Lee Edwards / Ģirts
Vikmanis - Latvijas Avizeb
(Pateikt patiesību par komunismu. Saruna ar
fonda “Komunisma upuri” vadītāju Lī Edvardu)
Phạm
Nguyên Trường
dịch qua bản tiếng Nga tại địa chỉ: inosmi.ru
08/11/2013
Lee Edwards, người
đồng sáng lập và Chủ tịch của the Victims of Communism Memorial Foundation.
Nguồn: Latvijas Avizeb
Trong
thời gian ở thăm Latvia, ông Lee Edwards,
chủ tịch Quỹ tưởng niệm các nạn chân của chủ nghĩa cộng sản, đã dành cho tờ Latvijas Avizeb buổi phỏng vấn dưới
đây.
Xin
nói thêm rằng tổ chức The Victims of Communism Memorial Foundation (Quỹ Tưởng
niệm các Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản), do ông lãnh đạo, đang quyên góp tiền
để dựng ở Washington đài tưởng niệm các nạn nhân của ý thức hệ cộng sản.
Ģirts
Vikmanis :
Các ông có ý định xây dựng một đài tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa
cộng sản ở Washington. Tại sao hiện nay đây là công việc quan trọng?
Lee
Edwards :
Chúng ta có thể nói đến 100 triệu nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản trên thế
giới. Đây là số liệu từ tác phẩm của sáu nhà trí thức Pháp, có tên là Chúa trời
đã thua, do nhà xuất bản của Đại học Harvard ấn hành. Bức tường Berlin sụp đổ
cách đây 20 năm, nhiều người nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản đã bị đánh bại, và
chúng ta có thể chắc chắn rằng nó sẽ không bao giờ quay trở lại nữa. Nhưng,
không được quên các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản. Năm 2007, chúng tôi đã
khánh thành bức tượng tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản tại
Washington. Đây là hình ảnh của Nữ thần dân chủ – một bức tượng như thế đã từng
đứng ở quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Chúng tôi đã tạo ra
một bảo tàng ảo về các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, và vừa mới đây đã viết
xong cuốn sách giáo khoa cho các trường trung học. Quỹ tưởng niệm các nạn chân
của chủ nghĩa cộng sản đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu di sản, nghiên
cứu quá khứ, hiện tại và giáo dục. Trên thế giới vẫn còn năm nước cộng sản, và
sự áp bức của các chế độ này cũng vẫn khốc liệt như trước đây. Về bức tượng,
phải nói rằng hàng năm các nhà ngoại giao của nhiều nước vẫn đến thăm, cả những
người đã từng là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản như người Trung Quốc, Việt
Nam, Triều Tiên và Cuba nữa. Luật về tổ chức của chúng tôi được thông qua dưới
trào của tổng thống Dân chủ, Bill Clinton; còn tượng đài khánh thành khi tổng
thống là người thuộc đảng Cộng hòa, George Walker Bush, nắm quyền. Một cách nữa
để chúng ta tưởng nhớ đến tác hại của chủ nghĩa cộng sản là huy chương Truman –
Reagan, tặng cho những người có thành tích trong sự nghiệp chống cộng. Tên của
huy chương có ý nghĩa biểu tượng vì chiến tranh lạnh bắt đầu dưới trào đảng
viên Dân chủ Harry Truman, còn Ronald Reagan, đảng viên Cộng hòa, đã làm được
rất nhiều trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản. Giải được trao lần đầu
tiên năm 1999, và một trong những người nhận đầu tiên là nhà lãnh đạo phong
trào Sąjūdis, đòi độc lập cho Litva, là ông Vytautas Landsbergis.
Ģirts
Vikmanis : Điều gì làm cho các nước vùng Baltic trở
thành đặc biệt, nhất là trong bối cảnh của quá khứ cộng sản?
