Thursday, 15 January 2015

Hội nghị trung ương 10 : đầu voi đuôi con gì ? (Phạm Trần)





Được đăng ngày Thứ năm, 15 Tháng 1 2015 06:13

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã coi thường người dân và đảng viên khi quyết định không công khai kết quả bỏ phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị và Ban Bí thư tại kỳ họp trung ương 10 (từ 05 - 12/01/2014).

Việc làm không trong sáng này của ông Trọng chỉ làm cho ông và Ban Chấp hành trung ương mất đi niềm tin, vốn đã sa sút trong đảng và nhân dân trước thềm Đại hội đảng XII đấu năm 2016.

Ai cũng biết uy tín và khả năng lãnh đạo của ông Trọng đã xuống thấp nhất từ sau hai Hội nghị trung ương 6 (từ 01/10 đến ngày 15/10/2012) và 7 (từ 02/5 đến ngày 11/5/2013).
Tại Hội nghị 6, ông Trọng đã thất bại trong nỗ lực kỷ luật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì đã có những sai phạm trong lãnh đạo. Và tại Hội nghị 7, Trung ương đã bác hai ứng viên vào Bộ Chính trị do ông Trọng cơ cấu là Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính trung ương và ông Vương Đình Huệ, trưởng ban Kinh tế trung ương.

Vì vậy khi ông Trọng, người có lá phiếu quyết định trong số 16 ủy viên Bộ Chính trị không công khai kết quả thì sự nghi ngờ "có vấn đề" trong cuộc bỏ phiếu ngày 11/01 càng lên cao trong dư luận.

Người dân và đảng viên chỉ được ông Trọng cho biết:
"Ban Chấp hành trung ương đã nghiên cứu, xem xét, tiếp tục giới thiệu bổ sung Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; lấy phiếu tín nhiệm của trung ương đối với các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư; bầu bổ sung ủy viên Ủy ban Kiểm tra trung ương; xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội nghị..."(Trích Diễn văn Bế mạc, 12/01/2015).

Nhưng tại sao lại phải giấu kết quả bỏ phiếu và nhằm mục đích gì khi ông Trọng đã khoe trong Diễn văn bế mạc rằng: "Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, các đồng chí ủy viên trung ương đã tiến hành các công việc này rất nghiêm túc, đúng với quy định của Đảng, đạt mục đích, yêu cầu đề ra, trong không khí thật sự dân chủ, đoàn kết, thống nhất".

Rồi ông tự khen: "Với những kết quả nêu trên, chúng ta có cơ sở để khẳng định, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành trung ương Đảng đã thành công tốt đẹp".

Nếu đã nói "thật sự dân chủ, đoàn kết, thống nhất" và "thành công tốt đẹp" mà vẫn cứ giấu kín việc kiểm điểm bản thân thì hành động khuất tất này phải có lý do không bình thường, nếu uy tín lãnh đạo trước đảng và dân vẫn tốt.

Vậy có phải vì cuộc bỏ phiếu ngày 11/1/2015 có dính đến ông Nguyễn Phú Trọng nên ông không muốn "vạch áo cho người xem lưng", hay nhiều ủy viên trong tập thể lãnh đạo cao nhất đã bị cho điểm xấu nên cần giấu nhẹm cho đỡ mất mặt?

Trong hai cuộc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hay bổ nhiệm được phổ biến công khai trong hai năm 2013 và 2014 không có tên ông Nguyễn Phú Trọng vì ông không thuộc thẩm quyền của Quốc hội mà do Ban Chấp hành trung ương Đảng bầu lên.
Ba chóp bu lãnh đạo gồm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có tên trong danh sách Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Nhạy cảm với ai?

Vậy hai cách bỏ phiếu khác nhau ở chỗ nào?

Quốc hội là cơ quan Lập pháp do dân bầu ra, tuy vẫn do đảng cử các ứng cử viên để cho dân chọn (cho có vẻ dân chủ) nên Quốc hội có trách nhiệm với dân là trên hết, dù không bao giờ được vượt quyền điều khiển của Bộ Chính trị.

