Monday, 12 January 2015

Cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo sẽ không dễ dàng (Nguyễn Văn Huy - Thông Luận)





Được đăng ngày Chủ nhật, 11 Tháng 1 2015 17:01

Ngày 09/01/2014, ba tên khủng bố Hồi giáo cực đoan đã bị lực lượng an ninh Pháp tiêu diệt, một tại Paris và một ở vùng ngoại ô, sau nhiều ngày bị truy lùng. Trước khi bị tiêu diệt, ba tên này đã sát hại 17 người và gây thương tích cho hàng chục người khác.

Những hành động khủng bố này cho thấy cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo của Pháp nói riêng và các quốc gia phương Tây nói chung sẽ không dễ dàng. Không dễ dàng vì quân khủng bố không ai khác hơn là chính những công dân của họ, những kẻ thù bên trong. Ba tên khủng bố này đã được hai tổ chức Hồi giáo cực đoan tại Trung Đông là al-Qaeda và Daesh (Nhà nước Hồi giáo) huấn luyện và ủy nhiệm.

Đối với một người phương Tây bình thường, Trung Đông đồng nghĩa với Hồi giáo và Hồi giáo ngày nay không còn được nhìn như một tôn giáo bao dung như trước mà là một tôn giáo hung bạo, bởi những hình ảnh bạo tàn do những người nhân danh đạo Hồi gây ra. Biện pháp ngăn chặn dễ nhất mà các quốc gia phương Tây có thể làm trong lúc này là hạn chế số người Trung Đông nhập cư bất hợp pháp vào Châu Âu. Ngăn chặn được hay không là chuyện khác.

Trận đánh cuối cùng của lực lượng Hồi giáo quá khích

Trưa ngày 07/01/2015, hai tên khủng bố đã xông vào tòa soạn tuần báo hài hước Charlie Hebdo, tàn sát toàn bộ nhóm chủ trương của tờ báo đang dự phiên họp hàng tuần. Tất cả mười người trong phòng họp đều bị giết : ba nhà báo, năm nhà hí họa Charb (đồng thời cũng là chủ nhiệm Charlie Hebdo), Tignous, Cabu, Wolinski và Honoré, một cảnh sát bảo vệ và một nhà bình luận được mời tới họp. Bên ngoài tòa báo, hai hung thủ còn bắn chết một nhân viên quét dọn và một cảnh sát khác. Tổng cộng mười hai người đã thiệt mạng và hơn mười người người khác bị thương, trong đó có bốn người bị thương nặng.

Ngày 08/01/2015, một tên khủng bố khác trên đường khủng bố đã bắn chết một nữ cảnh sát trong một khu phố ngoại ô phía nam Paris, và ngày hôm sau (09/01) xâm nhập vào một cửa hàng thực phẩm của người Do Thái tại Paris bắn chết bốn nam thanh niên đang đi chợ và giữ làm con tin hơn mười người khác.

Đây là lần đầu tiên quân khủng bố tấn công vào tòa soạn một tờ báo ngay tại thủ đô Paris vì đã vẽ những hình thóa mạ Tiên tri Muhammad của chúng. Cuộc tấn công này đã dấy lên một phong trào lên án tội ác chống tự do phát biểu và ủng hộ tuần báo Charlie không riêng gì tại Pháp mà trên khắp toàn cầu. Khẩu hiệu "Tôi là Charlie" (Je suis Charlie) trở thành thông điệp chung của nhân loại, thông điệp kết hợp những người bảo vệ quyền tự do phát biểu, một giá trị nền tảng của những quốc gia dân chủ.

Nếu các tổ chức khủng bố nhân danh Hồi Giáo tưởng rằng họ vừa lập một chiến công lớn thì họ lầm to. Cuộc tấn công khủng bố này đã chỉ có tác dụng tăng cường quyết tâm chống khủng bố của người Pháp nói riêng và người Châu Âu nói chung. Những hành động khủng bố man rợ này cũng còn có tác dụng đẩy cộng đồng người Hồi Giáo sinh sống trong Liên Hiệp Châu Âu tới một thái độ chống đối dứt khoát khuynh hướng cuồng tín.

