Đăng
ngày 23-01-2015 Sửa đổi ngày 23-01-2015 16:51
Ngày hôm qua, Chủ tịch
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE) Mario Draghi đã loan báo kế hoạch tung 1.100
tỷ euro để mua lại trái phiếu của các nước Châu Âu. Quyết định bất ngờ này của
ông Draghi đã được báo chí Pháp hôm nay, 23/01/2015, nhất loạt khen ngợi, đặc
biệt là nhật báo kinh tế Les Echos với bài phân tích mang tựa "Ngón đòn
bậc thầy của Mario Draghi trên thị trường tài chính".
Thành
công nổi bật nhất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, theo Les Echos, là đã
"không làm giới đầu tư thất vọng", với kết quả được thấy ngay là
"lãi suất trái phiếu đã rơi xuống mức thấp mới". Đối với nhật báo
Pháp, quyết định được ông Draghi loan báo, chứa đựng hai điểm "hoàn hảo".
Trước
hết, trị giá kế hoạch mua lại nợ công đã vượt quá mong đợi của các nhà đầu tư, "gấp
đôi quy mô từng được dự định", theo như nhận định của chuyên gia phân
tích Franck Dixmier thuộc hãng bảo hiểm Allianz GI.
Bên
cạnh đó, chi tiết kế hoạch được loan báo ngay từ hôm qua, cũng được giới đầu tư
tán thưởng vì mang tính chất linh hoạt cao, không chỉ giới hạn việc mua lại ở
thời hạn cuối tháng 9 năm 2016, mà có thể kéo dài thêm.
Đối
với Gero Jung, chuyên gia phân tích tại Mirabaud AM : "Quy mô của kế hoạch
và việc không bị giới hạn về thời gian hiện đang được giới đầu tư coi trọng hơn
là vấn đề phân tán rủi ro giữa các nước".
Theo
Les Echos, ngoài các yếu tố kể trên, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu còn
cho thấy là ông rất thành thạo trong nghệ thuật ứng phó với các thị trường tài
chánh, tránh nguy cơ lớn nhất trước mắt là gây ra sự thất vọng.
Chuyên
gia Franck Dixmier phải trầm trồ trước việc ông Mario Draghi đã khiến cho các
thị trường tài chính phải kinh ngạc, trong bối cảnh bản thân các kỳ vọng đã rất
cao.
Kết
quả của chiêu thức tuyệt vời này, theo Les Echos, là các thị trường chứng khoán
Châu Âu đồng loạt khởi sắc, với Paris tăng thêm 1,52%, trong lúc Frankfurt đạt
kỷ lục mới sau khi tăng 1,32%.
Phản
ứng thuận lợi nhất tuy nhiên đã được ghi nhận trên thị trường trái phiếu, đối
tượng trực tiếp được hưởng các biện pháp của Ngân hàng Trung ương Châu Âu. Lãi
suất trái phiếu thời hạn 10 năm của Pháp, Ý và Tây Ban Nha vào hôm qua đã chạm
mức đáy kỷ lục.
Dám
đối nghịch với đường lối chính thống của Đức
Trong
bài xã luận mang tựa đề : "Con sông Rubicon Châu Âu", hiểu
theo nghĩa "giới hạn khó có thể vượt qua", Les Echos đã khen
ngợi quyết định dũng cảm của ông Mario Draghi, đã dám bất chấp thái độ đối nghịch
của Đức để nới lỏng chính sách tiền tệ chung, ngõ hầu thúc đẩy tăng trưởng Châu
Âu đang hết sức èo uột.
Đối
với Les Echos, "hơn hai thế kỷ sau Hoàng đế La Mã César, một người Ý
khác đã vượt qua sông Rubicon. Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu
Âu, đã không vượt sông đánh vào Roma, mà tiến về Berlin, vốn làm khó ông đến
cùng".
Ông
Draghi đã thành công trong việc thuyết phục được hội đồng quản trị Ngân hàng
Trung ương Châu Âu là cần phải có một bước tiến quyết định để thoát ra khỏi lối
mòn đang de dọa kinh tế Châu Âu, một cấm kỵ được ghi trong các hiệp định Châu
Âu, là không được tài trợ cho thâm hụt ngân sách bằng cách tạo thêm tiền.
Nước
Đức, cụ thể là Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank, luôn luôn chống lại mọi
chính sách bơm tiền vào nền kinh tế, và đây là một thế lực cực mạnh. Thế nhưng,
Mario Draghi đã dám đi ngược lại với tính chính thống của Đức để đẩy một Châu
Âu ù lì về kinh tế tiến lên, tránh cho Châu Âu khỏi bị một "thập niên
lãng phí" như trường hợp Nhật Bản, nơi mà cả tăng trưởng lẫn tăng giá
đều không có.
Trong
phần kết của bài xã luận, Les Echos đã hy vọng là hành động dũng cảm của Chủ tịch
Ngân hàng Trung ương Châu Âu có thể thành công : "César từng biết rằng
khi vượt qua sông Rubicon, ông có thể khơi dậy một cuộc nội chiến. Nhưng lịch sử
sau đó đã thưởng công xứng đáng cho hành động chấp nhận rủi ro của ông".
