Wednesday, 4 February 2015

Chữ và nghĩa (Nguyễn-Xuân Nghĩa)





Nguyễn-Xuân Nghĩa
Monday, February 02, 2015 5:07:42 PM

Tại sao có mặt mà chưa đặt tên?

Có lẽ nhiều nhà báo Mỹ chỉ muốn chạy chức phát ngôn viên cho chính quyền Barack Obama qua cách loan tin rất “hợp ý cô gia” - đúng như Obama trông đợi. Chuyện ấy gây phân vân cho báo chí Việt ngữ khi dịch tin từ truyền thông Mỹ. Nhìn từ bên ngoài, bài viết này có thể là một đóng góp cho các đồng nghiệp gần xa, qua chuyện “chữ” và “nghĩa.”
Hãy lấy một thí dụ không thể nào nóng hơn: nạn khủng bố của các phần tử Hồi Giáo cực đoan.

***

Chính quyền Obama có ba bốn phát ngôn viên đương nhiệm.
Phát ngôn cho Tòa Bạch Cung là Josh Earnest, lâu lâu có Eric Schultz đứng thay để đọc bài. Kế tiếp, phát ngôn cho Bộ Ngoại Giao là Jen Psaki (đọc là “sa-ki”). Sau đó, lúng túng nhất là Phó Đề Đốc John Kirby, phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng. Lúng túng vì ông là người ở gần những điểm nóng nhất của chiến cuộc.

Lập trường chính thức của tổng thống Mỹ gồm một chuỗi dài những lý luận sau đây, xin khỏi dùng hình dung từ để phê phán - vội:

1) Hồi Giáo chẳng liên hệ gì đến khủng bố.

2) Nếu có thì tránh dùng chữ “Khủng bố Hồi Giáo.”

3) Mà nên sửa ra “bạo động nơi công sở,” như vụ Thiếu Tá Nidal Mailk Hassan theo chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan đã hô khẩu hiệu ngợi ca đấng Tiên Tri Mohammed và bắn chết 13 người trong căn cứ Fort Hood của quân lực Mỹ tại Texas năm 2009, hay “bạo động của kẻ mắc bệnh tâm thần,” như hai anh em Dzhokhar và Tamerlan Tsarnaev theo Hồi Giáo cực đoan đã đặt bom bên cuộc chạy đua Marathon ở Boston năm 2013 làm ba người chết và 264 người bị thương.

4) Trước hành vi khủng bố rõ rệt như tại Paris vào tháng trước hoặc chặt đầu hai người Nhật vào tuần qua thì dùng chữ “bạo động cực đoan,” chứ không sát nhập “Hồi Giáo” với “khủng bố.” 5) Cao điệu hơn vậy, với lực lượng Taliban tại Afghanistan hay tổ chức xưng danh là Nhà Nước Hồi Giáo Islamic State (ISIS hay ISIL) thì gọi là “nổi dậy có vũ trang,” khác “khủng bố.”

Chúng ta hiểu vì sao mà các phát ngôn viên của chính quyền Obama phải uốn éo với chữ nghĩa trong các cuộc họp báo!

Bây giờ, hãy đi vào thực tế ở ngoài đời hoặc trên chiến trường...
Vì truyền thông Mỹ chuyên sản xuất mì ăn liền cho kiến thức đại chúng, ta miễn chuyện xa xưa của lịch sử đen ngòm về nhiều thế kỷ xung đột giữa các nước theo Hồi Giáo và các nước theo Thiên Chúa Giáo. Hoặc về hệ phái “Assassin” của người Ba Tư theo Hồi Giáo là Hassan-i Sabbah - làm cho danh từ riêng đã ra danh từ chung về sát nhân hay thích khách.

Hãy “zoom” vào hiện tại.
Tổng Thống Obama muốn triệt thoái khỏi hai chiến trường do vị tiền nhiệm bày ra là Afghanistan và Iraq. Thiện chí đáng mừng vì chiến tranh là điều nên tránh, Thánh nhân dạy như thế. Nhưng thực tế của nhân sinh lại cứng đầu và ác nghiệt hơn vậy.

Tổ chức khủng bố al Qaeda thử ra tay nhiều lần tại nơi khác và cả Hoa Kỳ trước khi thành công lớn với vụ 9-11 vào năm 2001 làm nước Mỹ hốt hoảng. Chỗ tựa của al Qaeda là Taliban, một tổ chức khủng bố khác tại Afghanistan. Thế giới chẳng hề nhúc nhích khi chế độ Taliban tại Kabul đặt bom phá hủy các pho tượng cổ của Phật giáo vào Tháng Ba năm 2001. Rồi vì vụ khủng bố của al Qaeda người ta mới ngó đến Taliban. Bây giờ, sau khi Hoa Kỳ triệt thoái, lực lượng này nuôi hy vọng trở lại Kabul và bành trướng qua Pakistan với những vụ khủng bố giết người còn nóng hổi.

Sau khi Hoa Kỳ mở ra chiến trường Afghanistan, tổ chức al Qaeda nguyên thủy bị tê liệt, thủ lãnh Osama bin Laden bị hạ sát năm 2012. Nhưng tư tưởng phát huy chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan của al Qaeda vẫn lan rộng và dẫn đến sự hình thành của các lực lượng al Qaeda tự phát, bản xứ hay nội địa. Đó là al Qaeda tại Iraq (AQI), al Qaeda tại vùng Mahgreb Hồi Giáo ở Bắc Phi (AQIM) hay al Qaeda tại Bán Đảo Á Rập (AQAP) bao trùm lên Saudi Arabia và Yemen, rồi và từ AQAP mới có al Qaeda tại Yemen.

