Sunday, 18 January 2015

Thăm cộng đồng Việt tại Ukraine (Misha Đoàn - Người Việt)





Misha Đoàn  -  Người Việt
Thursday, January 15, 2015

‘Không biết cầm cự đến bao lâu’

Từ Hoa Kỳ, tôi đến Ukraine một ngày cuối năm 2014 lạnh giá!
Một người bạn thân đón tôi tại sân bay Kiev Borispol. Trên đường từ sân bay về Kiev, chúng tôi ghé một cửa hàng dọc đường để mua một ít thức ăn. Nhìn giá niêm yết rồi nhẩm tính đổi từ tiền địa phương, Hryvnia, ra Mỹ kim, thì thấy khá rẻ. Nói cho bạn biết về chuyện “đổi tiền trong đầu,” anh lắc đầu: “Lạm phát nên tính ra đô la mới vậy. Mà, người địa phương thì có được nhận lương bằng Ðô (la) như ông đâu mà kêu là rẻ?”

Giấy toilet mang hình Putin được bán rộng rãi tại Ukraine. (Hình: Misha Ðoàn)

Câu chuyện giữa những người bạn cũ, từ tình hình các vùng Crimea, Donbass (vùng chiến sự ở Ukraina), trước sau gì cũng quay sang tình hình cộng đồng Việt tại Ukraina trong bối cảnh, tạm gọi, chiến tranh. Bạn lúc lắc đầu, buông: “Căng thẳng lắm. Chưa thấy lối thoát...”
Kiev bề ngoài vẫn bình yên với dòng xe tấp nập, những giáo đường tháp tròn mạ vàng hoa lệ soi mình trên dòng sông Dniepr chưa kịp đóng băng, những cây thông xanh kết đèn màu lấp lánh chuẩn bị đón năm mới... Chiến tranh tưởng như không hiện diện, nhưng hơi thở của chiến tranh vô hình phảng phất quanh đây. Người đi đường thường lo âu ngước mắt lên những tấm bảng điện tử tại những điểm đổi ngoại tệ, theo dõi tỷ giá giữa đồng Hryvnia với USD và các ngoại tệ khác. Tỷ giá thay đổi từng giờ, và đồng tiền địa phương mất giá từng ngày.

Cộng đồng người Việt tại Ukraine, khoảng 30 ngàn người, cũng chịu chung số phận với người dân nước này. Tuy là một cộng đồng nhỏ, nơi đây là xuất phát điểm của một số “đại gia” hiện nay tại Việt Nam. Trong số đó, không thể không kể đến Phạm Nhật Vượng, người lập nghiệp từ hai bàn tay trắng để rồi trở thành tỷ phú giàu nhất Việt Nam hiện nay.

Ngoài một số người thành đạt, số đông còn lại phải chật vật tồn tại trong cơn khủng hoảng bởi chiến tranh và bất ổn chính trị cộng, bồi thêm suy thoái kinh tế. Người Việt tại Ukraina sống tại thủ đô Kiev khoảng 10 ngàn người, số còn lại tập trung ở các thành phố khác, như Kharkov, Odessa, Dnepropetrovsk... Như đại đa số cộng đồng người Việt trên lãnh thổ Liên xô cũ và Ðông Âu, người Việt Ukraina kinh doanh chủ yếu trong lãnh vực buôn bán nhỏ, phần lớn là áo quần. Ngoài ra, họ còn có mặt trong ngành xây dựng, bất động sản, xuất, nhập cảng.

Ðiều đau đầu nhất đối với cuộc sống và kinh doanh của người Việt hiện tại ở Ukraina là nạn lạm phát phi mã - hậu quả của chiến tranh và bất ổn chính trị. Lúc tôi đến Kiev, khoảng 16 Hryvnia đổi được $1, chỉ ba ngày sau, tỷ giá đã lên tới 21 Hryvnia/$1. Cũng cần nhắc thêm, hồi đầu năm 2014, khi chưa xảy ra cuộc cách mạng lật đổ tổng thống thân Nga, Yanukovich, một Mỹ kim ăn bảy Hryvnia. Trong vòng một năm, đồng tiền địa phương mất giá đến 300 phần trăm!

Anh Nam, chủ một số tiệm bán hàng fastfood tại chợ Kiev, Ukraine. (Hình: Misha Ðoàn)

Ukraine, tuy là nước đối đầu với Nga, kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào Nga. Vì vậy, khi đồng Rub Nga mất giá vì bị cấm vận thì đồng Hryvnia cũng lao dốc theo. Ðồng tiền địa phương mất giá kéo theo mọi mặt hàng nhập cảng tăng giá. Sức mua của người dân giảm hẳn. Từ đó xuất hiện những nghịch lý “dở khóc dở cười” trong việc kinh doanh của người Việt.

