiện chưa được bao nhiêu.
Hồi tháng 8/2012, ngành thuế nước Anh đã công bố
danh sách 20 người được cho là 20 nhân vật trốn thuế cỡ bự. Chính quyền kêu gọi
người dân cung cấp thông tin để bắt những kẻ trốn thuế đang trốn chạy này. Tuần
rồi, ngành thuế Anh lại kêu gọi người dân tham gia chỉ điểm những người trốn
thuế nói trên. Nhà cầm quyền cũng đã cho kéo dài danh sách nói trên thêm 10 người
nữa. Chính phủ Anh đã chi đến 1,5 triệu euro để củng cố lực lượng ngành thuế và
đặt mục tiêu là thu về cho ngân sách 9 triệu euro tiền trốn thuế mỗi năm. Ước
tính, tổng cộng con số trốn thuế có liên quan đến danh sách này lên đến 840 triệu
đô la.
Đến tháng Năm rồi, chỉ có một người trong danh sách
bị kết án tù và bị tuyên án phải nộp trả ngân sách 22 triệu bảnh Anh (26 triệu
đô la). Rồi tháng Bảy vừa qua, thêm một người nữa trong danh sách đã bị bắt khi
toan nhập cảnh vào Anh bằng hộ chiếu giả. Người này được cho là quỵt tiền thuế
400 000 euro.
Trong bối cảnh kinh thuế khó khăn như hiện nay, thì
rõ ràng kết quả chống trốn thuế nói trên là chưa thấm vào đâu. Các đảng đối lập
tại Anh đang ra sức chỉ trích sự thiếu hiệu quả này.
Mùa
xuân Ả Rập : mùa đông của ngành du lịch ?
Nhìn sang các nước có mùa xuân Ả Rập đi qua, nhật
báo cánh hữu Le Figaro đăng bài đáng chú ý : « Các nền kinh tế của Mùa xuân Ả
Rập lún sâu trong khủng hoảng ».
Tờ báo nhìn về ba nước Tunisia, Ai Cập và Libya với
nhận định, hai năm rưỡi sau khi mùa xuân Ả Rập nổ ra, tiến trình dân chủ ở ba nước
này vẫn chưa đi đến đâu, bất ổn vẫn hoàn bất ổn.
Những con số thông kê cho thấy tình hình không mấy
sáng sủa của nền kinh tế của ba nước này. Libya thì hiện vẫn còn nhiều bất ổn
chính trị. Nước này sống chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu, nhưng sau cuộc nội chiến,
tất cả đang cần xây dựng lại.
Đối với Tunisia, 75% xuất khẩu của nước này là sang
thị trường Châu Âu. Thế nhưng, khối euro đang ba chìm bảy nổi, các nước châu Âu
đang loay hoay với khủng hoảng, vì thế Tunisia đã khổ lại khổ thêm. Tình hình bất
ổn chính trị triền miên đã làm nản lòng ngành đầu tư và khách du lịch.
Đến với Ai Cập, ngành du lịch nước này bị tổn hại
nghiêm trọng do bất ổn trong nước. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giảm tới 17 lần
kể từ năm 2008-2009. Tuổi trẻ, lực lượng chính đã làm nên Mùa xuân Ả Rập, đã trở
thành nạn nhân của nạn thất nghiệp.
Ai Cập đã vay tiền rất nhiều của các ngân hàng địa
phương để xoay sở. Sắp tới, nếu khó khăn tiếp diễn, thì nước này sẽ phải cầu cứu
đến Quỹ Tiền tệ quốc tế. Thế nhưng, nếu được vay của quỹ này, thì chắn chắn sẽ
kèm theo nhiều điều kiện cắt giảm chi tiêu công, và như thế sẽ ảnh hưởng đến
phúc lợi xã hội của người dân, và bất ổn lại có thể phát sinh từ đó.
Ả
Rập Xê Út muốn mua Nga trên hồ sơ Syria ?
Liên quan đến Syria, nhật báo cánh hữu Le Figaro có
bài chạy tựa : « Ả Rập Xê Út giở trò trước mặt Nga ».
Hồi thứ Ba rồi, Nga đã tuyên bố, hội nghị Geneve II
về hồ sơ Syria do Mỹ và Nga khởi xướng sẽ diễn ra « không trước tháng Mười ».
