Monday 8 September 2014

VIỆT NAM ĐANG DẦN PHẢI CHẤP NHẬN CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP (Phạm Chí Dũng)




Phạm Chí Dũng
Sunday, September 07, 2014 4:40:33 PM

Ðà tiến hóa về nhận thức và tư duy hành động về công đoàn tự do ở Việt Nam vẫn hết sức chậm lụt so với tốc độ tiến bộ của xã hội dân sự trên thế giới. Sau 7 năm kể từ ngày vào WTO, hội thảo vẫn chỉ là hội thảo.

“Biện pháp tình thế”

Từ năm 2010 khi một số người khởi xướng phong trào công đoàn tự do như Ðỗ Thị Minh Hạnh, Ðoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị chính quyền tống thẳng vào nhà ngục, xu thế “hội nhập quốc tế” của Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam về chủ đề lao động vẫn chỉ dừng ở “biện pháp tình thế.”

Một lần nữa, vào cuối tháng 8, 2014, một sự kiện có vẻ khá “bất ngờ” là Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam tổ chức hội thảo với tiêu đề rất dài “Việc làm, quan hệ lao động và hoạt động công đoàn khi Việt Nam gia nhập Hiệp Ðịnh Ðối Tác Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp Ðịnh Thương Mại Tự Do Việt Nam-Châu Âu (EVFTA)” tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, sự kiện mang tính “đột phá” trên lại chỉ diễn ra ít ngày sau chuyến thăm Việt Nam của Chủ Tịch Ủy Ban Châu Âu, Manuel Barroso - người tỏ ra hào hứng với “những tiến bộ kinh tế” của Việt Nam trong cuộc gặp với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

“Hai hiệp định này có nhiều nội dung mang tính phi thương mại như quyền của người lao động, các tổ chức xã hội dân sự, tiêu chuẩn lao động, tự do hiệp hội-công đoàn, đặt ra yêu cầu các nước tham gia phải thực thi các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc theo tuyên bố năm 1998 của Tổ Chức Lao Ðộng Quốc Tế” - có thể xem ấn tượng lớn nhất của cuộc hội thảo trên là như vậy, theo ý kiến một đại biểu.

Một ấn tượng khác không thể bỏ qua cũng đã xuất hiện từ ông Vũ Quang Thọ, viện trưởng Viện Công Ðoàn (Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam). Vị quan chức này đã dùng từ “đòi hỏi” để miêu tả về yêu sách của TPP và EVFTA, và nói thêm rằng nếu muốn tham gia các hiệp định này, những quốc gia như Việt Nam phải có những điều chỉnh lớn về chính sách, pháp luật lao động - công đoàn.

Nếu so sánh với thời điểm năm 2007, sau khi Việt Nam “tái bang giao” với Hoa Kỳ và được chấp nhận vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, cuộc hội thảo về “tự do hiệp hội - công đoàn” cũng chẳng khác mấy một số hội thảo về xã hội dân sự trước đây.

Hành động không hướng tới tính thực chất về quyền con người của Việt Nam có thể được đo đếm ngay từ vấn đề từ ngữ. Thay vì hiểu đúng nghĩa vấn đề tự do hiệp hội và tự do công đoàn chính là “tự do lập hội” và “công đoàn độc lập,” trong đó tự do lập hội được ghi nhận ngay trong hiến pháp của quốc gia này từ năm 1992 nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy bóng dáng của bất kỳ dự luật nào triển khai hiến pháp, các cơ quan Việt Nam có lẽ đã được chỉ đạo không cần phải minh bạch quá rõ ràng về món nợ xuyên thế kỷ này.

Tuy thế, cách thức đánh tráo từ ngữ lại không qua mặt được xu thế không thể bị tráo trở. Ngay trong buổi giao thời này, cuộc hội thảo do Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam về tự do hiệp hội và tự do công đoàn không phải từ trên trời rơi xuống. Lồng trong bối cảnh quá khác biệt với quá khứ, đất nước hiện tại đang suy sụp kinh tế, phong trào “thoát Trung” đang nổi lên, nội bộ bất hòa cùng xu hướng “xoay trục về phương Tây” đang dần thịnh hành, Nhà Nước Việt Nam có đầy đủ lý do để buông lơi một chút hồi tâm đối với chủ đề công đoàn độc lập mà họ đã từng quyết liệt cấm đoán.