Mùa Ðông năm nay khá ấm, Kiev đã gần cuối tháng 12 mà nhiệt độ chỉ khoảng 5 độ C. Tuyết chỉ còn đọng lại một lớp mỏng trên mặt đất, nước sông không kịp đóng băng. Cả chính phủ lẫn người dân thở phào nhẹ nhõm bởi nếu Nga có cắt hoặc giảm bớt lượng cung cấp khí đốt, cuộc sống cũng không quá nguy hiểm. Song, đối với người Việt, mùa Ðông ấm áp lại làm họ “méo mặt” vì không bán được quần áo ấm tích trữ từ trước. Bạn dẫn tôi đến thăm một chợ ngoài trời được che bằng mái tôn nhựa thấp lụp xụp - nơi phần lớn người Việt ở Kiev kinh doanh bán lẻ tập trung.

Mới ba giờ chiều trời đã tối sập, phần đông sạp hàng người Việt đã dọn dẹp để khóa cửa. Ghé một số gian hàng bán quần áo, giày dép, túi xách... ai cũng than: “Chán lắm, không biết cầm cự được đến bao lâu.” Hàng bán tại đây chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ... nên phải thanh toán bằng ngoại tệ. Nhưng khi bán ra thì phải bán bằng đồng Hryvnia nên bắt buộc phải tăng giá. Tăng giá cao quá (để theo kịp lạm phát) thì dân không mua nổi, hàng ứ đọng. Áp lực bởi phải thanh toán tiền cho chủ hàng, tiền lưu kho, tiền quay vòng vốn... buộc phải bán giảm giá (thậm chí lỗ, nếu tính bằng Mỹ kim). Nhưng giảm giá rồi sức mua vẫn kém bởi dân địa phương nghèo đi trông thấy, cũng do lạm phát. Thế nên người mua ưu tiên hàng đầu là thực phẩm thiết yếu hàng ngày chứ không phải quần áo, giày dép... nữa.

Chưa kể, mùa Ðông năm nay ấm nên không bán được đồ Ðông. Thế nên cái vòng lẩn quẩn không lối thoát: Tăng giá thì không bán được, giảm giá cũng không bán được; bán được hay không bán được, đều chết! Có hỏi sao không tạm thời đóng cửa chờ tình hình sáng sủa hơn, tất cả trả lời: Còn phải thanh toán tiền hàng cho chủ, tiền thuê mặt bằng và tiền sinh hoạt hàng ngày để tồn tại nên đành phải “bám trụ,” bán được đồng nào hay đồng ấy.

Ngồi nói chuyện lâu với một chủ người Việt tên là Nam, có bốn điểm bán fastfood ở chợ. Nghe anh Nam than về tình hình khó khăn, thật ngạc nhiên. Tôi cứ tưởng nhu cầu ăn uống lúc nào cũng có. Anh phân trần: “Dân chúng phải thắt lưng buộc bụng do giá cả tăng nên ít ăn hẳn đi. Hiện nay tôi bán chỉ được khoảng 1/3 so với trước đây, khi chưa có chiến tranh. Phải cho nhân viên nghỉ việc bớt để giảm chi phí, phải tự đứng ra làm, lấy công làm lời. “Nếu trước đây thu nhập một tháng, sau khi trừ mọi chi phí, còn được khoảng $10 ngàn, bây giờ không biết có được một ngàn đô la hay không nữa? Mà còn bao nhiêu khoản để lo: Tiền nhà, tiền điện, nước, tiền cho con đi học...”

Từ nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, may những túi hàng hiệu bất hợp pháp. (Hình: Misha Ðoàn)

Người bạn tôi làm về ngành nhập cảng cá basa đông lạnh từ Việt Nam sang cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Anh kể, một số đối tác Ukraine nhận hàng và bán từ lâu giờ mới đem tiền đến trả - nếu đem đổi ra đô la thì coi như mất từ 50% đến 2/3. Hàng hiện còn vẫn phải đem bán chứ không thể tích trữ được vì tiền lưu kho và hạn sử dụng của cá đông lạnh. Mà bán thì không thể nâng giá theo sự trượt giá của đồng tiền địa phương vì không ai mua nổi. Hỏi anh phương án thoát vòng bế tắc, anh nhún vai: “Chịu! Cầm cự được ngày nào hay ngày đấy. Chờ thời xem tình hình thế nào? Và sẽ cố điều đình với chủ hàng ở Việt Nam hỗ trợ giảm giá nhưng không biết có được không?”

