Anders
Fogh Rasmussen, Project
Syndicate
Nguyễn Huy Hoàng dịch.
Posted
by adminbasam on 14/01/2015
Vụ
tấn công tạp chí Pháp Charlie Hebdo là một cuộc tấn công vào nền dân chủ,
tự do, và vào những lý tưởng là nền tảng cho mọi xã hội tự do. Bởi phải đối mặt
với các lực lượng cực đoan và khủng bố, chúng ta phải đủ can đảm để cất tiếng
nói ủng hộ cho những lý tưởng này và để bảo vệ quyền được nói ra những gì chúng
ta tin. Nhưng chúng ta cũng phải chú ý tôn trọng thực tế rằng những người khác
cũng có quyền tương tự.
Charlie
Hebdo
không phải là ấn phẩm đầu tiên bị tấn công vì phát hành những hình ảnh mà một số
người cho là xúc phạm Hồi giáo. Năm 2005, khi tôi còn là Thủ tướng, tờ báo Đan
Mạch Jyllands-Posten đã gây tranh cãi quốc tế bằng việc xuất bản mười
hai bản phác họa Nhà tiên tri Muhammad. Một số người Hồi giáo ở Đan Mạch cũng
như ở nước ngoài đã cáo buộcJyllands-Posten tội báng bổ vì cho xuất bản
hình ảnh của Nhà tiên tri. Một số khác cho rằng những hình ảnh đó là xúc phạm Hồi
giáo. Đã có những lời kêu gọi trả đũa tờ báo, chống lại chính phủ của tôi, và
chống lại lợi ích quốc tế của Đan Mạch.
Phản
ứng của chúng tôi được đưa ra dựa theo nguyên tắc tự do ngôn luận là một trong
những trụ cột của nền dân chủ, và phá hoại tự do ngôn luận là làm phá hoại
chính nền dân chủ. Ở các nước tự do, mọi công dân đều có quyền nói những gì
mình muốn, tin tưởng những gì mình muốn, và chỉ trích hay nhạo báng những gì
mình muốn – bằng văn bản, bản vẽ, hoặc bằng bất kỳ hình thức biểu hiện ôn hòa
nào khác. Mọi công dân cũng đều có quyền không đồng ý với ý kiến của người khác
và đều có quyền bày tỏ sự bất đồng theo một cách hợp pháp và hòa bình.
Năm
2005, trong cuộc khủng hoảng tranh biếm họa (tức vụ Jyllands-Posten –
ND), một số nhà bình luận và chính trị gia trong thế giới Hồi giáo tuyên bố rằng
quyền tự do ngôn luận đã bị lạm dụng và kêu gọi lên án các bức biếm họa và một
lời xin lỗi, trước hết là từ Jyllands-Posten, sau đó là từ chính phủ của
tôi. Chắc chắn, cách sử dụng quyền tự do ngôn luận tốt nhất là bằng một cách
khôn ngoan và có trách nhiệm. Nhưng chúng tôi đã tin, và đến giờ tôi vẫn tin, rằng
tìm cách hạn chế quyền tự do ngôn luận là không khôn ngoan và vô trách nhiệm,
và rằng cách đúng đắn nhất để phản ứng lại sự xúc phạm là đưa ra lời phản biện,
chứ không phải là tổ chức một cuộc tấn công khủng bố. Và trong các nền dân chủ,
ta luôn có thể đưa vụ việc ra tòa.
Nguyên
tắc đó đã đưa chúng tôi vượt qua cuộc khủng hoảng năm 2005. Chúng tôi đã không
xin lỗi vì những quyết định biên tập của một tờ báo độc lập, bất chấp sức ép rất
lớn từ các nhóm và chính phủ Hồi giáo. Chúng tôi cũng không tìm cách biện minh
cho việc xuất bản các bức biếm họa. Chỉ đơn giản là chúng tôi đứng lên cho tự
do ngôn luận.