Nhiều khả năng cho thấy trước chuyến đi của ông Barroso, phía Việt Nam đã bắt được vài “tín hiệu tích cực,” và cực chẳng đã phải tổ chức hội thảo về công đoàn tự do để mau chóng “hòa nhập quốc tế.”

Xu thế tất yếu

Một lần nữa tính từ năm 2007, “cửa” cho xã hội dân sự lại được nhà nước hé ra đôi chút. Thế nhưng không khác mấy một canh bạc, thời gian tới liệu có chứng nghiệm một ráng khả quan nào cho xã hội dân sự và nghiệp đoàn lao động độc lập, khi trước đây hoạt động hội thảo đã chỉ được các cơ quan đảng và chính quyền chỉ đạo thực hiện để “làm phông” mà rốt cuộc chẳng sinh đẻ ra bất cứ giải pháp nào triển khai?

Bằng chứng về lòng thành chưa hội chuẩn như thế đã phát sinh ngay trong cuộc hội thảo trên của Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam, khi vẫn diễn ra hiện tượng không hề lạ là “các đại biểu cho rằng việc để người lao động tự do tham gia và thành lập các hội đoàn sẽ dẫn đến nhiều khó khăn trong quản lý, thậm chí có thể phát sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhóm hội, hội do chỉ tập trung cho lợi ích của nhóm mà gây ảnh hưởng đến lợi ích của tập thể.”

“Không quản được thì cấm” vẫn luôn là một chủ thuyết bất dịch trong cơ chế điều hành của những người đại diện cho “giai cấp công nhân ưu tú” ở Việt Nam.

Thế nhưng Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam - một cơ quan từ quá nhiều năm qua bị xem là cấp trung gian với “nguồn thu nhập” từ việc cắt xén 2% trên tổng quỹ lương của doanh nghiệp, trong khi không giải quyết cho bất cứ cuộc đình công nào của công nhân, đã trở nên một hiện tượng xói mòn quyền tự do của người lao động.

Không có bất kỳ một cuộc khảo sát hoặc thăm dò độc lập nào để phản bác những số liệu hết sức kỳ quặc của các viện, trường về uy tín của Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam trong công nhân. Nhưng không ít công nhân đã thẳng thừng “cứ hỏi mười người thì có đến chín người rưỡi hết tin nổi ông liên đoàn lao động.”

Trong khi bị khuyết tật quá trầm trọng về niềm tin đến thế, sự việc Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam phải đứng ra tổ chức hội thảo về tự do công đoàn rất có thể lại không tách rời với sự kiện nhà nước phải trả tự do trước hạn tù giam cho Ðỗ Thị Minh Hạnh. Trước đó, quan điểm của hơn 200 nghị sĩ Quốc Hội Hoa Kỳ đã không thay đổi: không nhân quyền, không TPP cho Việt Nam.

Chỉ hai tháng sau khi ra tù, Ðỗ Thị Minh Hạnh đã công khai hóa Lao Ðộng Việt - một tổ chức từ trước tới nay vẫn bị cấm đoán do tính độc lập và thực chất bảo vệ quyền lợi người lao động của nó.
Ít nhất, những tổ chức xã hội dân sự độc lập vẫn đang nối tiếp hình thành mà không bị đàn áp khốc liệt và bị bắt bớ như những năm trước.

Những tín hiệu đó, kết hợp với cuộc hội thảo của Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam vào cuối tháng 8, 2014, phác tả xu thế công đoàn độc lập thay thế dần cho tổ chức công đoàn nhà nước vừa bảo thủ vừa thực dụng đang trở nên một cái gì đó gần như tất yếu.



No comments:

Post a Comment

View My Stats