Động lực chính ở đây là chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan, dựa trên một lối suy diễn kinh Quran, với lý tưởng tái lập một đế chế toàn cầu của Hồi Giáo. Khác với Thánh Kinh là những điều do nhiều người có thật về sau ghi lại về Thiên Chúa, kinh Quran là từ Thượng Đế mà ra, nên không được diễn khác. Chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan dựng lên hai định đề: 1) suy diễn khác là bị tiêu diệt, và 2) theo giáo lý của đạo Hồi qua cách suy diễn duy nhất đúng như vậy, thì mọi tôn giáo khác đều là “tà đạo” - và cũng phải bị diệt.

Thế rồi từ năm ngoái, khi Hoa Kỳ đã ra khỏi Iraq và tránh can thiệp vào vụ nội chiến tại Syria khi lỡ nhảy vào Libya, thi từ dòng chủ lưu al Qaeda lại xuất hiện một lực lượng xưng tên là Nhà nước Hồi Giáo tại Iraq và Syria (IS). Lực lượng này tranh chấp và xung đột với al Qaeda nguyên thủy, giết người như ngóe, kể cả các nhóm theo al Qaeda. Dù có cùng tư tưởng là chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan và cùng phương pháp là khủng bố, lực lượng IS có một ưu thế mới. Là chiếm được một phần đất đai của Syria và Iraq và kiểm soát được nhiều nguồn lợi kinh tế. Nhờ lợi thế ấy, lực lượng IS bành trướng lãnh thổ và tự phong danh hiệu “Đế chế Hồi Giáo,” Kaliphate. Ngày nay, IS còn đưa đặc công vào tới Afghanistan và Pakistan để tranh hơi với Taliban.

Việc bành trướng như vậy cũng là mục tiêu trường kỳ của al Qaeda.

***

Cái khác mà chính quyền Obama muốn đặt ra khi nói về lực lượng IS, hay Taliban, là đường lối đấu tranh vũ trang để tiến tới “tổng nổi dậy” trong thế giới Hồi Giáo. Nhưng với al Qaeda, Taliban hay IS, điểm chung là “chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan.” Mà đấy cũng là lý luận cốt lõi của mọi hệ phái Hồi Giáo thuộc nhiều sắc dân hay màu da, từ các giáo chủ Shiite tại Iran đến nhóm Hamas tại Israel, “dân quân” Hezbollah tại Lebanon hay lực lượng Boko Haram tại Tây Phi, thậm chí Abu Sayyev tại Phi Luật Tân hay nhiều nhóm khủng bố tại Ấn Độ và Nam Dương.

Tư tưởng - ý thức hệ - Hồi Giáo cực đoan còn là nguồn cổ võ cho nhiều người sinh đẻ hoặc sinh sống trong các nước dân chủ Tây phương. Khi được thuyết phục, các phần tử này tìm đến nơi để được huấn luyện về kỹ thuật đấu tranh, rẻ và dễ nhất là lên trang mạng học kỹ thuật làm bom để giết người, để khủng bố. Đó là trường hợp của loại “chó sói cô đơn” hoặc mắc bệnh tâm thần như báo Mỹ thường gọi.

Tổng kết thì trong cộng đồng umma của một tỷ 300 triệu người theo đạo Hồi, không phải ai cũng là khủng bố. Nhưng mọi tên khủng bố ngày nay đều giết người để làm sáng danh đấng Tiên Tri Mohammed. Đấy là một vấn đề của Hồi Giáo mà người theo đạo Hồi cần làm sáng tỏ qua lời nói và nhất là hành động. Một người hiếm hoi đã làm chuyện đó là tổng thống Ai Cập, Tướng Abdel Fatah el-Sisi, khi ông nói với giới lãnh đạo Hồi Giáo là phải làm một cuộc Cách mạng.

Khốn nỗi, ông lại là một sĩ quan và mang tiếng là muốn tái lập chế độ quân phiệt!

Khi nhìn toàn cảnh của hiện tượng Hồi Giáo cực đoan, từ ý thức hệ qua cách tổ chức, huấn luyện, tuyên truyền và hành động, và nhớ đến nhiều cuộc chiến tranh tôn giáo hay ý thức hệ trong lịch sử, ta phải thấy rằng thế giới đang bước vào một cuộc chiến mới, phức tạp và đa diện. Trong cuộc chiến đó, các nước dân chủ và đứng đầu là Hoa Kỳ, phải huy động được hậu thuẫn của người Hồi Giáo, từ các lãnh tụ như Tướng al-Sisi của Ai Cập. Và phải cô lập các nhóm khủng bố mang hành trang của chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan. Họ đã có mặt thì ta phải đặt tên.

Tức là dù có tránh chữ “khủng bố” thì vẫn phải nêu đích danh “Hồi Giáo cực đoan.” Vì Obama cứ chạy loanh quanh như vậy, các phát ngôn viên của ông mới vất vả với chữ nghĩa!



No comments:

Post a Comment

View My Stats