Sunday, 18 January 2015

Đọc tác phẩm “Tàn Cơn Binh Lửa” của Cựu Đại Úy BCD. LÊ ĐẮC LỰC (Kha Lăng Đa)





Kha Lăng Đa
January 17, 2015 at 10:45 pm

Tôi rất hân hoan khi nhận được tác phẩm “Tàn Cơn Binh Lửa” của Cựu Đại Úy BCD. Lê Đắc Lực gởi tặng. Dù bận nhiều công việc Gia đình và Giáo xứ chuẩn bị đón mừng ngày Đại Lễ Giáng Sinh năm 2014, nhưng tôi vẫn dành thì giờ để đọc tác phẩm của Lực – người bạn nhiều cảm mến của anh em tôi.

Thật tình mà nói, Chuyện Kể của BCD. Lê Đắc Lực có sức hấp dẫn khiến tôi đọc không ngừng, đọc ngấu nghiến qua lời văn trong sáng, giản dị, chân thành và rất..lính!! Người lính BCD. Lê Đắc Lực với thân hình cường tráng, hùng dũng, hiên ngang, từ một thư sinh xếp bút nghiên đi đáp lời sông núi. Chàng trai thời loạn nầy luôn tự nhủ với lòng mình:
“Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống Đông, Đông tĩnh, lên đoài, đoài tan”.

Vì vậy nên anh đã tình nguyện đầu quân vào Binh Chủng Lực Lượng Đặc Biệt sau khi mãn Khoá 24 SVSQ Trừ Bị – Thủ Đức.

Lực đã hoàn thành nhiệm vụ của cấp chỉ huy từ: Toán Trưởng, Trung Đội Trưởng, Đại Đội Trưởng, Biệt Đội Trưởng. Anh và đồng đội quá gan dạ, dũng cảm, bất chấp mọi hiểm nguy qua các trận: Chiếm lại Đài Phát Thanh Nha Trang trong Tết Mậu Thân (Đợt 1), nhảy vào mật khu Ashau, Chợ Cây Quéo, Chợ Cây Thị (Mậu Thân Đợt 2), trận Đồng Xoài, trận nhảy vào chiến khu Ba Lòng, trận Đức Cơ, trận Mật Khu An Lão, Chiến Trường Tam Biên, trận Bình Long – An Lộc, trận Cổ Thành – Quảng Trị, trận Bến Thế – Bình Dương, trận Xóm Đạo Tha La (Trảng Bàng – Tây Ninh), trận Tân Phú Trung (Hóc Môn), Chiến Khu D, Mật khu Mây Tào và trận chiến Phước Long. Tôi thấy được và khâm phục ý chí quyết chiến, quyết thắng của Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Nhảy Dù (sau là Liên Đoàn 81 BCND), một đơn vị thiện chiến, đa năng, đa hiệu với đặc tính chiến thuật là thám sát, phản du kích và trận địa chiến. Nhờ hiểu được địch tình do những Toán Thám Sát 6 người (2Mỹ + 4Việt) đã xâm nhập vào mật khu, sào huyệt của VC để thu lượm tin tức, bắt sống địch làm tù binh để khai thác, nên đơn vị đánh đâu thì thắng đó!, đúng như Binh Thư Tôn Tử có câu: “Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”.

Hình bìa “Tàn Cơn Binh Lửa”

Sở trường của Biệt Cách Dù là đánh ban đêm, tạo yếu tố bất ngờ để diệt địch. Đơn vị lại được chỉ huy bởi Đại Tá Phan văn Huấn, một cấp chỉ huy, lãnh đạo tài đức vẹn toàn. Ông đã giỏi về chiến thuật mà còn có óc sáng tạo. Trong mặt trận An Lộc, ông đã cho dùng đạn lép của Pháo Binh, chế thành mìn chống chiến xa đạt hiệu quả tối đa, đã diệt được 10 xe tăng của VC và bọn đặc công của địch theo sau xe tăng cũng bỏ mạng.

