Làng
báo chí Ðức vừa mất đi một nhân vật trụ cột. Ðó là nhà báo Rudolf Augstein, cha
đẻ tờ tuần báo Der Spiegel (Tấm Gương). Ông qua đời vào thượng tuần
tháng 11 năm 2002.
Ô.
Augstein được một nhóm nhà báo tên tuổi quốc tế bầu là „Nhà Báo của Thế kỷ“ vào
đầu năm 2000. Các báo chí Ðức nói về ông sau khi ông mất đều bày tỏ sự nể nang
của họ. Tên tuổi ông dính liền với tờ Spiegel, tuần báo thiên về chính trị hàng
đầu ở Ðức. Tờ báo là bộ phận quen thuộc trong đời sống hàng ngày, được xem như
một định chế của nước Ðức hiện đại. Ông cũng như đứa con tinh thần của ông là bạn
đồng hành của nước Ðức trong suốt hơn năm mươi năm qua, đã có công đóng góp lớn
cho xã hội về nhiều mặt, từ văn học đến chính trị.
Rudolf Augstein
Ô.
Augstein là một thế lực báo chí, nhưng đồng thời ông cũng được biết đến như một
thứ quyền lực kinh tế và chính trị. Ông và tờ báo đã nhiều phen trực diện đối đầu
với những thế lực trong chính quyền và thường mang lại phần thắng về mình. Hơn
ai hết, ông và tờ báo là biểu tượng sống cho tự do tư tưởng và tự do báo chí.
Nhưng cũng hơn ai hết, ông thấu triệt và biết vận dụng hữu hiệu sức mạnh của
hai thứ tự do này.
Truyền
thông báo chí trong xã hội ngày nay là một ngành nghề trong lĩnh vực văn học,
văn hóa nói chung nhưng có khả năng vượt ra ngoài giới hạn văn học đơn thuần để
trở thành một sức mạnh chính trị. Tuy không có mặt trên sân khấu chính trị
nhưng tiếng nói báo chí luôn được chú ý tới, từ người dân đến chính quyền, và
trong nhiều trường hợp, có ảnh hưởng quyết định đến đường lối các đảng phái
trong chính quyền và quốc hội. Trong một quốc gia dân chủ, khả năng đó được xem
như một thứ đệ tứ quyền, một chức năng dành riêng không văn bản cho ngành in ấn
và truyền thông và dầu tốt dầu xấu, không thể thiếu vắng trong đời sống chính
trị. Tấm Gương và Tự Do Báo Chí
Tờ
Spiegel chắc chắn không phải là một tờ báo vô thưởng vô phạt như hằng hà những
tờ báo khác. Tờ báo có quan điểm riêng của mình đối với hầu hết các vấn đề
chính trị quan trọng. Rất nhiều người không ưa tờ báo, mặc dầu không nhất thiết
phải là nạn nhân của nó để không ưa nó. Nhưng điều không chối cãi được là danh
sách nạn nhân của tờ báo rất dài, trong đó có những chính trị gia lão thành tai
to mặt lớn của Ðức đã khốn đốn vì nó như hai cố Thủ tướng Tiểu bang Bayern và
Schleswig-Holstein, ôô. Franz-Josef Strauss và Uwe Barschel. Ô. Strauss phải từ
chức Bộ trưởng Quốc phòng (1962), còn ô. Barschel tự sát vào năm 1987, cả hai
vì những việc làm sai trái mờ ám lúc tại chức bị tờ báo phanh phui không khoan
nhượng (trường hợp Ô. Barschel có phần không sạch sẽ lắm). Ngược lại một số
đông rất hãnh diện là độc giả trung kiên của tờ báo, kể cả những nhân vật trí
thức có tên tuổi.
Tờ
Spiegel ra đời vào tháng Giêng 1947, vào thời điểm chế độ Ðức quốc xã đã sập đổ
(1945), nước Ðức bị Ðồng Minh Tứ Cường cai quản, CHLB Ðức chưa ra đời (1949).
Vào năm 1950, một năm sau khi CHLB Ðức chào đời, tờ báo đưa một tin động trời
là thành phố Bonn được chọn làm thủ đô tạm thời (cho đến khi nước Ðức thống nhất,
như quy định trong hiến pháp) do một số dân biểu bị mua chuộc. Tin này không
gây tác hại nghiêm trọng nào nhưng mang lại kết quả tức thời là Quốc hội phải
thành lập một ủy ban gọi là Ủy ban Spiegel và tờ báo nổi tiếng (cũng như bị
chính quyền gờm) từ đó.