Cũng nên biết Liên Hiệp Châu Âu có khoảng 20 triệu người theo Hồi Giáo, phần lớn là những di dân từ Bắc Phi và Trung Đông đến lập nghiệp từ một vài thế hệ. Riêng Pháp có gần 6 triệu người theo đạo Hồi. Trong đại đa số họ đã hội nhập vào quê hương mới và chấp nhận những giá trị phương Tây mặc dù vẫn cố giữ văn hóa gốc. Chính họ đã là yếu tố quyết định tạo ra cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập năm 2011 tại Bắc Phi. Tuy nhiên một bộ phận đáng kể vẫn cảm thấy có một sự liên đới nào đó với những phần tử quá khích nhân danh Hồi Giáo.

Nhắc lại, sau ngày 11/09/2001, tổ chức Hồi giáo quá khích al-Qaeda đã bị Hoa Kỳ và đồng minh đánh bật ra khỏi Afghanistan và chạy tản mác sang khắp Trung Đông xây dựng lại lực lượng. Tại đây, dưới sự chỉ đạo của al-Qaeda nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan nhỏ được thành hình và tìm địa bàn cách bám trụ. Nhưng sau hơn mười năm cố gắng, phong trào al-Qaeda không phát triển được bao nhiêu vì nơi nào vừa lộ diện thì UAV của Hoa Kỳ liền tìm đến tiêu diệt. Trước sự tồn tại khó khăn này, hai khuynh hướng phát triển được hình thành và đối kháng lẫn nhau : một là xây dựng và phát triển lực lượng tại khắp nơi trên thế giới để tranh giành quyền lực, hai là tranh giành quyền lực trên một vùng lãnh thổ nhất định.

Với hai nhận định chiến lược này, tổ chức al-Qaeda muốn trực tiếp chỉ đạo những chi nhánh nhỏ tại khắp nơi trên thế giới trong khi tổ chức Daesh (Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria) hay ISIS (Islamic State of Iraq and Syria, gọi tắt là IS) tập trung xây dựng một nhà nước Hồi giáo tại Syria và Iraq và khi thành công sẽ lan rộng sang nơi khác.

Về phương pháp đấu tranh, khác với al-Qaeda, Daesh không những không che giấu mà còn phô trương những cảnh giết người rùn rợn. Sự tàn bạo của tổ chức Daesh đã vượt khỏi mọi chịu đựng, tất cả những ai chống lại sự thống trị của họ đều bị hành quyết một cách dã man.Mặc dầu vậy, Daesh đã lôi kéo khá đông thành phần quá khích Hồi giáo về phía mình và trở thành một thế lực hùng mạnh. Tháng 06/2014, Daesh cho ra đời Nhà nước Hồi giáo (IS) trên vùng đất vừa chiếm giữ phía tây Syria, với Raqqa là thủ đô, và một lãnh thổ rộng lớn phía tây bắc Iraq. Nếu cứ âm thầm hành động, có lẽ toàn bộ miền bắc Iraq đã lọt vào tay Daesh với tất cả những giếng dầu đang khai thác. Như để phô trương sự hung bạo của mình, tổ chức IS thách thức Hoa Kỳ bằng cách cắt đầu hai thường dân Mỹ và đang trả giá cho hành động ngu xuẩn này. Từ tháng 09/2014 đến nay, với hơn hai ngàn cuộc không kích, Hoa Kỳ và đồng minh đã tiêu diệt hàng ngàn chiến binh thánh chiến và đẩy lùi Daesh ra khỏi nhiều địa bàn chiến lược phía bắc Iraq và phía đông Syria.

Cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi Giáo tại Trung Đông có lẽ đang diễn ra trong giai đoạn cuối cùng. Hầu hết các phần tử thánh chiến Hồi giáo rải rác trên thế giới đã tập trung về Iraq và Syria dưới cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh để cùng bị tiêu diệt. Tại Yemen, những phần tử khủng bố Hồi giáo thuộc tổ chức al-Qaeda cũng đang vùng vẫy để tránh bị triệt tiêu.