Một chiến thuật độc đáo của BCD là gọi súng cối tác xạ 10 quả liên tục để diệt chốt địch. Khi chiến sĩ BCD đã đến gần mục tiêu, súng cối (được mật báo trước), bắn 7 quả đạn nổ và 3 quả đạn sau cùng thì bắn đạn lép. Địch nghe tiếng “depart” của súng cối thì ẩn núp, không dám ngoi đầu lên. Lợi dụng thời khắc của 3 quả đạn lép, chiến sĩ BCD tiến lên, tiếp cận và ném lựu đạn diệt chốt. Tôi thấy vui vui với chiến thuật nầy là khôi hài gọi đó là “Chiến thuật 7 nổ 3 lép”. Lối đánh của BCD rất khôn khéo, mưu lược. Nếu không biết được vị trí các chốt bố phòng của địch thì họ dùng “Chiến Thuật Tấn Công Giả” để “nhử” cho địch nổ súng kháng cự. Nhờ vậy mà họ biết được địch quân bày trận tuyến như thế nào, vị trí các chốt phải diệt, như trong trận Tân Phú Trung – Hóc Môn, BCD đã diệt chốt bằng chiến thuật “Bảy nổ 3 lép”.

Nơi nào chiến trường sôi động, áp lực địch quá nặng nề thì Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH điều động LĐ.81.BCND đến để tăng cường, giải quyết chiến trường. Họ đã đem lại cho QLVNCH nhiều chiến thắng vinh quang.

Đoàn quân tinh nhuệ 81.BCND được tuyển mộ sau thời gian thụ huấn ở các quân trường, khi về đơn vị, họ lại được huấn luyện đặc biệt về võ thuật, chiến thuật và chiến tranh chính trị ( học cách cư xử với nhân dân…). Đối với đồng đội. họ khắng khít yêu thương nhau, đồng tâm, nhứt trí trong tình “Huynh Đệ chi binh”.

Nhờ biết đối đãi tốt với dân bằng tình “Quân Dân Cá Nước” trong vùng hành quân, nên dân chúng đã cung cấp cho họ nhiều tin tức về địch quân, như trong trận Xóm Đạo Tha La. Khi chiến thắng trận Chợ Cây Quéo, Cây Thị, trận Bến Thế – Bình Dương, Chiến sĩ BCD được nhân dân chào đón hai bên lề đường và tặng quà cho họ

BCD. Lê Đắc Lực (trái) thời tuổi trẻ hào hùng của 81 BCD

Nói về “Người Anh Cả” của LĐ.81.BCND là Đại Tá Phan Văn Huấn thì yêu thương anh em thuộc cấp và binh sĩ như tình huynh đệ. Khi BCH Chiến Thuật 1 và Biệt Đội 811và 814 bị mất liên lạc ở trận Phước Long, Ông đã mất ăn, mất ngủ và đã ngồi trên phi cơ L19 bay quan sát trên vòm trời Phước Long. Qua 2 ngày, 2 đêm, Ông mới liên lạc được với BĐ.814 do BCD. Lê Đắc Lực chỉ huy, vượt sông Dak-Lung, băng rừng đi về phía Đông Đông Bắc. Ông đã hướng dẫn đàn em đến một trảng tranh giữa rừng để gọi phi cơ trực thăng đến bốc tất cả về Căn Cứ Hành Quân của LĐ.81.BCND ở Suối Máu – Biên Hoà.

Luôn nghĩ đến số phận không may của nhân dân, khi đơn vị hành quân tái chiếm những vùng bị VC chiếm đóng, để tránh sự thiệt hại nhân mạng và tài sản của dân lành, Ông đã ra lệnh cho đơn vị không dùng pháo binh nặng như 105, 155ly để tác xạ yểm trợ, mà chỉ dùng chiến thuật sở trường của đơn vị và súng cối 60ly, 81ly để diệt chốt địch. Do đó mà 81.BCND có những tay thiện xạ súng cối như Trung Úy Trần Duy Bình, Đại Đội Trưởng Đại Đội 2, Trung Úy Cao Kỳ Sơn và Trung Sĩ Đỗ Đức Thịnh, bắn súng cối mười quả trúng mục tiêu đủ mười quả!

