19.01.2015
http://www.voatiengviet.com/content/bon-muoi-mot-nam-tran-chien-hoang-sa-ai-nho-ai-quen/2604413.html
Dân
chúng đến tượng đài Lý Thái Tổ để kỷ niệm trận Hải chiến Hoàng Sa, Hà Nội,
19/1/15
Ngày 19/1/1974, 75 chiến sĩ của quân lực Việt Nam Cộng
hòa đã anh dũng hy sinh trong cuộc hải chiến khốc liệt với Trung Quốc để bảo vệ
chủ quyền ở Hoàng Sa. Chiến hạm HQ10 bị đánh chìm, 3 chiếc còn lại phải rút
lui, và từ đó, Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát toàn bộ quần đảo này.
Lần đầu tiên vào năm ngoái, chính phủ Hà Nội bật đèn xanh
cho truyền thông trong nước công khai nhắc nhớ tới sự kiện lịch sử này, với
hàng loạt bài viết kỷ niệm 40 năm trận chiến Hoàng Sa.
Thế nhưng, cuộc chiến oai hùng vốn không được sử sách nhà
nước ghi nhớ cũng không được lưu truyền cho thế hệ trẻ qua sách vở nhà trường
dường như lại tiếp tục bị lãng quên trong dịp kỷ niệm năm nay. Chính quyền
không tổ chức các hoạt động kỷ niệm, báo chí nhà nước không đề cập nhiều, trong
khi các hoạt động tưởng niệm đơn lẻ của một số tổ chức xã hội dân sự lại bị quấy
rối.
Anh Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội dân sự được
nhiều người biết đến, chia sẻ ghi nhận:
“Theo ghi nhận của tôi, mấy ngày nay
trên các phương tiện truyền thông nhà nước cũng có một vài bài báo nhắc đến sự
kiện Hoàng Sa cách đây 41 năm. Đấy là những hoạt động duy nhất về phía nhà nước.
Về phía nhân dân, có một số tổ chức hội nhóm của người dân tự kỷ niệm với nhau
nhưng không lớn, đông, và rộng rãi như năm rồi vì tình hình đàn áp các tổ chức
xã hội dân sự đang trong thời kỳ khốc liệt. Cho nên các cá nhân tham gia cũng
dè dặt, kín đáo hơn và cũng gặp các trường hợp như phá vòng hoa viếng, bị gây hấn,
bị chửi bới tại hiện trường. Ví dụ sáng nay có một nhóm anh chị em ở Hà Nội ra
tượng đài Lý Thái Tổ ngay trung tâm để tưởng niệm trận đánh Hoàng Sa lịch sử,
có một số ‘dư luận viên’ giật vòng hoa và các băng-rôn. Đấy là điều đáng tiếc.”
Các
vòng hoa tưởng niệm bị phá
Về lý do sự kiện lịch sử này năm nay bị truyền thông nhà
nước phớt lờ, anh Thắng cho rằng:
“Từ trước tới nay, việc truyền thông
nhà nước kiểm duyệt, hạn chế đưa tin về những việc liên quan đến tranh chấp biển
đảo giữa Việt Nam với Trung Quốc đã là việc phổ biến. Thế nhưng, đặc biệt trong
dịp này, khi đang có đại hội của đảng cộng sản Việt Nam, đây là thời điểm người
ta hết sức cân nhắc các vấn đề ‘nhạy cảm chính trị’, tránh động chạm tới Trung
Quốc.”
Một trong những sĩ quan trực tiếp chiến đấu và chứng kiến
trận hải chiến Hoàng Sa tháng Giêng năm 1974, trung úy Phạm Ngọc Roa phụ tá sĩ quan hải hành, người thường
xuyên có mặt trên đài chỉ huy phụ trách khối hàng hải, nói ông hơi ngạc nhiên
vì năm ngoái báo chí nhà nước đua nhau đăng bài về sự kiện này nhưng năm nay đột
nhiên lại có phần im hơi lặng tiếng trở lại.
Khi được hỏi về các hoạt động tri ân của chính quyền địa
phương như tổ chức thăm viếng hay quyên góp hỗ trợ những người lính chiến đấu
trong trận chiến đẫm máu không cân sức ở Hoàng Sa năm 1974, trung úy Roa cười
buồn:
“Cái này thì không bao giờ có đâu.”
Không những thế, trung úy Roa cho biết, ông còn bị chính
quyền địa phương gây khó dễ khi có báo chí hay các tổ chức xã hội dân sự tới
thăm hỏi:
“Bên nhà nước gọi tôi lên trách rằng
‘Người ta nói chuyện với anh, chưa được phép của nhà nước. Những ai muốn liên lạc
với anh, anh phải trình báo với nhà nước để nhà nước tránh trường hợp anh bị
mua chuộc, bị những thành phần phản động lôi kéo. Năm ngoái, tôi cũng bị rầy rà
khi phóng viên báo Tuổi Trẻ, đài Lâm Đồng, và nhóm NO-U ở Sài Gòn tới nhà. Họ về
rồi một hai ngày sau tôi bị chính quyền xã mời lên, gặp công an xã trên đó. Họ
bắt tôi làm kiểm điểm với lý do như vậy.”
Một sự kiện lịch sử quan trọng không được nhà nước tưởng
niệm, những anh hùng hy sinh xương máu để bảo vệ biển đảo Tổ quốc không được
vinh danh xứng đáng, nhưng những nhân chứng lịch sử ấy, những người trực tiếp
tham gia chiến đấu như trung úy Roa không buồn tủi trước sự bất công này:
“Tôi cũng chẳng buồn gì cả. Coi như
mình chấp nhận số phận nó như vậy thôi.”
Thế nhưng ông bày tỏ mong ước:
“Ai cũng mong muốn những người đã đổ
máu, những người đã chết hay những người hiện giờ còn sống, hồi xưa tuy họ là ở
miền Nam, nhưng họ chiến đấu cho Tổ quốc Việt Nam lúc đó và mãi mãi. Bất cứ một
chính quyền nào đó có thể thay đổi, nhưng Tổ quốc Việt Nam là một. Một người
lính đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ai cũng muốn được nhà nước chiếu cố về vấn đề
này hay vấn đề kia chứ, là con người mà.”
Hà Nội lâu nay cẩn trọng không muốn làm phật lòng nước
láng giềng cộng sản anh em Trung Quốc và cũng tìm cách không để chủ nghĩa dân tộc
làm ảnh hưởng tới mối quan hệ Việt-Trung.
Trong một bài viết đánh dấu 65 năm ngày thành lập quan hệ
ngoại giao hai nước 18/1/1950, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam, Phạm
Bình Minh, ca ngợi tình hữu nghị giữa hai nước láng giềng Việt Nam-Trung Quốc
đã kinh qua thời gian.
Ông Minh nhắc nhớ rằng 65 năm trước, Trung Quốc là nước đầu
tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tạo cột mốc lịch sử trong mối
quan hệ lâu dài giữa hai nước.
Trở ngại lớn nhất trong mối quan hệ song phương là tranh
chấp Biển Đông, giữa lúc Bắc Kinh không ngừng các hoạt động lấn áp dành chủ quyền
bất chấp luật lệ quốc tế và tinh thần phản đối Trung Quốc xâm lược đang ngày
càng dâng cao trong lòng dân chúng Việt Nam.
No comments:
Post a Comment