Ngược lại Đảng Cộng sản Việt Nam không do dân chọn hay bầu mà là một tập thể tự lập và tự cho mình quyền lãnh đạo nên muốn làm gì tùy ý và tùy hứng theo Điều lệ đảng là chính dù Điều lệ đảng cũng quy định "Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

Do đó, công khai hay giữ kín việc đảng làm là do lãnh đạo đảng quyết định nên không ai ngạc nhiên khi thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rào trước đón sau trong Diễn văn khai mạc Hội nghị 10 ngày 5/1/2015:
"Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư - là những chức danh lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, lại được tiến hành lần đầu, cho nên rất hệ trọng và nhạy cảm, liên quan đến uy tín và sự lãnh đạo chung của Đảng. Bộ Chính trị đề nghị các đồng chí trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm và xây dựng, nghiên cứu thật kỹ Quy định và Tờ trình của Bộ Chính trị, các báo cáo công tác của từng đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư để thể hiện chính xác chính kiến của mình qua mỗi lá phiếu, góp phần bảo đảm việc lấy phiếu thật sự dân chủ, khách quan, công tâm, xây dựng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá".

Nhưng chính ông Nguyễn Phú Trọng và Ban Chấp hành đã mở cửa khuyết điểm cho mọi người thấy, không cần gì "các thế lực xấu, thù địch" phải vạch lá tìm sâu.

Bởi vì, theo ông Trọng nói thì Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã "tiến hành kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể và cá nhân các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2014", rồi ông lại tự khen: "Các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữ gìn phẩm chất đạo đức; kiên định, vững vàng, tận tụy, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, làm việc có hiệu quả".

Như vậy thì có phải ông đã đặt "cầy trước trâu" khiến cho 175 ủy viên chính thức có quyền bỏ phiếu tín nhiệm phải đặt quyền lợi của đảng trên hết, dù có muốn quyết ngược lại cũng không được.

Kinh tế lùi mãi

Chẳng hạn như ông tự bôi son trét phấn cho hai cơ cấu lãnh đạo tối cao của đảng trong diễn văn khai mạc:
"Năm 2014, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, đất nước ta cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hoạt động của cả hệ thống chính trị, các lĩnh vực của đời sống xã hội và đạt được những kết quả quan trọng".

Nhưng cũng từ "khúc nhạc dạo đầu" này, ông Trọng lại mâu thuẫn khi báo cáo công lao của Bộ Chính trị và Ban Bí thư trong công tác điều hành nền kinh tế.

Ông nói: "Nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến tích cực hơn, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, kinh tế tăng trưởng cao hơn năm 2013; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm; cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra".

Ngay sau đó ông lại lội ngược dòng: "Tuy nhiên, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số lĩnh vực có mặt còn hạn chế. Kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định vững chắc; việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, bội chi ngân sách, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng còn nhiều khó khăn".

Những điều ông Trọng thừa nhận không mới mà chỉ lập lại chung chung như đã xác nhận trong báo cáo tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, ngày 20/10/2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Dũng nói:
"Kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc. Bội chi ngân sách còn cao. Nợ công tăng nhanh. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%) nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì khoảng 26,2%. Tổng cầu tăng chậm. Tăng trưởng tín dụng chậm trong những tháng đầu năm. Nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu. Thị trường chứng khoán phát triển chưa vững chắc. Thị trường bất động sản phục hồi chậm. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn thấp. Quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, chuyển giá hiệu quả chưa cao".

Tuy nhiên, ông Trọng lại không nói gì đến tình trạng, trong năm 2014, đã có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và nạn 70% sinh viên có bằng cử nhân không tìm được việc làm.

Theo báo cáo chính thức thì trong năm 2014, cả nước:
"Có tới 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn, buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số thuế doanh nghiệp hoặc không đăng ký. Trong số này bao gồm 9.501 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể, phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng; 58.322 doanh nghiệp khó khăn phải ngừng hoạt động, tăng 14,5% so với năm trước.
Có 11.723 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, 46.599 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký" (Báo Dân Trí, 27/12/2014).

Đối với các doanh nghiệp nhà nước thì sao?

