Ts.
Nguyễn Đình Thắng
Posted
on Sunday, January 11, 2015 @ 14:49:53 EST
Người
Viêt ở hải ngoại, đặc biệt ở Hoa Kỳ, có tiềm năng đóng góp nhiều cho sự thay đổi
đất nước nếu chúng ta làm đúng việc và đúng cách trong giai đoạn này. Điều này
áp dụng cho các “tổ chức cộng đồng” người Việt ở Hoa Kỳ, và cũng có thể ở các
quốc gia khác.
Tôi
đóng trong ngoặc kép “tổ chức cộng đồng” để chỉ những tổ chức, dù danh xưng
chính thức có thể khác nhau, nhưng được thành lập với cùng tâm nguyện quy tụ tất
cả đồng hương trong vùng và làm tiếng nói đại diện cho họ.
Theo
tôi, các tổ chức cộng đồng có những ưu thế và sở trường chưa được khai thác, mà
lại bị vướng mắc trong những khó khăn làm tản lực và phân trí một cách không cần
thiết. Dưới đây là đề nghị để vừa tháo gỡ vướng mắc vừa phát huy sở trường và
ưu thế mà tôi đã chia sẻ trong những buổi tâm tình riêng với những người bạn
đang dấn thân trong các “tổ chức cộng đồng” ở nhiều nơi mà tôi đã đi qua.
Ưu thế và sở trường
Người
Việt ở Hoa Kỳ có ưu thế so với nhiều sắc dân khác vì ở đâu đâu hầu như cũng có
sự tập hợp thành “tổ chức cộng đồng”. Sự tập hợp và tổ chức ấy là điểm son cho
một tập thể với tuổi đời còn rất non trẻ, chưa đầy 40 năm hiện diện ở đất nước
này.
Sở
trường của các “tổ chức cộng đồng” là kinh nghiệm tổ chức các cuộc bầu cử với sự
vận động tranh cử của các liên danh. Nhiều cộng đồng sắc dân bạn không có kinh
nghiệm này.
Nếu
tận khai thác ưu thế và sở trường này một cách đúng đắn, chúng ta có thể tạo
cho mình một vị thế ảnh hưởng đáng kể lên dòng chính ở Hoa Kỳ, để từ đó phát
triển lợi ích cộng đồng và tác động chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy
nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam.
Cách khai thác
Các
tổ chức cộng đồng cần biến mình thành môi trường chuyên chú đưa những người ưu
tú trong cộng đồng tham gia chính trường dòng chính. Có 4 công tác cụ thể để thực
hiện:
(1)
Huấn luyện ứng cử viên: Vận động những người trẻ ra tranh cử các chức vụ trong
“tổ chức cộng đồng”, và huấn luyện cho mọi ứng cử viên về kỹ thuật tranh cử, tổ
chức ban vận động tranh cử, tranh luận nghị trường, huy động truyền thông, vận
động cử tri... Tranh cử vào “tổ chức cộng đồng” là bước diễn tập để tranh cử
trong dòng chính.
(2)
Ghi danh cử tri: Các ứng cử viên đều phải vận động đồng hương ghi danh tham gia
“tổ chức cộng đồng” vì chỉ thành viên chính thức mới có quyền bầu cử. Đây là
hình thức ghi danh cử tri mà các ứng cử viên đều phải thi đua thực hiện để tăng
triển vọng đắc cử. Điều này sẽ giúp tăng số thành viên chính thức tham gia tổ
chức cộng đồng.
(3)
Tham gia dòng chính: Sau kỳ bầu cử, dù đắc cử hay không, mọi ứng cử viên đều bắt
tay vào 3 trọng tâm: Khai thác mọi cơ hội để nối kết cộng đồng với dòng chính
Hoa Kỳ, tìm và chuẩn bị các ứng cử viên nhiệm kỳ kế tiếp, và vận động thêm người
chính thức tham gia tổ chức cộng đồng. Dĩ nhiên, các “tổ chức cộng đồng” vẫn có
thể cung cấp dịch vụ, tổ chức lễ lạt… cho đồng hương.
(4)
Đưa người vào chính trường Hoa Kỳ: Với đội ngũ ngày càng tăng những người trẻ
dày dạn kinh nghiệm vận động tranh cử cho mình và cho nhau, với khối cử tri dấn
thân và gắn bó với nhau và đã quen thể thức bầu cử, “tổ chức cộng đồng” bắt đầu
đưa người của mình ra tranh các ghế dân cử ở địa phương, tiểu bang và dần dà
lên đến liên bang. Càng nhiều thành viên đắc cử trong chính trường dòng chính
thì “tổ chức cộng đồng” càng tăng uy thế và tập thể Mỹ-Việt càng tăng ảnh hưởng.