Bất
chấp những cảm giác bàng hoàng và giận dữ mà chúng ta dành cho cuộc tấn công nhằm
vào Charlie Hebdo, tất cả chúng ta phải giữ vững nguyên tắc đó bởi hạn
chế tự do ngôn luận sẽ làm suy yếu chính các xã hội của chúng ta. Cuộc tấn công
các nhà báo của Charlie Hebdo là kinh tởm và đáng khinh bỉ, nhưng nếu
chúng ta phản ứng bằng cách hạn chế sự tự do mà xã hội chúng ta lấy làm nền tảng,
chúng ta sẽ rơi vào tay những kẻ giết người.
Các
chính phủ phải đứng lên cho quyền tự do của các nhà báo được viết những gì họ
muốn và quyền tự do của mỗi người dân được ủng hộ hoặc phản đối những gì họ viết.
Và các nhà báo phải tiếp tục viết và vẽ những gì họ tin. Tự kiểm duyệt sẽ làm
suy yếu quyền tự do của họ và đặt thêm gánh nặng lên tự do ngôn luận.
Trong
những ngày qua, một số biên tập viên đã quyết định rằng phản ứng đúng đắn cho vụ
thảm sát Charlie Hebdo là tái xuất bản tranh biếm họa của tạp chí này. Một
số quyết định ngược lại. Có một số chỉ trích những hành động của Charlie
Hebdo. Các biên tập viên có quyền đưa ra những quyết định này và thể hiện
chúng nếu như họ thấy phù hợp. Đó là bản chất của dân chủ. Cái ngày mà những
quyết định đó được đưa ra vì sợ bị trả thù cũng là ngày mà sự tự do của chúng
ta chấm dứt.
Đối
với các công dân, tự do ngôn luận có nghĩa là đủ can đảm để nói ra những gì họ
tin mà không cần đến bạo lực để chống lại các nhà báo hay chống lại các đại diện
của bất kỳ tín ngưỡng tôn giáo nào. Bắn giết các nhà báo trong máu lạnh chỉ vì
họ đã in những bức biếm họa là một tội ác ghê tởm. Nhưng tấn công một nhà thờ
hay hành hung một người Hồi giáo vì đức tin của họ cũng chẳng khác gì.
Sẽ
có nơi để tranh luận, thậm chí một cách gay gắt, về câu hỏi đạo đức sâu sắc là
làm thế nào để cân bằng quyền tự do ngôn luận với tôn trọng tôn giáo. Nhưng vũ
khí của cuộc tranh luận này nên là những từ ngữ, không phải vũ khí – là bàn
phím, không phải súng AK. Mỗi người chúng ta đều có quyền đưa ra ý kiến. Nhưng
không ai được có quyền giết những người mình không đồng ý.
Cuộc
diễu hành của hàng triệu người ở Paris hôm 11 là biểu hiện tuyệt vời của tình
đoàn kết và hòa bình. Mỗi nhà lãnh đạo và lập pháp cần phải phấn đấu để sống
cho những lý tưởng trong khi đáp lại các mối đe dọa đến từ chủ nghĩa cực đoan.
Như
mọi người đều hi vọng, các cuộc tấn công khủng bố tại Paris sẽ là một sự thay đổi
trong việc bảo vệ tự do báo chí và tự do nói chung, bởi hàng triệu người đã nhận
ra những gì đang bị đe dọa. Chúng ta không thể coi nhẹ quyền tự do biểu đạt.
Chúng ta phải đứng lên vì nó và bảo vệ nó, thậm chí và có lẽ đặc biệt là khi
chúng ta không đồng ý với những gì đang được thể hiện.
Anders
Fogh Rasmussen là cựu Thủ tướng Đan Mạch và Tổng thư ký NATO, người sáng lập và
Chủ tịch Rasmussen Global.
Bản
dịch © 2015 Nguyễn Huy Hoàng
No comments:
Post a Comment