HÀ TƯỜNG CÁT / Người Việt
Thứ Ba, ngày 20 tháng 1 năm 2015
Cựu Thống Đốc
Massachusetts và có thể là ứng cử viên Tổng Thống 2016, ông Mitt Romney, tại buổi
dạ tiệc của hội nghị thường niên mùa đông đảng Cộng Hòa California, trên hàng
không mẫu hạm Midway, hiện nay là bảo tàng viện neo thường xuyên ở cảng San
Diego, ngày Thứ Sáu 16 tháng 1. (Hình: Sandy Huffaker/Getty Images)
Theo
tiết lộ của các viên chức chính quyền cao cấp, Tổng Thống sẽ đề nghị tăng thuế
người giàu và tiếp tục giảm thuế cho giới trung lưu.
Thuế
là nguồn tài chính để cho chính quyền có thể hoàn thành các chức năng cần thiết.
Luật lệ về thuế là vấn đề phức tạp và không thể nào có sự công bằng để ai cũng
đồng ý. Do đó thuế là cái mà người dân dưới mọi chế độ đều kêu ca và tìm cách
trốn thuế bằng cách này hay cách khác là thực tế luôn xảy ra ở tất cả các quốc
gia.
Trong
lịch sử Hoa Kỳ, thuế thu nhập đã có từ thời Nội Chiến Nam-Bắc cuối thế kỷ 19,
nhưng hơn 10 năm sau bị bãi bỏ khi Tối Cao Pháp Viện phán quyết là vi hiến. Tới
1913, Tu Chính Án Hiến Pháp số 16 mới quy định thuế thu nhập là nghĩa vụ vĩnh
viễn của các công dân và tổ chức.
Thuế
thu nhập là thuế trực thâu đánh vào cá nhân hay các công ty, xí nghiệp và là
nguồn thu nhập chính của chính quyền. Hai dạng của thuế này là thuế thu nhập cá
nhân hay công ty, căn cứ trên lợi tức, tiền lương, tiền lời trong doanh thương,
mức thuế tính theo công thức lũy tiến. Dạng thứ hai là thuế thu nhập mại sản
(capital gain tax) đánh vào lợi nhuận thu từ khoản bán hay chuyển nhượng các
tài sản, bất động sản, quý kim hay đầu tư như chứng khoán, công trái.
Mỗi
quốc gia có luật lệ khác nhau về thu nhập mại sản, không chịu thuế hay phải chịu
thuế và với một mức nhẹ hơn thuế lợi tức thông thường. Biện pháp ưu đãi này nhằm
mục đích khích lệ đầu tư để phát triển kinh tế vì trên lý thuyết phải đóng thuế
ít sẽ khiến người ta dễ dàng chấp nhận rủi ro để bỏ vốn ra làm ăn. Tuy nhiên lợi
dụng điều kiện này, một số người cũng tìm ra hình thức đầu tư có thể biến thuế
lợi tức thành ra thuế thu nhập mại sản để đỡ trả thuế.
Theo
kế hoạch do Tổng Thống Obama đề ra, thuế thu nhập mại sản cho những cặp vợ chồng
có thu nhập trên $500,000 một năm sẽ tăng từ mức 23.8% hiện nay lên 28%. Kế hoạch
này cũng hủy bỏ sự giảm thuế mại sản cho những người thừa kế hưởng các di sản lớn.
Thêm nữa một loại thuế mới sẽ được đặt ra cho các cơ quan tài chính lớn, căn cứ
trên trách nhiệm trả nợ, nhằm hạn chế những vay mượn rủi ro. Đối tượng là khoảng
100 ngân hàng có tài sản từ $50 tỷ trở lên.
Theo
dự trù, bằng những biện pháp ấy, chính quyền liên bang sẽ có thêm $320 tỷ trong
10 năm. Ngân khoản bội thu được dùng trước hết vào việc tiếp tục giảm thuế cho
những người có thu nhập thấp và trung bình. Ước lượng khoảng 13 triệu công nhân
có thu nhập thấp sẽ được hưởng lợi.
Nhiều
phần trong kế hoạch của Tổng Thống sẽ được sự ủng hộ lưỡng đảng. Dân Biểu Dave
Camp – Cộng Hòa Michigan – chủ tịch ủy ban thuế khóa Hạ Viện (House Ways and
Means Committee) đã từng đưa ra một dự luật thuế tương tự về các đại ngân hàng
và nhiều nhà lập pháp Cộng Hòa tán thành biện pháp tiếp tục giảm thuế.
Nhưng
chắc chắn việc tăng thuế thu nhập mại sản sẽ gặp sự chống đối mạnh mẽ của những
người Cộng Hòa đang nắm đa số tại hai viện Quốc Hội. Lập trường của họ từ trước
đến nay là không tán thành “một chính phủ lớn” nghĩa là can dự nhiều vào mọi
sinh hoạt kinh tế và các chương trình xã hội lớn. Sự tăng thuế thu nhập mại sản
có thể làm giảm đầu tư như đã nói trên và ảnh hưởng tới phát triển kinh tế.