Siêu
Mario (Draghi) phá nổ ngân hàng
Báo
Libération cũng dành cả trang nhất và 2 trang trong cho quyết định của Chủ tịch
Ngân hàng Trung ương Châu Âu, bơm hơn một ngàn tỷ euro hỗ trợ cho khu vực đồng
tiền chung Châu Âu. Tờ báo chạy một tựa hóm hỉnh ở trang đầu : "Mario
Draghi cho nổ tung ngân hàng", bên trên hình vẽ ông Mario Draghi trong
trang phục công nhân của nhân vật game điện tử nổi tiếng Super Mario nổi tiếng,
đang phá tung một kết sắt đồng euro.
Trong
bài xã luận Libération hoan nghênh ông Draghi, cho rằng : "Ít ra có một
lãnh đạo ngân hàng thông minh. Rõ ràng là từ nhiều năm qua các chính sách đeo
đuổi ở Châu Âu đã dồn thẳng chúng ta vào bức tường kinh tế đình trệ và chủ
nghĩa dân túy trên bình diện chính trị."
Tuy
hoan nghênh quyết định mới của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, nhưng Libération
cũng chỉ trích sự "chậm trễ" của BCE, đã không ý thức sớm hơn,
khác với Mỹ và Anh Quốc.
BCE
: Một kế hoạch thúc đẩy tiền tệ lịch sử
Không
chỉ có Libération hay Les Echos hoan nghênh kế hoạch bơm tiền của Ngân hàng
Trung ương Châu Âu. Các báo khác như tờ Le Figaro cũng không tiếc lời khen.
Ở
phụ trang kinh tế, Le Figaro nói đến một kế hoạch thúc đẩy tiền tệ lịch sử. Tờ
báo ghi nhận hai thành công lớn của ông Draghi trong bối cảnh ông bị sức ép rất
nặng.
Mario
Draghi đã làm cho các thị trường phải ngạc nhiên, và nhất là kế hoạch ông đưa
ra "rộng lượng" hơn dự kiến, và không bị phía Đức bỏ phiếu chống.
Pháp
đưa trường học lên tuyến đầu
Ngoài
hồ sơ Ngân hàng Trung ương Châu Âu, trang đầu báo chí Pháp ngày thứ Sáu này mỗi
tờ một vẻ. Le Monde, vì ra từ chiều qua, đã dành tựa đầu cho thời sự Pháp, và
chú tâm đến những biện pháp mà chính phủ đưa vào trường học, khẳng định tính thế
tục, sau vụ tấn công vào Charlie Hebdo.
Tờ
báo chạy tựa lớn : "Tính thế tục : Chính phủ đặt trường học trên tuyến
đầu."
Trong
các biện pháp đưa ra, có việc môn công dân giáo dục, đạo đức, phải xác định những
"giá trị của nền Cộng hòa".
Tuy
vậy, Le Monde đã dành ảnh lớn cho nhóm nhạc Beatles, mà kể từ hôm qua, tờ báo
đã cho ra mắt toàn bộ tác phẩm, với CD kèm theo tập sách nhỏ.
Chống
Thánh chiến Hồi giáo : Cuộc chiến lâu dài
Còn
Le Figaro hướng ra quốc tế với nhận định không mấy lạc quan : "Irak,
Syria : Phương Tây lún vào một cuộc chiến lâu dài". Tờ báo tỏ vẻ lo lắng
trước chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo của Liên minh quốc tế mà chiến
lược duy nhất hiện nay chỉ là kềm chế đà tiến của tổ chức này mà thôi.
Trong
bài xã luận, tờ báo nhắc lại lời Ngoại trưởng Mỹ tại cuộc họp ở Luân Đôn hôm
qua, cho rằng sau sáu tháng can thiệp, Liên minh quốc tế cần "điều chỉnh
lại chiến lược", và nhận định là thất bại đã rõ rệt : Sau 2000 phi vụ
oanh kích, quân thánh chiến bị cầm chân ở Irak nhưng lại tiến mạnh ở Syria, nguồn
chiến binh nước ngoài cho lực lượng thánh chiến cũng không cạn đi, và ảnh hưởng
của tổ chức Nhà nước Hồi giáo càng tỏa rộng thêm trong thế giới Hồi giáo.
Nhưng
trong tình hình nguy hiểm này, Le Figaro bất bình nhìn thấy quốc tế chỉ có một
đáp án nhút nhát, dự kiến tăng cường trợ giúp quân sự cho lực lượng tại chỗ -
quân đội Irak, lực lượng kháng chiến Kurdistan Peshmerga, tăng trợ giúp nhân đạo.
Đối
với tờ báo Pháp, đó là điều tốt nhưng không đủ, vì Liên minh không hề nói đến
can thiệp trên bộ, và cũng không làm sáng tỏ mục tiêu hay các mối liên minh.
Nga và Iran có vai trò quan trọng trong khu vực đối với Syria, nhưng cách hợp
tác như thế nào vẫn chưa rõ.