Nhưng trước khi bị tiêu diệt, những thú dữ khủng bố Hồi giáo chắc chắn sẽ gây thêm nhiều tội ác chống loài người mà dân chúng Trung Đông là nạn nhân trực tiếp, hơn 3 triệu người Syria đã chạy sang các quốc gia láng giềng lánh nạn. Liên Hiệp Quốc cho biết số người này sẽ tăng thêm trong năm 2015, và trong số đó sẽ có hàng trăm ngàn người bất chấp hiểm nguy vượt biển đến Châu Âu tị nạn. Được quyền tị nạn hay không là chuyện khác.

Thảm trạng thuyền nhân trên Địa Trung Hải

Năm 2014, gần 130.000 di dân bất hợp pháp đã đến Châu Âu bằng đường biển, trong đó hơn 108.000 người đã đổ bộ lên đất Ý, gấp đôi năm 2013.

Theo Tổ chức di dân quốc tế (IOM-International Organization for Mingration), đại đa số di dân bất hợp pháp đến từ Syria, nơi đang xảy ra một các nội chiến đẫm máu nhất và tàn bạo nhất từ năm 2000 trở lại đây, và Erythrée, nơi đang xảy ra cuộc săn lùng thanh niên để thi hành nghĩa vụ quân sự vô thời hạn ; số còn lại đến từ Mali, Nigeria, Gambia và Somalia. Nói chung, tuyệt đại đa số đến từ Trung Đông và Châu Phi.

Phần lớn người vượt biên gốc Syria là những thành phần ưu tú của xã hội (giống như người Việt miền Nam vượt biên sau ngày 30/04/1975), giá trung bình cho mỗi đầu người từ 4.000 đến 8.000 USD. Trước phong trào tìm đường vượt biên của người Syria, những tổ chức đưa người vượt biên bất hợp pháp đã tận dụng mọi mánh khóe để làm tiền những nạn nhân này. Nhiều chiếc tàu phế thải đã được sửa lại để đưa người ra đến hải phận quốc tế biển Địa Trung Hải rồi chết máy để sau đó trôi dạt đến đâu hay đến đó. Vùng đất mơ ước là bờ biển các quốc gia Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha. Nhiều tàu đã bị chìm cùng với số người trên tàu.

2014 có lẽ là năm đã xảy ra nhiều vụ đắm tàu gây chết người nhất từ trước đến nay. Theo Tổ chức di dân quốc tế (IOM), thi thể của hơn 3.000 di dân bất hợp pháp đã được tìm thấy trên các bờ biển Địa Trung Hải thuộc Châu Âu. Đây là số người chết cao nhất từ trước đến nay, tương đương với 75% tổng số người bị chết trên đường tị nạn khắp thế giới (hơn 4.000 người). Phần lớn số người bị chết đến từ Châu Phi và Trung Đông. Trước thảm trạng này, Giáo hoàng Phanxicô đã phải lên tiếng kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu giúp đỡ tích cực hơn.

Trên nguyên tắc, không quốc gia nào trong Liên Hiệp Châu Âu muốn đón nhận nhiều di dân bất hợp pháp, nhưng một khi được đặt chân lên lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào trong Liên Hiệp, người di dân bất hợp pháp được chăm sóc và đối xử rất nhân đạo và chỉ một số rất ít trường hợp bị trục xuất về quê quán cũ (do tự nguyện hay vi phạm hình sự).