Nếu
tập trung vào mục tiêu rất cụ thể và rõ rệt này, tập thể người Việt ở Hoa Kỳ sẽ
nổi bật là sắc dân duy nhất có một kế hoạch quy củ và một cơ chế quy mô toàn quốc
để đưa người vào dòng chính. Vị thế của chúng ta sẽ tăng lên rất nhiều so với
hiện nay trong mắt của các sắc dân bạn và của chính giới Hoa Kỳ.
Điều
này khả thi vì đã có tiền lệ: Đã có những người trẻ sau khi sinh hoạt trong tổ
chức cộng đồng ra tranh cử thành công trong dòng chính, như ở Tarrant County,
Texas có anh Nguyễn Xuân Hùng; ở Westminster, California có anh Tạ Đức Trí; ở
Garden Grove, cũng California có anh Bùi Thế Phát.
Thoát những vướng mắc
Sự
chuyển hướng như trên cũng sẽ giúp “tổ chức cộng đồng” thoát khỏi những vướng mắc
xuất phát từ chính chủ trương quy tụ và làm tiếng nói đại diện cho mọi đồng
hương trong vùng. Chủ trương này trái ngược với nguyên tắc “tính đại diện” của
xã hội Hoa Kỳ: Một cá nhân hay tổ chức ngoài chính phủ chỉ có thể đại diện cho
người nào chính thức cho quyền đại diện trong phạm vi cho phép. Chẳng hạn, một
luật sư hay văn phòng luật chỉ được đại diện khi thân chủ ký hợp đồng cho phép
và chỉ được đại diện trong phạm vi của hợp đồng; một công đoàn chỉ được đại diện
cho những công nhân nào chính thức ký đơn gia nhập và chỉ trong phạm vi quyền
lao động; hội AARP của những người cao niên, hội từ thiện Rotary, các đoàn hướng
đạo… cũng thế. Các “tổ chức cộng đồng” của người Việt cũng không thoát khỏi
nguyên tắc này: chỉ được quyền đại diện những ai chính thức ký đơn tham gia làm
thành viên chứ không thể tuyên bố đại diện bao quát được.
Vi
phạm nguyên tắc này dẫn đến nhiều hệ luỵ.
(1)
Mất kiểm soát nội bộ: Thành viên tham gia một tổ chức có quyền lợi thì cũng có
trách nhiệm. Chẳng hạn, họ có quyền bỏ phiếu bầu ban quản trị nhưng ngược lại
có nhiệm vụ tham gia buổi họp khoáng đại và đóng niên liễm. Đơn tham gia có ký
tên chính là bản thoả thuận 2 chiều về quyền lợi và nghĩa vụ. Một “tổ chức cộng
đồng”, khi đơn phương nhận đại diện cho mọi người Việt ở trong vùng thì vô tình
cài mình vào thoả thuận 1 chiều: ai ai cũng có quyền xía vào nội bộ nhưng không
có nghĩa vụ gì với tổ chức. Đấy là vì tổ chức đơn phương nhận họ là thành viên
nên họ có quyền ấy; ngược lại họ không hề ký và cam kết một nghĩa vụ nào. Hậu
quả là chỉ trích và lên án thì nhiều mà đóng góp thì ít. Tình trạng “làm dâu
trăm họ” này không cho phép “tổ chức cộng đồng” định hướng hay theo đuổi kế hoạch
lâu dài mà chỉ loanh quanh những việc đoản kỳ, những công tác món. Thậm chí, bất
kỳ nhóm nào không thích ban quản trị đương nhiệm đều có thể tìm một số người bất
luận là ai (lý lẽ rằng ai ai cũng là thành viên cả mà) cho đủ số phiếu để nắm
luôn quyền quản trị. Không một tổ chức nào, kể cả doanh nghiệp hay công ty lớn
hay nhỏ, có thể hoạt động, đừng nói là phát triển, khi mất kiểm soát nội bộ
(internal control).