Hãy đọc tin của báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 02/08/2014:
"Những doanh nghiệp nhà nước càng kinh doanh càng lỗ "khủng" được Kiểm toán Nhà nước điểm mặt là: công ty mẹ Cienco 5 lỗ đầu tư tài chính 11,4 tỷ đồng; 5/50 công ty do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư thua lỗ 3.702 tỷ đồng và 11/31 công ty do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư thua lỗ 6.342 tỷ đồng, Ngoài ra, 7/24 công ty do Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) đầu tư lỗ lũy kế 339,6 tỷ đồng; 6/57 công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lỗ 118,3 tỷ đồng; 3/8 công ty liên doanh, liên kết do Công ty mẹ Tổng Công ty Sông Đà đầu tư thua lỗ và 5/24 công ty liên doanh, liên kết do Tổng công ty ô tô đầu tư thua lỗ.
Tiếp sau là danh sách các công ty kinh doanh tới mức âm vốn chủ sở hữu như 3/10 công ty thuộc Cienco 5 (âm 53,7 tỷ đồng); công ty Thực phẩm Miền Bắc thuộc Tổng Công ty Thuốc lá (âm 166,74 tỷ đồng). Tình trạng lỗ lũy kế lớn hơn vốn điều lệ/vốn đầu tư của chủ sở hữu gồm hàng loạt các công ty liên doanh vốn Việt Nam và nước ngoài, thuộc ngành bất động sản, xây dựng và cả tài chính, với tỷ lệ lỗ gấp 1,3 đến 3 lần vốn chủ".

Báo này cũng trích lời Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hải, Phó Trưởng khoa Kinh tế Luật
(Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định:
"Hiện doanh nghiệp nhà nước bao gồm các tập đoàn, tổng công ty đang nắm giữ những vị trí then chốt trong nền kinh tế như: ngân hàng, năng lượng, cơ khí, hóa chất..., tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng được kỳ vọng…. Doanh nghiệp nhà nước hiện chiếm 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn nhà nước, 60% tín dụng, 79% tổng nợ khó đòi của các ngân hàng thương mại và 70% vốn ODA, thế nhưng chỉ đóng góp khoảng 30% tăng trưởng GDP. Đây là một con số vô cùng khiêm tốn, chúng ta cần suy ngẫm".

Bỏ phiếu hay bỏ bùa?

Như vậy thì khi bỏ phiếu, các ủy viên trung ương căn cứ vào đâu để quyết định và ai là người chịu trách nhiệm về nền kinh Kinh tế đang làm cho dân sống dở chết dở?

Chẳng lẽ lại đổ hết lên đầu ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nội các vì ông Dũng chỉ là người thừa hành theo quyết định của tập thể lãnh đạo Bộ Chính trị 16 người và Ban Bí thư 11 người?

(Ban Bí thư có 4 người không đồng thời là ủy viên Bộ Chính trị gồm: Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội; ông Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Bà Hà Thị Khiết, Trưởng Ban Dân vận trung ương và ông Trần Quốc Vượng, Chánh Văn phòng trung ương Đảng; nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao).

Vậy ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có trách nhiệm gì không, hay lại bảo "những thiếu sót là do lỗi hệ thống" nên không ai phải chịu trách nhiệm mà cả tập thể xin nhận lỗi trước đảng và trước nhân dân để cho huề cả làng?

Với tư duy lãnh đạo "cứ đổ rác ra cho dân hốt" như thế thì Quy định lấy phiếu tín nhiệm của đảng chỉ còn là tờ giấy rác.

Quy định 165-QĐ/TW ngày 18/02/2013 của Văn phòng trung ương ấn định thủ tục "về việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội"đã quy định "việc công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm" theo kiểu "đóng cửa nói cho nhau nghe".

Điều 10 chứng minh:
"10.1 - Kết quả phiếu tín nhiệm được công khai đối với tập thể và cá nhân sau:
- Thành phần tham gia ghi phiếu tín nhiệm của hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.
- Tập thể lãnh đạo cấp trên trực tiếp (cấp có thẩm quyền quản lý, quyết định đối với cán bộ).
- Cá nhân cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm
10.2 - Cách thức công khai kết quả phiếu tín nhiệm:
- Việc công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố tại các hội nghị lấy phiếu tín nhiệm có thành phần ghi phiếu tín nhiệm nêu tại Điều 5 của Quy định này".

Thành phần ghi phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị và Ban Bí thư tại Hội nghị 10 ngày 11/01/2015 thuộc về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư.
Và Hội nghị trung ương 10 đã được nghe báo cáo kết quả bỏ phiếu rồi thảo luận tại Tổ về kết quả này, nhưng không một ai dám hé răng thì đủ biết tính "bù nhìn" của các ủy viên trung ương hiện ra như thế nào?

(Điều 5:Đối tượng ghi phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý
5.1- Các chức danh cán bộ thuộc diện trung ương quản lý
1. Tổng Bí thư và đồng chí Thường trực Ban Bí thư:
ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng).

Điều 10cũng viết thêm rằng: "Căn cứ vào tình hình cụ thể, cấp có thẩm quyền quyết định công khai tín nhiệm đối với cán bộ ở phạm vi, đối tượng khác".

Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng và 174 ủy viên chính thức của Ban Chấp hành trung ương đã không cho dân và đảng viên biết kết quả nên cuộc bỏ phiếu ngày 10/01/2015 trở nên trơ trẽn, là trò chơi tháu cáy mạo danh dân chủ của đảng.

Vớ vẩn hơn, không giống như Quốc hội buộc các chức danh lấy phiếu tín nhiệm phải "kê khai tài sản" thì đảng lại "tha" cho những lãnh đạo không phải khai báo.

Quyết định "dân chủ giả tạo" này ghi trong Khoản 1, Điều 7:
"Nội dung lấy phiếu tín nhiệm: căn cứ vào các tiêu chí sau:

1) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống
- Lập trường, quan điểm, tư tưởng chính trị trong thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng; việc chấp hành nguyên tắc, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Tinh thần trách nhiệm trong công việc; thái độ phục vụ nhân dân; chấp hành sự phân công của tổ chức.
- Tính trung thực, động cơ trong sáng, công bằng, công tâm, khách quan, giữ vững nguyên tắc trong công việc; khả năng quy tụ đoàn kết nội bộ và tự phê bình, phê bình.
- Việc chống tham nhũng, trục lợi cá nhân; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con về đạo đức, lối sống và chấp hành chính sách, pháp luật.
- Uy tín trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

2) Năng lực thực tiễn
- Kết quả lãnh đạo cụ thể hóa đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào lĩnh vực được phân công.
- Tính năng động, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, điều hành; năng lực dự báo, xử lý tình huống khó, phức tạp trong phạm vi phụ trách.
- Kết quả, chất lượng tham mưu, đề xuất về lĩnh vực được phân công phụ trách.
- Khối lượng, chất lượng, hiệu quả công việc theo chức trách, nhiệm vụ được giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực thuộc trong phạm vi phụ trách.
- Kết quả lãnh đạo công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị; năng lực phát hiện, đào tạo, sử dụng người có đức, có tài trong công việc.
- Kết quả lãnh đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách".

Tuyệt nhiên, chuyện tài sản tư của mỗi ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư không được đụng chạm đến.

Ngoài ra cách thức thẩm định người được bỏ phiếu cũng làm theo cách của Quốc hội theo 3 mức độ: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp" như ghi trong Khoản 2, Điều 7 (Phiếu tín nhiệm và việc ghi phiếu tín nhiệm) nên cuối cùng, dù kết quả không công khai thì ai cũng có thể đoán ra cuộc bỏ phiếu ngày 10/01/2015 của Ban Chấp hành trung ương không làm cho ai bị "sứt môi, bể mũi".

Có gì đáng nói?

Ngoài những điểm nói to nhưng rỗng tuếch như trên, Hội nghị 8 ngày của trung ương 10, tuy được ông Nguyễn Phú Trọng "mạ kền" là quan trọng vì đã thảo luận những Báo cáo sẽ trình ra trước Đại hội đảng Khóa XII, nhưng tựu trung đảng vẫn loay hoay như con rối trước trận bão đòi dân chủ và chống đảng độc quyền lãnh đạo, đồng thời không che dấu được tình trạng rối loạn thần kinh trên con đường được gọi là "quá độ lên xã hội chủ nghĩa" với mớ lý luận huyên thuyên.

Điều quan trọng nhất của Bài diễn văn bế mạc của ông Trọng đã tập trung vào việc phải duy trì quyền lực cho đảng và sự tồn tại của chế độ theo Chủ nghĩa Cộng sản.

Ông kêu gọi Ban Chấp hành:
"Phải nắm vững và khẳng định: đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta".

Theo ông Trọng, đổi mới phải tập trung vào: "Đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu gây phiền hà cho dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia".

Tất cả những thứ phải "đôi mới" này xưa như trái đất vì đảng đã làm từ năm 1986 thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhưng không những vẫn tồn tại như cũ mà còn lan rộng, ăn sâu trong đội ngũ cán bộ đảng viên tham nhũng đến nỗi nhân dân phải ta thán "càng cải cách càng hành dân".

Nghị quyết trung ương 4 phổ biến ngày 18/01/2012 đã chứng minh rằng:
"Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...". 

Như thế đã thấy rõ, càng chậm chuyển hướng từ độc tài sang dân chủ, từ độc quyền báo chí, kiểm soát dư luận sang tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền đình công để bảo vệ quyền lợi cho dân thì Đảng Cộng sản Việt Nam càng sa lầy, càng đẩy đất nước vào vòng khống chế của Trung Quốc.