Trước ngày 30-4-75, Bộ TTM có kế hoạch di tản các cấp chỉ huy rời khỏi Việt Nam, nhưng Ông nhất quyết không đi, Ông ở lại với anh em đến giây phút cuối cùng. Để trả giá cho quyết định “trọn tình, trọn nghĩa” với anh em 81.BCND, Ông đã bị VC giam cầm và lao động khổ sai 13 năm trường trong ngục tù cộng sản ở miền Bắc.

Riêng tác giả Chuyện Kể “Tàn Cơn Binh Lửa”, sau khi đảm nhận chức vụ Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị, anh đã nhiệt tình chăm lo, giúp đở đời sống của thương binh, của cô nhi, quả phụ BCD và tìm kiếm thêm công việc làm ăn sinh sống cho các cựu quân nhân đã giải ngũ.

Qua những chiến công, thành tích mà BCD Lê Đắc Lực đã đạt được, anh rất xứng đáng để nhận lãnh danh hiệu “Chiến Sĩ xuất sắc” nhân ngày Quân Lực 19-6-74 và cũng thật xứng đáng được Tổng Thống VNCH ân thưởng “Ưu Dũng Bội Tinh” sau khi triệt hạ cộng phỉ tại “Mật Khu Mây Tào” cho một chiến sĩ đã nhiều phen vào sanh ra tử, với 16 Anh Dũng Bội Tinh các cấp và 4 Chiến Thương Bội Tinh. Anh là một Sĩ Quan của QLVNCH, văn võ song toàn.

Đọc “Tàn Cơn Binh Lửa”, tôi có cảm tưởng mình đang xem phim “Combat”. Tôi ngậm ngùi thương tiếc các Chiến sĩ BCD đã hy sinh trong nhiều trận chiến khốc liệt, nhất là trận An Lộc mà Cô giáo Pha bị thương, được các Chiến sĩ BCD cứu chữa, hàng ngày nhìn thấy các anh chôn cất, đắp mộ cho anh em tử sĩ dưới làn mưa đạn của địch quân, trong khói lửa mịt mù, Cô đã xúc cảm mà sáng tác hai câu thơ:

“An Lộc Địa, Sử Lưu Chiến Tích
Biệt Cách Dù Vị Quốc Vong Thân!”

Tôi rất khâm phục tính nhân đạo của các Chiến sĩ BCD, được thể hiện khi truy kích địch quân tại mật khu Đồng Bò trong Tết Mậu Thân. Sau khi phát hiện các thương binh Việt cộng, BCD đã cấp tốc gọi Trực Thăng đến để bốc đưa về chữa trị tại Quân Y Viện Nguyễn Huệ và chính hành động này đã tác động tất cả họ, về sau này đều tự nguyện hồi chánh trở về với chính nghĩa Quốc Gia. Nhưng trái ngược lại tôi rất đau đớn khi biết được VC đã giết 2 Toán Thám Sát BCD còn kẹt lại trong Chiến Khu D sau ngày 30-4-75 ra hàng, đã bị chúng sát hại tất cả, thả trôi sông và ném xác xuống giếng hoang. Sự trả thù của chúng vô cùng hèn hạ. Vậy mà chúng đã rêu rao chính sách “khoan hồng nhân đạo”, “đánh kẻ chạy đi chớ không đánh người chạy lại”. Sau đó, 3 Toán Thám Sát còn lại ra đầu thú, chúng đã đưa vào trại tù, chớ không sát hại nữa vì chúng sợ bị nhân dân phẩn uất.