(2)
Xung đột không cần thiết: Ở Hoa Kỳ, ngoại trừ cơ cấu chính quyền, mọi tư nhân
được khuyến khích lập hội, lập công ty để tha hồ hợp tác hay cạnh tranh với
nhau. Sự phong phú về tổ chức chính là sức mạnh của xã hội mở và đa nguyên. Đại
diện quyền lợi của công nhân có nhiều công đoàn khác nhau; đại diện quyền lợi của
người cao tuổi có nhiều tổ chức khác nhau; có không ít tổ chức bảo vệ môi sinh;
hội cựu chiến binh toàn quốc có vài chục. Họ không bị dẫm chân, không bị mâu
thuẫn vì tuân thủ đúng nguyên tắc “tính đại diện” -- hội nào có thành viên của
hội nấy, và một người có thể cùng lúc là thành viên của nhiều hội. Ngược lại,
vì không tuân thủ nguyên tắc này, khi 2 “tổ chức cộng đồng” cùng cho rằng mình
đại diện mọi người trong vùng thì xung đột đương nhiên xảy ra: “Sao anh dám nhận
thành viên của tôi là thành viên của anh?” Vì cả 2 bên đều không có “tính đại
diện” nên việc tranh cãi chỉ dựa trên quan điểm chủ quan của đôi bên và không
bao giờ giải quyết xong. Lại có người thành tâm thiện chí vận động 2 bên sáp nhập
thành một. Đây không là giải pháp vì: (a) dù sáp nhập thì vẫn không mang “tính
đại diện”; (b) không bảo đảm được trong tương lai sẽ không trở lại tình trạng
như hiện nay. Đó là chưa kể đi ngược với
nguyên tắc đa nguyên của xã hội mở ở Hoa Kỳ.
(3)
Mất người: Khi vận hành sai nguyên tắc của xã hội dòng chính, chúng ta khó
tranh thủ sự tham gia của những người hiểu biết và dày kinh nghiệm dòng chính,
mà đó lại chính là những người chúng ta đang cần kéo về để tăng thế và lực cho
cộng đồng Mỹ-Việt. Thành phần này ngày càng đông với thế hệ thứ 2, rồi thứ 3
đang vươn lên.
Nguyên
tắc “tính đại diện” là vấn đề “hệ thống”; hễ vi phạm thì các hệ lụy của nó là
đương nhiên, nếu chưa xảy ra thì cũng sẽ xảy ra. Khi gặp “lỗi hệ thống” mọi biện
pháp mà không giải quyết tận căn đều chỉ là vá víu, tạm thời, và rồi đâu sẽ lại
vào đó. Nó làm hao phí nội lực và chậm đà tiến của cộng đồng, hiểu theo nghĩa tập
thể Mỹ-Việt nói chung.
Lời kêu gọi
Trong
gần 40 năm qua, đã bao thế hệ những người bỏ tâm huyết và công sức, thời gian
và tiền bạc với mong muốn cho cộng đồng được lớn mạnh và có ảnh hưởng trong
dòng chính. Tôi hiểu và trân quý tâm huyết và những đóng góp ấy vì không xa lạ
gì--cách đây gần 20 năm tôi ở trong tổ chức cộng đồng ở vùng Hoa Thịnh Đốn.
Những
đầu tư từ mấy mươi năm qua sẽ không phí hoài nếu lúc này chúng ta biết khai dụng
ưu thế và sở trường rất độc đáo của tập thể Mỹ-Việt so với các sắc dân khác. Ưu
thế và sở trường này có được là do chính chúng ta miệt mài tạo ra. Nay chúng ta
cần mạnh dạn và nhanh chóng chuyển hướng để khai thác chúng, và đồng thời gỡ bỏ
những vướng mắc quanh nguyên tắc “tính đại diện” đang cầm chân sự thăng tiến của
cộng đồng.
Khi
thật đông người Việt trở thành dân cử trong dòng chính, thì họ sẽ là tiếng nói
chính thức với thẩm quyền hợp hiến để đại diện cho chúng ta ở mọi cấp chính quyền
Hoa Kỳ. Đấy chính là điều mà tất cả chúng ta mưu cầu: Có tiếng nói đại diện ở
khắp nơi trên đất nước Hoa Kỳ. Dùng tiếng nói ấy để ảnh hưởng chính sách quốc
gia Hoa Kỳ trong thời gian 2 năm tới đây là phần đóng góp cần và thiết thực của
tập thể Mỹ-Việt cho công cuộc dân chủ hóa đất nước Việt Nam.
Nếu
chuyển hướng ngay, chúng ta có thể kịp tạo uy thế đối với chính giới Hoa Kỳ và
sự vì nể của các sắc dân bạn trong bối cảnh của cuộc tổng tuyển cử năm 2016.
No comments:
Post a Comment