Ðến thăm một tập đoàn bất động sản lớn do người Việt làm chủ tại Kiev. Tập đoàn này xây nhà từ loại “cao cấp” trong những vị trí “đất vàng” ngay trung tâm Kiev đến những cao ốc ngoại ô dành cho tầng lớp “thu nhập thấp” địa phương. Người phụ trách công ty giới thiệu đầu tiên trên sa bàn cho tôi hình dung cấu trúc của các “căn hộ” rồi sau đó dẫn đi thăm trực tiếp các building đã hoàn thiện hoặc đang xây. Có khoảng 15 building cao tầng tập trung vào một quần thể khép kín, có công viên, sân chơi cho trẻ em, phòng tập thể dục... theo tiêu chuẩn của Âu Châu. Anh cho biết mỗi căn, gồm một bed room, một living room, diện tích 30-40 mét vuông, giá cỡ trên $30 ngàn - người mua chủ yếu là sinh viên mới ra trường. Nhưng bây giờ lạm phát nên giá bán thực tế chỉ còn một nửa và công ty vẫn phải bán cầm chừng để lấy tiền mua nguyên vật liệu hoàn thiện tiếp những công trình đang xây cũng như chi phí điều hành công ty.

Bạn dẫn đến xem một tòa nhà đồ sộ hầu như bỏ trống. Chiếc đài phun nước có tượng những con sư tử đá nhe nanh đe dọa lạc lõng giữa khoảng sân băng trơn nhẫy. Ðây là dự án trung tâm thương mại do người Việt đầu tư có cả sự tham gia của các tập đoàn từ Việt Nam sang. Nhưng vì cuộc khủng hoảng kinh tế do chiến tranh và lạm phát nên kế hoạch bất thành. Các doanh nghiệp đều không mặn mà vào đây để kinh doanh. Cả tòa nhà lớn như vậy, đầu tư hàng chục triệu Mỹ kim mà chỉ vỏn vẹn duy nhất một xưởng may túi gồm chưa tới 10 nhân viên. Túi may ra được gắn những thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Versace... Khi được hỏi về vấn đề bản quyền thì chủ xưởng may hồn nhiên trả lời: “Chỉ may thuê gia công cho khách hàng nên không chịu trách nhiệm.” Và khi được hỏi về “kế hoạch tương lai,” câu trả lời nghe quen quen: “Cầm cự chờ thời!”

Chiến tranh khiến phần lớn người Việt sống trong vùng lãnh thổ miền Ðông do phe thân Nga kiểm soát như Lugansk, Donetsk phải chạy nạn về Việt Nam hoặc sang các thành phố lớn khác của Ukraine. Khi số mạng bị đe dọa từng ngày, cuộc sống bị đảo lộn, kinh doanh bế tắc. Mất điện, mất nước, thiếu lương thực, thực phẩm, hỗ trợ y tế... sống dưới tiếng gầm rú của máy bay, xe tăng, đạn pháo... những người Việt miền Ðông Ukraine bàng hoàng không thể tin được chiến tranh có thể xảy ra. Nhìn gương mặt thất thần của người Việt chạy nạn từ vùng chiến sự về Kiev mà xót xa: Chiến tranh không còn là khái niệm mơ hồ nữa - nó hiện diện chỉ cách Kiev mơ mộng chỉ mấy trăm cây số!

Trước khi có xung đột quân sự tại miền Ðông, Ukraine với cảng Odessa là cửa ngõ trung chuyển tập trung hàng hóa từ nhiều nguồn, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Châu Âu... sau đó sẽ chuyển tiếp đi trong lãnh thổ Ukraine và Nga. Nhưng hiện nay, vì tình hình chiến sự, ngoài việc các vùng rộng lớn phía Ðông không tiêu thụ hàng hóa, việc lưu thông hàng sang Nga (là thị trường lớn hơn cả nội địa Ukraine), cũng chấm dứt. Vì vậy, các doanh nghiệp lớn, nhỏ của Việt Nam tại đây bế tắc bởi sự ứ đọng hàng hóa lẫn vốn liếng. Chiến tranh đẩy cả xã hội Ukraine, trong đó có cộng đồng người Việt, vào cơn lốc khủng hoảng toàn diện không lối thoát.