Tác phẩm “ Tàn Cơn Khói Lửa” đã ghi lại chứng tích tội ác của VC, đã pháo kích giết hại dân lành chạy trốn giặc trên “Đại Lộ Kinh Hoàng”, trong trận “Cổ Thành Quảng Trị” và hai bên đầu “Cầu Thác Mơ” trong trận chiến “Phước Long”. Tác phẩm cũng đã ghi lại bằng chứng vi phạm trắng trợn Hiệp Định Paris của VC.

Kha Lăng Đa

Tôi ngậm ngùi, xót thương cho 2 em bé 6, 7 tuổi, (con của Trung sĩ Hà văn Hiến, phục vụ tại Tiểu Khu Bình Long ) tên Hà thị Loan và Hà thị Nở, được đơn vị BCD cứu thoát khỏi một cái hầm dưới chân Đồi Đồng Long, sau 2 tháng trường ẩn trốn trong hầm, chịu đói khát đến nỗi thân hình chỉ còn da bọc xương, quần áo rách tả tơi, bẩn thỉu. Mẹ của 2 em đã cỏng đứa em trai 4 tuổi, dẫn 2 em chạy giặc, bị trúng đạn pháo kích của VC, mẹ của 2 em chết tại chỗ, đứa em trai bị thương ở chân. Hai em đã thay phiên cỏng đứa em trai chạy đến cái hầm ấy. Đứa em trai chết trong đêm đó. Hai em không chôn được xác nên để trong hầm đến mục rã. Nhờ lượm được mấy bao gạo sấy, 2 em ăn qua ngày. Khi hết gạo, chờ ban đêm im tiếng súng, 2 em ra ngoài kiếm rau cỏ mà ăn. Hai em được đưa về Bộ Chỉ Huy Hành Quân BCD, giao cho Ban Quân Y của Bác sĩ Nguyễn Thành Châu khám và chữa bệnh. Năm 1973, hai em được Tổng Cục CTCT đưa lên Đài Phát Thanh thuật lại chuyện gian khổ, đói khát, hãi hùng của 2 em. Đến năm 1974, hai em được một người Mỹ nhận làm con nuôi và hiện đang sống tại Hoa Kỳ. Đó là một cảnh đau lòng của “tử biệt sanh ly” trong muôn ngàn hoàn cảnh khác do VC gieo rắc cho nhân dân, đến đâu chúng cũng dùng nhân dân làm bia đỡ đạn cho chúng.

Tất cả các trận chiến mà Tác giả ghi lại trong Chuyện Kể “Tàn Cơn Binh Lửa” đều có sự kiểm chứng của các Chiến Hữu, các cấp Chỉ huy của các Đơn vị liên hệ và ngay cả vị Chỉ Huy Trưởng LĐ.81.BCND, nên Tác Phẩm này rất trung thực, có tính chất tài liệu như những trang Quân Sử hào hùng của LĐ.81.BCND và để bổ sung cho Quân Sử VNCH.

Đó là giá trị cao quý của Chuyện Kể “ Tàn Cơn Binh Lửa” của cựu Đại Úy BCD. Lê Đắc Lực.

***

ĐỌC THƠ CỦA LÍNH DÙ. LÊ LỘ ĐỨC
Người Chiến sĩ BCD. Lê Đắc Lực còn là một Nhà thơ, với Bút Danh: “Linh Du.Lê Lộ Đức”. Lời thơ của anh là tiếng lòng xuất phát từ con tim yêu Tổ Quốc, yêu Quê Hương, yêu thương anh em đồng đội và người yêu ở hậu phương ngày tháng mong chờ. Một quân nhân luôn đề cao “Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm” như anh, đã mang nặng tình cảm, ý chí quyết chiến quyết thắng, vì chính nghĩa Quốc Gia, ra đi không hẹn ngày trở lại. Anh đã không ngần ngại cho người yêu biết trước con đường sinh tử của người chiến sĩ phải đi qua:

“Có thể một ngày gần em sẽ rõ,
Khi quê hương đã sạch bong quân thù.
Trong nghĩa trang giữa những hàng bia mộ,
Có tên anh…
Một Biệt Cách Dù đã vị quốc vong thân !!!”