Năm
1962, tờ báo tung một tin còn động trời hơn là quân đội (Tây) Ðức không đủ khả
năng phòng thủ trong trường hợp chiến tranh quy ước xảy ra với các nước cộng sản
Ðông Âu. Tin này dựa theo nhiều tài liệu phổ biến hạn chế của giới quân sự và
an ninh Ðức nhưng được tờ báo nghiên cứu và phân tích rất kỹ lưởng và chính
xác. Vụ này làm chấn động cả nước Ðức, thường được gọi Vụ Spiegel. Chính quyền
phản ứng kịch liệt, kết tội tờ báo làm phương hại đến an ninh quốc gia và bắt
giam ông Augstein. Nhưng cuối cùng tự do báo chí đã thắng vẻ vang. Bộ trưởng Quốc
phòng lúc bấy giờ là ông F.J. Strauss, người chủ trương mạnh tay với tờ
Spiegel, phải từ chức. Ô. Augstein được trả tự do sau hơn 3 tháng bị giam giữ.
Vụ
Spiegel được đánh giá là một bài học quý giá cho thể chế dân chủ nói chung. Nó
làm sáng tỏ làn ranh giữa tự do báo chí và quyền hạn của chính quyền, tránh sự
lạm dụng của chính quyền khi viện dẫn lý do phương hại đến an ninh quốc gia, thậm
chí chụp mũ phản bội tổ quốc, để hạn chế tự do báo chí. Nhưng quan trọng hơn,
nó xác định vai trò báo chí như một cơ chế kiểm soát khi Hành pháp và Lập pháp
không làm tròn chức năng kiểm chế và quân bình (checks and balances) của mình
và sự kiểm soát giữa Hành pháp và Lập pháp trở nên lõng lẽo.
Việc
quân đội Ðức không đủ khả năng phòng thủ là điều ai cũng có thể thấy được. Ðức
(thời bấy giờ là Tây Ðức) là thành viên NATO, quân đội phải tổ chức ăn khớp với
chiến lược của NATO, dựa vào sự che chở nguyên tử của Mỹ là chính, do đó bộ
binh và cơ giới không được khai triển như ở các quốc gia cộng sản Ðông Âu (Khối
Varsovie). Ðây là một vấn đề rất phức tạp nếu không muốn nói cấm kỵ vì động đến
chủ quyền quốc gia bị giới hạn trong một liên minh quân sự và có lẽ cả Hành
pháp lẫn các đảng đối lập trong Quốc hội khó có thể làm gì khác hơn. Trong trường
hợp này báo chí đóng một vai trò thiết yếu nhưng lại rất thích hợp cho họ. Chức
năng của báo chí là thông tin, kiểm soát và phê bình nhưng đồng thời báo chí
cũng cần khai thác những tin tức gây chú ý để thu hút độc giả. Cho dầu không giải
quyết ít ra cũng mang lại trong sáng cho vấn đề, điều rất cần cho một nền dân
chủ lành mạnh.
Ô.
Augstein và tờ Spiegel có một thế mạnh không nhà báo hoặc tờ báo nào ở Ðức sánh
kịp. Theo những tác giả viết về ông sau khi ông qua đời, thế mạnh đó nằm trong
các đức tính chính yếu của nghề làm báo, trước nhất là khảo cứu có phẩm chất
sau đó là một cảm quan tinh tế về thị trường. Ô. Augstein có cảm quan của một
người có máu nhà báo, sinh ra để làm báo. Ông thành công nhờ tính chuyên nghiệp,
bỏ công nghiên cứu rất công phu trước khi phân tích lý luận về chiều sâu của đề
tài. Công sức cũng như tiền bạc bỏ ra để đạt phẩm chất không bao giờ ông đặt
thành vấn đề. Ông đòi hỏi khắt khe với chính ngòi bút của ông cũng như những cộng
tác viên đức tính này. Tòa soạn báo Spiegel có một đội ngũ chuyên viên rất
đông. Chỉ nội khâu quản trị kho tài liệu tờ báo có đến hàng trăm chuyên gia có
học vị tiến sĩ.