Vì nhân đạo, Liên Hiệp Châu Âu đã thành lập cơ quan FrontEx (Biên giới ngoại vi) tháng 10/2005 để tuần tra các vùng biên giới. Tại Địa Trung Hải, ba quốc gia đã được FrontEx yểm trợ là Tây Ban Nha (Hera, 12/2006), Hy Lạp (Rabit, 11/2010-03/2011) và Ý (Triton, từ tháng 11/2014) để dò tìm thuyền vượt biên để cứu trợ. Tháng 10/2013, chính quyền Ý phát động chiến dịch quân sự nhân đạo mang tên Mare Nostrum (Vùng Biển của Chúng Ta) để dò tìm và cứu trợ thuyền nhân trên biển.

Biện pháp ngăn chặn duy nhất mà Liên Hiệp Châu Âu có thể làm là tài trợ những quốc gia "trung chuyển" (Morocco, Algeria, Tunisia, Lybia) xua đuổi những di dân bất hợp pháp đến các hải cảng của họ về lại quê quán cũ. Trước năm 2011, phong trào vượt biên của người Bắc Phi và Châu Phi bằng đường biển vào Châu Âu rất hạn chế vì các chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ và phạt vạ rất nặng. Số người vượt thoát được không nhiều, chưa tới 20.000 người/năm. Lý do xin tị nạn của những di dân bất hợp pháp này là kinh tế và nhân đạo (nghèo đói, bệnh tật, chủng tộc).

Nhưng từ khi chế độ Khadafi tại Lybia bị sụp đổ năm 2011, phong trào đưa người vượt biên sang Châu Âu bùng phát mạnh mẽ và cho đến nay chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Từ sau Mùa Xuân Ả Rập, số di dân bất hợp pháp tăng lên đột ngột : gần 69.000 người năm 2011, sau đó có giảm xuống 22.500 người năm 2012, để rồi tăng lên 60.000 người năm 2013 và nổ bùng với 130.000 người năm 2014. Lý do xin tị nạn của những di dân bất hợp pháp này là chính trị : đại đa số là nạn nhân của độc tài, chiến tranh, phân biệt đối xử tôn giáo và chủng tộc, v.v.

Riêng tại Syria, xung đột giữa chính quyền Bachir al-Assad với phe nổi dậy trên khắp miền Bắc đã làm thiệt mạng 200.000 người. Nguyên nhân chính là tranh chấp tôn giáo, độc tài và dân chủ chỉ là phụ. Chế độ Bachir al-Assad đã dùng nhóm Hồi giáo thiểu số Alaouite (thuộc giáo phái Shia) để thống trị người Hồi giáo Sunni đa số. Mỗi phe Sunni tự tổ chức thành những nhóm vũ trang chiến đấu chống lại al-Assad. Mạnh nhất và hung bạo nhất là những tổ chức khủng bố al-Qaeda, như al-Nusra, al-Sham, al-Islam… và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS hay Daesh). Bên cạnh đó là những nhóm Hồi giáo địa phương của người Kurd tại Syuria, Turkey và Iraq.

Tình hình xung đột tại Syria và Iraq chưa có triệu chứng chấm hết

Tình hình xung đột hiện nay rất phức tạp. Đây là nồi thuốc súng mà không ai biết làm cách nào để dập tắt hay tìm một lối thoát.

Lúc đầu cả thế giới phương Tây lên án những cuộc trấn áp bằng vũ lực của chính quyền Bachir al-Assad với những người đối lập trong nước. Dư luận tin rằng số phận của al-Assad sẽ giống như Khadafi ở Lybia, nhưng thực tế đã không giãn dị như vậy vì chế độ này được sự giúp đỡ tận tình của Nga và sự ủng hộ của Trung Quốc, mọi đề nghị trừng phạt chế độ Bachir al-Assad tại Liên Hiệp Quốc đều bị Nga và Trung Quốc phủ quyết.

Hiện giờ không ai biết ai thuộc phe nào và liên minh với ai. Đã xảy ra nhiều vụ thanh toán đẫm máu giữa những phe thánh chiến Hồi giáo với nhau và giữa những phe Hồi giáo khác giáo phái với nhau.