Lee
Edwards :
Hoa Kỳ đã có mối liên hệ đặc biệt với các nước vùng Baltic, khi Liên Xô chiếm
những nước này, chúng tôi không công nhận việc chiếm đóng và sáp nhập đó. Chính
phủ Mỹ đã đưa ra tuyên bố, gọi là tuyên bố Sumner Welles. Trong bảo tàng, chúng
tôi phải nói với mọi người những câu chuyện dễ hiểu, và đối với các nước vùng
Baltic thì đấy là phong trào Cách mạng hát và Con đường Baltic. Tôi đã đến thăm
Bảo tàng Chiếm đóng ở Riga – Ông Nollendorfs đã làm được một công việc tuyệt
vời và chúng tôi cũng sẽ làm như vậy, chúng tôi được bảo tàng của các bạn khích
lệ rất nhiều. Sẽ có những cuộc triển lãm dành cho từng nước, thí dụ như Nga,
Trung Quốc, sẽ một cuộc triển lãm đặc biệt dành cho các nước vùng Baltic. Ngoài
ra còn có một phòng dành tưởng niệm những anh hùng chống cộng nữa. Chúng tôi có
thể dựng trong bảo tàng một trại tù (Gulag) với những chiếc giường gỗ, và khi
có người vào thì nhiệt độ sẽ tự động giảm xuống. Chúng tôi muốn trưng bày cả
những toa tầu dùng để trục xuất người tới Siberia. Chúng tôi cũng muốn đặt một
tháp canh như trên Bức tường Berlin nữa.
Ģirts
Vikmanis :
Xây bảo tàng như vậy thì cần bao nhiêu tiền và kiếm ở đâu?
Lee
Edwards :
Theo luật pháp Hoa Kỳ, chúng ta không thể yêu cầu nhà nước tài trợ cho đài
tưởng niệm đó. Đài tưởng niệm các nạn nhân của vụ diệt chủng người Do Thái
(Holocaust) ở Washington cũng được xây dựng bằng nguồn vốn tư nhân. Vì vậy,
chúng tôi hy vọng sẽ được các tổ chức xã hội hỗ trợ. Có thể chúng tôi sẽ yêu
cầu chính phủ Mỹ hỗ trợ địa điểm đặt đài tưởng niệm, cũng như thu hút tài trợ
từ nước ngoài. Hungary đã trích ra một triệu, chúng tôi sẽ sử dụng để tạo ra
một nhóm công tác và cho chiến dịch quyên góp. Cần tổng cộng 100 triệu USD, một
nửa làm bảo tàng, một nửa cho tổ chức làm công việc giáo dục. Mục tiêu của
chúng tôi là bắt đầu xây dựng vào năm 2017, kỷ niệm 100 năm cuộc Cách mạng
Bolshevik ở Nga.
Ģirts
Vikmanis :
Khổ đau có thể được đo không chỉ bằng số nạn nhân, mà còn có thể đo bằng
kinh tế và xã hội …
Lee
Edwards :
Chủ nghĩa cộng sản là ngụy khoa học, được ngụy trang như một hệ thống kinh tế
và được thực hiện bằng lực lượng võ trang. Nó được xây dựng trên nền cát ướt.
Chủ nghĩa cộng sản đã gây ra những hậu quả về chính trị, kinh tế và chiến lược.
Không có cộng sản thì chúng tôi đã không có các cuộc chiến tranh Việt Nam và
Triều Tiên rồi. Nếu năm 1939 không có Hiệp ước Molotov- Ribbentrop thì đã không
có Chiến tranh thế giới II. Chúng ta đang chứng kiến hậu quả kinh tế trong các
nước vùng Baltic và Trung Âu – họ đã bị chủ nghĩa cộng sản hành hạ suốt mấy
thập kỉ. Trong khi đó, Tây Âu kinh tế phát triển tốt hơn. Tất cả những người
sống trong thế kỷ XX đều khổ vì chủ nghĩa cộng sản, và chúng ta phải dạy cho
mọi người như thế.
Ģirts
Vikmanis :
Tại Latvia, các nhà khoa học đã tính được những thiệt hại do Liên Xô gây ra
trong thời kỳ chiếm đóng. Có nên yêu cầu Nga bồi thường không?
Lee
Edwards :
Tôi không bình luận về công việc nội bộ của Latvia, đây là vấn đề của nền chính
trị địa phương.
Ģirts
Vikmanis :
Có thể coi chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản là như nhau không?
Lee
Edwards :
Holocaust là độc ác nhất. Chủ nghĩa cộng sản – cũng ác, nhưng chủ nghĩa phát
xít là sự độc ác đặc biệt, không thể nào diễn tả nổi. Tôi xin lưu ý rằng Nghị
viện châu Âu đã chuẩn bị một nghị quyết bày tỏ quan điểm chính trị cả về chủ
nghĩa phát xít lẫn chủ nghĩa cộng sản.