Ô.
Augstein còn một cảm quan tinh tế khác rất cần thiết cho nghề làm báo là ông biết
khai thác thị trường (báo chí). Khi bắt được một đề tài ông biết mình muốn làm
gì và phải làm gì để khai thác đề tài đó. Nhưng đặc biệt cảm quan của ông nó lạnh
lùng, không có chỗ cho quân tử Tàu. Khi cần ông có thể không khoan nhượng,
không cần biết đến tự chế để đạt được tiêu chỉ. Có lần ông làm thất vọng độc giả
ủng hộ tờ báo khi cho đăng một bài viết bôi nhọ một nhà đối kháng đang bị tù ở
Ðông Ðức. Bài viết này do chính con ruột nhà đối kháng sống ở Tây Ðức viết,
trong đó anh ta mạt sát thậm tệ ông bố, thậm chí gọi ông này là “heo”. Về sau một
nhà văn thân hữu có thắc mắc được ông cho biết là chính ông cũng thấy bài viết
tởm lợm, nhưng không đăng báo khác sẽ đăng.
Một
đức tính khác của Ô. Augstein được đồng nghiệp đánh giá cao là niềm tin không
lay chuyển của ông vào dân chủ và khả năng trí tuệ. Theo nhà báo Frank
Schirrmacher của tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, một nhật báo uy tín ở Ðức,
Rudolf Augstein là người đã khuôn nắn nền dân chủ Ðức. Nếu so sánh với bối cảnh
lịch sử sau Thế chiến thứ 2, thì tự do dân chủ người Ðức được hưởng ngày hôm nay
không phải bỗng chốc có được mà qua một quá trình sinh trưởng và xây dựng đầy
cam go với sự đóng góp kiên trì hữu hiệu của nhiều thành phần xã hội, trong đó
có các chính trị gia, những nhà làm luật, làm kinh tế v.v. Và không kém quan trọng
là những nhà làm văn học và báo chí. Ông Augstein đã có công đónh góp vào quá
trình này. Sự đóng góp đó nằm trong việc xóa bỏ từng bước di sản độc tài Ðức quốc
xã, gieo ý thức dân chủ nhất là ý thức bảo vệ quyền tự do, nếu cần phải chủ động
đứng lên đòi quyền tự do này theo nghĩa không đòi ai cho. Người Việt chúng ta
có thể hình dung sau khi sống dưới chế độ độc tài cộng sản, việc tháo gỡ những
quán tính nơi người dân như tâm lý sợ hãi, cầu an, thụ động, não trạng xin-cho…
khó khăn đến dường nào. Nó đòi hỏi can đảm và kiên trì, một lòng cho tự do dân
chủ. Trường hợp Tấm Gương là một bài học đáng giá để hiểu thế nào là đệ tứ quyền
trong thực tế.
Cũng
theo Schirrmacher thì Augstein là người đã phục hồi giá trị người trí thức cầm
bút. Ông tin vào sức mạnh trí tuệ và ngòi bút. Người Ðức vẫn nói: Ngòi bút mạnh
hơn thanh kiếm. Bản thân ông là sự trả thù của giới trí thức đối với thế quyền,
vì bao nhiêu trí thức nhà báo trước ông chỉ vì tự do tư tưởng đã bị thế quyền
trù dập, như Heinrich Heine (1797-1856), phải sống ly hương ở Pháp, bài viết bị
cấm ở Ðức, Carl Ossietzky (1889-1938), nhà hoạt động chính trị kiêm nhà báo được
giải Nobel Hòa bình cho năm 1935 (công bố một năm sau vào tháng 12/1936, sau 3
năm liền tránh né quyết định trong khi ông còn trong tù vì Ủy Ban Nobel Na-Uy đã
khiếp nhược trước áp lực nặng nề từ phía Ðức Quốc xã), bị trù dập tù tội hết dưới
thời Cộng Hòa Weimar đến thời Hitler. Ngay chính ông cũng từng là trí thức nạn
nhân bị thế quyền trù dập. Người Việt chúng ta có quyền hãnh diện khi nghĩ đến
những trí thức cầm bút như Phan Khôi, Phùng Cung … thuộc nhóm Nhân Văn Giai phẩm
trước đây không chịu bẻ cong ngòi bút và ngày nay có được BS Nguyễn đan Quế, LM
Nguyễn văn Lý, Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn … đang chịu cảnh lao
tù cũng chỉ vì lý tưởng tự do tư tưởng. Ảnh hưởng của truyền thông báo chí
Trường
hợp tờ Spiegel chỉ là một thí dụ thâu hẹp. Vai trò cũng như ảnh hưởng lớn rộng
của truyền thông báo chí được nói đến như một thứ đệ tứ quyền là một hiện tượng
tương đối mới có khoảng hơn nửa thế kỷ nay, đặc biệt phổ cập ở các nước dân chủ
phương Tây, nổi bật nhất trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Ngày nay, sự cần
thiết cũng như sức mạnh và ảnh hưởng sâu rộng của truyền thông báo chí trong đời
sống chính trị trên thế giới nói chung là điều không ai phủ nhận được.