Quốc gia lo âu nhất cho an ninh của mình không phải là Syria hay Iraq mà là Turkey và Lebannon, hai cửa ngõ chuyển người và vũ khí vào Syria cho quân thánh chiến. Hai quốc gia này đã hỗ trợ quân thánh chiến chống Bachir al-Assad nhưng bây giờ nhận ra ảnh hưởng của tổ chức IS có nguy cơ lan rộng và xâm nhập vào lãnh thổ của mình. Riêng Thổ Nhĩ Kỳ còn lo sợ những nhóm vũ trang Peshmerga được phương Tây yểm trợ sẽ trở nên thiện chiến và có thể trở thành một đối thủ đáng lo ngại nếu lôi kéo cộng đồng người Kurd tại đây chống lại Ankara.

Về phía các quốc gia phương Tây, tất cả đều bối rối vì không biết phải liên lạc với ai để thành lập một lực lượng vừa chống chế độ độc tài Bachir al-Assad vừa chống Nhà nước Hồi giáo. Cách mà mọi cường quốc phương Tây và các quốc gia ả rập có thể làm là chống quân thánh chiến IS bằng không quân, giúp Baghdad xây dựng lại quân đội và yểm trợ quân Peshmerga tấn công lực lượng IS trên bộ tại Syria.

Trong năm 2015, với những gì đang xảy ra tại Syria hiện nay, cuộc chiến chống chế độ độc tài Bachir al-Assad và Nhà nước Hồi giáo sẽ vẫn tiếp tục và không ai có thể tiên đoán khi nào chế độ al-Assad sẽ sụp đổ và chừng nào tổ chức IS sẽ bị tiêu diệt. Một điều chắc chắn là cả Bachir al-Assad lẫn tổ chức Daesh (IS) sẽ bị suy yếu rất nhiều vì giá dầu thô sụt giảm. Dầu thô là nguồn lợi duy nhất để điều hành guồng máy tổ chức và mua thêm vũ khí mới.
Cả hai tổ chức cực đoan này cũng sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng tân binh để bổ sung số người bị thiệt mạng khi giao tranh, vì số người đào thoát khỏi Syria ngày càng đông và những ngõ ra vào Syria tại Lenbannon và Turkey đang bị kiểm soát chặt chẽ.

Riêng Damascus, vì Nga đang gặp khó khăn nên sự nồng nhiệt của Tổng thống Putin đối với Bachir al-Assad cũng sẽ giảm theo thời gian. Có thể trong những ngày sắp tới, Moskva sẽ đề nghị một hội nghị bàn tròn giữa những phe tranh chấp để ra một giải pháp, dưới sự điều động của Liên Hiệp Quốc.

Nói tóm lại, 2015 sẽ là một năm đầy biến động tại Trung Đông : nội chiến tại Syria sẽ gia tăng cường độ và không ai biết số phận của các phe tranh chấp sẽ ra sao. Nhưng có một điều chắc chắn là số người trốn chạy cuộc chiến tại Trung Đông sẽ còn gia tăng, các quốc gia láng giềng sẽ hạn chế đón nhận thêm người tị nạn vì… thiếu tiền và sự hỗ trợ quốc tế. Hy vọng cánh cửa Liên Hiệp Châu Âu sẽ mở rộng ra để đón thêm di dân bất hợp pháp chỉ là ảo tưởng, vì đón nhận người Trung Đông vào Châu Âu hiện nay chẳng khác nào nuôi ong tay áo.

Những tội ác man rợ nhân danh Hồi giáo đã có tác dụng đẩy những người phương Tây ôn hòa tới một thái độ chống đối dứt khoát hơn trước khối người nhập cư từ Trung Đông. Một lý do tất cả đều tin mà chẳng ai dám nói ra đó là những người Trung Đông đang xin tị nạn đều theo đạo Hồi, và đạo Hồi hiện nay không còn được nhìn nhận như một tôn giáo bình thường như trước. Đó là một trong những lý do mà cuộc chiến chống khủng bố tại các quốc gia phương Tây sẽ không dễ dàng.

Nguyễn Văn Huy



No comments:

Post a Comment

View My Stats