Friday, 23 January 2015

Tự Do Ngôn Luận Nhưng Phải Có Trách Nhiệm (Vi Anh - Việt Báo)





23/01/2015

Vũ trụ, vạn vật vận hành một cách tương đối. Cuộc sống Con Người trong vạn vật và vũ trụ cũng theo lẽ vô thường, tức là tương đối. Chánh trị, một phạm trù của cuộc sống Con Người cũng không ra ngoài qui luật tương đối ấy. Nên, không có tự do tuyệt đối. Tự do mà không có trách nhiệm là loạn hành, chớ không phải tự do. Nhứt là tự do ngôn luận phải có trách nhiệm vì liên quan đến nhiều người, thuộc lãnh vực truyền thông đại chúng (mass-news media). Cuộc biểu tình của mấy triệu người Pháp, 50 lãnh đạo quốc gia tại Paris và mấy triệu người ở các nước khác sau khi quân khủng bố tấn công tờ báo trào phúng Charlie Hebdo chuyên châm biếm, xỉa xoi những nhân vật nổi danh và một siêu thị của người Do Thái tại Pháp, giết hại 12 người. Ý nghĩa chánh của cuộc biểu tình, biểu dương biển người đó là chống quân khủng bố dùng bạo lực giết người hàng loạt và bày tỏ tinh thần đoàn kết không sợ quân khủng bố, chớ chưa chắc ủng hộ cách làm báo của tuần báo Charlie Hebdo. Điều này có thể thấy qua lập trường và những lới tuyên bố của chánh quyền và báo chí Pháp hậu duệ của tinh thần tự do của quốc gia dân tộc Pháp.

Một là lời tuyên bố minh thị của chánh quyền Pháp. Tổng Thống Pháp tuyên bố quốc tang, treo cờ rũ, điều mà Pháp trong suốt 40 năm mới làm. Ông có mặt trong hàng đầu với các lãnh đạo quốc gia cùng hàng triệu dân Pháp biểu tình chống khủng bố, tại Công Trường La Republique. Ông nói «Nước Pháp có những nguyên tắc và giá trị. Một trong những giá trị đó là quyền tự do ngôn luận».

Quốc Hội Pháp trong phiên họp đầu tiên sau vụ khủng bố, cũng thế, các dân biểu, nghị sĩ Pháp dành một phút kính cẩn mặc niệm nạn nhân trước khi hát Quốc ca.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls thông báo trước Quốc Hội đại diện cho toàn dân biết, nước Pháp đang tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan chứ không phải với người Hồi giáo. Các tay súng Hồi giáo sát hại 17 người ở Paris muốn tiêu diệt tinh thần nước Pháp nhưng đã thất bại. Cuộc tuần hành biểu dương đoàn kết khổng lồ của hàng triệu người trên khắp nước Pháp trong ngày 11/1/2015 là sự đáp trả tuyệt vời trước bạo lực, nhưng Ông nhấn mạnh “Chúng ta tuyên chiến với thánh chiến và khủng bố... nhưng nước Pháp không tuyên chiến với đạo Hồi và người Hồi giáo.”

Thủ Tướng Manuel Valls công bố một số biện pháp cần thiết để đối phó với tình hình mới: giam giữ các phần tử thánh chiến ở những khu riêng biệt trong nhà tù và thắt chặt việc giám sát Internet và mạng xã hội. “Chúng ta phải đáp trả tình huống bất thường bằng những biện pháp bất thường,” Bộ Quốc phòng Pháp đã dàn 10.000 quân tại các địa điểm như giáo đường Do Thái, thánh đường Hồi giáo và các sân bay để phóng chống khủng bố. Những biện pháp này có hạn chế một số quyền tự do cà nhân của người dân Pháp, điều mà chánh quyền nào cũng phải làm và người dân phải chấp nhận để bảo đảm an ninh chung. Như nước Mỹ với việc tái khỏi động lại luật Patriot Act sau cuộc khủng bố 911.