Ðệ
tứ quyền hay tự do báo chí là một thứ quyền quý giá cũng như thiết yếu để bảo vệ
tự do. Nhưng nó cũng có mặt tiêu cực của nó, nhất là khi truyền thông báo chí
có được vị thế độc quyền thông tin và có thể lèo lái dư luận quần chúng. Tai hại
hơn nữa là khi chính trị để cho báo chí chi phối, thậm chí dẫn dắt, trở thành
thụ động.
Trong
chế độ dân chủ, truyền thông báo chí ảnh hưởng dư luận quần chúng và dư luận
này tác dụng đến đường lối chính trị các đảng phái, nếu họ không muốn mất phiếu
cử tri. Người dân chỉ được thông tin qua truyền thông báo chí. Do đó, cách thức
duy nhất để được quần chúng chú ý, hoặc để biết ý kiến quần chúng, là gây chú ý
qua phương tiện truyền thông, tương tự như quảng cáo. Chỉ những đề tài báo chí
bàn đến mới có người biết đến và lưu ý. Báo chí lấy tin, thêm thắt ý kiến, phổ
biến và trở thành một thứ quyền lực hướng dẫn ý kiến quần chúng. Quần chúng bất
lực trong quá trình này.
Từ
vai trò người quan sát và thông tin như Hiến pháp cho phép, báo chí trở thành một
phương tiện đưa lối dẫn đường cho chính trị. Một hiện tượng thường thấy là
chính trị chạy theo báo chí. Theo một giai thoại, TT Ðức Ô. Schroeder đã có lần
bộc bạch là để điều hành chính phủ, ông chỉ cần tờ báo Bild và cái ti-vi. Báo
Bild là tờ báo bình dân nhiều độc giả nhất ở Ðức, ra mỗi ngày 4 triệu số.
Hoặc
điển hình nhất là trường hợp xảy ra ở Mỹ vào thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Về
sau này, các dữ kiện được rọi sáng cho thấy là đường lối chính sách Mỹ về chiến
tranh Việt Nam thay đổi hẳn chỉ vì mỗi tiếng nói của Ô. Walter Cronkite, xướng
ngôn kiêm biên tập viên thời sự (anchorman) đài truyền hình CBS Mỹ. Ông này sau
một chuyến viếng thăm Việt Nam sau biến cố Mậu Thân 1968 đã đi đến kết luận là
Mỹ không thắng được cuộc chiến ở Việt Nam. Ô. Johnson, Tổng Thống đương thời
(1962-68), nghe theo ông này và quyết định tìm cách rút ra khỏi cuộc chiến, mặc
dầu về phương diện quân sự Hoa Kỳ đang ở thế mạnh và, trái với điều nhiều người
vẫn tin, đa số dân chúng Mỹ vẫn ủng hộ cuộc chiến (đa số thầm lặng?). Ðiều này
có thể dẫn chứng qua sự kiện Ô. Nixon, ứng cử viên diều hâu, đã thắng cử Tổng
Thống 2 nhiệm kỳ liền vào năm 1968 và 1972, trong lúc đối thủ ông là bồ câu chủ
hòa (Humphrey và McGovern) nhưng vẫn không được dân chúng bầu. Trong cuộc bầu cử
Tổng Thống năm 1972, trong khi sự chống đối chiến tranh Việt Nam tại Hoa Kỳ vẫn
còn ở cao điểm, Ô. Nixon đã tái đắc cử với số phiếu áp đảo 61 phần trăm so với
37 của McGovern. Vào một thời điểm then chốt, cả ý kiến quần chúng lẫn thực tế
(quân sự) không còn là yếu tố quyết định nữa. Chỉ mỗi ý kiến một nhà báo đã quyết
định chiều hướng cuộc chiến và trong trường hợp này, vận mệnh miền Nam Việt
Nam.
