Tuesday, 13 January 2015

117 phi công Vietnam airlines nghỉ ốm đồng loạt trong dịp Tết Dương lịch vừa qua (Dân Trí)





Dân Trí
Thứ Tư, 14/01/2015 - 07:53

Hơn 100 phi công báo nghỉ ốm nhưng chỉ 10 người có chứng nhận y tế, hơn 30 người nộp đơn nghỉ việc và số nhân sự này ở cùng đội bay. Ốm thì nghỉ làm là chuyện bình thường, nhưng hàng trăm lao động đồng loạt nghỉ ốm cùng một thời điểm lại là chuyện khó tin.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng do phi công tại Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) phải làm việc quá sức mà tiền thù lao mà họ được nhận không xứng đáng. Cũng không ít người bày tỏ quan điểm việc phi công muốn ở hay đi, thay đổi môi trường thế nào… là quyền của họ. Ngược lại, cũng phải đặt câu hỏi rằng thu nhập bao nhiêu thì mới làm hài lòng đội ngũ phi công, khi mức thu nhập hiện tại của họ đã là hơn 200 triệu đồng/tháng?

Phi công Vietnam Airlines đồng loạt báo ốm trong dịp Tết Dương lịch

"Lãn công tập thể thông qua báo ốm" - đó là nhận định của hãng hàng không Vietnam Airlines về hành vi của 117 phi công trong dịp Tết Dương lịch vừa qua. Rõ ràng đây là một vụ việc rất nghiêm trọng nhưng cho đến thời điểm này, cơ quan quản lý trực tiếp đội ngũ phi công của Vietnam Airlines là Đoàn bay 919 vẫn chưa hề lên tiếng. Trong khi đó, từ cách đây ít hôm, động thái mà cơ quan chủ quản của Vietnam Airlines là Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra là một chỉ thị hành chính có sức nặng và Cục Hàng không Việt Nam đang thi hành chỉ thị này như một cách để “ngăn cản” phi công rời khỏi Vietnam Airlines.

Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết: “Vietnam Airlines là một doanh nghiệp nhưng hãng hàng không này là hãng hàng không quốc gia và được Chính phủ xác định là lực lượng dự bị an ninh quốc phòng. Việc 117 phi công nghỉ ốm chỉ trong 5 ngày, lại là 5 ngày cao điểm Tết Dương lịch đã làm “vỡ” lịch bay, phá vỡ kế hoạch sản xuất kinh doanh của hãng hàng không, ảnh hưởng tới an ninh kinh tế quốc gia... Rõ ràng đó là dấu hiệu bất thường”.

Theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh, Nhà nước ban hành Luật để bảo vệ quyền lợi của người lao động, nhưng cũng bảo vệ doanh nghiệp và đảm bảo phát triển kinh tế. Vì vậy, việc ban hành chỉ thị của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải là Bộ Giao thông Vận tải là giải pháp tức thời để giải quyết tình hình, ngăn chặn sự việc có diễn biến xấu hơn.

“Luật về an ninh quốc phòng cho phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần áp dụng các biện pháp khẩn cấp để chấn chỉnh. Và thực tế việc 117 phi công nghỉ đồng loạt đã uy hiếp an ninh kinh tế quốc gia nên phải có biện pháp khẩn cấp để bảo vệ quyền lợi của người lao động, của doanh nghiệp, của quốc gia. Cần có những biện pháp lâu dài để đảm bảo không tái diễn tình hình nghiêm trọng trên, mà trước mắt là trong dịp Tết Âm lịch tới đây” - Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho hay.

Nói về việc liệu phi công có bị “vắt” kiệt sức lao động dẫn tới tình hình sức khỏe suy giảm đồng loạt hay không? Cục trưởng Lại Xuân Thanh khẳng định không thể xảy ra chuyện đó.

“Phi công là người có vai trò quan trọng nhất trong một chuyến bay, nếu sức khỏe của phi công không đảm bảo thì sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của hàng trăm hành khách trên chuyến bay. Vì vậy, Cục Hàng không giám sát rất chặt chẽ lịch bay và giờ bay của phi công, nếu phi công làm việc quá sức thì hãng hàng không sẽ bị Cục Hàng không “tuýt còi” và xử lý nghiêm khắc. Không thể có chuyện phi công làm việc quá sức khiến sức khỏe bị suy giảm” - Cục trưởng Lại Xuân Thanh khẳng định.

Sắp tăng lương cho phi công

Trên thực tế, hiện tượng phi công, thợ máy tay nghề cao của Vietnam Airlines xin nghỉ việc đã diễn ra rải rác trong năm 2014. Hãng hàng không này cũng đã báo cáo dự báo nguy cơ phi công xin nghỉ việc gia tăng với Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng và được chỉ đạo xây dựng các phương án về điều chỉnh thu nhập hợp lý cho lực lượng lao động đặc thù, việc này đã được Vietnam Airlines hoàn thành và trình phê duyệt.

Ông Phạm Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines

Ông Phạm Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - cho hay: Mức điều chỉnh thu nhập cao nhất cho phi công đến tháng 1/2015 là 203 triệu đồng/tháng và đến tháng 7 tới đây sẽ tăng lên 217 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập của phi công đã tiệm cận thị trường. Vietnam Airlines điều chỉnh theo lộ trình, kế hoạch có sẵn và thực hiện đồng loạt chứ không riêng phi công, không chạy theo thị trường và không phải phi công cứ đòi tăng lương là Vietnam Airlines sẽ phải tăng lương cho họ.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, theo chuẩn an toàn quốc tế, Vietnam Airlines luôn có dự bị từ máy bay cơ số kỹ thuật vật tư phụ tùng cho đến con người, vì thế khi 117 phi công xin nghỉ ốm thì hãng cũng có sẵn phi công để huy động đi bay đảm bảo hoạt động khai thác và an toàn cho các chuyến bay.

“Vietnam Airlines quan tâm đến lực lượng lao động kỹ thuật cao, diễn biến tư tưởng của lực lượng này và giải quyết vấn đề căn bản với lực lượng đang làm việc hết mình vì Vietnam Airlines. Giải pháp dài hạn sẽ tích cực hợp tác và báo cáo đầy đủ với cơ quan quản lý nhà nước để có những văn bản dưới luật về việc chuyển dịch nguồn lao động này.
Các giải pháp để giải quyết vấn đề trong dài hạn thì bên cạnh lương và điều chỉnh lương thì giải pháp lâu dài là nâng cao năng suất lao động, nâng cao quản trị, kinh doanh… để ổn định lương, thu nhập của người lao động Vietnam Airlines tiệm cận thị trường và ổn định trong thời gian lâu dài. Đó là quyết tâm của lãnh đạo Vietnam Airlines, vì nếu không giải quyết được bài toán này thì sẽ còn “vấp” nữa” - ông Phạm Ngọc Minh nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cũng nhắc đến tiền lệ một số hãng hàng không quốc gia lâm vào tình trạng của Vietnam Airlines hiện nay, như Cathay Pacific, Qantas... Trong hầu hết các trường hợp, Chính phủ các nước đều can thiệp. 

Châu Như Quỳnh

-------------------------------

Bài liên quan

117 phi công VNA đồng loạt xin nghỉ có dấu hiệu bất thường  -  14/01/2015






No comments:

Post a Comment

View My Stats