Nhưng chiến tranh cũng khiến người ta nhận ra tình cảm của mình. Người Ukraine thì yêu tổ quốc của họ. Còn người gốc Việt thì đau xót cho nơi cưu mang, nuôi dưỡng họ.

Trò chuyện với người gốc Việt ở đây, tôi ngạc nhiên bởi sự khám phá thú vị. Trước đây, người Việt ở Liên Xô (cũ) chỉ coi mảnh đất đó là “cõi tạm” - nơi chỉ để kiếm tiền rồi mang về Việt Nam hay đi sang nơi khác sinh sống, giờ đây, đại đa số người Việt ở Ukraine coi đất nước này là tổ quốc thứ hai của mình. Phần lớn họ phản đối Nga xâm lược Ukraine, và cầu mong cho một đất nước Ukraine thanh bình hòa nhập với cộng đồng Châu Âu. Tất nhiên có những bậc cha mẹ người Việt mang con có quốc tịch Ukraine chạy về Việt Nam để trốn bị động viên quân sự, nhưng đó chỉ là thiểu số.

Người bạn Việt Nam dẫn tôi đến những góc phố, quảng trường trong thủ đô Kiev, nơi từng xảy ra những cuộc đụng độ đẫm máu dẫn đến việc lật đổ cựu Tổng Thống thân Nga Yanukovich. Anh say sưa kể cho tôi về những sự kiện được sắp xếp theo trình tự thời gian, chỉ cho tôi những vết sạm đen trên Quảng trường chính Maidan dấu tích vết cháy của những lốp xe bị đốt để dựng làm chiến lũy. Khi tôi hỏi tại sao ủng hộ cuộc Cách Mạng Maidan, anh trả lời, có một số nguyên nhân chính. Thứ nhất là chống lại chính quyền thân Nga tham nhũng. Anh đưa ra con số: Trước đây, chi phí nhập một container hàng vải (quần áo) vào Ukraine mất khoảng $20 ngàn (cả chính thức lẫn không chính thức, tức đút lót, hối lộ). Sau khi Yunukovich lên nắm quyền, chi phí đó bị đội lên gấp năm lần - tức khoảng $100 ngàn. Lý do thứ hai: Mong muốn cho Ukraine thoát khỏi sự lệ thuộc vào Nga để hòa nhập vào cộng đồng Châu Âu văn minh, dân chủ. Thứ ba, Ukraine là một phần của cuộc sống bản thân, và là “tổ quốc thứ hai của mình.”

Ðêm tối cuối cùng trước khi rời Ukraine, một người bạn cho túi quà lưu niệm. Mở ra thì thấy hai cuốn sách mỏng bằng tiếng Nga giới thiệu sơ lược về lịch sử Ukraine và hai vỏ đạn in cờ Ukraine. Khi hỏi về ý nghĩa của món quà, bạn cho biết những chiếc vỏ đạn đó là từ đạn của quân đội chính quy Ukraine bắn vào quân ly khai ở miền Ðông. Giới sinh viên thu những chiếc vỏ đạn này lại, sơn cờ Ukraine lên và bán làm quà lưu niệm. Tiền thu được cho vào quỹ ủng hộ Ukraine. (Tình cảm sâu đậm với quê hương thứ hai cũng tương tự với người đã rời Ukraine. Sang Canada thăm một người Việt từng sống tại Ukraine, trong ngày Boxing Day, đi vào siêu thị mua hàng “sale,” anh ấy mua một chiếc khăn quàng Lacoste in hai màu vàng và xanh đậm giống như quốc kỳ Ukraine. Khi uống rượu, chủ nhà nói có rượu Vodka, nhưng là loại làm ở Thụy Ðiển, Phần Lan, chứ nhất định không uống loại của Nga vì “không thích quân xâm lược.”)

Về lại Mỹ, vẫn nhớ buổi nói chuyện với anh Nam, chủ mấy cửa hàng fastfood tại chợ Kiev. Trong buổi chiều Ðông ẩm ướt, nhập nhoạng tối, anh đặt bàn tay anh lên bàn tay tôi, nói như khẩn khoản: “Anh về nói với ông Obama, đã giúp Ukraine thì giúp cho trót chứ để nửa vời như thế này chúng tôi sống dở, chết dở mất!” Cả hai chúng tôi đều hiểu, đó là một cách nói. Nhưng cả hai chúng tôi cũng đều hiểu, Ukraine không thể thoát khỏi cảnh bế tắc hiện nay nếu phải đương đầu đơn độc. Cần lắm những tấm lòng và những bàn tay.

Misha Doan





No comments:

Post a Comment

View My Stats