Tình
trạng chính trị thụ động theo báo chí rất tai hại vì báo chí và chính trị thật
ra có những chức năng và nhiệm vụ hoàn toàn khác biệt nhau. Trách nhiệm của
chính trị là giải quyết vấn đề, nhất là những vấn đề nền tảng lâu dài. Ngược lại
báo chí không có nhiệm vụ giải quyết. Họ chỉ thông tin và chỉ chú trọng đến vấn
đề có tính chất thời sự. Nói cách khác, chính trị phải đóng vai trò chủ động,
thay vì chạy theo báo chí. Ví dụ như nạn thất nghiệp, căn bịnh trầm kha của nước
Ðức từ cả chục năm nay, một vấn đề quan trọng hàng đầu phải giải quyết thường
xuyên và trường kỳ, là phần việc của chính trị, không phải của báo chí.
Nhưng
trong thực tế, thông tin như một thức ăn hàng ngày. Việc cung cấp thông tin nằm
trong tay báo chí, báo chí phải săn tin tức mỗi ngày, như các bà nội trợ đi chợ.
Dầu lưu lượng ít hoặc nhiều, họ cố tình tạo cho nó có tính chất quan trọng để dễ
gây chú ý và giữ độc giả. Các vấn đề quan trọng ít được quần chúng chú ý tới bằng
những vấn đề thời sự được báo chí dồn dập nói tới. Một số biến cố tuy chỉ có
tính cách nhất thời hoặc khu vực như vụ lũ lụt ở miền Ðông nước Ðức vào mùa thu
2002 hoặc chiến tranh Kosovo năm 1999, nhưng vì được báo chí hàng ngày nói tới
bỗng nhiên trở thành khẩn trương, tạo một sức ép bất tương xứng khiến chính trị
phải ứng xử. Người ta nói đến một tương quan máy móc, có tính cách quán tính.
Vai trò bị đảo ngược. Thay vì chủ động, chính trị để báo chí chỉ đạo. Trong khi
đúng ra chính trị phải đóng vai trò chỉ đạo, báo chí đưa tin.
Vấn
đề được đặt ra là không chỉ tự do báo chí phải được bảo vệ mà còn làm thế nào để
bảo vệ người dân khỏi sự chi phối giả tạo của báo chí. Sức mạnh của dân chủ
phát xuất từ chỗ dựa trên ý nguyện người dân. Nhưng trong nhiều trường hợp, báo
chí tạo cho người dân một cảm quan nhận thức lệch lạc, thiếu trong sáng. Qua
đó, ý nguyện quần chúng sẽ mất đi tính chất khả tín chân thật của nó.
Nhưng
ảnh hưởng truyền thông cũng có những giới hạn của nó. Tuy truyền thông phương
Tây đặc biệt Mỹ có một thế mạnh độc quyền nhưng vẫn bị những yếu tố chủ quan
cũng như khách quan giới hạn. Trường hợp chỉ một bài báo, một tờ báo có ảnh hưởng
lớn quyết định làm khốn đốn chính quyền, thậm chí thay đổi chính sách, như vụ
Spiegel, Walter Cronkite hay Watergate thật ra không phải thường lệ. Báo chí chỉ
có thể khuếch đại tầm quan trọng một biến cố nhưng không tạo ra biến cố được.