Theo
các giới chức Hành Pháp, sự thay đổi mức thuế thu nhập mại sản sẽ chỉ có ảnh hưởng
tới 1% dân Mỹ, những người giàu có nhất, và kế hoạch của Tổng Thống sẽ giúp cho
dân Mỹ trung lưu có cuộc sống dễ dàng hơn về mặt kinh tế. Theo lời một viên chức
cao cấp tòa Bạch Ốc: “Tổng Thống không đề
ra thuế mới. Kế hoạch này đem đến sự công bằng về đóng thuế, chỉ nhằm bảo đảm rằng
mọi công dân Hoa Kỳ, ngay cả thành phần giàu có nhất, phải đóng thuế thu
nhập do đầu tư của họ cũng như giới trung lưu phải làm bằng tiền lương của
mình.”
Đây
cũng là một cách trả lời những chỉ trích cho rằng trong nhiệm kỳ của Tổng Thống
Obama, dù kinh tế nói chung có phát triển nhưng mức chênh lệch giầu nghèo lớn rộng
thêm và người dân lao động bị đẩy xuống xa hơn nữa. Cựu Thống Đốc Massachusetts
Mitt Romney, ứng cử viên Tổng Thống hai kỳ trước và có triển vọng sẽ tái tranh
cử năm 2016, phát biểu cuối tuần vừa qua trước các thành viên đảng Cộng Hòa ở
California: “Dưới thời Tổng Thống Obama,
người giàu giàu thêm và người nghèo nghèo hơn. Tình trạng lợi tức không đồng đều
trở nên trầm trọng hơn và số người sống trong mức nghèo khó nhiều hơn bao giờ hết.
Chính sách của vị Tổng Thống này không có hiệu lực, nói nghe thì rất hay trong
các lần tranh cử mỗi bốn năm, nhưng không đạt kết quả gì.”
Các
giới quan sát cho rằng khi nêu lên vấn đề thuế trong bài diễn từ về Hiện Tình
Liên Bang, Tổng Thống Obama cũng như đảng Dân Chủ không có nhiều hy vọng đạt được
sự đồng ý của một Quốc Hội Cộng Hòa vốn đối lập từ lâu và đang trong chiều hướng
gia tăng niềm tự tin với thành công ở cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm ngoái. Tuy
nhiên quyết định đem vấn đề ra tranh luận có hai ý nghĩa: di sản của Tổng
Thống Obama và nền tảng cho chính sách của đảng Dân Chủ trong kỳ bầu cử 2016.
Sự
thất bại của đảng Dân Chủ ở cuộc bầu cử vừa qua, được bù lại bằng uy tín của Trổng
Thống Obama đang gia tăng trở lại, là hai yếu tố thúc đẩy nên tỏ bày đường lối
chủ động hơn trong lúc này. Vì vậy Tổng Thống Obama sẽ nói về các chương trình
từ tăng thuế, đại học cộng đồng, củng cố và phát triển hạ tầng cơ sở, thay vì
hai hành động mạnh bạo hơn mà ông đã làm về di dân và Cuba. Những thăm dò dư luận
mới nhất cho biết uy tín của ông Obama đã xuống tới mức thấp nhất trong năm
2014 rồi phục hồi trở lại từ tháng 12 và tiếp tục lên trong hai tuần đầu năm.
Theo Gallup và nhiều cơ quan thăm dò khác, mức độ tin cậy Tổng Thống của dân Mỹ
hồi tháng 11 trước bầu cử 2014 là 41%, hiện nay 50%. Vào cùng thời điểm – năm
thứ 6 trong nhiệm kỳ – Tổng Thống George W. Bush chỉ được 30%, tuy nhiên Obama
hãy còn kém Ronald Reagan 52% và Bill Clinton 65%.
Ý
kiến đòi hỏi dân giàu đóng thêm thuế không phải là mới, năm 2011 đã từng được
nêu ra và cuối cùng Tổng Thống Obama thỏa hiệp với Quốc Hội để đồng ý giảm thuế
cho cả người nghèo và người giàu. Năm nay, đặt rõ mục tiêu tăng thuế người giầu
để có thể giảm thuế cho dân nghèo và thực hiện những chương trình công cộng
khác, rõ ràng Tổng Thống Obama thách thức Quốc Hội Cộng Hòa để chờ đợi phản ứng
vào lúc họ đang chiếm ưu thế nhưng lại có những khó khăn phức tạp khác đang phải
cân nhắc trong hai năm đi tới kỳ tổng tuyển cử 2016. (HC)
No comments:
Post a Comment