Trước đó vài ngày, rất có thể lãnh đạo cơ quan tình báo Ả Rập Xê Út, Bandar Ben
Sultan, đã đề nghị một cuộc mua bán với điện Kremlin : Ả Rập Xê Út sẽ ký hợp đồng
mua vũ khí trị giá 15 tỷ đô la với Nga, đổi lại Nga phải nhượng bộ trên hồ sơ
Syria.
Giữa hai sự việc: thông báo ngày diễn ra Geneve II
và hợp đồng vũ khí có liên hệ gì hay không ? Có phải Ả Rập Xê Út muốn « mua Nga
» trên hồ sơ Syria hay không ?
Nhiều nghi vấn như vậy đã được đặt ra. Tuy nhiên, Le
Figaro dẫn lời một chuyên gia cho rằng, sự gắn bó giữa Nga và chính quyền Assad
không chỉ được giải quyết đơn giản bằng một hợp đồng vũ khí, dù cho giá trị hợp
đồng đó cao đến đâu. Chuyên gia này nói rõ : Đối với Nga, để mất Syria có nghĩa
là chấp nhận để cho Thổ Nhĩ Kì giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh giành ảnh
hưởng trong khu vực.
Thành
quả trong hồ sơ Israel-Palestine của ngoại trưởng John Kerry
Hôm nay, ngày 14/8/2013, Israel và Palestine sẽ nối
lại đàm phán tại Jerusalem dưới sự trung gian của Mỹ. Đây là một nỗ lực hàng
tháng trời của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Nhật báo Le Monde đăng bài xã luận
trên trang nhất : « Trung Đông : nỗ lực đáng khen ngợi của John Kerry ».
Tờ báo nhắc lại, việc nối lại đàm phán hiện tại là
thành quả của hơn 5 tháng bôn ba vất vả của Ngoại trưởng John Kerry. Thế nhưng,
cũng đừng nên đặt quá nhiều hi vọng vì đây là một hồ sơ hóc búa. Từ hơn 2 thập
kỷ qua, Israel và Palestine đã đàm phán và đã bỏ lỡ cơ hội không biết bao nhiêu
lần, từ Oslo đến Annapolis, từ Camp David đến Taba. Trong nhiệm kỳ 1, tổng thống
Obama cũng đã ra sức làm trung gian nhưng rốt cuộc cũng thất bại.
Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã khác. Tờ báo cho rằng,
bất ổn ở các nước lân cận Israel và Palestine đang leo thang. Syria đang trong
vòng xoáy bạo lực, Ai Cập đang nóng bỏng, bán đảo Sinai đang rơi vào tình trạng
vô chính phủ, Liban và Jordani đã quá sức với dòng người chạy loạn từ Syria, hồ
sơ hạt nhân nóng bỏng tại Iran…Tất cả đã khiến cho cả Israel và Palestine phải
hiểu rằng, họ đang rất cần một đường ranh giới ổn định, cần những anh bạn láng
giềng có thể dựa dẫm vào nhau được.
Và cái công lớn nhất của John Kerry, theo tờ báo, là
đã làm cho Israel và Palestine hiểu được sự cần thiết đó, để chấp nhận ngồi vào
bàn đàm phán.
Hãy
kết hôn với người có nhiều anh chị em ?
Trên hồ sơ xã hội, nhật báo Công Giáo La Croix có
bài đề tựa : « Con cái của những gia đình đông con ly dị ít hơn».
Số là theo một nghiên cứu vừa được công bố tại Hoa Kỳ,
người nào lúc nhỏ sống chung với nhiều anh chị em thì khi lập gia đình sẽ ít có
ý niệm ly dị hơn. Vì sao thế ? Câu trả lời thật đơn giản : Vì khi còn bé mà sống
chung với nhiều anh chị em, thì chắc chắc sẽ xảy ra va chạm, tranh cãi, chia sẻ
công việc, phân công trách nhiệm…Tất cả những điều đó sẽ là kinh nghiệm quý báu
để khi lớn lên, người ta lập gia đình và có những cư xử có trách nhiệm trong cuộc
sống gia đình. Và thế là, khi muốn tiến tới hôn nhân, trong vô vàn câu hỏi đặt
ra, phải chăng nên có một câu hỏi là : Người ấy của bạn có bao nhiêu anh chị em
trong gia đình ?
No comments:
Post a Comment