Trường
hợp tất cả các báo đồng một quan điểm cũng ít khi xảy ra. Hoặc có xảy ra thì
cũng chỉ trong hoàn cảnh rất đặc biệt, như ở Mỹ sau biến cố 11 tháng 9 hoặc trước
chiến tranh Irak, khi báo chí (Mỹ) đồng loạt ủng hộ đường lối cứng rắn của
chính quyền cũng như phản ảnh ý nguyện của đa số quần chúng Mỹ. Thông thường mỗi
tờ báo lớn đều có khuynh hướng chính trị riêng, nói chung là tả hoặc hữu, và
tùy theo đảng nào cầm quyền, còn được gọi là thân hay chống chính phủ, mặc dầu
họ cũng tỏ ra khách quan để gìn giữ uy tín. Ảnh hưởng của mỗi tờ báo thường chỉ
giới hạn vào số độc giả có cùng khuynh hướng. Chẳng hạn như độc giả có khuynh
hướng thân tả, trong đó dĩ nhiên có các chính trị gia, sẽ không đọc báo có
khuynh hướng bảo thủ, hoặc đọc nhưng với thành kiến có sẳn.
Một
giới hạn khác có tính chất khách quan hơn là quần chúng độc giả, khán thính giả
ngày nay cũng đủ thông minh và tùy theo điều kiện hoàn cảnh, họ có một sự lựa
chọn rộng rãi. Báo chí và truyền hình không phải một mình một chiếu mà phải
tranh dành độc giả và khán giả. Lấy ví dụ cuộc chiến Irak đang xảy ra, khán giả
truyền hình được cung cấp tin tức hình ảnh từ nhiều đài truyền hình khác nhau,
mỗi đài lại chú trọng một góc nhìn khác nhau. Khán giả có được cái nhìn tổng
quát hơn nhưng ảnh hưởng của mỗi đài truyền hình cũng bị thu giảm đi.
Trong
thời đại toàn cầu ngày nay, ngoài nhiều lựa chọn còn phải nói đến vấn đề khác
biệt văn hóa. Một bài viết có thể hợp lối suy nghĩ người Mỹ nhưng lại không thuận
tai người Pháp. Cũng có thể hợp quan điểm cả người Mỹ lẫn Pháp nhưng lại chối
tai với người Á rập v.v. Sau biến cố 11/9/2001, trước khi đánh Afghanistan,
truyền thông phương Tây nói chung có khuynh hướng chống Hồi giáo quá khích và
thông cảm với Mỹ. Người dân cũng chia xẻ cảm quan này. Nhưng ngược lại, trong
các quốc gia Hồi giáo, kể cả quốc gia ôn hòa như Nam Dương, vẫn có người nghĩ
khác, mặc dầu cùng đọc báo lớn Âu Mỹ, xem CNN. Theo nhiều bài phóng sự, một số
không nhỏ trong giới có học ở Pakistan nhìn vấn đề Afghanistan khác hẳn với
phương Tây. Họ thông cảm, thậm chí bênh vực quần chúng Hồi giáo ủng hộ Taliban
hoặc Bin Laden.
Osama Bin Laden
Cho
dầu có mặt tiêu cực hoặc những hạn chế, đệ tứ quyền vẫn có sức mạnh tự tại vô
song của nó. Ðó là sức mạnh của tự do. Sức mạnh này còn được tu bồi bằng trí tuệ
và nhất là lương tri. Nhà báo chân chính, hoặc nói chung người làm truyền
thông, trước nhất là phải có khả năng trí tuệ. Khả năng trí tuệ này là vốn quý
của họ, thuờng giúp họ có được lương tâm chức nghiệp cần thiết.
Người
Việt hay nói: nhà báo nói láo ăn tiền. Nhưng nói chung, ngoài một số thiếu liêm
sỉ, chúng ta luôn có tình cảm tốt đẹp với người làm báo chân chính. Những tên
tuổi như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Từ Chung, Trần Văn Ân … vẫn có
chỗ đứng xứng đáng trong cảm quan chúng ta.
Trong
khi thế giới loài người tiến bộ mỗi ngày thì đệ tứ quyền vẫn còn là điều mơ ước
của người Việt chúng ta. Nhưng không có nghĩa là ta không làm gì được. Ngay từ
bây giờ, hải ngoại có đủ điều kiện đóng góp hữu hiệu để làm chim đầu đàn biến
điều mơ ước này thành sự thật. Ðiều kiện thiết yếu là có một cái nhìn xa và ý
chí. Chỉ sợ chúng ta thiếu ý chí chứ không lo không có dịp đóng góp. Nhưng chắc
chắn phần thưởng tinh thần sẽ rất lớn.
Phạm
Trương Long
Frankfurt,
CHLB Ðức, tháng 4/2003
No comments:
Post a Comment