Ģirts
Vikmanis :
Ở Latvia, giáo viên các trường dành cho học sinh nói tiếng Nga đưa trẻ em
đến cái gọi là Tượng đài Chiến thắng và kể cho chúng nghe phiên bản của mình về
lịch sử. Giải quyết vấn đề này như thế nào?
Lee
Edwards :
Trong chế độ dân chủ, không thể cấm người khác nói; nhưng cùng với quyền nói,
còn có trách nhiệm nói sự thật nữa. Bộ Giáo dục, Bộ Quốc phòng và các giáo viên
phải làm chuyện này. Nói rằng Latvia tự nguyện tham gia Liên Xô là không đúng.
Những thứ tôi nhìn thấy trong bảo tàng chiếm đóng là đúng.
Ģirts
Vikmanis :
Người Mỹ đương đại theo ông là như thế nào, họ có hiểu về chủ nghĩa cộng sản
và di sản của hệ tư tưởng của nó không?
Lee
Edwards :
Không phải tất cả người Mỹ đều biết chuyện đó. Khi chúng tôi viết sách cho nhà
trường, bao gồm chủ nghĩa cộng sản của Marx, Mao và cho đến ngày nay, chúng tôi
gửi cho giáo viên khắp cả nước. Họ cảm thấy thú vị. Cần dạy không chỉ học sinh
về những vấn đề của chủ nghĩa cộng sản, mà còn phải dạy cả giáo viên nữa.
Ģirts
Vikmanis :
Ông cho rằng ai là những người anh hùng trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa
cộng sản?
Lee
Edwards :
Đó là Vaclav Havel, Lech Walesa, Andrei Sakharov, Giáo hoàng Gioan Phaolô II –
đấy là bốn chiến sĩ tuyệt vời, nhưng còn nhiều người khác nữa.
Ģirts
Vikmanis :
Việc bổ nhiệm Karol Wojtyla làm Giáo Hoàng có phải là bước đi mang tính
chiến thuật của Vatican trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản hay không?
Lee
Edwards :
Ngài là một linh mục và hồng y sống dưới chế độ cộng sản, và đã kinh nghiệm tất
cả ngay trên cơ thể của mình. Chuyến đi đầu tiên của Ngài tới Ba Lan sau khi
trở thành Giáo Hoàng là có tính biểu tượng, trong thời gian đó Ngài nhấn mạnh:
“Đừng sợ.” Câu nói đó đã khuyến khích mọi người, phong trào “Đoàn kết” được
thành lập. Ba Lan trở thành tấm gương. Âm mưu ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II cho thấy ảnh hưởng chính trị của Ngài lớn đến mức nào.
Ģirts
Vikmanis :
Thách thức đối với chủ nghĩa cộng sản hiện nay là gì?
Lee
Edwards :
Cho đến nay, còn năm nước cộng sản. Với bốn nước là Lào, Việt Nam, Trung Quốc
và Cuba, chúng ta có thể làm việc: nói về vi phạm nhân quyền và áp dụng những
biện pháp trừng phạt kinh tế. Có thể trao giải thưởng cho các nhà hoạt động.
Bắc Triều Tiên là chuyện khác, đấy là nhà nước toàn trị tách biệt hẳn với thế
giới. Thách thức lớn nhất hiện nay là giáo dục. Nhờ công nghệ hiện đại, nói sự
thật dễ dàng hơn trước rất nhiều. Trang web của chúng tôi có hàng ngàn người
đọc, trong đó có người Trung Quốc, người Việt Nam và người Cuba. Ngay cả Trung
Quốc, với 80 triệu đảng viên, cũng không thể có ảnh hưởng tới toàn bộ dân số là
1,3 tỷ người. Tự do sẽ vượt qua tất cả.
Cuộc trò chuyện do
nhà báo Ģirts Vikmanis thực hiện.
Xem video cuộc phỏng
vấn :
Nguồn
bản gốc:
Pateikt
patiesību par komunismu
Phạm
Nguyên Trường
dịch
Nguồn
bản dịch: phamnguyentruong.blogspot.com
Được
đăng bởi bauxitevn vào lúc 05:33
No comments:
Post a Comment