Vì vậy mà, một lần nữa ông Trọng đã hô hào:
"Phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, nhất là tiếp tục thực hiện kiên trì, quyết liệt hơn Nghị quyết trung ương 4 về xây dựng Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức trong Đảng và trong xã hội; giữ vững, kiên định bản chất cách mạng và vai trò tiên phong gương mẫu của Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên…".

Nhưng "suy thoái tư tưởng chính trị" để "tự diễn biến và "tự chuyển hoá" trong đảng không còn là nguy cơ nữa mà đã lan nhanh và ăn sâu trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên từ 4 năm qua.

Hiện tượng người dân, một bộ phận lớn trong quân đội và công an không còn tin vào báo chí và bộ máy tuyên truyền của đảng đã khiến cho Ban Tuyên giáo trung ương và Cục Chính trị Quân đội bối rối.

Do đó không có gì ngạc nhiên khi Hội nghị trung ương 10 phải thảo luận công tác tăng cường kiểm soát báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử, bao gồm cả các mạng báo tự do đang phát triển nhanh và đã vượt khỏi tầm tay kiểm soát của hai Bộ Công an và Thông tin và Truyền thông.

Vì vậy, ông Nguyễn Phú Trọng đã phải nói công khai: "Không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí".

Nhưng càng xiết chặt, càng định hướng và càng kiểm soát bao nhiêu thì sự kiên quyết thực hiện quyền tự do tư tưởng của dân càng lên cao như đã thấy từ năm 2011.

Rối ren trong đảng còn được chứng minh về sự loay hoay bằng đường lối cố bám lấy Chủ nghĩa phá sản Cộng sản và chủ trương nửa nạc nửa mỡ làm "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" và do nhà nước làm chủ.

Trung ương 10 đã thể hiện tình trạng hoang mang không biết xoay sở ra sao với cụm từ "xã hội chủ nghĩa" trong Thông báo cuối Hội nghị:
"trung ương đã thảo luận, cơ bản nhất trí với nội dung của Dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới và đóng góp nhiều ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Báo cáo; tập trung đánh giá, phân tích thành tựu, hạn chế, nguyên nhân trên các mặt nhận thức, thực tiễn, tập trung ở 9 vấn đề:
(1) Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;
(2) Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
(3) Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam;
(4) Giải quyết các vấn đề xã hội;
(5) Quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc;
(6) Đường lối và chính sách đối ngoại; hội nhập quốc tế;
(7) Phát huy dân chủ, đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa;
(8) Xây dựng Đảng;
(9) Nhận thức và giải quyết 8 mối quan hệ lớn: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ".

Nhưng 9 vấn đề lý luận này cũng xưa như những chuyện huyền thoại về hồ Gươm và con đê Yên Phụ. Càng kể chuyện thì hồ Gươm và ông thần Rùa càng thấy linh thiêng, dù thực tế dân gian chưa bao giờ thấy. Cũng như những bóng ma lững lờ trong màn sương Yên Phụ vào mỗi đêm Giao thừa có ai nhìn thấy mặt người đâu, nhưng cũng cứ tin và đồn thổi càng đi xa.

Câu chuyện lý luận "tịt ngòi" chả thấy đâu là đường ra của "chủ nghĩa xã hội" ở Việt Nam cũng thế. Có bao giờ đảng dám tranh luận "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" tốt hơn gấp vạn lần một "Nhà nước biết thượng tôn luật pháp" của chủ nghĩa tư bản?

Hay một Nhà nước tự do, dân chủ và biết tôn trọng quyền làm chủ đất nước của dân luôn luôn chậm tiến và tụt hậu sau nhiều năm so với mức tiến như rùa bò của Tổ quốc xã hội chủ nghĩaViệt Nam?

Sự lúng túng trong tư duy lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam còn là lực cản của dân và của nước khi lãnh đạo cứ mãi ca bài con cá nhàm tai "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ", nhưng dân thì cứ mãi trắng tay mà lãnh đạo thì giầu sang phú quý hơn mọi thời đại.

Đó là mặt trái của nền kinh tế thị trường, hay mặt trái của chế độ mà Hội nghị trung ương 10 vẫn chưa nhận thấy khi khai mạc là con voi mà đến khi kết thúc thì cái đuôi cũng không còn của voi nữa thì là đuôi con gì?

Phạm Trần
(01/2015)




No comments:

Post a Comment

View My Stats