Trong bài thơ “Chân dung Chiến Sĩ 81 Biệt Cách Dù”, những câu đầu, anh đã giới thiệu lòng quả cảm, chí hy sinh, xem thường cái chết của Chiến Sĩ Biệt Cách Dù, đã dâng hiến cả đời mình cho đất nước:

“Khi nói về người lính 81 Biệt Cách Dù,
Chúng ta không thể nào không nghĩ đến,
Lòng quả cảm, sự hy sinh vô bờ bến,
Trọn cả cuộc đời dâng hiến quê hương,
Họ hiên ngang trên khắp các chiến trường,
Coi cái chết tựa lông hồng, rất nhẹ!”

Trong cuộc sống lưu vong ở hải ngoại, sau ngày Quốc hận đau thương, qua bài thơ: “Chiến Sĩ kiên cường”, anh vẫn khẳng định lập trường vì nước vì dân, nuôi chí căm thù, mong rữa hận cho Non Sông.

“Biệt Cách Dù sống chỉ vì lý tưởng,
Trách nhiệm chưa thành, há lẽ khoanh tay,
Giờ đã điểm, hãy vươn mình đứng dậy,
Giương cao cờ vàng Chính Nghĩa Quốc Gia,
Hãy chung vai quyết lấy lại Sơn hà,
Hãy lần nữa viết thêm trang sử mới,
“Việt Nam sử ngàn năm lưu chiến tích,
Biệt Cách Dù đã vị quốc vong thân”.

Chí anh hùng nung nấu, Chiến sĩ Biệt Cách Dù bền lòng, trung dũng trong kiếp sống tang bồng, ngang dọc, vượt núi, băng rừng, truy thù, diệt địch để trả nợ non sông. Và “Họ là ai”, chỉ cần nghe danh Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, quân địch phải khiếp đảm, kinh tâm!

“Địch khiếp sợ trước uy danh lừng lẫy,
Chúng kinh hồn, người lính chiến mũ xanh,
Hùm thiêng một cõi tung hoành,
Dấu chân Biệt Cách lưu danh muôn đời.!”

Trong bài “Tiếc thương” để tưởng niệm các Chiến sĩ 81.BCD đã anh dũng hy sinh tại Chiến Khu D, anh đã viết bài thơ qua nước mắt nhạt nhoà, khi nghe tiếng chuông từ Giáo đường vọng lại:

Anh vẫn nhớ
Mới ngày nào đó, anh còn trông đủ mặt
Nét môi cười rạng rỡ buổi liên hoan
Các em ra đi, anh tiếc nuối vô vàn!!!
Trong hoang vắng, thấy như mình cô độc”.

Để kính dâng hương linh các Anh hùng Tử sĩ của QLVNCH đã hy sinh vì Tổ Quốc, lời thơ của anh như lời than cùng Mẹ Việt Nam. Trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn, biết bao người đã nằm xuống trong cảnh điêu tàn, đổ nát của quê hương. Rốt cuộc, anh phải mang thân phận là một kẻ bại binh:

“Tay buông súng mà máu trào thành lệ,
Cuối tháng Tư buồn, tang chế phủ đêm đen”.

Nhưng qua bao năm dài sống lưu vong nơi hải ngoại , anh luôn hướng về Mẹ Việt Nam với trăm nghìn nỗi nhớ thương và nuôi ý chí quang phục quê hương trong bài thơ: “Giử trọn lời thề”:

“Kính thưa Mẹ, con là con của Mẹ
Ba mươi năm dài phiêu bạt tha phương,
Trong lòng con dào dạt một tình thương
Dành cho Mẹ với trăm ngàn nỗi nhớ!!!
Con đã sống, đã qúa nhiều trăn trở,
Phải diệt sạch giặc thù, quang phục quê hương
Đời của con chỉ có một con đường,
Cho dù chết để rửa hờn sông núi”.