Con
tin Nhật trong tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo
Nói
đến khu vực, Le Figaro không quên số phận của hai con tin người Nhật bị bắt,
nhìn thấy trong hàng tựa :"Hai con tin Nhật Bản, hai kẻ phiêu lưu với số
mệnh gắn chặt với nhau".
Theo
Le Figaro, hai con tin Nhật mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo đe dọa sát hại nếu
Tokyo không rót 200 triệu đô la tiền chuộc mạng đã có số phận gắn liền nhau từ
gần một năm qua.
Hai
người này, Haruna Yukawa và Kenji Goto, tình cờ gặp nhau tháng Tư năm ngoái ở
Alep, theo gót Quân đội Giải phóng Syria.
Haruna,
một người không triển vọng tương lai, đã bị đưa đẩy đến các vùng loạn lạc ở
Trung Đông. Bị thất tình, lại gặp khó khăn tài chính, Haruna đi theo các nhóm
dân tộc chủ nghĩa ở Nhật, trước khi đến Syria, mơ ước một tương lai mới, làm
người hùng, tự chụp ảnh trong thế oai hùng.
Nhưng
Haruna, do tánh tình lại không hung hăng, cho nên những người đồng hành mới của
anh, lính trong Quân đội Giải phóng Syria mà anh đầu quân, đã có cảm tình và
che chở anh.
Ngược
lại Kenji Goto được mô tả là một nhà báo lão luyện.Tình cờ gặp Haruna nhưng
cũng đã có cảm tình, thông cảm thương xót số phận người đồng hương.
Tháng
8 năm ngoái, tổ chức Nhà nước Hồi giáo bắt được Haruna, và đoạn video đưa lên mạng
cho thấy Haruna bị đánh đập.
Kenji
Goto dường như quay trở lại Syria tìm cách cứu Haruna, để rồi bị bắt vào tháng
10/2014. Tối hậu thư của những kẻ bắt cóc cho thời hạn đến hôm nay.
Mỹ-Cuba
: Hòa đàm bị hóc ngay khi khởi sự
Về
thời sự quốc tế, Le Figaro còn nhìn sang phía Mỹ vừa có hai ngày đàm phán với
Cuba, ghi nhận trong hàng tựa trang quốc tế : "Đàm phán Mỹ Cuba vừa bắt
đầu đã bị hóc ngay". Tờ báo nhìn thấy là cuộc thảo luận trong hai ngày
đã nêu bật mối hiềm khích sâu đậm tồn tại giữa hai anh em thù nghịch.
Tác
giả bài báo mở đầu với câu chào đón phái đoàn Mỹ của trưởng đoàn Cuba, bà
Joséfina Vidal : "Hãy từ bỏ mọi hy vọng cải tổ chính trị" ở
Cuba. Đây quả là một lời chào đón khó tưởng tượng nổi trong cuộc tiếp xúc đầu
tiên ở cấp cao này từ 1980 trên đất Cuba.
Le
Figaro phân tích đây không phải đòn đánh phủ đầu, hứa hẹn cảnh địa ngục trần
gian đối với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Roberta Jacobson khi ngồi vào bàn họp, mà
là lời nhắn nhủ trước với phía Mỹ là nên chừng mực trong những mục tiêu tối hậu
của việc xích lại gần Cuba, và không nên có ảo tưởng về việc thay đổi sâu rộng
chế độ chính trị ở Cuba.
Theo
Le Figaro, đây là thái độ vụng về của Cuba nếu nhìn chủ trương những "bước
nhỏ" đã được La Habana nêu lên.
Những
câu đối đáp nhân ngày đầu cuộc họp vào hôm thứ Tư, cho thấy là con đường xích lại
gần nhau còn dài, và hiềm khích còn rất nhiều : Phía Cuba bực tức trước việc Mỹ
duy trì chính sách gọi là "chân ướt chân ráo", tức đón nhận người
đã cập bến Hoa Kỳ và trả hồi hương những người bị ngăn chận trên biển.
Một
lời trách móc quan trọng nữa từ phía Cuba là Hoa Kỳ chính thức cổ vũ cho hành động
đào thoát của các bác sĩ Cuba gởi đến hoạt động ở các nước thế giới thứ ba.
Đoàn Mỹ đã khẳng định cứng rắn là chính sách này sẽ được thực hiện "cho
đến khi có lệnh mới".
Le
Figaro cũng điểm lại lời phiền trách từ phía Mỹ là Cuba đã cho dẫn độ những kẻ
phạm pháp Mỹ trốn sang Cuba, trong lúc có hàng ngàn kẻ lưu manh Cuba cặp bến
Florida nhưng không được La Habana nhận về.
Tuy
nhiên, theo Le Figaro, dù chỉ trích nhau, nhưng lãnh đạo hai đoàn là bà
Jacobson và bà Vidal đều không lầm mục tiêu. Họ đều biết là địa ngục trần gian
thực thụ chính là ở Quốc hội Mỹ, sẵn sàng ngăn chận mục tiêu mà Cuba tìm kiếm :
Mỹ bãi bỏ cấm vận.
------------------------------
No comments:
Post a Comment