Hai, nghị luận của báo chí Pháp. Sau cơn sốt của công luận do cuộc khủng bố gây ra, một tuần lễ sau, báo chí Pháp có rất nhiều bình luận, đáng chú ý là vấn đề tự do ngôn luận và trách nhiệm của báo chí. Tiêu biểu như Báo La Croix nhật báo Công giáo đi một bài tựa lớn trang nhất «Tự do ngôn luận đến đâu?». Cuộc khủng bố là một thảm kịch làm cho nhân dân, chánh quyền Pháp đồng tâm hiệp lực, nhứt quyết không sợ khủng bố, quyết chống khủng bố giết người hàng loạt, và bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mình. Nhưng theo báo này, nhân dân và chánh quyền Pháp dành cho quyến tự do ngôn luận một chỗ đứng long trọng trong hiến pháp Pháp. Nhưng La Croix nhận thấy hệ thống luật pháp của Pháp về quyền tự do ngôn luận vẫn còn thiếu và nhiều kẽ hở khiến cho những mâu thuẫn liên quan đến ngôn luận không được giải quyết thấu đáo bằng con đường tư pháp. Mâu thuẫn tích tụ kéo dài thì ắt dẫn đến hiềm khích, hận thù.

Ranh giới giữa tự do ngôn luận và trách nhiệm còn mù mờ. Đành rằng tự do ngôn luận là một quyền không thể phủ nhận trong một xã hội dân chủ. Nhưng cái quyền «tự do ngôn luận” đó cần phải có thêm trách nhiệm. Không thể tự do tuyệt đối muốn làm gì thì làm. Trương hình Hitler lên trong khu phố Do Thái hàng triệu người bị thiêu sống, chết ngộp là xúc phạm nỗi đau của nạn nhân, gia đình, sác tộc Do Thái. Treo hình Hồ chí Minh và “cờ máu” của CSVN trong cộng đồng người Việt tỵ nạn CS, gần nửa triệu người chết trên đường tỵ nạn CS – là lợi dụng tự do ngôn luận, chớ không phải thể hiện tự do. Án lệ của Tối Cao Pháp Viện Mỹ có ghi vào một chỗ đông người chật hẹp mà hô hoả hoạn để đám đông hoảng loạn chạy dẫm đạp lên nhau chết và bị thương – không phải là tự do ngôn luận mà hành động sát nhân.

Báo Charlie Hebdo đưa tranh biếm họa nhà Tiên tri Mohamed trên trang nhất của số đầu tiên sau ngày bị khủng bố Hồi giáo tấn công, để xảy ra hình nhiều cuộc biểu tình bạo động, phản đối chết người diễn ra tại Pakistan, Mali và Niger, Algérie và Sénégal – là một đề tài dầy tranh luận, liệu có phải là một chọn lựa, một quyết định, một việc làm có trách nhiệm hay không? Biểu tượng tôn giáo là thiêng liêng, quốc kỳ là thiêng liêng gần như tôn giáo trên phương diện văn hoá của một bộ phận Nhân Loại, của một quốc gia dân tộc.

Sau vụ thảm sát ờ toà soạn, báo Charlie Hebdo cố gắng không ngưng, mà tiếp tục ra số định kỳ kế tiếp và một hành động dũng cảm, không khuất phục trước hăm dọa, không phản bội lại những người bạn đã phải hy sinh. Nhưng đưa lên trang bìa hình ảnh biếm hoạ nhà tiên tri Mohamet của Hồi Giáo của số báo trước kia, thì làm sao không xốn con mắt của những người Hồi Gíao, làm người Hồi Giáo không thấy bị khiêu khích được. Báo La Croix viết: «Tình đoàn kết được bày tỏ trên truyền thông và trên đường phố trong khắp các thành phố nước Pháp cũng đánh đấu điều quan trọng cho sức sống của nền dân chủ đó là tự do và đa nguyên báo chí phải được tôn trọng. Tấn công vào tờ báo này là tấn công vào các nguyên tắc trên». Theo nhật báo Công giáo cái quyền tự do đó không tách rời suy nghĩ về trách nhiệm. Đó là trách nhiệm mà tất tất những người như nhà báo, nhà chính trị, nghệ sĩ hay trí thức đều phải có.

Tờ báo kêu gọi: «Mỗi một tờ báo, mỗi một cơ quan truyền thông nghe nhìn, mỗi một công dân khi phản ứng trên mạng xã hội hay diễn đàn tranh luận đều phải tự vấn về việc làm của mình. Theo dõi thời sự trong cuộc chạy đua với tốc độ cuồng loạn, đưa các thông tin không kiểm chứng, phô trương và loan truyền những hình ảnh suy đồi một cách tùy tiện, bày tỏ hay lặp lại những phát ngôn miệt thị lẫn nhau...tất cả đều có thể là những cơ hội cho những biến thái nguy hiểm xảy ra». Và báo La Croix kết luận: Tự do báo chí là một quyền lực nhưng cũng phải có ràng buộc./.(VA)




No comments:

Post a Comment

View My Stats