Trở về những ngày tháng của thuở “Anh tiền tuyến, em hậu phương”, BCD Lê Đắc Lực đi làm kiếp trai hùng, đã ước hẹn buổi tao phùng với người em gái hậu phương Lê Thanh Hà:

“Phải đứng lên,
Hai cánh tay nầy xin trao đất nước,
Tiêu diệt giặc thù, xoá sạch điêu linh,
Một mai quê mẹ thanh bình,
Anh, em chung lối trọn tình trăm năm”.

Trong chuỗi ngày sống lưu vong nơi xứ lạ quê người, anh đã mang nặng nỗi ưu tư cho “ thân phận” mình, với hình ảnh Quê hương, cố quốc xa vời bên kia nửa vòng trái đất:

“Chiến trường xưa, kiếp chinh nhân,
Phong trần lửa đạn, bước chân quân hành.
Phù du, đời cũng trôi nhanh,
Mơ tìm lối thoát mong manh mây trời.
Đã qua một nửa đời người,
Lời thề non nước ngậm ngùi dở dang”.

Người chiến sĩ BCD luôn giữ vững khí tiết và danh dự của màu cờ sắc áo, trong hoàn cảnh nào cũng tự đối diện với lương tâm, không làm điều ô nhục để tủi hổ vong linh các vị Anh hùng Tử Sĩ, và trong tim mãi mãi lưu tồn hình ảnh đẹp của nếp sống hiên ngang, oai hùng mà Bài Thơ “Nỗi Niềm” đã thể hiện:

“Qua cuộc chiến, màu áo rừng duyên nợ,
Sống chết oai hùng, sát cánh bên nhau.
Chiếc Nón Xanh huyền thoại ngẩng đầu cao,
Hoa dù nở giữa trời xanh lộng gió.
. . . . . . . . . . . .
Đời Biệt Cách
Cưu mang nhiều hoài bảo,
Dâng hiến đời, vì Tổ Quốc hy sinh,
Sống hiên ngang, chết cũng phải liệt oanh,
Không hèn nhát, không đầu hàng trốn chạy”.

Ý chí kiêu hùng, bất khuất vẫn luôn sống trong tâm khảm của người Chiến sĩ BCD:

“Có phải các anh?
Những người lính Biệt Cách Dù
Là những anh hùng trong trận chiến
Là hùm thiêng, là nanh vuốt Thần Điêu
Chỉ chiến thắng, chẳng bao giờ chiến bại”.

Những người Chiến sĩ can trường 81.BCD đã đem máu thắm viết nên trang sử hào hùng của Dân Tộc lưu truyền mãi đến ngàn sau:

“Có phải các anh?
Những chiến sĩ Biệt Cách Dù,
Máu đã loang đầy rừng rú,
Máu chan hoà, máu nhuộm thắm Trường Sơn,
Máu dâng cao, máu sôi sục từng cơn,
Máu uất hận, máu căm hờn,
Máu tuôn tràn trong ngày “Tàn cơn binh lửa”
Và,
Dòng máu ấy sẽ mãi còn luân lưu muôn thuở !!!”
(Tàn Cơn Binh Lửa)

Thơ của Linh Du. Lê Lộ Đức mang tính ấn tượng hơn là trừu tượng. Có lẽ anh là lính nên “ăn ngay, nói thẳng” như thơ lính của Trạch Gầm mà tôi thích đọc. Những vần thơ như thiên hùng ca, tác động tình yêu nước, tinh thần chiến đấu và ca tụng chiến thắng vinh quang, ý chí hào hùng, bất khuất của người Chiến sĩ BCD, là những bài thơ đáng được trân quý, lưu truyền cho thế hệ mai sau biết được tâm tình, khí tiết của BCD nói riêng và của QLVNCH nói chung.

BCD Lê Đắc Lực đã buông súng, nhưng vẫn cầm bút để tiếp tục đấu tranh với kẻ thù, vì anh đã tự nhũ với lòng mình là nhiệm vụ “Bảo Quốc An Dân” của anh chưa hoàn thành.

KHA LĂNG ĐA


No comments:

Post a Comment

View My Stats